Hò Giã Gạo

2024/12/19

ViệtNam-Disản

Công ty TNHH Kế toán - Kiểm toán AGS nằm trong hàng đầu những đơn vị chuyên cung cấp các dịch vụ Kế toán, Kiểm toán, và tư vấn thuế tài chính. Cùng với chất lượng dịch vụ tốt và uy tín, Công ty đã có nhiều kinh nghiệm trong ngành nghề, để phục vụ công việc thì các kiến thức liên quan đến ngành nghề là điều vô cùng cần thiết cho mỗi cá nhân trong tập thể. Hôm nay Công ty AGS sẽ giới thiệu đến các bạn một di sản văn hóa phi vật thể đó chính là hò Giã Gạo, một trong những di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam được lưu truyền và bảo tồn qua nhiều thế hệ dân tộc, nay chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu những giá trị cốt lõi và vẻ đẹp của di sản văn hóa của Việt Nam.

1. Nguồn gốc hò giã gạo

Hò giã gạo, một loại hình dân ca, một biểu hiện văn hoá dân gian phổ biến ở nhiều địa phương trong nước. Sở dĩ có tên gọi hò giã gạo vì điệu hò này sản sinh từ nhịp điệu lao động giã gạo và quan hệ hình thức của công việc này. Hò giã gạo có thể ra đời khá lâu, muộn nhất là vào thời văn hoá Đông Sơn mà dấu vết là hình người chèo thuyền, giã gạo, thổi kèn được khắc hoạ trên mặt trống đồng. Hò giã gạo gắn với việc giã gạo bằng chày tay hoặc chày vồ nhưng ít nghe giọng hò câu hát gắn với chày tay nhất là ở đồng bằng bởi loại chày dài, động tác giã khó khăn, nhọc nhằn. Trái lại, giã gạo bằng chày vồ thì thoải mái và tương đối nhẹ nhàng, thuận lợi cho việc hò hát. Vì vậy, cũng ở trong thang âm ngũ cung, hò, xư, sang, xê, công của âm nhạc truyền thống dân tộc, nhưng làn điệu của giọng hò câu hát chắc khoẻ, tươi mát, dồn dập chan hoà với nhịp điệu của tiếng chày râm ran, phổ biến nhiều địa phương ở miệt đồng bằng mà Thừa Thiên - Huế là một trong những địa chỉ điển hình. Do tình hình công nghiệp hoá, những thập niên của cuối thế kỉ XX, hò giã gạo gần như tách rời khỏi môi trường sinh ra nó và đang trên đà trở thành một loại hình dân ca sân khấu dân gian trong những dịp lễ hội ở nông thôn và đô thị.

2. Hình thái hò giã gạo

Hầu hết các làng xã ở Thừa Thiên - Huế gọi tắt là Huế, cũng như các tỉnh Bắc Trung Bộ, hò giã gạo thường đi đôi với công việc giã gạo diễn ra ở các điền chủ hoặc ở những nhà của người bán hàng xáo (1). Cũng có những trường hợp đến khi gạo hết, nhưng cuộc hò còn nhiều hứng thú, người ta cho trú (trấu) vào cối thay thế gạo để cuộc hò được tiếp diễn đôi khi kéo dài đến thâu đêm. Do cái sôi nổi, hào hứng của làn điệu và diễn xướng, do tính thẩm mĩ vừa trữ tình vừa hài hước của lời hò, từ hò giã gạo gắn với lao động trong làng, xã đã dẫn đến công diễn hò giã gạo ở huyện, tỉnh và đô thị Huế nhiều thập niên với tư cách là một loại hình văn nghệ có tính chất sân khấu. ở môi trường này, nghệ nhân cầm cây gõ vào cối thay cho nhịp chày trong đó có “Cuộc hò khoan giã gạo có treo giải thưởng tại hội chợ Huế đêm 25 tháng 2 năm Kỉ Mão (14.4.39)” (Ưng Bình Thúc Giạ Thị, Bán buồn mua vui, 1954, tr.56).
Hò giã gạo miền Trung, đặc biệt ở Huế đã hình thành nhiều thế kỉ và có thể phát triển vào đầu thế kỉ XX cho nên có tính ổn định và phổ biến về làn điệu, thể thức diễn xướng và kết cấu. Vì vậy, ngoại trừ một số trường hợp trình diễn sân khấu có tính tổ chức, hầu hết hò giã gạo diễn ra trong lao động và thực tiễn đời sống xã hội cho nên có tính tuỳ tiện. Trước hết, về thời điểm tuy thường hò giã gạo lúc về đêm, nhưng không quy định về giờ, ngày, tháng như các loại hình nghệ thuật sân khấu hoặc như hát quan họ, “đến hẹn lại lên”, như các hình thức hát trong lễ hội mùa xuân ở miền Bắc, “Nhớ ngày mồng 7 tháng ba, trở về hội Láng trở ra hội Thầy”. Về địa điểm cũng vậy, có thể trong nhà, ngoài cươi (sân), nơi sân đình, ở góc chợ... Hò giã gạo là một loại hình văn nghệ không chuyên nên không có ông bầu hay đạo diễn mà diễn viên là những nông phu, nông phụ, trai gái trong làng tự nguyện làm thành viên cối hò lúc giã gạo cũng như lúc rảnh rỗi nghỉ ngơi. Đó là những người có năng khiếu văn nghệ, có giọng hò, câu hát, có tài ứng đối điêu luyện mà trong mỗi làng, mỗi xã chỉ có chừng năm, ba người. Họ trở thành danh ca dân gian không thông qua trường lớp mà do trường đời đào tạo. Khán thính giả là những người cùng lao động, những người trong xóm, trong làng tụ tập xung quanh cối hò ở dưới mái hiên, nơi bờ dậu, cạnh hàng cau, khóm chuối và xa hơn nữa là dưới luỹ tre làng.

3. Kết cấu một buổi hò giã gạo hoàn chỉnh

Dù diễn ra ở môi trường nào, một buổi hò giã gạo hoàn chỉnh ở Huế vận động theo một kết cấu ổn định và chặt chẽ về tổ chức diễn xướng cũng như về thể thức trình diễn.
Về tổ chức diễn xướng: Một cối hò thường có 4 nghệ nhân (2 nam và 2 nữ) hình thành hai đôi hò khác giới tính: một đôi nam nữ hò ân tình, một đôi nam nữ hò đâm bắt. Đôi hò ân tình xoay quanh chủ đề trữ tình, họ như là một đôi trai gái thổ lộ tình cảm, niềm thương nỗi nhớ trong quan hệ lứa đôi, vợ chồng. Đôi hò đâm bắt, ở Nam Bộ gọi là quăng bắt thể hiện tiếng nói trêu ghẹo, khiêu khích, châm chọc lẫn nhau trong quan hệ tình cảm lứa đôi. Lời thơ hò giã gạo thường là những bài thơ dân gian (ca dao dân ca) truyền thống hay ứng tác hoặc có thể phỏng theo các truyện Phạm Công Cúc Hoa, Lâm Sanh Xuân Nương, Kiều, Lục Vân Tiên để hò hát. Mỗi đôi hò đối đáp với nhau trong phạm vi chủ đề của mình không trực tiếp mà luân phiên xen kẽ nhau theo công thức: Ân tình - Đâm bắt - Ân tình - Đâm bắt.
Về thể thức và trình tự diễn xướng: Làn điệu hò giã gạo ở trong hệ thống thang âm điệu thức âm nhạc truyền thống dân tộc. Trong quá trình diễn xướng không có âm nhạc phụ hoạ chỉ có những tiếng trống khen tặng, những câu hò đối ứng hấp dẫn, lí thú. Loại hò này trình diễn theo hình thức đồng diễn đa xướng gồm hai vế xướng và xô. Vế xướng do một cá nhân đảm trách nhưng không cố định hoá mà những thành viên trong cối hò luân phiên tham gia diễn xướng theo thể thức đối đáp từng đôi một. Vế xô cho tập thể đáp ứng bằng những tiếng đệm “hồ hô hô hồ”, nét đặc trưng về âm điệu của hò giã gạo. Trình tự một buổi hò giã gạo hoàn chỉnh diễn tiến theo ba chặng liên quan với nhau là hò mời chào, hò vào cuộc, hò từ tạ.
A. Hò mời chào: Hò mời chào cũng có thể gọi là phần hò mở đầu, lời hò hàm chứa nội dung mời gọi và chào hỏi khán thính giả. Chặng hò này có tính chất nghi thức thay cho lời thưa gởi, khai mở buổi hò cho nên lời hò mở đầu thường dành cho người lớn tuổi hay nghệ nhân đã có danh tiếng trong giới hò.
- Hò chào hỏi: Lời hò giã gạo trong đó có hò chào hỏi ít hoa mĩ, chải chuốt mà nôm na, mộc mạc nhưng vẫn hào hứng, tươi mát, trữ tình bởi đó là tiếng lòng của cộng đồng làng xóm, họ hàng ở nông thôn.
Xướng:

Hồ hô hô hồ... Mở lời chào, tui chào làng, chào xóm, chào họ, chào hàng.

Xô: Hô hô hô hồ...

Xướng:

Hô hô hô hồ... Tui đây là khách qua đàng, thấy cái kiểng vui rồi vào nhỡi.

Xô: Hô hô hô hồ...

Xướng:

Hô hô hô hồ... Thấy cái kiểng vui vào nhỡi, chớ không dám luận bàn chương với văn lờ chương.

Xô:

Hô hô hô hồ...

Lời thơ

Mở lời chào, tui xin chào làng, chào xóm, chào họ, chào hàng
Tui đây là khách qua đàng
Thấy kiểng vui vào nhỡi, không dám luận bàn văn chương.

Cùng một lề lối diễn xướng như trên, buổi hò tiếp tục có thể bằng những lời thơ dưới đây:

Hoặc lời hò chào hỏi cũng có thể là:
Mở lời chào, tui xin chào nam, chào bắc chưa chắc chào ai
Chào người ngang vế ngang vai
Chào người quân tử, chào gái thuyền quyên trong buổi hò.

B. Hò vào cuộc: Sau hò chào hỏi thì kế tục là chặng hò chính thức, trọng tâm của buổi hò. Mỗi thành viên của cối hò theo chủ đề của mình luân phiên diễn xướng đối đáp với nhau mà các nghệ nhân đã quy ước.

Đôi hò ân tình:

Đôi này hò đối đáp với nhau trong quan hệ tình cảm tương hợp, trong nhịp lòng đồng điệu, hoà quyện vào nhau mà không xung khắc, đối chọi. Đó là những tâm trạng bâng khuâng, vui buồn, những niềm thương nỗi nhớ trao gởi cho nhau để cùng nhau san sẻ. Nội dung đối đáp như một chuyện tình lứa đôi trong đời thường được thi vị hoá như một kịch bản ở dạng lời ca giọng hò.

Nữ: Em tới đây đất nước nhà ngươi
Quê hương nhà bạn không biết vui cười với ai

Nam: Em đã tới đây thì anh thưa với xóm, với phường
Để cho người lạ ngụ đương đây cùng.

Nữ: Thiếp với chàng vô can vô cớ
Bắt lấy chữ tình thiếp nhớ chàng thương
Tưởng là vạn thọ vô cương
Té mô hay chàng Nam, thiếp Bắc thảm trăm đường chàng ơi

Nam: Thiếp với chàng Bắc, Nam hai ngả
Nay chự chừ hữu xạ tự nhiên hương
Gặp em đây anh cũng muốn gá nghĩa cang thường
Sợ thầy với mẹ đã vấn vương cho em rồi.

Nữ: Núi Ngự Bình trước tròn sau méo
Sông An Cựu nắng đục mưa trong
Trách ai một dạ hai lòng
Em ôm duyên thủ tiết long đong đợi chờ

Nam: Núi Ngự Bình trước tròn sau méo
Sông An Cựu nắng đục mưa trong
Bởi vì thầy với mẹ lánh đục tìm trong
Nên chi duyên chàng nợ thiếp long đong mãi hoài.

Nữ: Chim trong lồng còn thương cây nhớ cội
Người xa người tội lắm người ơi!
Nỏ thà không chộ (thấy) thì thôi
Chộ rồi đôi đứa đôi nơi thật thảm sầu

Nam: Cầu Trường Tiền mười hai vài sáu nhịp
Anh qua không kịp tội lắm em ơi
Mấy lâu ni chịu tiếng mang lời
Dẫu xa nhau ngàn dặm, dạ vẫn bồi hồi nhớ thương.

Nam: Tai anh nghe thầy mẹ bán gả em đi
Cũng bằng đưa dao vô cắt ruột anh thì em ơi

Nữ: Ví dầu thầy mẹ nhận lễ một trăm mâm
Em cũng xin trả lại để kết nghĩa tri âm với chàng.

Cũng trong chủ đề ân tình, nghệ nhân có thể chuyển qua hò tuồng, hò truyện. Trong trường hợp này, đôi hò ân tình đóng vai các nhân vật trong truyện để đối đáp tình cảm với nhau.

Nam: Trọng với Kiều có mấy lời y ước
Kiều với Trọng hẹn nước thề non
Ai hay đâu không đặng chữ vuông tròn
Đó quên tình chồng nghĩa vợ, bán phấn mua son
mà phỉnh chàng

Nữ: Vì thằng bán tơ vu hoạ thình lình
Song thân khổ luỵ, thiếp phải liều mình
Thiếp đây không phải người say hoa đắm nguyệt mà phụ tình chàng Kim.

Nữ: Chiếc xuyến vàng đưa người bạn ngọc
Khăn vuông hồng xếp lại trao tay
Số phận Kiều sống đoạ thác đày
Chốn Liêu Dương, Kim Trọng có thấu nỗi này cho không

Nam: Xưa kia Kim Trọng trao trâm gởi quạt
Mười lăm năm man mác nhớ thương
Nay chừ Kim Trọng gặp lại Kiều nương
Nhớ trâm, quạt gởi chén rượu quỳnh hương thuở nào

Đôi hò đâm bắt:

Xen kẽ với đôi hò ân tình, đôi hò đâm bắt diễn xướng đối đáp nhau trong quan hệ tương khắc. Nội dung lời hò hàm chứa ý nghĩa khiêu khích, châm biếm, thách đố lẫn nhau qua các hình thức đối đáp, đố đáp. Đôi hò này như thể hiện cái hài bên cạnh cái “bi” (tạm gọi) của chuyện tình lứa đôi.

- Đối đáp:

Nam: Túi trời không biết bạn là ai
Cho tui chào chung một tiếng sớm mai lại nhìn

Nữ: Ngọn đèn liu lít bất nhân
Răng anh không khêu cho tỏ để thấy nghĩa nhân mà chào.

Nữ: Chi anh mà chính chính hầu hầu
Sớm mai em đi ngang cửa ngọ thấy anh ăn canh bầu trừ cơm

Nam: Anh ăn cháo gà, cháo vịt, cháo thịt bồ câu
Buổi tháng năm khô hạn, ăn canh bầu cho mát răng.

Nữ: Mẹ ra đi cửa song loan trên đóng dưới cài
Anh thương em chi cho lắm cũng đứng ngoài ngó vô

Nam: Mẹ ra đi cửa khoá niêm phong
Hai đứa mình thương nhau thì cứ đồng lòng mở ra.

Nam: Trai làng ở qúa còn đông
Can chi em bậu lấy chồng đàng xa

Nữ: Trai làng chê khó không dùng
Nên chi em bậu bạn cùng đàng xa.

Nam: Chiều chiều xách giỏ đi câu
Nghe đây nhiều cá ngồi lâu cũng cắn mồi

Nữ: Chỗ này có con cá gáy hoá rồng
Tài như ông Lã Vọng cũng vác cần không trở về

Nam: Chỗ này có con cá thiên tinh
Ai câu không đặng để mình câu cho

Nữ: Một lưỡi câu vàng, một sợi gứt non
Anh câu thì đặng, sợ cần von khó lần

Nam: Tay cầm cần câu gãy, vai mang oi vịt xài
Tay móc mồi tép chết, anh câu hoài bến ni

Nữ:Cần trúc, ống trắc, lưỡi câu sắt, chỉ Tàu không câu đặng
Huống chi anh cần tơ, chỉ vải chờ hoài cho uổng công

Nam: Cần trúc, ống trắc, lưỡi câu sắt, chỉ nọ tơ Tàu
Anh đã câu cá rô biển thì cá rô bàu sá chi.
...
- Đố đáp:

Nữ: Cây chi trên rừng không lá, con cá chi dưới biển không xương
Trai nam nhơn đáp đặng, thhiếp xin gá nghãi tào khương với chàng

Nam: Cây xương rồng trên rừng không lá, con sứa dưới biển không xương
Trai nam nhơn đáp đặng, thiếp phải gá nghĩa cương thường với anh

Nữ: Tiếng đồn anh hay chữ, cho em hỏi thử đôi lời
Ngày xưa ai câu sông Vịnh, ai cày núi Lịch Sơn

Nam: Em hỏi ra anh đà đáp lại
Ngày xưa vua Nghiêu câu sông Vịnh, vua Thuấn cày núi Lịch Sơn

C. Hò từ tạ: Sự gặp gỡ nào rồi cũng phải chia tay, buổi hò giã gạo cũng vậy, nhưng lúc chia tay bao giờ cũng dùng dằng, lưu luyến. Hò từ tạ vừa phản ánh tâm trạng ấy, vừa hi vọng ngày tái ngộ trong những buổi sinh hoạt hò hát và trên những nẻo đường đời.

Nữ: Sao hôm đã lặn, sao mai đã mọc anh tề
Thôi thời bớt hò nhân nghĩa cho em về kẻo khuya

Nam: Ra về răng dứt mà về
Bỏ thương bỏ nhớ bỏ lời thề cho ai

Nữ: Ra về nhớ nghĩa em không
Hay thuận buồm xuôi gió biệt mông xa chừng

Nam: Trăng lên đến đó bạn tề
Ta chưa nói chi được bạn về bỏ ta

Hò giã gạo không chỉ dừng lại trong ý nghĩa lao động và sinh hoạt giải trí ở nông thôn mà còn bao hàm nhiều ý nghĩa thâm sâu.
Trước hết đó là một sinh hoạt văn nghệ dân gian truyền thống hàm chứa các khía cạnh âm nhạc, văn chương, nghệ thuật trình diễn, một kịch bản có tính thẩm mĩ không đơn điệu mà vừa trữ tình sâu lắng vừa hứng thú sôi nổi. Hò giã gạo cũng còn là một biểu hiện của nền văn minh nông nghiệp trồng lúa nước; nó ghi lại những dấu ấn lịch sử văn hoá của quá khứ; nó phản ánh tính hợp quần của dân tộc trong lao động cũng như trong những mối quan hệ xã hội khác. Dưới cái nhìn văn hoá học, một buổi hò giã gạo hoàn chỉnh có tính chất sân khấu cũng còn thể hiện một khía cạnh của quy luật phát triển văn học - nghệ thuật của cộng đồng dân tộc.
Trong thời hiện đại, nghề nông cũng như nhiều nghề thủ công khác hầu như đã cơ giới hoá, từ đó dẫn đến một số hình thức văn nghệ liên quan với lao động như trôi vào dĩ vãng. Do vậy, các nhà nghiên cứu cũng như mọi tầng lớp nhân dân không những có ý thức bảo tồn mà còn phát triển những di sản văn hoá dân tộc khi còn chưa quá muộn.

Công ty AGS cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết của chúng tôi. Hi vọng bài viết có thể cung cấp cho bạn sẽ có những thông tin bổ ích trong cuộc sống và công việc, và mở ra cho các bạn thêm những góc nhìn mới hơn về các vấn đề trong ngành nghề cũng như là các giá trị văn hóa của hai dân tộc Việt Nam - Nhật Bản. Hãy tiếp tục theo dõi chúng tôi đễ có thêm những thông tin bổ ích khác và cơ hội việc làm cực hấp dẫn tại Công ty AGS nữa nhé.

Thông tin khác

Thông tin tuyển dụng và hướng dẫn

Tổng hợp

Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ