Trong bài viết này công ty AGS sẽ chia sẻ về chủ đề Lộ trình và giải pháp áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế tại Việt Nam. Bài viết dành cho các cá nhâ, tổ chức quan tâm đến vấn đề áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế trong tương lai tại Việt Nam. AGS muốn chia sẻ về chủ đề này bởi vì việc nắm bắt các chủ trương chính sách kinh tế giúp tuân thủ pháp luật và thích nghi với nền kinh tế liên tục biến động.
Bài viết có các từ viết tắt như sau: báo cáo tài chính (BCTC); doanh nghiệp nhà nước (DNNN); doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).
Cùng tìm hiểu kĩ hơn về chủ đề này qua bài viết dưới đây nhé.
1. Lộ trình áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế tại Việt Nam
Việc chuyển đổi từ các chuẩn mực kế toán Việt Nam sang IFRS của Việt Nam là một yếu tố quan trọng giúp cho các doanh nghiệp ở Việt Nam có thể hội nhập và gia nhập ở mức độ cao hơn nữa với các thị trường tài chính quốc tế. Ngoài các ảnh hưởng tích cực của việc áp dụng IFRS đối với các doanh nghiệp, sẽ có rất nhiều thách thức không nhỏ. Việc chuyển đổi sang IFRS và có kế hoạch, lộ trình chuyển đổi một cách khoa học, bài bản, rõ ràng sẽ là một trong những tiền đề để các doanh nghiệp có thể triển khai IFRS một cách nhẹ nhàng, suôn sẻ và hiệu quả hơn.Ngày 16/3/2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 345/QĐ-BTC phê duyệt Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế tại Việt Nam với lộ trình áp dụng này gồm 3 giai đoạn, cụ thể như Bảng 1.
Bảng 1. Lộ trình áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế tại Việt Nam
Giai đoạn | Nội dung chính |
2019 - 2021 Giai đoạn chuẩn bị
| Bộ Tài chính chuẩn bị các điều kiện cần thiết như: - Công bố bản dịch Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IFRS) ra tiếng Việt - Xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn áp dụng Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IFRS) - Xây dựng cơ chế tài chính liên quan - Đào tạo nguồn nhân lực, quy trình triển khai cho các doanh nghiệp |
2022 - 2025 Giai đoạn tự nguyện
| - Các doanh nghiệp sau có nhu cầu và đủ nguồn lực, thông báo cho Bộ Tài chính trước khi tự nguyện áp dụng Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IFRS) để lập báo cáo tài chính hợp nhất: + Công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước quy mô lớn hoặc có các khoản vay được tài trợ bởi các định chế tài chính quốc tế; + Công ty mẹ là công ty niêm yết; + Công ty đại chúng quy mô lớn là công ty mẹ chưa niêm yết; + Các công ty mẹ khác. - Các doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là công ty con của công ty mẹ ở nước ngoài có nhu cầu và đủ nguồn lực, thông báo cho Bộ Tài chính trước khi tự nguyện áp dụng Chuẩn mực Kế toán Quốc tế IFRS để lập báo cáo tài chính riêng. |
Sau năm 2025 - Giai đoạn bắt buộc
| - Trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện áp dụng Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IFRS) của giai đoạn 1, Bộ Tài chính căn cứ nhu cầu, khả năng sẵn sàng của các doanh nghiệp và tình hình thực tế, quy định phương án, thời điểm bắt buộc áp dụng IFRS để lập báo cáo tài chính hợp nhất cho từng nhóm doanh nghiệp thuộc các đối tượng cụ thể sau: + Công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước; + Công ty mẹ là công ty niêm yết; + Công ty đại chúng quy mô lớn là công ty mẹ chưa niêm yết; + Công ty mẹ quy mô lớn khác. - Các công ty khác không thuộc đối tượng bắt buộc áp dụng nêu trên có nhu cầu và đủ nguồn lực, thông báo cho Bộ Tài chính trước khi tự nguyện áp dụng Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IFRS) để lập báo cáo tài chính hợp nhất hay báo cáo riêng |
2. Việc áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế thực tế tại Việt Nam
Thực tế một số báo cáo tài chính có mức độ tuân thủ cao, nhưng trong một số lĩnh vực đặc thù vẫn có sự khác biệt so với quy định của chuẩn mực kế toán Việt Nam. Khi xem xét các mẫu báo cáo này, việc không tuân thủ chuẩn mực kế toán, đó là có sự khác biệt của một số quy định đặc thù hiện hành với chuẩn mực kế toán. Trong một số trường hợp, doanh nghiệp lập báo cáo tài chính theo IFRS song song với VAS, khi so sánh các báo cáo này với các BCTC lập theo VAS cho thấy có sự khác biệt về tình hình tài chính, kết quả kinh doanh và các thuyết minh giữa hai báo cáo này. Ví dụ như việc lập dự phòng đối với các khoản cho vay của 2 ngân hàng theo IFRS xấp xỉ gấp 2 lần so với dự phòng lập theo VAS.Doanh nghiệp đó suy nghĩ rất đơn giản là chuyển đổi sang IFRS chỉ là việc thay đổi chính sách kế toán và là trách nhiệm của bộ phận kế toán. Tuy nhiên, trên thực tế, IFRS cần rất nhiều sự thay đổi của doanh nghiệp và đòi hỏi phải có sự hiểu biết, hợp tác của nhiều bộ phận khác nhau trong doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ phải đánh giá ảnh hưởng của những khác biệt này có liên quan đến quy trình kinh doanh nào để có thể đề ra những yêu cầu cụ thể cho các phòng ban liên quan,
Khái niệm “Giá trị hợp lý” cũng như tầm quan trọng của nó chưa được phổ biến một cách rộng rãi trong bối cảnh Việt Nam đang chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường. Đặc biệt là với các DNNN, việc làm giảm giá trị tài sản Nhà nước có thể dẫn tới việc lãnh đạo doanh nghiệp bị truy cứu trách nhiệm. Điều này thật ra chỉ thích hợp nếu sự giảm giá trị tài sản có liên quan đến gian lận, tham ô hoặc buông lỏng quản lý.
Tuy nhiên, hiện nay chính sự lo lắng về hậu quả của việc công bố một khoản giảm giá trị, cho dù đó là kết quả của hoạt động kinh doanh một cách thông thường, đã dẫn đến việc lãnh đạo doanh nghiệp muốn ‘kiểm soát’ kết quả kinh doanh và tình hình tài chính doanh nghiệp trên báo cáo tài chính, làm cho nó phản ánh không đúng thực tế. Các ý kiến kiểm toán trong trường hợp này có thể sẽ là ngoại trừ hoặc chứa những cảnh báo rộng rãi tới người đọc dưới hình thức các vấn đề cần lưu ý.
Việc thiếu nhận thức về khái niệm “giá trị hợp lý” cũng ảnh hưởng tới mối quan tâm của các nhà đầu tư chiến lược vào khu vực DNNN. Cho tới gần đây, các DNNN khi cổ phần hóa vẫn không được phép cho nhà đầu tư mua cổ phần với giá cổ phiếu thấp hơn mức giá cổ phần hóa do các công ty định giá trong nước xác định. Các nhà đầu tư chiến lược thường đem lại những lợi ích đáng kể cho một doanh nghiệp cả về nguồn vốn lẫn các năng lực kỹ thuật khác và vì vậy họ kỳ vọng sẽ được đền đáp điều này thông qua mức giá ưu đãi khi mua cổ phần.
Một số đơn vị có lợi ích công chúng bao gồm cả DNNN đã lập báo cáo tài chính tuân thủ đầy đủ với Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế. Khi các nhà đầu tư và chủ nợ tiềm năng không thể so sánh các báo cáo tài chính ở Việt Nam với các pháp nhân tương tự ở các quốc gia khác thì ngày càng nhiều doanh nghiệp, nhất là các ngân hàng và các công ty niêm yết thấy cần thiết đồng thời với việc lập và trình bày báo cáo tài chính theo VAS là lập và trình bày báo cáo tài chính tuân thủ đầy đủ theo IFRS.
Xu hướng này, mặc dù tốn kém, song sẽ tiếp tục tăng, vì ngày càng nhiều doanh nghiệp muốn tiếp cận với các nguồn vốn đầu tư và vốn vay từ các nhà đầu tư nước ngoài. Với dự định cho phép các nhà đầu tư chiến lược và các nhà đầu tư tổ chức khác nắm giữ cổ phần trong các DNNN bằng hình thức phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu và với quy định của Chính phủ gần đây cho phép tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong một số lĩnh vực thì xu hướng này lại càng được khẳng định.
3. Giải pháp áp dụng IFRS tại Việt Nam
Thứ nhất, Việt Nam nên có quy định về đối tượng áp dụng đầy đủ Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế và các diễn giải IFRS. Chuẩn mực báo cáo tài chính Việt Nam (VFRS) này cần được quy định là khuôn khổ pháp lý chung cao nhất cho việc lập báo cáo tài chính cho mục đích chung của các đơn vị có lợi ích công chúng để đảm bảo tính nhất quán của các chuẩn mực và khả năng so sánh của các báo cáo tài chính.Đối với các đơn vị không có lợi ích công chúng hoặc các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), Việt Nam nên cân nhắc việc áp dụng IFRS cho các doanh nghiệp này. Do một bộ phận lớn các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là DNNVV nên việc áp dụng IFRS dường như là quá phức tạp. Vì vậy, cần có những quy định cụ thể về việc áp dụng chuẩn mực kế toán và yêu cầu về lập, trình bày báo cáo tài chính cho từng loại hình doanh nghiệp khác nhau.
Thứ hai, tại các doanh nghiệp, cần lên lộ trình chuyển đổi sang IFRS ngay khi có quyết định chuyển đổi để có thể đề ra những kế hoạch thay đổi về quy trình kinh doanh, tuyển dụng nhân sự và nguồn lực tài chính cho việc chuyển đổi IFRS thay vì đợi đến năm lập báo cáo tài chính theo IFRS lần đầu tiên. Đồng thời, doanh nghiệp cần thiết lập một đội dự án chuyển đổi sang IFRS, trong đó người lãnh đạo dự án phải là một trong những thành viên của ban lãnh đạo doanh nghiệp và có sự tham gia của các phòng ban chính trong doanh nghiệp, như kế toán, kinh doanh, pháp chế, công nghệ thông tin,...
Thứ ba, Việt Nam nên triển khai xây dựng VFRS theo từng giai đoạn và hiệu lực áp dụng đối với từng loại hình doanh nghiệp. Cần có cơ chế rõ ràng về quyền và trách nhiệm cho Vụ Chế độ Kế toán và Kiểm toán - Bộ Tài chính (đơn vị chịu trách nhiệm xây dựng chuẩn mực và các hướng dẫn chuẩn mực) làm việc với các cơ quan quản lý nhà nước của từng lĩnh vực (ngân hàng, bảo hiểm và các đơn vị khác có liên quan) để xây dựng một lộ trình chi tiết cho việc triển khai VFRS cho từng lĩnh vực, bao gồm cả thời điểm áp dụng VFRS một cách khả thi, cân nhắc khối lượng công việc nâng cao năng lực cần thực hiện. Các đơn vị này cần có trách nhiệm phối hợp đầy đủ với Vụ Chế độ Kế toán và Kiểm toán. Đối với các đơn vị có lợi ích công chúng có khả năng thì nên cho phép áp dụng thí điểm VFRS. Điều này đồng nghĩa với việc các cơ quan quản lý nhà nước sẽ chấp nhận báo cáo VFRS thay cho báo cáo VAS hiện tại.
Thứ tư, Chính phủ nên cân nhắc quy định về việc những chuẩn mực kế toán quốc tế mới ban hành hay được cập nhật, bổ sung thì sẽ tự động có hiệu lực đối với hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam ngay tại ngày hiệu lực của chuẩn mực kế toán quốc tế. Luật Kế toán sửa đổi của giai đoạn tới nên có quy định rõ ràng hơn nữa về việc lập và trình bày báo cáo tài chính cho mục đích chung phải tuân thủ hoàn toàn với quy định của VFRS/VAS thay vì các quy định đặc thù. Các báo cáo tài chính tuân thủ hoàn toàn với VFRS/VAS có nghĩa là:
- Nếu các quy định đặc thù có yêu cầu về hạch toán kế toán khác biệt với VAS, yêu cầu này sẽ được đáp ứng bằng thông tin bổ sung trong thuyết minh báo cáo tài chính;
- Với các hướng dẫn đặc thù, ngoại lệ với VAS cho các trường hợp đặc biệt nên được giảm dần và loại bỏ.
Thứ năm, cần xây dựng nghề thẩm định giá độc lập và chuyên nghiệp và xây dựng hệ thống tiêu chuẩn thẩm định giá tương đương với tiêu chuẩn thẩm định giá quốc tế. Trước đây do kinh tế thị trường chưa phát triển, các doanh nghiệp chủ yếu do Nhà nước nắm giữ 100% vốn nên khi đánh giá lại tài sản phải có quyết định của Nhà nước, do đó nhu cầu định giá lại tài sản cho mục đích báo cáo tài chính và hạch toán kế toán không nhiều.
Hiện nay, hoạt động thẩm định giá phục vụ mục đích này đang bắt đầu phát triển, hệ thống Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam đã được xây dựng tương đối đầy đủ và phù hợp với các Tiêu chuẩn thẩm định giá quốc tế, bao gồm các nội dung như quy tắc đạo đức, cơ sở giá trị, quy trình thẩm định giá, phương pháp thẩm định giá, thẩm định giá một số tài sản như bất động sản, tài sản vô hình. Các tiêu chuẩn hiện nay ban đầu có thể đáp ứng được việc xác định “giá trị hợp lý” trong kế toán. Các quy định hướng dẫn riêng cho hoạt động thẩm định giá phục vụ mục đích báo cáo tài chính sẽ cần được ban hành trong tương lai.
Mai Thị Hoàng Minh (2014), Vận dụng Chuẩn mực Kế toán công quốc tế để trình bày báo cáo tài chính nhà nước theo mô hình Tổng Kế toán Nhà nước, Kỷ yếu hội thảo khoa học: Kế toán khu vực công tại Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế toàn cầu, trang 22-33, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
Nguyễn Thế Thọ (2017), Áp dụng IFRS đối với các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam lợi ích, thách thức và lộ trình, truy cập http://ifrsvietnam.vn/tin-tuc/nghien-cuu-trao-doi-72/ap-dung-chuan-muc-bao-cao-tai-chinh-quoc-te-ifrs-doi-voi-cac-cong-ty-niem-yet-tren-thi-truong-chung-khoan-viet-nam-loi-ich-thach-thuc-va-lo-trinh-177.html
Chính phủ (2020), Quyết định số 345/QĐ/BTC Phê duyệt đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam.
Thông tin khác
Thông tin tuyển dụng và hướng dẫn
AGS luôn mở rộng cánh cửa cho những ứng viên muốn thử thách bản thân trong lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán - Ngôn ngữ Nhật - Pháp lý - Nhân sự. Xem chi tiết bài viết để biết thêm về Thông tin tuyển dụng tại AGS bạn nhé!
Nguồn:https://tapchitaichinh.vn/lo-trinh-va-giai-phap-ap-dung-chuan-muc-ke-toan-quoc-te-trong-thuc-te-tai-viet-nam.html