Tư duy biện luận giúp bạn điều gì?

2024/05/07

Kỹnăng_Cánhân

1. Biện luận là gì?

Biện luận, hay còn gọi là tư duy phản biện (critical thinking) nghĩa là khả năng suy nghĩ rõ ràng, hợp lý, và hiểu được mối liên hệ giữa các khái niệm, sự kiện, ý tưởng. Tư duy biện luận đã xuất hiện từ lâu và là chủ đề của nhiều cuộc tranh luận từ thời các triết học gia Hy Lạp như Plato và Socrates.

Theo Hội đồng quốc gia về tư duy phản của Hoa Kỳ (The U.S.National Council for Excellence in Critical Thinking), định nghĩa tư duy phản biện là “quá trình phát triển tư duy bằng việc rèn luyện một cách có kỷ luật, từ đó hình thành, suy luận và áp dụng các khái niệm, đánh giá, phân tích để định hướng cho các hành động và niềm tin của cá nhân”.

Một người giỏi biện luận thường sẽ có quy trình tư duy như sau:
  • So sánh, đối chiếu vấn đề
  • Tự hỏi và giải thích nguyên nhân các sự việc đó xảy ra
  • Đánh giá các ý kiến, từ đó hình thành quan niệm riêng của bản thân
  • Hiểu quan điểm của người khác
  • Đề xuất các dự đoán có thể xảy ra trong tương lai
  • Đưa ra các giải pháp sáng tạo.
  • Hình thành và phát triển kỹ năng phản biện sẽ giúp ích rất nhiều cho bạn.

2. Tại sao tư duy biện luận lại quan trọng?

Trong học tập, tư duy biện luận giúp bạn tiếp thu kiến thức một cách hiệu quả. Nhất là việc đọc tài liệu, viết luận văn nghiên cứu khoa học, báo cáo sẽ không còn quá khó khăn.

Trong công việc, biện luận đóng vai trò thiết yếu trong mọi ngành nghề, mọi chức vụ. Một người sở hữu tư duy biện luận vừa có thể làm việc độc lập, vừa có thể làm việc nhóm một cách hài hoà.

Những vấn đề về quản lý, hiệu suất công việc, hoặc tài chính có thể được giải quyết dễ dàng hơn nếu bạn có suy nghĩ logic và thâm sâu. Đây cũng là lý do các ứng viên nên phát triển óc biện luận của mình và thể hiện khả năng này khi có thể, để từ đó tìm được công việc như ý.

Sở dĩ, biện luận được đề cao như vậy bởi những ai sở hữu nó sẽ có lợi thế trong việc thích ứng với hoàn cảnh trong một thế giới đầy rẫy thách thức và không ngừng thay đổi như hiện nay.

3. Những kỹ năng tư duy biện luận quan trọng

Mỗi người sẽ có khả năng phân tích và đánh giá khác biệt. Tuy vậy, phạm trù biện luận bao gồm một số kỹ năng nhất định mà ai cũng nên trau dồi. Từ đó, họ mới có thể trở thành một “biện luận gia” giỏi và có chỗ đứng trong mọi công việc.

3.1 Quan sát

Kỹ năng quan sát là yếu tố đầu tiên trong tư duy phản biện. Những người có óc quan sát thường rất nhanh nhạy trong việc phát hiện và chỉ ra một vấn đề nào đó. Ngoài ra, dựa trên kinh nghiệm cá nhân, họ còn có thể dự đoán khi nào một vấn đề có thể xảy ra và ảnh hưởng đến đại cuộc.

Để phát triển khả năng này, bạn có thể “sống chậm” lại một chút và để ý quan sát kỹ hơn các sự kiện xảy ra xung quanh mình. Bạn có thể luyện tập bằng cách viết nhật ký, lắng nghe chủ động (active listening) để vừa thu thập thông tin vừa xâu chuỗi chúng một cách logic.

3.2 Phân tích

Bạn sẽ đánh giá và phân tích tình huống qua các số liệu và thông tin quan trọng. Ngoài ra, bạn còn nghiên cứu và đưa ra các câu hỏi từ góc độ khách quan nhất để có thể đảm bảo tính chính xác của vấn đề.

Để phát triển kỹ năng phân tích, bạn có thể chủ động tiếp xúc với các trải nghiệm mới. Chẳng hạn như đọc một quyển sách với chủ đề mới lạ hoặc theo học một môn học bạn chưa từng thử qua.

Bằng cách này, bộ não của bạn sẽ dần làm quen với cách tư duy đa dạng . Bạn cũng sẽ được trau dồi khả năng phân tích các thông tin mới và đưa ra quyết định hợp lý từ các phân tích đó.

3.3 Suy luận

Suy luận là kỹ năng tiếp theo bạn cần học hỏi để có thể phát triển khả năng biện luận.

Suy luận có nghĩa là bạn đang tìm ra đáp án dựa trên một lượng thông tin giới hạn. Bạn có thể sẽ cần sở hữu một lượng kiến thức hoặc kinh nghiệm nhất định liên quan đến vấn đề đang hiện hữu để có thể giải quyết một cách hiệu quả.

Để phát triển khả năng suy luận, bạn không nên vội vàng nhảy đến kết luận mà hãy xem xét nhiều manh mối và thông tin nhất có thể, Ngoài ra, hãy giữ một góc nhìn khách quan và đừng nên bảo thủ.

Phải biết phân định đúng sai mới có thể phát triển bản thân và xử lý mọi trường hợp có thể.

3.4 Giao tiếp

Kỹ năng giao tiếp nơi công sở là một thứ không thể thiếu. Trong biện luận cũng vậy, bạn cần biết cách diễn đạt mới có thể thể hiện được suy nghĩ của mình.

Để phát triển kỹ năng giao tiếp, bạn đừng ngại khi gặp phải các trường hợp giao tiếp không dễ dàng hay dễ chịu gì. Đối mặt với sếp tồi, hoặc đồng nghiệp khó tính, bạn sẽ có thể học cách thấu hiểu nhiều ý kiến và giải thích ý kiến của mình một cách bình tĩnh, lịch sự.

Hãy học cách lắng nghe và tôn trọng các ý kiến khác nhau để có thể có kỹ năng giao tiếp tốt.

3.5 Giải quyết vấn đề

Kỹ năng xử lý vấn đề sẽ cần đến bước đệm là khả năng phản biện để có thể tìm ra các giải pháp hợp lý.

Để cải thiện kỹ năng xử lý vấn đề, bạn nên không ngừng tự học hỏi và mở rộng kiến thức. Bằng cách này, bạn sẽ có nhiều hiểu biết hơn về các vấn đề và sự kiện có thể xảy ra trong công việc và cuộc sống.

Sau đó, kết hợp với óc quan sát, phân tích, suy luận, và giao tiếp, bạn có thể phát huy tối đa khả năng biện luận của mình.

4. Một số cuốn sách về tư duy biện luận bạn nên đọc

Cách tốt nhất để phát huy khả năng biện luận là gì? Ngoài cách thực hành, bạn hoàn toàn có thể hiểu rõ hơn và tìm cách rèn giũa tư duy phản biện của mình với các đầu sách sau.

4.1 Predictably Irrational (Tác giả Dan Ariely)

Cuốn “Phi lý trí” của Dan Ariely giải thích lý do ngầm khiến chúng ta đưa ra quyết định cuối cùng. Chúng ta thực ra có thể không lý trí nhưng mình nghĩ, và cuốn sách này sẽ giúp bạn học cách điều chỉnh lại cách tư duy, từ đó có thể quản lý tài chính tốt hơn, tiếp xúc với người khác một cách hợp lý hơn, và sống hài hoà hơn.

4.2 Wait, What?: And Life’s Other Essential Questions (Tác giả James E. Ryan)

Trí thông minh đến từ việc quan sát, học hỏi, rèn luyện, và hỏi những câu nên hỏi. Cuốn sách này của James E. Ryan sử dụng các ví dụ từ lịch sử, chính trị, và cuộc sống thật của tác giả để giúp bạn hiểu rõ:
  • Cách đặt câu hỏi và hiểu biết rõ ràng hơn
  • Làm thế nào để luôn giữ sự hiếu kì
  • Động lực để bạn hành động
  • Làm thế nào để các mối quan hệ được bền vững
  • Tập trung vào những điều quan trọng trong cuộc sống

4.3 Thinking fast & slow (Tác giả Daniel Kahneman)

Quyển “Tư duy nhanh và chậm” sẽ có thể giúp bạn nâng cao cách suy nghĩ và tư duy.
Tác giả cung cấp những hiểu biết và định hướng để ta đưa ra lựa chọn hợp lý trong công việc – cuộc sống, và sử dụng kỹ thuật thông minh để đối đầu với những vấn đề về tinh thần.
Nguồn: https://ybox.vn/share-link/ky-nang/bien-luan-la-gi-cach-cai-thien-tu-duy-bien-luan-hieu-qua-642595494743297b3d7276c2

Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ