Thành phố Đà Nẵng

2024/12/05

ViệtNam-Tỉnhthành

Công ty TNHH Kế toán - Kiểm toán AGS nằm trong hàng đầu những đơn vị chuyên cung cấp các dịch vụ Kế toán, Kiểm toán, và tư vấn thuế tài chính. Cùng với chất lượng dịch vụ tốt và uy tín, Công ty đã có nhiều kinh nghiệm trong ngành nghề, để phục vụ công việc thì các kiến thức liên quan đến ngành nghề là điều vô cùng cần thiết cho mỗi cá nhân trong tập thể. Hôm nay Công ty AGS sẽ giới thiệu đến các bạn một thành phố cực kì nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam mà còn khắp thế giới, với địa thế địa lý thuận tiện và sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên, bảo tồn các giá trị lịch sử hiệu quả, thu hút các giới siêu giàu những nguyên thủ các quốc gia cũng chọn đây là nơi gặp gỡ và giao lưu cùng nhau, địa điểm đó chính là thành phố Đà Nẵng.

Giới thiệu chung về Đà Nẵng

Đà Nẵng là một trong sáu thành phố trực thuộc trung ương của Việt Nam, nằm tại vùng Duyên hải Nam Trung Bộ. Đây là thành phố trung tâm và lớn nhất của toàn bộ khu vực Miền Trung, đóng vai trò là hạt nhân quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung. Thành phố Đà Nẵng hiện là đô thị loại I, là thành phố trung tâm cấp vùng và cấp quốc gia.
Về mặt địa lý, Đà Nẵng nằm ở trung độ của Việt Nam, có vị trí trọng yếu cả về kinh tế – xã hội và quốc phòng – an ninh với vai trò là trung tâm công nghiệp, tài chính, du lịch, dịch vụ, văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của khu vực Miền Trung, Tây Nguyên và cả nước; trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế. Đà Nẵng cũng là đô thị biển và đầu mối giao thông rất quan trọng về đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không.
Trong những năm gần đây, Đà Nẵng tích cực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường, nâng cao an sinh xã hội và được đánh giá là thành phố đáng sống nhất Việt Nam. Năm 2018, Đà Nẵng được chọn đại diện cho Việt Nam lọt vào danh sách 10 địa điểm tốt nhất để sống ở nước ngoài do tạp chí du lịch Live and Invest Overseas (LIO) bình chọn.

Lịch sử thành phố Đà Nẵng

Giữa thế kỷ XVI, khi Hội An đã là trung tâm buôn bán sầm uất ở phía Nam thì Đà Nẵng mới là vị trí tiền cảng, trung chuyển hàng hóa, tu sửa tàu thuyền.
Đầu thế kỷ XVIII, vị trí tiền cảng của Đà Nẵng dần dần trở thành thương cảng thay thế cho Hội An, nhất là khi kỹ thuật đóng tàu ở châu Âu phát triển với những loại tàu thuyền lớn, đáy sâu, ra vào vịnh Đà Nẵng dễ dàng.
Năm 1835, khi vua Minh Mạng có dụ: 'Tàu Tây chỉ được đậu tại cửa Hàn, còn các cửa biển khác không được tới buôn bán' thì Đà Nẵng trở thành một thương cảng lớn bậc nhất miền Trung. Tiểu thủ công nghiệp địa phương phát triển với những ngành sửa chữa tàu thuyền, sơ chế nông lâm hải sản; dịch vụ thương mại cũng phát đạt.
Sau khi xâm chiếm toàn bộ đất nước ta vào năm 1889, thực dân Pháp tách Đà Nẵng khỏi Quảng Nam và đổi tên thành Tourane, chịu sự cai quản trực tiếp của Toàn quyền Đông Dương.
Đầu thế kỷ XX, Tourane được Pháp xây dựng trở thành một đô thị theo kiểu Tây phương. Cơ sở hạ tầng xã hội, kỹ thuật sản xuất được đầu tư. Các ngành nghề sản xuất và kinh doanh được hình thành và phát triển: Sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chế biến hàng xuất khẩu (chè, lương thực, thực phẩm, nước ngọt, nước đá, rượu, nước mắm, cá khô), sửa chữa tàu thuyền, kinh doanh dịch vụ. Cùng với Hải Phòng và Sài Gòn, Tourane trở thành trung tâm thương mại quan trọng của cả nước.
Năm 1950, Pháp trao trả Đà Nẵng cho chính quyền Bảo Đại.
Tháng 3/1965 các đơn vị thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng và thiết lập ở đây một căn cứ quân sự hỗn hợp lớn. Năm 1967, Đà Nẵng được Mỹ ngụy ấn định là thành phố trực thuộc Trung ương và xác định mục tiêu xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm chính trị, quân sự, văn hóa cho vùng I và II chiến thuật. Mỹ cho xây dựng ở Đà Nẵng các căn cứ quân sự và kết cấu hạ tầng: sân bay, cảng, kho bãi, đường sá, công trình công cộng, cơ sở thông tin liên lạc, lập tín dụng ngân hàng. Khu kỹ nghệ Hòa Khánh sản xuất oxygen, acetylene, bột giặt, xay xát, dệt... ở thời kỳ này công nghiệp được phát triển ở mức độ cao hơn: các khu kỹ nghệ thay thế cho công trường thủ công. Tuy nhiên, chiến tranh đã để lại hậu quả nặng nề, hàng trăm nghìn dân quê phải chạy vào các trại tỵ nạn, các khu ổ chuột đô thị; tệ nạn xã hội tăng nhanh, sản xuất không phát triển.
Năm 1975, hòa bình lập lại, Đà Nẵng (là thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng) bắt tay vào khôi phục những hậu quả nặng nề của cuộc chiến tranh. Mặc dù còn lắm khó khăn nhưng công cuộc phục hồi và phát triển thành phố đã đạt nhiều thành quả, nhất là thời kỳ đổi mới, sau 1986.
Ngày 6/11/1996 tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX đã thông qua Nghị quyết cho phép tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng tách thành tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương. Về địa giới hành chính, thành phố Đà Nẵng mới bao gồm thành phố Đà Nẵng trước đây, huyện Hòa Vang và huyện đảo Hoàng Sa.

Vị trí địa lý

Huyện đảo Hoàng Sa.
Tọa độ phần đất liền của thành phố Đà Nẵng từ 15°15' đến 16°40' vĩ độ Bắc và từ 107°17' đến 108°20' kinh độ Đông. Nằm ở trung độ của Việt Nam, cách thủ đô Hà Nội 766 km về phía Bắc và cách Thành phố Hồ Chí Minh 961 km về phía Nam theo Quốc lộ 1. Diện tích khoảng 1285,4 km².Phía Tây và phía Bắc giáp thành phố Huế.
Phía Nam giáp tỉnh Quảng Nam.
Phía Đông giáp Biển Đông.
Thành phố Đà Nẵng còn là trung tâm của ba di sản văn hóa thế giới gồm cố đô Huế, phố cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn. Thành phố Đà Nẵng nằm trên trục giao thông Bắc - Nam về đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không, là một trong những cửa ngõ quan trọng ra biển của Tây Nguyên và các nước Lào, đông bắc Campuchia, Thái Lan và Myanma. Khoảng cách từ Đà Nẵng đến các trung tâm kinh tế chính của khu vực Đông Nam Á như Bangkok (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia), Singapore, Manila (Philippines) đều nằm trong khoảng 1.000–2.000 km.

Điều kiện tự nhiên

Thành phố Đà Nẵng có địa hình, thiên nhiên đa dạng, có biển, bán đảo, vùng vịnh, đồi núi, sông, suối, đồng bằng phân bố trong lòng thành phố đóng góp vào phát triển kinh tế, du lịch.

Địa hình

Về mặt địa chất, Đà Nẵng nằm ở rìa của miền uốn nếp Paleozoi được biết đến với tên gọi Đới tạo núi Trường Sơn - nơi mà những biến dạng chính đã xảy ra trong kỷ Than đá sớm. Cấu trúc địa chất khu vực Đà Nẵng gồm có năm đơn vị địa tầng chủ yếu, lần lượt từ dưới lên là: hệ tầng A Vương, hệ tầng Long Đại, hệ tầng Tân Lâm, hệ tầng Ngũ Hành Sơn và trầm tích Đệ Tứ. Trong đó các hệ tầng A Vương, Long Đại, Tân Lâm có thành phần thạch học chủ yếu là đá phiến và sa thạch. Hệ tầng Ngũ Hành Sơn chủ yếu là đá vôi hoa hóa màu xám trắng. Trầm tích Đệ Tứ bao gồm các thành tạo sông, sông - biển, biển, biển - đầm lầy có tuổi từ Pleistocen sớm đến Holocen muộn, chủ yếu là cát, cuội, sỏi, cát pha, sét pha,... Vỏ Trái Đất tại lãnh thổ thành phố Đà Nẵng bị nhiều hệ thống đứt gãy theo phương gần á vĩ tuyến và phương kinh tuyến chia cắt, làm giảm tính liên tục của đá, giảm độ bền của chúng, nhất là tạo nên các đới nứt nẻ tăng cao độ chứa nước. Đây là hiểm họa trong khi xây dựng các công trình.
Địa hình thành phố Đà Nẵng vừa có đồng bằng duyên hải, vừa có đồi núi. Vùng núi cao và dốc tập trung ở phía tây và tây bắc, từ đây có nhiều dãy núi chạy dài ra biển, một số đồi thấp xen kẽ vùng đồng bằng ven biển hẹp. Địa hình đồi núi chiếm diện tích lớn, độ cao khoảng từ 700 - 1.500 m, độ dốc lớn (>40o), là nơi tập trung nhiều rừng đầu nguồn và có ý nghĩa bảo vệ môi trường sinh thái của thành phố. Đồng bằng ven biển là vùng đất thấp chịu ảnh hưởng của biển bị nhiễm mặn, là vùng tập trung nhiều cơ sở nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, quân sự, đất ở và các khu chức năng của thành phố. Ở khu vực cửa sông Hàn và sông Cu Đê địa hình đáy biển bị phức tạp và tạo ra một số bãi cạn, trũng ngầm (lòng sông). Khu vực cửa vịnh ra ngoài khơi địa hình nhìn chung là nghiêng thoải về phía đông bắc. Khoảng cách các đường đẳng sâu khá đều đặn.

Hải đảo

Quần đảo Hoàng Sa (Việt Nam) gồm hai cụm đảo chính là Cụm đảo Lưỡi Liềm ở phía tây và Cụm đảo An Vĩnh ở phía đông. Cụm đảo Lưỡi Liềm nằm về phía tây, có hình cánh cung hay lưỡi liềm, bao gồm các đảo là Hoàng Sa, Hữu Nhật, Duy Mộng, Quang Ảnh, Quang Hòa, Bạch Quy, Tri Tôn cùng các mỏm đá, bãi ngầm. Cụm đảo An Vĩnh nằm về phía đông bao gồm các đảo tương đối lớn của quần đảo Hoàng Sa và cũng là các đảo san hô lớn nhất của biển Đông như đảo Phú Lâm, đảo Cây, đảo Linh Côn, đảo Trung, đảo Bắc, đảo Nam và cồn cát Tây. Nhiều thực thể trong quần đảo biểu hiện dạng vành khuyên cổ của các rạn san hô vòng Thái Bình Dương, vốn dĩ là kết quả phát triển của san hô cộng với sự lún chìm của vỏ Trái Đất. Hình thái địa hình các đảo tương đối đơn giản nhưng mang đậm bản sắc của địa hình ám tiêu san hô vùng nhiệt đới có cấu tạo ba phần khác nhau đó là phần đảo nổi, hành lang bãi triều (thềm san hô) bao quanh đảo và sườn bờ ngầm dốc đứng. Đa số các đảo nổi có độ cao dưới 10 m.

Những nét đẹp văn hóa Đà Nẵng

Con người hiền hòa chân thật

Người Đà Nẵng gốc phần đông xuất phát từ giai cấp lao động, quanh năm bám biển nên luôn bình dị, chân phương và thật thà. Sự hiền hòa và chân thật của người Đà Nẵng đã tạo nên một môi trường thân thiện và hòa đồng cho du khách.


Du khách đến đây thường cảm thấy thoải mái và dễ dàng giao tiếp với người dân địa phương và trải nghiệm sự hiếu khách và sự giúp đỡ của họ. Nếu bạn ra đường lơ ngơ bị lạc, chỉ cần tạt vào hỏi một người dân Đà Nẵng là sẽ nhận được chỉ dẫn “đi đến nơi về đến chốn” ngay. Kèm với đó là nụ cười thân thiện và không quên dặn dò thêm vài vấn đề nhỏ nhặt khác nữa. Họ không khéo léo và tinh tế để làm hài lòng người khác, luôn giản dị từ trong trang phục đến cách nói chuyện và cư xử. Chính vì thế mà làm đối phương cảm thấy dễ gần và thân thiện, ai ghé đến rồi cũng sẽ cảm thấy ấm lòng, ai rời đi rồi cũng sẽ thấy nhớ nhung.
Nếp sống văn hóa của người Đà Nẵng là một điều đáng tự hào và tạo nên một trải nghiệm du lịch đáng nhớ cho du khách khi ghé thăm thành phố này.
Ngôn ngữ đầy ấn tượng của người Đà Nẵng
Người Đà Nẵng sử dụng ngôn ngữ “đậm đặc” rất khó nghe và cũng rất khó hiểu, thường có sự nhấn mạnh và ngắn gọn trong từng từ và ngữ điệu nhanh nhẹn. Đây được xem là một trở ngại lớn khiến nhiều du khách không thể tiếp cận tìm hiểu hết những điểm đặc biệt thú vị trong văn hóa của con người vùng đất này.
Thêm nữa, cách nói chuyện của người Đà Nẵng còn dùng nhiều từ phương ngữ như chi, mô, răng, rứa, tề, nớ,… “rứa” thay cho “rồi” hoặc “đó” trong tiếng Việt thông thường. Họ cũng sử dụng các từ ngữ tình cảm và hài hước để diễn đạt ý kiến hoặc cảm xúc của mình. Nếu không tìm hiểu trước khi sẽ rất ngỡ ngàng, lúng túng.
Mặc dù vậy, ngôn ngữ của người Đà Nẵng thường mang lại cảm giác mềm mại, thân thiện và gần gũi. Họ có khả năng tạo dựng mối quan hệ tốt với người khác thông qua cách giao tiếp tự nhiên và ấm áp. Học và nói theo ngôn ngữ Đà Nẵng cũng là cách bạn thể hiện sự tôn trọng, mến yêu với con người thành phố biển này.


Nhịp sống Đà thành yên bình thân thuộc
Đà Nẵng đóng vai trò là trung tâm kinh tế của khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Ai nấy đều những tưởng nơi đây là một thành phố ồn ào, sôi động như nhịp sống ở các tỉnh thành lớn. Thế nhưng khi đến đây, du khách vô cùng ấn tượng với một Đà Nẵng vô cùng yên bình, nhẹ nhàng và thoải mái đến lạ lùng. Đà Nẵng chẳng có tình trạng kẹt xe bóp còi inh ỏi khắp ngã tư đường mỗi sớm mai hay chiều về, chẳng có cảnh chen lấn xô đẩy và la hét xếp hàng mua sắm,… Thay vào đó, Đà Nẵng cứ chậm rãi, thanh bình như đúng tên gọi của nó – “thành phố đáng sống”.
Tuy không vội vã và gấp rút nhưng nhịp sống của người dân nơi đây cũng rất nhiệt huyết theo cách riêng của mình. Tạo nên một lối sống giản dị, chậm rãi và nhẹ nhàng khác xa với cái xa hoa tráng lệ của cảnh sắc và các công trình “khổng lồ” nơi đây mang lại

Du lịch Đà Nẵng, bạn có thể cảm nhận được trọn vẹn nhịp sống nơi đây khi thả mình trên bờ biển trải dài xanh ngắt một màu, tản bộ bên bờ sông Hàn thơ mộng hay tìm một góc cà phê ven đường ngắm dòng người qua lại,… Nhịp sống Đà Nẵng yên bình lắm! Đến một vài ngày rồi chẳng ai muốn quay lại với tất bật xô bồ nữa.

Văn hoá Đà Nẵng với lễ hội đặc trưng

Một trong những nét văn hoá đặc trưng không thể không kể đến là các lễ hội Đà Nẵng đặc sắc. Những lễ hội này không chỉ được giữ gìn và phát huy như một truyền thống dân tộc được truyền tải cho các thế hệ mai sau mà còn dần trở thành một di sản du lịch độc đáo. Thu hút lượng lớn du khách đến tìm hiểu và khám phá văn hoá lễ hội đặc trưng Đà Nẵng

Lễ hội pháo hoa Đà Nẵng

Đây là lễ hội nổi tiếng, mang tầm cỡ quốc tế, thu hút đông đảo du khách ghé đến hàng năm. Các sự kiện đặc sắc được tổ chức trong lễ hội bắn pháo hoa như: trình diễn thuyền hoa, đua thuyền, thả hoa đăng,…Lễ hội này mang đến cho du khách nhiều dấu ấn khó phai, trải nghiệm một cách sống động và mới lạ trong chuyến ghé thăm thành phố Đà Nẵng xinh đẹp này

Lễ hội Quán Thế Âm Đà Nẵng

Lễ hội Quán Thế Âm là một trong những lễ hội đặc sắc được tổ chức ở Ngũ Hành Sơn. Lễ hội này có tầm quan trọng với văn hoá của Đà Nẵng, được đưa vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Lễ hội được tổ chức để cầu quốc thái dân an và ca ngợi tấm lòng từ bi của Quan Thế Âm Bồ Tát

Lễ hội đua thuyền Đà Nẵng

Lễ hội đua thuyền mang nét đẹp truyền thống lâu đời của người dân Đà thành. Hoạt động này được tổ chức đều đặn hàng năm ở sông Hàn thu hút đông đảo người dân và khách du lịch tới tham gia và trải nghiệm. Lễ hội tổ chức để mong cầu một năm mới mưa thuận gió hoà, khai thông sông rạch
Thông qua lễ hội này, những nét văn hoá dân gian được tái hiện lại, thể hiện tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau vượt qua nhiều trở ngại. Đây được xem là nét văn hoá tinh thần gắn liền với tiềm thức và trở thành một phần không thể thiếu với con người Đà Nẵng

Lễ hội Cầu Ngư

Hay còn được gọi là lễ hội Cá Ông. Lễ hội cũng là di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia có truyền thống lâu đời, được tổ chức nhằm bày tỏ lòng thành kính với các vị thần đã giúp ngư dân vượt qua sóng gió và mong cầu một năm mưa thuận gió hoà, tôm cá đầy khoang. Lễ hội Cầu Ngư cũng là dịp để ngư dân động viên nhau giữ gìn truyền thống nghề và nét đẹp văn hoá, cùng chúc nhau một mùa đánh bắt mới đầy thành công

Những địa điểm du lịch tại Đà Nẵng

Bà Nà Hills

Khi nhắc đến những điểm tham quan Đà Nẵng nổi tiếng nhất thì không thể bỏ qua Bà Nà Hills. Là công viên chủ đề hoành tráng hàng đầu Việt Nam, Bà Nà Hills được xây dựng ở độ cao 1487m so với mực nước biển.
Với lối kiến trúc đậm chất Pháp, nơi này được mệnh danh là “châu Âu thu nhỏ” giữa lòng Đà Nẵng. Khi di chuyển đến đây, bạn có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp từ trên cao xuống toàn cảnh núi rừng xanh mướt của vùng đồng bằng Hòa Vang và bán đảo Sơn Trà.

Công viên châu Á

Công viên châu Á sở hữu hơn 20 trò chơi mang tầm cỡ quy mô quốc tế. Công viên được phân chia làm 3 khu vực chính: khu trò chơi ngoài trời, khu trò chơi mạo hiểm và khu chứa những công trình thu nhỏ đặc trưng của 10 nước châu Á.

Cù Lao Chàm

Sở dĩ được gọi Cù Lao Chàm bởi vì nơi đây sở hữu quần thể 8 đảo liền nhau. Để đặt chân đến đây, bạn cần di chuyển và mua vé cầu tàu cao tốc. Bạn sẽ cảm nhận được rõ ràng cái nắng, cái gió, cái vị mặn của biển khi trên tàu.
Làn nước biển trong xanh ngát sẽ khiến bạn vô cùng phấn khích ngay khi đặt chân đến. Bạn nhớ tham quan và nghe thuyết trình về từng loại cá trong khu trưng bày. Sau đó, bạn tiếp tục tiến đến tham quan giếng cổ hơn 200 năm mang nguồn nước ngọt trên đảo.

Cầu khóa tình yêu

Đây là điểm đến cực lãng mạn dành cho các cặp đôi. Công trình này mô phỏng theo các cây cầu nổi tiếng tại Pháp, Hàn Quốc, Ý… Dọc theo thành cầu là những dãy đèn lồng hình trái tim xinh xắn.

Bán đảo Sơn Trà

Bán đảo Sơn Trà cách trung tâm thành phố hơn 10km. Do đó, để thuận tiện cho việc di chuyển và khám phá nơi này, bạn nên thuê xe máy hoặc đặt dịch vụ xe di chuyển theo ngày. Nơi này được thiên nhiên ưu ái với rừng nguyên sinh vô cùng rộng lớn và bãi biển trải dài
Khí hậu nơi đây vô cùng mát mẻ, dù bạn đến vào mùa hè hay đông thì ánh nắng cũng như dịu dàng, đầy mật ngọt. Đây chính là địa điểm tham quan Đà Nẵng duy nhất mà bạn có thể thấy núi rừng và biển cả cùng một lúc.

Bãi biển Mỹ Khê

Đến Đà Nẵng mà không đến tham quan bãi biển Mỹ Khê thì quả là rất đáng tiếc. Thiên nhiên cực kỳ ưu ái nơi đây với bờ biển xanh trải dài, cát trắng, nắng vàng thơ mộng. Tạp chí thế giới Forbes từng bình chọn Mỹ Khê là một trong những bãi biển quyến rũ nhất hành tinh.

Văn hóa ẩm thực đậm hồn xứ Quảng

Ẩm thực Đà Nẵng chịu ảnh hưởng sâu sắc của vùng đất Quảng Nam lân cận. Một vài món ăn mà bạn có thể thưởng thức trong hành trình khám phá văn hóa ẩm thực Đà Nẵng như Mì Quảng, Cao Lầu, Bún Mắm, Bún Chả Cá chợ Cồn hay Hải Sản, Nem Nướng, Gỏi Cá, Bánh Tráng Cuốn Thịt Heo, Bánh Xèo,…

Mì Quảng


Mì Quảng là một món ăn đặc trưng của ẩm thực Đà Nẵng. Loại mì này không phải dạng khô, cũng không phải dạng nước dùng đầy bát như các loại bún phở khác, nước mì Quảng xâm xấp vừa đủ với vị đậm đà và mùi thơm béo ngậy say đắm lòng người. Có nhiều loại mì Quảng khác nhau như: mì Quảng gà, mì Quảng ếch, mì Quảng thịt heo,... tùy theo sở thích và khẩu vị của thực khách. Ăn kèm với mì là các loại rau sống rất đa dạng cùng đậu phộng rang, đĩa ớt xanh (đỏ), bánh đa giòn, miếng chanh và chén nước mắm nguyên chất. Tất cả hòa quyện tạo nên một món ăn mà không ai có thể cưỡng lại được.

Cao lầu



Là một đặc sản của Hội An, món Cao lầu thường được dùng bằng bát sâu lòng, rộng vành với việc cho mì, thịt lợn, rau sống kèm chung, thêm ít nước dùng và vài miếng bánh tráng (hoặc cao lầu) chiên vàng giòn. Sự kết hợp độc đáo này khi ăn vào vô cùng hòa quyện và thơm ngon. Tuy có chút giống với mì Quảng nhưng cách chế biến của Cao lầu cầu kỳ hơn và vị của 2 món ăn này lại hoàn toàn khác nhau, bạn nên có cơ hội thưởng thức tận miệng để có thể trải nghiệm được hương vị rất riêng của đặc sản Cao lầu Hội An (Đà Nẵng).

Bánh tráng cuốn thịt heo


Bánh tráng cuốn thịt heo thật ra ở vùng miền nào cũng có, đặc biệt là tại miền Trung. Đến với Đà Nẵng, bạn sẽ được thưởng thức món này cùng loại thịt heo ngon nạc mỡ xen kẽ, luộc chín tới và thái mỏng vừa ăn. Đồ cuốn kèm bao gồm các loại rau sống, củ quả thái lát được gói bằng loại bánh tráng đặc biệt và chấm cùng mắm nêm thơm ngon, đậm vị đặc trưng của miền Trung. Đây chắc chắn là một món ăn không thể không nằm trong danh sách “must-try” khi đến Đà Nẵng.

Gỏi cá Nam Ô


Đến với Đà Nẵng, chúng ta không thể quên thử món ngon nức tiếng Gỏi cá Nam Ô. Gỏi được chia thành 2 loại: khô và ướt. Đây là một món ăn có tính “gây nghiện” cao nhưng không phải ai cũng dám thử vì nó được chế biến từ cá sống. Cá tươi sẽ trộn cùng rau sống, chuối chát, nước mắm và nhiều ớt để thực khách không cảm thấy tanh khi ăn đồ sống. Tất cả nguyên liệu của món gỏi cá này sẽ làm sống động vị giác bạn với rất nhiều tầng hương vị khác nhau.

Bánh xèo, nem lụi


Bánh xèo nhân tôm thịt được rán giòn vàng đều kết hợp cuốn cùng chiếc nem lụi bọc sả thơm ngon, các loại rau sống tươi xanh và chấm thêm với chút nước chấm đậu phộng béo ngậy thì còn gì tuyệt vời hơn nữa. Món ăn mà du khách nào đi đến Đà Nẵng cũng phải tìm bằng được quán để thưởng thức thì chắc chắn là một tuyệt phẩm trong ẩm thực tại vùng đất này.

Bê thui cầu Mống


Công ty AGS cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết của chúng tôi. Hi vọng bài viết có thể cung cấp cho bạn sẽ có những thông tin bổ ích trong cuộc sống và công việc, và mở ra cho các bạn thêm những góc nhìn mới hơn về các vấn đề trong ngành nghề cũng như là các giá trị văn hóa của hai dân tộc Việt Nam - Nhật Bản. Hãy tiếp tục theo dõi chúng tôi đễ có thêm những thông tin bổ ích khác và cơ hội việc làm cực hấp dẫn tại Công ty AGS nữa nhé.

Thông tin khác

Thông tin tuyển dụng và hướng dẫn





Tổng hợp




Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ