Luật Tư pháp người chưa thành niên năm 2024: Các hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội

Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có những điều chỉnh và hoàn thiện quan trọng về hệ thống hình phạt áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Theo quy định tại Điều 98, hệ thống hình phạt đối với người chưa thành niên bao gồm 04 loại: cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữtù có thời hạn. Đồng thời, Bộ luật cũng quy định không áp dụng hình phạt bổ sung đối với đối tượng này - thể hiện tinh thần nhân đạo và định hướng giáo dục, phục hồi.

Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng cho thấy, việc chưa có sự phân biệt rõ ràng giữa người chưa thành niên và người trưởng thành trong chính sách hình phạt đã dẫn đến những tác động tiêu cực, gây khó khăn cho việc đảm bảo quyền lợi và sự phát triển toàn diện của người chưa thành niên phạm tội. Ngoài ra, việc xét xử những vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi đôi khi vẫn được thực hiện bởi các thẩm phán chưa được đào tạo chuyên sâu về tâm lý lứa tuổi, dẫn đến nguy cơ xâm phạm quyền lợi hợp pháp của các em.

Từ yêu cầu cấp thiết đó, Luật Tư pháp người chưa thành niên năm 2024 đã chính thức được ban hành, đánh dấu một bước ngoặt trong cải cách tư pháp hình sự. Bên cạnh việc bổ sung một số quy định mới, luật này đã thay thế nhiều nội dung liên quan đến hình phạt trong Bộ luật Hình sự năm 2025 đối với người chưa thành niên phạm tội.

AGS xin chia sẻ bài viết dưới đây để làm rõ những thay đổi mang tính đột phá trong chính sách hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội, giúp mọi người có thể nắm bắt kịp thời và chính xác các quy định pháp luật mới nhất hiện nay.

Luật Tư pháp người chưa thành niên năm 2024 đã thay thế các quy định về hình phạt được áp dụng của Bộ luật Hình sự năm 2025 đối với người chưa thành niên phạm tội, cụ thể như sau:

I. Hình phạt cảnh cáo

Luật Tư pháp người chưa thành niên năm 2024 đã quy định một điều luật riêng biệt về việc áp dụng hình phạt cảnh cáo đối với người chưa thành niên phạm tội, thể hiện rõ quan điểm nhân đạo và định hướng giáo dục trong chính sách xử lý hình sự. Theo đó, hình phạt cảnh cáo được áp dụng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội nghiêm trọng do vô ý, hoặc phạm tội ít nghiêm trọng mà có nhiều tình tiết giảm nhẹ nhưng chưa đủ điều kiện để được miễn hình phạt. Đây là biện pháp xử lý mang tính răn đe nhẹ nhàng, không gây tổn hại về tài sản hay xâm phạm đến tự do thân thể, nhưng vẫn có giá trị cảnh tỉnh về mặt tinh thần đối với người phạm tội.
legal
Hình phạt cảnh cáo được Tòa án tuyên đọc công khai tại phiên tòa, như một hình thức thể hiện sự khiển trách chính thức từ phía Nhà nước đối với hành vi sai trái. Trong một số trường hợp đặc biệt, quyết định cảnh cáo có thể được công bố trên phương tiện thông tin đại chúng, tại nơi cư trú hoặc nơi làm việc nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục và phòng ngừa chung trong cộng đồng.

II. Hình phạt tiền

Luật Tư pháp người chưa thành niên quy định về hình phạt tiền đối với người chưa thành niên phạm tội như sau: Phạt tiền được áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội, nếu người đó có thu nhập hoặc có tài sản riêng. Có thể thấy, phạt tiền là việc Tòa án buộc người chưa thành niên phạm tội nộp một khoản tiền nhất định theo quy định của pháp luật để sung vào công quỹ Nhà nước. Mục đích của hình phạt này là giáo dục người chưa thành niên phạm tội có ý thức tuân thủ pháp luật. Đối tượng áp dụng là người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi và từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội, có thu nhập hoặc tài sản riêng. Mức phạt lần lượt không quá một phần ba và một phần hai mức phạt tiền mà điều luật quy định đồng thời không quy định mức tối thiểu.

III. Hình phạt cải tạo không giam giữ

Hình phạt cải tạo không giam giữ là hình phạt nghiêm khắc hơn các biện pháp không tước tự do khác, nhưng nhẹ hơn tù có thời hạn. Mục đích nhằm tạo điều kiện cho người phạm tội, đặc biệt là người chưa thành niên, sửa chữa sai lầm và tái hòa nhập cộng đồng.

Hình phạt này được áp dụng đối với người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do vô ý, phạm tội ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng; người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng.

Đáng chú ý, người chưa thành niên chấp hành hình phạt này không bị khấu trừ thu nhập, và thời hạn cải tạo không vượt quá một nửa thời hạn luật định, thể hiện tính nhân đạo và định hướng giáo dục của pháp luật.

IV. Hình phạt tù có thời hạn

Hình phạt tù có thời hạn là hình phạt nặng nhất trong hệ thống hình phạt áp dụng cho người chưa thành niên phạm tội. Hình phạt này tước tự do, cách ly người phạm tội khỏi xã hội trong một thời gian nhất định và được áp dụng khi các biện pháp giáo dục và hình phạt khác không đạt hiệu quả. Tù có thời hạn là giam người bị kết án ở các trại giam, tức là cách ly người đó ra khỏi môi trường, đời sống xã hội bình thường để giáo dục và cải tạo họ. Sự hạn chế tự do của người bị kết án tù có thời hạn là nội dung pháp lý chủ yếu của loại hình phạt này. Để thể hiện chính sách nhân văn, tiến bộ, Luật quy định giảm mức phạt tù tối đa đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội từ 12 năm xuống 09 năm tù, đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi từ 18 năm xuống 15 năm tù, trừ trường hợp phạm 05 loại tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe và ma túy thì mức hình phạt theo quy định của pháp luật hiện hành: 
  • Tội "Giết người"; 
  • Tội Hiếp dâm"; 
  • Tội "Hiếp dâm người dưới 16 tuổi"; 
  • Tội "Cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi"; 
  • Tội "Sản xuất trái phép chất ma túy".
Quy định này nhằm thể chế hóa yêu cầu của Đảng về “coi trọng việc hoàn thiện chính sách hình sự... đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong xử lý người phạm tội” và phù hợp với xu hướng chung của các nước trên thế giới. Đồng thời vừa bảo đảm mức hình phạt và tổng hợp hình phạt phù hợp với người chưa thành niên, vừa bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và an toàn cho cộng đồng. Đây là điểm tiến bộ trong việc quy định so với Bộ luật Hình sự năm 2015 về hình phạt này.
minor
Luật Tư pháp người chưa thành niên năm 2024 là bước tiến quan trọng trong hoàn thiện pháp luật hình sự, nhấn mạnh vai trò giáo dục đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Những quy định mới, đặc biệt về hình phạt như cảnh cáo và cải tạo không giam giữ, đã khắc phục nhiều bất cập, bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người chưa thành niên.

Công ty AGS cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc bài viết này. Hy vọng bạn đã có được những thông tin bổ ích. Hãy tiếp tục theo dõi chúng tôi để cập nhật thêm nhiều thông tin cũng như cơ hội việc làm tại AGS nhé.

Thông tin khác

Thông tin tuyển dụng và hướng dẫn

Nguồn:
https://lsvn.vn/ap-dung-hinh-phat-doi-voi-nguoi-chua-thanh-nien-pham-toi-a156809.html
https://vienkiemsat.haiduong.gov.vn/trao-doi-nghiep-vu/ban-ve-quy-dinh-hinh-phat-tu-doi-voi-nguoi-duoi-18-tuoi-pham-toi-trong-bo-luat-hinh-su-2015-4680.html
https://baochinhphu.vn/de-cao-tinh-nhan-van-huong-thien-trong-xu-ly-nguoi-chua-thanh-nien-pham-toi-102241023105826573.htm
Next Post Previous Post