Đến nay, đã có 120 nhà cung cấp nước ngoài đến từ nhiều quốc gia thực hiện kê khai, nộp thuế tại Việt Nam. Tổng số thuế các nhà cung cấp nước ngoài đã khai, nộp trong năm 2024 là 8.687 tỷ đồng, bằng 126% so với số thu cùng kỳ năm 2023. Kết quả đạt được chỉ là bước đầu, nguồn thu từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới còn dư địa lớn để khai thác. Thời gian tới, ngành Thuế tiếp tục đổi mới phương thức quản lý thuế phù hợp với tinh thần đổi mới, sáng tạo trong kỷ nguyên chuyển đổi số.
Cùng AGS tìm hiểu kĩ hơn về chủ đề này qua bài viết dưới đây nhé.
1.Đã thu được hơn 20 nghìn tỷ đồng từ các "ông lớn"
Chia sẻ về kết quả đạt được trong công tác quản lý thuế hoạt động thương mại điện tử (TMĐT), kinh doanh trên nền tảng số, đại diện Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho biết, để có cơ sở pháp lý về quản lý thuế nhà cung cấp ở nước ngoài (NCCNN) không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, Tổng cục Thuế đã chủ động báo cáo Bộ Tài chính để trình Quốc hội, Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật để làm căn cứ thực hiện.
Cùng với việc tham mưu hoàn thiện chính sách, ngày 21/3/2022, Tổng cục Thuế đã xây dựng và chính thức đưa vào vận hành Cổng thông tin điện tử (TTĐT) dành cho NCCNN. Cổng TTĐT tạo điều kiện thuận lợi cho các NCCNN chủ động thực hiện quyền đăng ký, kê khai, nộp thuế trực tiếp, qua đó tiết kiệm chi phí, thời gian, giảm thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả kinh doanh trong thời đại kinh tế số.
Sửa các quy định phù hợp thời đại kinh tế sốCùng với đó, ngành Thuế đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 30/5/2023 về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển TMĐT, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ.
Tổng cục Thuế đang tiếp tục tổng hợp kinh nghiệm quốc tế và rà soát mô hình hoạt động của các tập đoàn công nghệ lớn, tham mưu báo cáo các cấp có thẩm quyền đàm phán để sửa đổi, bổ sung các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, phù hợp với đặc điểm của các mô hình kinh doanh trong nền kinh tế số, tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh, công bằng giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Đến nay Bộ Công an và Tổng cục Thuế đã hoàn thành trên 90% việc rà soát, đồng bộ cơ sở dữ liệu (CSDL) của Bộ Công an với CSDL về mã số thuế. Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Ngân hàng Nhà nước đã bước đầu hoàn thành việc chia sẻ CSDL cho Tổng cục Thuế, bao gồm dữ liệu của 929 website cung cấp dịch vụ TMĐT; dữ liệu về 130 tổ chức hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, quảng cáo, phát thanh truyền hình; dữ liệu về 168,3 triệu tài khoản thanh toán gồm 12,9 triệu tài khoản của tổ chức và trên 155,4 triệu tài khoản của cá nhân tại 96 ngân hàng thương mại.
Nhờ triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý, kết quả sau hơn 2 năm triển khai, đến nay có 120 NCCNN đã đăng ký, kê khai và nộp thuế qua Cổng TTĐT. Các NCCNN trên đến từ nhiều quốc gia như: Hoa Kỳ, Hà Lan, Hàn Quốc, Singapore, Hong Kong, Ireland, Lithuania, Thụy Sĩ, Úc, Anh...
Kể từ thời điểm triển khai vận hành Cổng TTĐT dành cho NCCNN, tổng số thu NSNN từ các NCCNN là 20.261 tỷ đồng, trong đó: Số thu năm 2022 là 3.478 tỷ đồng; số thu năm 2023 là 8.096 tỷ đồng; số thu 10 tháng năm 2024 đạt 8.687 tỷ đồng.
2. Còn nhiều dư địa khai thác
Với quy mô TMĐT xuyên biên giới được định giá hàng chục tỷ USD và Việt Nam được đánh giá thuộc nhóm 10 nước có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới, Tổng cục Thuế cho rằng, những kết quả nêu trên chỉ là bước đầu, nguồn thu từ hoạt động kinh doanh TMĐT xuyên biên giới còn dư địa lớn để khai thác.Để nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT xuyên biên giới, bên cạnh các giải pháp được quản lý thuế đang thực hiện, năm 2025 và các năm tiếp theo, Tổng cục Thuế tiếp tục hệ thống hóa các vấn đề lý luận và thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế trong quản lý thuế đối với TMĐT, từ đó tham mưu, đề xuất các giải pháp xây dựng chính sách thuế đối với hoạt động TMĐT tại Việt Nam.
Theo đó, Tổng cục Thuế sẽ dự thảo một số quy định trình Bộ Tài chính để trình các cấp có thẩm quyền ban hành, hoặc ban hành theo thẩm quyền, như: dự thảo quy định cho phép các NCCNN được đăng ký sử dụng hệ thống hóa đơn điện tử, một mặt giải quyết vướng mắc về việc khấu trừ thuế GTGT đầu vào của tổ chức trong nước, mặt khác quản lý chặt chẽ hơn hoạt động kinh doanh của NCCNN. Ngoài ra, dự thảo quy định yêu cầu các nhà quản lý sàn TMĐT, nhà quản lý nền tảng số khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế của cá nhân, hộ kinh doanh; bổ sung quy định theo hướng quy định các NCCNN có trách nhiệm cung cấp thông tin định kỳ về các tổ chức, cá nhân Việt Nam có giao dịch thanh toán cho NCCNN...
Đồng thời, ngành Thuế tiếp tục đổi mới phương thức quản lý phù hợp với tinh thần đổi mới, sáng tạo trong kỷ nguyên chuyển đổi số như: Xây dựng CSDL big data từ các các ngân hàng, các ví điện tử, các đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến, các tổ chức thẻ quốc tế, nghiên cứu áp dụng công nghệ (trong đó có AI) nhận diện thanh toán của hoạt động TMĐT xuyên biên giới; nhận diện NCCNN có phát sinh doanh thu tại Việt Nam nhưng chưa đăng ký thuế để đưa vào diện quản lý thuế.
Tổng cục Thuế tiếp tục phân tích cơ sở dữ liệu NCCNN kê khai, nộp thuế qua Cổng TTĐT dành cho NCCNN; CSDL kê khai các tổ chức Việt Nam khấu trừ, nộp thay NCCNN trong hệ thống quản lý thuế tập trung (TMS) và kết hợp dữ liệu từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xây dựng kế hoạch và tổ chức thanh kiểm tra trọng điểm đối với tổ chức Việt Nam khấu trừ thay NCCNN tại Việt Nam.
Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách mới, xây dựng chương trình tuyên truyền đến các NCCNN để kịp thời nắm bắt, hiểu và tuân thủ quy định pháp luật thuế tại Việt Nam.
PGS. TS LÊ XUÂN TRƯỜNG - TRƯỞNG KHOA THUẾ - HẢI QUAN (HỌC VIỆN TÀI CHÍNH): Số hoá ở mức hiện đại nhất để quản lý thuế thương mại điện tử
Cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế đầy đủ, cụ thể, áp dụng đối với từng chủ thể, nhằm đảm bảo phù hợp với các thông lệ quốc tế, phù hợp với các đặc thù của Việt Nam.
Để quản lý thuế hoạt động thương mại điện tử (TMĐT), kinh doanh trên nền tảng số hiệu quả nhất, cần bổ sung quy định pháp luật theo hướng tăng cường trách nhiệm của tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT, yêu cầu sàn giao dịch TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến có trách nhiệm khấu trừ khai thuế thay, nộp thuế thay cho các cá nhân kinh doanh trên sàn giao dịch TMĐT...
Đặc biệt, cần phải số hoá ở mức hiện đại nhất để quản lý hoạt động TMĐT, nhằm mang lại hiệu quả quản lý tốt nhất, góp phần xây dựng một xã hội số minh bạch hơn, thuận tiện và giảm thời gian, chi phí tuân thủ cũng như những rủi ro cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là người nộp thuế kinh doanh TMĐT./.
PGS. TS ĐINH TRỌNG THỊNH - CHUYÊN GIA KINH TẾ: Nắm bắt các hình thức kinh doanh mới để quản lý thuế
Sự phát triển bùng nổ cùng nhiều hình thức mới của hoạt động TMĐT đặt ra những thách thức mới với cơ quan thuế trong công tác quản lý thuế, nhất là việc người kinh doanh lợi dụng các kẽ hở về quản lý để trốn thuế. Bài toán đặt ra là làm gì để chống thất thu ngân sách đi đôi bảo đảm công bằng về nghĩa vụ thuế trong lĩnh vực này.
Giải pháp là cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là trong các lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc nhà nước nhằm tạo thuận lợi cho người nộp thuế, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, góp phần thu đúng, thu đủ, thu kịp thời cho ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, cần tiếp tục mở rộng triển khai hóa đơn điện tử, tăng cường việc kiểm tra, giám sát hoạt động xuất cấp hóa đơn tại các doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh. Kịp thời nắm bắt các hình thức kinh doanh mới trong TMĐT, tăng cường kiểm tra, giám sát quản lý chặt chẽ nguồn thu từ các giao dịch TMĐT, nhà cung cấp nước ngoài..., và xử lý nghiêm những trường hợp trốn thuế, gian lận thương mại./.
ÔNG TRẦN MẠNH NAM - GIÁM ĐỐC KHỐI DOANH NGHIỆP VNPAY: Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu lớn làm căn cứ quản lý thuế
Việc phát triển của thanh toán điện tử luôn đi song hành với phát triển thương mại điện tử (TMĐT). Trong 5 năm gần đây, thanh toán điện tử phát triển vượt bậc với rất nhiều các phương thức thanh toán. Người dân hiện nay có thể sử dụng thanh toán điện tử trong hầu hết các nhu cầu thanh toán của họ. Theo đó, nên bóc tách đâu là dòng tiền thương mại và dòng tiền phi thương mại của các chủ sở hữu để từ đó, cơ quan thuế có thể xác định được đâu là trách nhiệm thuế, đâu là nghĩa vụ thuế của các đơn vị tham gia bán hàng.
Để quản lý thuế hiệu quả, việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu lớn rất cần thiết. Tuy nhiên, cần nhìn nhận rằng đó là một hệ thống phức tạp, đòi hỏi nghiệp vụ chi tiết. Theo đó, có thể chia công việc thành các giai đoạn khác nhau. Trong giai đoạn đầu tiên, có thể lựa chọn những thông tin cơ bản, thông tin đơn giản để có thể hình thành thông tin của một doanh nghiệp. Ví dụ như mã số thuế, tài khoản thụ hưởng, các thông tin liên quan... Từ đó, có các căn cứ cho cơ quan quản lý thuế có thể quản lý, nắm bắt được thông tin.
Công ty AGS cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc bài viết này. Hy vọng bạn đã có được những thông tin bổ ích. Hãy tiếp tục theo dõi chúng tôi để cập nhật thêm nhiều thông tin cũng như cơ hội việc làm tại AGS nhé.
Thông tin khác
Thông tin tuyển dụng và hướng dẫn
AGS luôn mở rộng cánh cửa cho những ứng viên muốn thử thách bản thân trong lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán - Ngôn ngữ Nhật - Pháp lý - Nhân sự. Xem chi tiết bài viết để biết thêm về Thông tin tuyển dụng tại AGS bạn nhé!
Nguồn: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/doi-moi-phuong-thuc-quan-ly-thue-phu-hop-voi-ky-nguyen-so-166898-166898.html