Công ty TNHH Kế toán - Kiểm toán AGS nằm trong hàng đầu những đơn vị chuyên
cung cấp các dịch vụ Kế toán, Kiểm toán, và tư vấn thuế tài chính. Cùng với
chất lượng dịch vụ tốt và uy tín, Công ty đã có nhiều kinh nghiệm trong ngành
nghề, để phục vụ công việc thì các kiến thức liên quan đến ngành nghề là điều
vô cùng cần thiết cho mỗi cá nhân trong tập thể. Hôm nay Công ty AGS sẽ cùng
các bạn quay về quá khứ lịch sử Việt Nam để tìm hiểu một trong các bảo vật
lịch sử nổi tiếng và có sự ảnh hưởng lớn đến nét văn hóa của dân tộc Việt Nam,
đó chính là Bia Khiêm Cung Ký thông qua món bảo vật quốc gia này chúng ta sẽ
có cái nhìn sâu sắc hơn về lịch sử dân tộc, những dấu mốc thăng trầm của tổ
quốc từ đó khẳng định lãnh thổ chủ quyền đất nước đến bạn bè thế giới. Khơi
dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc trong mỗi con người Việt Nam, vậy hãy cùng
AGS đi tìm hiểu về bảo vật này và giai thoại liên quan để chúng ta có những
cái nhìn sâu sắc hơn bạn nhé.
Giới thiệu
Bia Khiêm Cung Ký thuộc khu di tích Lăng Tự Đức - một quần thể các công trình
kiến trúc nằm trong một thung lũng hẹp thuộc làng Dương Xuân Thượng, phường
Thủy Xuân, thành phố Huế. Lúc mới xây dựng lăng được đặt tên là Vạn Niên Cơ,
sau được đổi thành Khiêm Cung rồi tới khi vua Tự Đức băng hà thì được đổi
thành Khiêm Lăng. Lặng Tự Đức có phong cảnh sơn thủy hữu tình và được đánh giá
là một trong những lăng tẩm đẹp nhất của hoàng gia nhà Nguyễn. Bia Khiêm Cung
Ký được công nhận là Bảo vật quốc gia theo Quyết định số 2382/QĐ-TTg ngày
25/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Lịch sử hình thành
Sách Đại Nam thực lục chép: “Đinh Mão, Tự Đức năm thứ 20 (1867) mùa thu tháng
7, Khiêm Cung làm xong, vua rước thái hậu cùng ra chơi. Các thân phiên, hoàng
thân và quan văn từ ngũ phẩm, quan võ từ tứ phẩm trở lên đều mặc áo có bổ tử
lạy mừng, ban yến và cho vật hạng có thứ bậc, sau vua tự làm bài Ký Khiêm Cung
nhưng đợi khắc vào đá, làm nhà bia rồi mới dựng”. Tài liệu lịch sử ghi lại,
năm 1871, vua Tự Đức đã soạn bài văn bia này nhưng mãi đến năm 1875 mới tự
chép mẫu và cho cho thợ khắc vào bia đá. Tuy có nhiều vợ nhưng vua Tự Đức lại
không có con nối dõi vì vậy đã viết bài văn bia này thay cho “Thành đức thần
công” như thường thấy ở các lăng khác.
Nét đặc trưng
Bia Khiêm Cung Ký nằm trong Quần thể di tích cố đô Huế, thuộc lăng vua Tự Đức.
Bia được đặt trong nhà bia – một công trình kiến trúc bằng gạch cao, có mái
được đỡ bằng 4 cột gạch to. Bia được thiết kế theo phong cách đặc trưng của
bia ký thời Nguyễn và được đặt trên bệ bia cao 100 cm, rộng 309 cm và dầy
162,5 cm. Bệ bia được tạo từ một phiến đá Thanh Hóa nguyên khối với dáng chân
quỳ và được chạm trổ công phu. Mặt ngoài bệ bia chạm nổi và chạm lộng các đồ
án rồng mây, mặt hổ phù và hồi văn chữ S gấp khúc. Theo ước tính thì Bảo vật
Quốc gia Bia Khiêm Cúng Ký có trọng lượng lên tới 22 tấn, chiều cao 407 cm,
rộng 259 cm. Trong đó, trán bia cao 97 cm, rộng 287,5 cm, tai bia mỗi bên rộng
22 cm, chỗ dầy nhất đạt 48 cm.
Bia được khắc cả hai mặt, mặt trước được khắc theo thể chữ khải gồm 2.319 chữ
và mặt sau khắc theo thế chữ hành gồm 2.537 chữ. Trên thân bia được khắc 4.854
chữ; trong đó bài Khiêm Cung Ký, được xem là một bản “tự kiểm điểm” trước lịch
sử của Vua Tự Đức bởi trong bài văn bia này, nhà vua đã tự nhận rất nhiều lỗi
lầm, khuyết điểm của bản thân.
Khác với văn bia của các vị vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị là những văn
bia của do vua con soạn. Những bia này thường có nội dung ca ngợi tính tình,
đức độ và công nghiệp của vua cha. Khiêm cung ký do chính vua Tự Đức tự soạn
khi còn sống. Bài Khiêm cung ký gồm 5 đoạn đề cập đến công việc dựng lăng vua
Tự Đức, mô tả cảnh quan trong lăng, nỗi lòng của nhà vua đối với đất nước và
việc riêng tư của nhà vua. Phần một nhà vua viết về giai đoạn ấu thơ của mình.
Phần hai viết về giai đoạn vua gánh vác việc nước. Phần ba mô tả đôi nét về
Khiêm lăng (lăng của vua Tự Đức) và các công trình trong lăng cùng công dụng
hiện tại và về sau của các công trình ấy. Phần bốn trình bày tâm tư cùng những
mong ước bình dị của nhà vua. Và phần năm là phần nhà vua nêu rõ nội dung của
bài Khiêm cung ký - bài văn bày tỏ tấm lòng, ghi về những điều đã làm, những
lỗi lầm và những lời trần tình của vua. Vì vậy, tấm bia với bài “Khiêm Cung
Ký” được xem là tấm bia đặc biệt nhất trong số văn bia các vua nhà Nguyễn để
lại cho hậu thế
Giá trị nghệ thuật
Theo tư liệu của Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, xét cả về nghệ thuật tạo hình,
trang trí mỹ thuật lẫn nội dung bi ký, bia Khiêm Cung Ký được đánh giá độc đáo
bậc nhất trong các bia đá cùng loại ở Việt Nam. Năm 2019, nhân ngày Di sản Thế
giới 18/4, cùng với 30 công trình khác trên thế giới, lăng vua Tự Đức nói
chung và bi đình (nhà bia) ở lăng nói riêng là di sản đầu tiên của Việt Nam
được Google Arts & Culture giới thiệu tới toàn thế giới qua phiên bản số
hóa 3D.
Trong Khiêm cung ký, vua kể khi sinh ra đã thường xuyên đau ốm, vú nuôi lại
không sạch sẽ. Sợ con vì thế mà tối dạ, mẹ vua là Thái hậu Từ Dũ tự tay ẵm
bồng, nuôi nấng. Tuổi thơ của hoàng tử Hồng Nhậm gắn với kỷ niệm cầm than viết
lên vách. Đến tuổi để tóc trái đào, Hồng Nhậm được mẹ cho theo thầy đọc sách
và biết làm câu đối, thơ văn ngay khi học tiểu học, dù chưa biết thanh luật.
Vua kể, Thái hậu Từ Dũ yêu thương mà nghiêm khắc, hàng ngày thường dạy con
cách nói năng, đi đứng cho đúng phép tắc, chứ không để lêu lổng chơi bời. "Mỗi
sớm ta ra nhà ngoài học hỏi, gần đứng bóng mới vào. Nếu ta lỡ quên mất hay
lười biếng thì người tùy theo đó mà la rầy răn bảo.
Nếu ta chưa thuộc thì người khiến ta ngồi ngay ngắn, học cho kỳ thuộc mới
thôi. Bằng không, dù có trò vui diễn ra ngay gần trước mắt cũng chẳng cho ta
xem", vua kể. Vua nhận mình từ nhỏ đã hơi sáng dạ nên học các sách khoảng
trong nửa ngày đã thuộc, lại cũng nhờ biết kính sợ lời dạy bảo nghiêm khắc mới
được như vậy, may ít bị đánh mắng. Bất đắc dĩ, phạm tội nặng quá Thái hậu đánh
đòn, nhưng đánh xong mẹ lại khóc. Nhà vua cũng nhớ trận đòn roi của vua cha
khi một lần phạm lỗi: "Người không mấy khi răn dạy, chứ đã răn dạy thì ta cố
chí vâng theo".
Niềm vui Hồng Nhậm đem lại cho cha là những lần làm được thơ đối. Nhờ ham học
và thông minh, Hồng Nhậm được vua Thiệu Trị yêu quý, đi đâu thường dắt theo.
Tự Đức theo cha ra Bắc tiếp đoàn ngoại giao. Trên đường về luôn ở cạnh theo
hầu, nên hoàng tử sớm được vua cha phong tước công, ra lập phủ riêng và cưới
vợ năm 15 tuổi. Thường vào cung gặp vua cha để hầu cơm hay đối thơ, thỉnh
thoảng gặp những văn bản sắc dụ quan trọng, vua Thiệu Trị lại sai Hồng Nhậm dò
sửa ngự bút, bởi "các anh em ta người thì lười biếng, người thì còn bé, chỉ
riêng ta hơi biết chữ, nên mới được ưu ái như thế". Vua Tự Đức khiêm tốn nói
rằng, đó là ơn đức cha mẹ dành cho mình, chứ bản thân khi đó kiến thức chưa
sâu rộng. Về sau, sức học của ông tiến bộ dần. Hồng Nhậm cũng có thú vui bắn
cung hay đi săn giống vua cha. Một lần hầu bắn ở vườn cấm, có Thái hậu đi
theo, hoàng tử bắn 5 phát đều trúng đích lên được cha mẹ lấy làm vui và hãnh
diện. Vua Thiệu Trị khi đó đã nói ẩn dụ rằng Hồng Nhậm sẽ thay mình kế tục
ngai vàng. Để chủ quyền đất nước dần rơi vào tay người Pháp, hoàng đế Tự Đức
tự nhủ rằng điều ông ngậm ngùi là học chưa thành chí chưa thỏa, danh hão chưa
đủ để trừ tội thực, sức yếu chưa đủ để làm việc nặng. Đến nay, đất mất chưa
lấy lại được, và giặc ngoài chưa dẹp trừ xong, nối dõi muộn màng, khó nhờ ai
đảm đương việc nước. Tuy nhiên, vua cũng tự hào khi "cầm quyền sinh sát đã
lâu, mà chưa từng tự tiện giết một người khi bộ Hình chưa kết án". "Mọi việc
đều cốt lấy thực chất, cứ chăm chăm để nuôi dân, vững gốc. Ngày đêm xem xét
công việc, không bỏ thừa sức". Tuy vậy ông cũng không tránh khỏi ham mê hát
ca, sắc đẹp, tiền tài nhưng "chưa quấy nhiễu nhân dân, làm hư chính trị". Ông
cũng là vị vua bài trừ lối chuộng công lợi, dối gian, tham lam xảo trá, tham
lợi nhỏ chịu hại lớn. Lỗi lớn nhất, theo vua Tự Đức, chính là việc để đất nước
mất chủ quyền. Vua sai quần thần chọn đất xây lăng. Khi mới khởi công xây
dựng, Tự Đức lấy tên Vạn Niên Cơ đặt tên cho công trình, với mong muốn được
trường tồn. Tuy nhiên, do công việc xây lăng quá cực khổ, lại bị quan lại đánh
đập tàn nhẫn, nên dân phu xây lăng nổi loạn. Sau này gần 50 công trình trong
lăng ở cả hai khu vực tẩm điện và lăng mộ đều có chữ Khiêm trong tên gọi, lăng
được đổi tên thành Khiêm Lăng. Cũng chính không có con nối dõi, nên sau khi
vua Tự Đức băng hà, nhà Nguyễn trải qua thời kỳ đen tối 4 tháng thay 3 vua.
Liền sau đó là sự kiện thất thủ kinh đô năm 1885, thất bại hoàn toàn về phía
triều đình Huế, khiến hàng nghìn người chết.
Công ty AGS cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết của chúng tôi. Hi vọng
bài viết có thể cung cấp cho bạn sẽ có những thông tin bổ ích trong cuộc sống
và công việc, và mở ra cho các bạn thêm những góc nhìn mới hơn về các vấn đề
trong ngành nghề cũng như là các giá trị văn hóa của hai dân tộc Việt Nam -
Nhật Bản. Hãy tiếp tục theo dõi chúng tôi đễ có thêm những thông tin bổ ích
khác và cơ hội việc làm cực hấp dẫn tại Công ty AGS nữa nhé.
Thông tin khác
Thông tin tuyển dụng và hướng dẫn

AGS luôn mở rộng cánh cửa cho những ứng viên muốn thử thách bản thân trong lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán - Ngôn ngữ Nhật - Pháp lý - Nhân sự. Xem chi tiết bài viết để biết thêm về Thông tin tuyển dụng tại AGS bạn nhé!
Tổng hợp