Vẻ đẹp của Kontum

2024/12/05

ViệtNam-Tỉnhthành

Công ty TNHH Kế toán - Kiểm toán AGS nằm trong hàng đầu những đơn vị chuyên cung cấp các dịch vụ Kế toán, Kiểm toán, và tư vấn thuế tài chính. Cùng với chất lượng dịch vụ tốt và uy tín, Công ty đã có nhiều kinh nghiệm trong ngành nghề, để phục vụ công việc thì các kiến thức liên quan đến ngành nghề là điều vô cùng cần thiết cho mỗi cá nhân trong tập thể. Hôm nay Công ty AGS sẽ đưa các bạn đến với vùng đất Kontum cùng nhau khám phá những nét đẹp nơi này, Kontum nằm ở vùng cao nguyên địa hình đồi núi cùng với thời tiết mát mẻ khiến cho khách du lịch mê mẩn khi đến đây để nghỉ dưỡng sau một thời gian làm việc.

Vị trí địa lý

Kon Tum là tỉnh miền núi vùng cao, biên giới, nằm ở phía bắc Tây Nguyên trong toạ độ địa lý từ 107020'15" đến 108032'30" kinh độ đông và từ 13055'10" đến 15027'15" vĩ độ bắc.
Kon Tum có diện tích tự nhiên 9.676,5 km2, chiếm 3,1% diện tích toàn quốc, phía bắc giáp tỉnh Quảng Nam (chiều dài ranh giới 142 km); phía nam giáp tỉnh Gia Lai (203 km), phía đông giáp Quảng Ngãi (74 km), phía tây giáp hai nước Lào và Campuchia (có chung đường biên giới dài 280,7 km).

Điều kiện tự nhiên

Địa hình

Phần lớn tỉnh Kon Tum nằm ở phía tây dãy Trường Sơn, địa hình thấp dần từ bắc xuống nam và từ đông sang tây. Địa hình của tỉnh Kon Tum khá đa dạng: đồi núi, cao nguyên và vùng trũng xen kẽ nhau. Trong đó:
  1. Địa hình đồi, núi: chiếm khoảng 2/5 diện tích toàn tỉnh, bao gồm những đồi núi liền dải có độ dốc 150 trở lên. Các núi ở Kon Tum do cấu tạo bởi đá biến chất cổ nên có dạng khối như khối Ngọc Linh (có đỉnh Ngọc Linh cao 2.598 m) - nơi bắt nguồn của nhiều con sông chảy về Quảng Nam, Đà Nẵng như sông Thu Bồn và sông Vu Gia; chảy về Quảng Ngãi như sông Trà Khúc. Địa hình núi cao liền dải phân bố chủ yếu ở phía bắc - tây bắc chạy sang phía đông tỉnh Kon Tum. Ngoài ra, Kon Tum còn có một số ngọn núi như: ngọn Bon San (1.939 m); ngọn Ngọc Kring (2.066 m). Mặt địa hình bị phân cắt hiểm trở, tạo thành các thung lũng hẹp, khe, suối. Địa hình đồi tập trung chủ yếu ở huyện Sa Thầy có dạng nghiêng về phía tây và thấp dần về phía tây nam, xen giữa vùng đồi là dãy núi Chưmomray.
  2. Địa hình thung lũng: nằm dọc theo sông Pô Kô đi về phía nam của tỉnh, có dạng lòng máng thấp dần về phía nam, theo thung lũng có những đồi lượn sóng như Đăk Uy, Đăk Hà và có nhiều chỗ bề mặt bằng phẳng như vùng thành phố Kon Tum. Thung lũng Sa Thầy được hình thành giữa các dãy núi kéo dài về phía đông chạy dọc biên giới Việt Nam - Campuchia.

  1. Địa hình cao nguyên: tỉnh Kon Tum có cao nguyên Kon Plông nằm giữa dãy An Khê và dãy Ngọc Linh có độ cao 1.100 - 1.300 m, đây là cao nguyên nhỏ, chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam.

Khí hậu

Kon Tum thuộc vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa cao nguyên. Nhiệt độ trung bình trong năm dao động trong khoảng 22 - 230C, biên độ nhiệt độ dao động trong ngày 8 - 90C.
Kon Tum có 2 mùa rõ rệt: mùa mưa chủ yếu bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau. Hàng năm, lượng mưa trung bình khoảng 2.121 mm, lượng mưa năm cao nhất 2.260 mm, năm thấp nhất 1.234 mm, tháng có lượng mưa cao nhất là tháng 8. Mùa khô, gió chủ yếu theo hướng đông bắc; mùa mưa, gió chủ yếu theo hướng Tây Nam.
Độ ẩm trung bình hàng năm dao động trong khoảng 78 - 87%. Độ ẩm không khí tháng cao nhất là tháng 8 - 9 (khoảng 90%), tháng thấp nhất là tháng 3 (khoảng 66%).

Khoáng sản

Kon Tum nằm trên khối nâng Kon Tum, vì vậy rất đa dạng về cấu trúc địa chất và khoáng sản. Trên địa bàn có 21 phân vị địa tầng và 19 phức hệ mắc ma đã được các nhà địa chất nghiên cứu xác lập, hàng loạt các loại hình khoáng sản như: sắt, crôm, vàng, nguyên liệu chịu lửa, đá quý, bán quý, kim loại phóng xạ, đất hiếm, nguyên liệu phục vụ sản xuất vật liệu xây dựng,... đã được phát hiện. Nhiều vùng có triển vọng khoáng sản đang được điều tra thành lập bản đồ địa chất tỷ lệ 1/50.000, cùng với những công trình nghiên cứu chuyên đề khác,... sẽ là cơ sở quan trọng trong công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Qua khảo sát của các cơ quan chuyên môn, hiện nay, Kon Tum đang chú trọng đến một số loại khoáng sản sau:
  1. Nhóm khoáng sản phục vụ sản xuất vật liệu xây dựng: nhóm này rất đa dạng, bao gồm: sét (gạch ngói), cát xây dựng, cuội sỏi, đá hoa, đá vôi, đá granít, puzơlan,....
  2. Nhóm khoáng sản vật liệu cách âm, cách nhiệt và xử lý môi trường, bao gồm diatomit, bentonit, chủ yếu tập trung ở thành phố Kon Tum.
  3. Nhóm khoáng sản vật liệu chịu lửa: gồm có silimanit, dolomit, quazit tập trung chủ yếu ở các huyện Đăk Glei, Đăk Hà, Ngọc Hồi.
  4. Nhóm khoáng sản cháy: gồm có than bùn, tập trung chủ yếu ở thành phố Kon Tum, huyện Đăk Hà, huyện Đăk Tô.
  5. Nhóm khoáng sản kim loại đen, kim loại màu, kim loại hiếm: gồm có măngan ở Đăk Hà; thiếc, molipden, vonfram, uran, thori, tập trung chủ yếu ở Đăk Tô, Đăk Glei, Ngọc Hồi, Konplong; bauxit tập trung chủ yếu ở Kon Plông.
  6. Nhóm khoáng sản đá quý: gồm có rubi, saphia, opalcalcedon tập trung ở Đăk Tô, Konplong.

Tài nguyên đất

Tài nguyên đất của tỉnh Kon Tum được chia thành 5 nhóm với 17 loại đất chính:
  1. Nhóm đất phù sa: gồm ba loại đất chính là đất phù sa được bồi, đất phù sa loang lổ, đất phù sa ngoài suối.
  2. Nhóm đất xám: gồm hai loại đất chính là đất xám trên mácma axít và đất xám trên phù sa cổ.
  3. Nhóm đất vàng: gồm 6 loại chính là đất nâu vàng trên phù sa cổ, đất đỏ vàng trên mácma axít, đất đỏ vàng trên đá sét và biến chất, đất nâu đỏ trên đá bazan phong hoá, đất vàng nhạt trên đá cát và đất nâu tím trên đá bazan.
  4. Nhóm đất mùn vàng trên núi: gồm 5 loại đất chính là đất mùn vàng nhạt có nơi Potzon hoá, đất mùn vàng nhạt trên đá sét và biến chất, đất mùn nâu đỏ trên mácma bazơ và trung tính, đất mùn vàng đỏ trên mácma axít.
  5. Nhóm đất thung lũng: chỉ có một loại đất chính là đất thung lũng có sản phẩm dốc tụ.

Tài nguyên nước

Nguồn nước mặt: chủ yếu là sông, suối bắt nguồn từ phía bắc và đông bắc của tỉnh Kon Tum, thường có lòng dốc, thung lũng hẹp, nước chảy xiết, bao gồm:
  • Sông Sê San: do 2 nhánh chính là Pô Kô và Đăkbla hợp thành. Nhánh Pô Kô dài 121 km, bắt nguồn từ phía nam của khối núi Ngọc Linh, chảy theo hướng bắc - nam. Nhánh này được cung cấp từ suối ĐăkPsy dài 73 km, bắt nguồn phía nam núi Ngọc Linh từ các xã Ngọc Lây, Măng Ri, huyện Đăk Tô. Nhánh Đăkbla dài 144 km bắt nguồn từ dãy núi Ngọc Krinh.
  • Các sông, suối khác: phía đông bắc tỉnh là đầu nguồn của sông Trà Khúc đổ về Quảng Ngãi và phía bắc của tỉnh là đầu nguồn của 2 con sông Thu Bồn và Vu Gia chảy về Quảng Nam, Đà Nẵng. Ngoài ra còn có sông Sa Thầy bắt nguồn từ đỉnh núi Ngọc Rinh Rua, chảy theo hướng bắc - nam, gần như song song với biên giới Campuchia, đổ vào dòng Sê San.
Nhìn chung, chất lượng nước, thế năng,... của nguồn nước mặt thuận lợi cho việc xây dựng các công trình thủy điện, thủy lợi.
Nguồn nước ngầm: nguồn nước ngầm ở tỉnh Kon Tum có tiềm năng và trữ lượng công nghiệp cấp C2: 100 nghìn m3/ngày, đặc biệt ở độ sâu 60 - 300 m có trữ lượng tương đối lớn. Ngoài ra, huyện Đăk Tô, Konplong còn có 9 điểm có nước khoáng nóng, có khả năng khai thác, sử dụng làm nước giải khát và chữa bệnh.

Tài nguyên rừng

Đến năm 2008, diện tích đất lâm nghiệp của Kon Tum là 660.341 ha, chiếm 68,14% diện tích tự nhiên. Kon Tum có các kiểu rừng chính sau:
  • Rừng kín nhiệt đới hỗn hợp cây và lá rộng: đây là kiểu rừng điển hình của rừng tỉnh Kon Tum, phân bố chủ yếu trên độ cao 500 m, có ở hầu hết huyện, thị trong tỉnh.
  • Rừng lá ẩm nhiệt đới: có hầu hết trong tỉnh và thường phân bố ở ven sông.
  • Rừng kín á nhiệt đới: phân bố ở vùng núi cao.
  • Rừng thưa khô cây họ dầu (rừng khộp): phân bố chủ yếu ở huyện Ngọc Hồi, huyện Đăk Glei (dọc theo biên giới Việt Nam, Lào, Campuchia).
  • Thực vật: Theo kết quả điều tra bước đầu, tỉnh Kon Tum có khoảng hơn 300 loài, thuộc hơn 180 chi và 75 họ thực vật có hoa. Cây hạt trần có 12 loài, 5 chi, 4 họ; cây hạt kín có 305 loài, 175 chi, 71 họ; cây một lá mầm có 20 loài, 19 chi, 6 họ; cây 2 lá có mầm 285 loài, 156 chi, 65 họ. Trong đó, các họ nhiều nhất là họ đậu, họ dầu, họ long não, họ thầu dầu, họ trinh nữ, họ đào lộn hột, họ xoan và họ trám. Nhìn chung, thảm thực vật ở Kon Tum đa dạng, thể hiện nhiều loại rừng khác nhau trong nền cảnh chung của đới rừng nhiệt đới gió mùa, có 3 đai cao, thấp khác nhau: 600 m trở xuống, 600 - 1.600 m và trên 1.600 m. Hiện nay, nổi trội nhất vẫn là rừng rậm, trong rừng rậm có quần hợp chủ đạo là thông hai lá, dẻ, re, pơmu, đỗ quyên, chua,... ở độ cao 1.500 - 1.800 m chủ yếu là thông ba lá, chua, dẻ, re, kháo, chẹc,... Nhắc đến nguồn lợi rừng ở Kon Tum phải kể đến vùng núi Ngọc Linh với những cây dược liệu quý như sâm Ngọc Linh, đẳng sâm, hà thủ ô và quế. Trong những năm gần đây, diện tích rừng của Kon Tum bị thu hẹp do chiến tranh, khai thác gỗ lậu và các sản phẩm khác của rừng. Nhưng nhìn chung, Kon Tum vẫn là tỉnh có nhiều rừng gỗ quý và có giá trị kinh tế cao.
  • Động vật: rất phong phú, đa dạng, trong có nhiều loài hiếm, bao gồm chim có 165 loài, 40 họ, 13 bộ, đủ hầu hết các loài chim; thú có 88 loài, 26 họ, 10 bộ, chiếm 88% loài thú ở Tây Nguyên. Đáng chú ý nhất là động vật ăn cỏ như: voi, bò rừng, bò tót, trâu rừng, nai, hoẵng,... Trong đó, voi có nhiều ở vùng tây nam Kon Tum (huyện Sa Thầy). Bò rừng có: bò tót (hay con min) tên khoa học Bosgaurus thường xuất hiện ở các khu rừng thuộc huyện Sa Thầy và Đăk Tô; bò Đen Teng tên khoa học Bosjavanicus. Trong những năm gần đây, ở Sa Thầy, Đăk Tô, Kon Plông đã xuất hiện hổ, đây là dấu hiệu đáng mừng về sự tồn tại của loài thú quý này. Ngoài ra, rừng Kon Tum còn có gấu chó, gấu ngựa, chó sói.
Bên cạnh các loài thú, Kon Tum còn có nhiều loại chim quý cần được bảo vệ như công, trĩ sao, gà lôi lông tía và gà lôi vằn. Trong điều kiện rừng bị xâm hại, việc săn bắt trái phép ngày một gia tăng, môi sinh luôn biến động đã ảnh hưởng đến sự sinh tồn của các loài động vật, đặc biệt là các loài động vật quý hiếm. Tỉnh Kon Tum đã quy hoạch xây dựng các khu rừng nguyên sinh và đưa vào xếp hạng quốc gia để có kế hoạch khai thác, nghiên cứu và bảo vệ, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức bảo vệ động, thực vật nói riêng, môi trường sinh thái nói chung.

Lịch sử hình thành và phát triển

Từ một làng nhỏ của người Bana cạnh dòng sông Đăk Bla, đồng bào các dân tộc Xơ Đăng, Bana, Gia Rai, Giẻ - Triêng, Brâu, Rơ Măm,... đến tụ cư, sinh sống, cho đến vị thế quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của mảnh đất Tây Nguyên bao la, hùng vĩ,... mảnh đất Kon Tum đã trải qua biết bao biến động và thăng trầm với nhiều lần thay đổi tên gọi và địa giới hành chính. Ngược dòng thời gian, tìm hiểu về những giai đoạn lịch sử mà Kon Tum đã đi qua, càng thấy trân trọng hơn ý chí, nghị lực, lòng quả cảm và sức mạnh nội lực của đất và người nơi đây trong hành trình vươn lên cùng đất nước.
Kon Tum là tỉnh có dân số trẻ. Đến năm 2009, dân số toàn tỉnh là 432.865 người (Niên giám thống kê 2009) Kon Tum có 25 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 53%, có 6 dân tộc ít người sinh sống lâu đời bao gồm: Xơ Đăng, Bana, Giẻ-Triêng, Gia Rai, Brâu và Rơ Măm,... Sau ngày thống nhất đất nước (năm 1975) một số dân tộc thiểu số ở các tỉnh khác đến sinh sống, làm cho thành phần dân tộc trong tỉnh ngày càng đa dạng.

Tên gọi Kon Tum

Theo truyền thuyết của dân tộc Bana, Kon Tum ban đầu chỉ là một làng của người Bana. Thuở ấy, vùng đồng bào dân tộc Bana (nay thuộc thành phố Kon Tum) có làng người địa phương ở gần bên dòng sông Đăkbla với tên gọi Kon Trang - OR. Lúc ấy, làng Kon Trang - OR rất thịnh vượng với dân số khá đông. Bấy giờ, giữa các làng luôn gây chiến với nhau để chiếm đoạt của cải và bắt người về làm nô lệ. Hai con trai của Ja Xi - một trong số những người đứng đầu làng Kon Trang - OR tên là Jơ Rông và Uông không thích cảnh chiến tranh đã làm nhà ở riêng gần chỗ có hồ nước, cạnh dòng Đăkbla. Vùng đất này rất thuận lợi cho phương thức sống định cư, nên dần dần có nhiều người đến ở, mỗi ngày một phát triển thêm đông, lập thành làng mới có tên gọi là Kon Tum. Từ đó, Kon Tum trở thành tên gọi chính thức cho một làng mới lập của người Bana, cạnh dòng Đăkbla, nơi có nhiều hồ nước trũng. Theo tiếng Kinh, Kon Tum có nghĩa là Làng Hồ (Kon là làng, Tum là hồ, ao, bàu nước,...).
Do vị trí đặc biệt, Kon Tum là vùng đất bằng, được dòng Đăkbla uốn quanh bồi đắp phù sa màu mỡ. Trải qua những biến động, thăng trầm của lịch sử, vùng đất này có nhiều biến đổi, đồng bào các dân tộc tụ hội về đây ngày một đông. Người Kinh khi đến Tây Nguyên cũng chọn vùng đất Kon Tum làm nơi định cư. Từ đó, Kon Tum trở thành vùng đất cộng cư của nhiều dân tộc.
Phát huy những thuận lợi về điều kiện tự nhiên với sự cần cù lao động của con người, vùng đất Kon Tum ngày càng phát triển thịnh vượng, không chỉ một làng mà nhiều làng, bao quát cả vùng đất đai rộng lớn. Vùng đất này khi thành lập thị xã cũng mang tên gọi chính thức là Kon Tum. Khi đơn vị hành chính cấp tỉnh được thành lập, Kon Tum vẫn chính thức được dùng làm tên gọi của tỉnh. Đây là vùng địa lý hành chính được hình thành sớm nhất ở Tây Nguyên.

Địa điểm tham quan tại Kontum

Nhà thờ gỗ

Nhà thờ Chánh tòa (còn gọi là nhà thờ gỗ) được xây dựng theo kiến trúc Roman kết hợp với phong cách nhà sàn truyền thống của đồng bào Ba Na. Nhà thờ được khởi công năm 1913 đến đầu 1918 hoàn thành. Công trình hoàn toàn bằng gỗ cà chít, các bức vách được làm bằng đất trộn rơm, không dùng bê tông cốt thép. Bên trong nhà thờ có nhiều hàng cột nhỏ được liên kết bằng các vòng cung gỗ tạo thành hình vòm đỡ các cửa sổ phía trên. Thánh đường có những ô kính màu vẽ lại các điển tích trong Kinh thánh và những câu chuyện thể hiện khí chất đồng bào Tây Nguyên.

Tòa giám mục Kon Tum

Tòa giám mục được xây dựng năm 1935, là sự kết hợp giữa kiến trúc truyền thống bản địa cùng lối kiến trúc phương Tây. Ngoại trừ hàng trụ dưới sàn được xây bằng xi măng cốt thép, còn lại toàn bộ công trình được tạo nên từ các loại gỗ quý, có độ bền cao. Đặc biệt, tại đây có căn nhà truyền thống được coi như một bảo tàng nhỏ về vật dụng sinh hoạt, nông cụ, vật thể văn hóa các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn. Tòa Giám mục Kon Tum đóng cửa vào thứ 3, các ngày còn lại trong tuần đều mở cửa đón khách tham quan.

Ngã ba Đông Dương

Ngã ba biên giới ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia còn gọi là Ngã ba Đông Dương thuộc khu vực cửa khẩu quốc tế Bờ Y, huyện Ngọc Hồi. Cách ngã ba Đông Dương 3 km là cột mốc hình tam giác, mỗi mặt có tên và quốc huy của ba nước. Cột mốc nằm trên ngọn đồi cao 1.086 m, cách thị xã Plei Kần huyện Ngọc Hồi khoảng 15 km và cách TP Kon Tum 75 km. Đây là một trong những điểm hút khách check in khi đến Kon Tum.

Cửa khẩu quốc tế Bờ Y

Cửa khẩu quốc tế Bờ Y là khu vực trung tâm trong tam giác biên giới ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia. Đây cũng là điểm tham quan của nhiều du khách. Thời gian mở cửa khẩu từ 7h đến 19h30 hằng ngày (bao gồm cả thứ bảy, chủ nhật và các ngày lễ, Tết). Cửa khẩu được phân thành nhiều khu với chức năng riêng biệt như làng văn hoá, khu dân cư, nơi tham quan. Du khách có thể tới đây check in, tham quan miễn phí.

Măng Đen

Măng Đen là thị trấn nhỏ, diện tích gần 150 km2 trên cao nguyên thuộc huyện Kon Plong, cách thành phố Kon Tum khoảng 60 km. Măng Đen được mệnh danh là "Đà Lạt thu nhỏ" với rừng nguyên sinh, hồ, thác nước, rừng thông, khí hậu mát mẻ trong lành, không gian yên bình. Thời điểm đông khách nhất ở Măng Đen từ tháng 10 đến 12 hằng năm, trời se lạnh, khô ráo, mai anh đào nở rộ. Còn nếu đến đây vào tháng 2, bạn sẽ thấy hoa mimosa và hoa ban, tháng 3 hoặc 4 sẽ có phượng tím.

Sông Đăk Bla

Sông Đăk Bla không chỉ là nguồn cung cấp nước và phù sa cho sản xuất nông nghiệp của người dân mà còn là một cảnh đẹp và điểm du lịch tại thành phố Kon Tum. Sông dài 137 km, bắt nguồn từ chân núi Ngọc Linh, chảy ngang thành phố, khi tới địa phận Gia Lai, hợp lưu với sông Ia Grai thành dòng Sê San nổi tiếng ở Tây Nguyên. Đây là một địa điểm lý tưởng để du khách có thể ngắm bình minh hay hoàng hôn. Dọc hai bờ sông có các vườn hoa, khu vui chơi cho du khách. Ngoài ra, còn có dịch vụ ngồi thuyền ngắm cảnh trên sông.

Nhà rông lớn nhất Tây Nguyên


Nhà rông Kon Klor tọa lạc trên đường Trần Hưng Đạo. Bên phải nhà rông là cầu treo Kon Klor cùng những ruộng mía xanh. Nhà rông được xây dựng theo kiểu truyền thống với chất liệu gỗ, tre, nứa, tranh, mái lá và có những họa tiết, hoa văn trang trí công phu. Các nghệ nhân và người dân làng Kon Klor đã phối hợp để gìn giữ những nét đặc trưng trên nhà rông. Nhà rông Kon Klor được coi là đặc trưng của hồn làng, cũng là niềm tự hào của các nghệ nhân và người dân Ba Na.

Ẩm thực ở Kontum

Gỏi lá

Đây có thể coi là một đặc sản không thể bỏ qua khi tới Kon Tum. Vào mùa khô, món gỏi lá chỉ có khoảng 30-40 loại lá rừng. Khi mùa mưa đến, món gỏi lá sẽ có ít nhất 70 loại, thậm chí người ta còn thống kê nếu đầy đủ phải không dưới 100 thứ lá. Gỏi lá ăn kèm với thịt luộc, tôm đất, bì lợn. Nước chấm đặc biệt của gỏi lá làm từ hỗn hợp gạo nếp lên men, ủ với tôm khô, thịt ba chỉ, có màu vàng nhạt, đậm đà.

Gà nướng - cơm lam

Đây là món ăn truyền thống của người địa phương. Gà thường được nuôi thả tự nhiên nên thịt săn chắc. Trước khi nướng, gà được được nhồi lá tiêu rừng, hành, sả, ớt nên khi chín rất thơm. Bếp than để nướng phải thật nóng, mỗi mẻ nướng khoảng 20 đến 30 phút. Gà nướng ngon nhất khi ăn lúc còn nóng, lớp da giòn, vàng đều, thịt thơm. Gà nướng thường ăn kèm cơm lam dẻo, muối lạc hoặc vừng.

Lẩu xuyên tiêu

Món ăn nghe tên đã thấy vị cay, nhưng nhờ đó rất thích hợp với khí hậu Măng Đen. Nước lẩu được hầm từ các loại rau củ quả, kèm thảo dược như kỷ tử và táo đỏ. Nước dùng được hầm trong nhiều giờ để ra vị ngọt thanh tự nhiên và trong. Lẩu xuyên tiêu được phục vụ với hình thức tương tự lẩu Tứ Xuyên, được chia làm hai ngăn với hai vị khác nhau, trong đó có một ngăn cay và một ngăn không. Để cảm nhận rõ nhất vị ngon của món ăn, thực khách nên thử phần lẩu cay.

Công ty AGS cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết của chúng tôi. Hi vọng bài viết có thể cung cấp cho bạn sẽ có những thông tin bổ ích trong cuộc sống và công việc, và mở ra cho các bạn thêm những góc nhìn mới hơn về các vấn đề trong ngành nghề cũng như là các giá trị văn hóa của hai dân tộc Việt Nam - Nhật Bản. Hãy tiếp tục theo dõi chúng tôi đễ có thêm những thông tin bổ ích khác và cơ hội việc làm cực hấp dẫn tại Công ty AGS nữa nhé.

Thông tin khác

Thông tin tuyển dụng và hướng dẫn

Tổng hợp

Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ