Những lưu ý trong đề thi tiếng Nhật JLPT (Phần 1: Kiến thức ngôn ngữ)

2015/06/09

NgànhNgoạingữ TiếngNhật

Tiếp nối bài “Những điều cần lưu ý khi tham dự kỳ thi JLPT” lần trước, ở lần này, chúng mình sẽ cùng nhau đi vào tìm hiểu sâu hơn về những lưu ý trong từng dạng bài ở các phần thi nhé.
Cấu trúc bài thi: Tùy vào cấp độ, cấu trúc đề thi sẽ có một chút thay đổi, nhưng nhìn chung sẽ bao gồm 3 phần là Kiến thức ngôn ngữ (Từ vựng + Ngữ pháp), Đọc hiểu và Nghe hiểu. Trong bài viết này, mình sẽ đi vào phần đầu tiên là Kiến thức ngôn ngữ.

Dạng 1: Furigana các từ Kanji


Dạng bài này sẽ xuất hiện ở cả 5 cấp độ từ N5 đến N1.
Trong dạng bài này, các bạn hãy chú ý đến trường âm, âm ngắt cũng như cách đọc của các từ đặc biệt, tránh bị nhầm lẫn nhé. Đây đồng thời cũng là những điểm mà các bạn cần lưu ý trong quá trình ôn tập.
Ngoài ra, trong trường hợp gặp một từ được ghép bởi 2 chữ Hán mà các bạn biết nhưng lại không chắc cách đọc của từ đó là gì, hãy nhớ xem từng chữ cấu thành có xuất hiện trong từ nào mà mình đã biết không.
Ví dụ, với từ 総額, chúng ta có thể đặt 総 vào 総合 (そうごう)và 額 vào 金額(きんがく), để từ đó suy ra cách đọc của 総額 là そうがく.
Tuy nhiên, cách này không phải lúc nào cũng sẽ cho ra kết quả đúng, bởi một số từ có cách đọc đặc biệt.
Hơn nữa, khi gặp một từ âm kun không biết cách đọc, các bạn có thể dùng phương án loại trừ, xem những cách đọc đó sẽ tương ứng với những từ nào, từ đó suy ra cách đọc của từ cần chọn.

Dạng 2: Viết Kanji từ Hiragana

 
Dạng bài này sẽ xuất hiện ở đề thi thuộc cả 5 cấp độ từ N5 đến N1.
Đối với dạng bài này, các bạn hãy chú ý tới các từ Kanji gần giống nhau (ví dụ như 微・徴、暮・募・墓・幕・慕) và những từ có cách đọc giống nhau (ví dụ 選択 và 洗濯) dễ gây nhầm lẫn nhé.
Ngoài ra, với các từ Kanji gần giống nhau, trong lúc ôn tập, các bạn có thể tìm bộ khác nhau giữa chúng, xem các bộ đó có nghĩa là gì để từ đó suy ra trong một từ vựng, từ Kanji nào sẽ là từ thích hợp. Ví dụ, 2 từ Mộ 墓 và 慕 khác nhau ở bộ Thổ (土) và bộ Tâm (心) sẽ lần lượt có nghĩa là ngôi mộ và ái mộ.

Dạng 3: Tiền tố, hậu tố

 
Dạng bài này sẽ không có ở đề thi N4 và N5, đề N2 được tách thành một bài riêng, đề N3 và N1 thì thường được gộp chung với các dạng bài khác.
Với dạng bài này, các bạn có thể dựa vào nghĩa Hán Việt của tiền tố/hậu tố đó để đoán nghĩa trong trường hợp còn phân vân đáp án.
Ngoài ra, trong lúc ôn tập, các bạn nên nắm vững nghĩa của các tiền tố, hậu tố thường xuất hiện, có thể kể đến như 不・無・非・未・再... (tiền tố), 流・風・的・感...(hậu tố) để khi gặp một từ mặc dù chưa thấy bao giờ, nhưng dựa trên nghĩa của tiền tố/hậu tố đó cùng với nghĩa của từ gốc, các bạn cũng có thể chọn được đáp án đúng.
Hơn nữa, vì có một số từ sẽ mang nghĩa giống nhau, nên việc phân biệt được cách dùng của những từ đó cũng rất quan trọng.
Như trong các ví dụ trên, 不・無・非 đều mang nghĩa là “không”, nhưng 不 mang nghĩa phủ định tính chất, trạng thái của một sự vật, sự việc nào đó (~ではない/~しない); còn 無 là trạng thái không có, không tồn tại một cái gì đó (~がない); và cuối cùng là 非 sẽ mang nghĩa một điều gì đó không phù hợp với chuẩn mực thông thường, bị lỗi, bất thường (非常識 - Thiếu kiến thức thường thức).

Dạng 4: Điền từ vựng còn thiếu vào câu + dạng 5: chọn từ đồng nghĩa 

Dạng 4 sẽ xuất hiện ở đề thi thuộc cả 5 cấp độ từ N5 đến N1. Còn với dạng 5, N5, N4 là câu đồng nghĩa, N3, N1 là từ đồng nghĩa.
Ở dạng bài này, khi gặp từ còn phân vân, các bạn có thể dựa vào ngữ cảnh, nghĩa của câu để đoán nghĩa của từ cần điền, sau đó có thể dùng phương pháp loại trừ hoặc đoán nghĩa dựa vào Kanji để có thể chọn ra phương án đúng.
Dạng 5: Cách dùng từ
Dạng bài này sẽ xuất hiện ở đề thi thuộc 4 cấp độ từ N4 đến N1.
Ở dạng bài này, các bạn hãy chú ý tới các dấu hiệu thường đi kèm với một từ nào đó, v.
Ví dụ: từ 廃止 (Hủy bỏ) thường đi kèm với 制度 (、ルール、習慣、サービス...
Ngoài ra, nếu đó là một từ lạ, hãy xem thử các phương án khác có thể thay được bằng các từ khác không, nếu có, thì khả năng cao đó sẽ không phải là đáp án đúng.
Dạng 6: Ngữ pháp trong câu
Dạng bài này sẽ xuất hiện ở đề thi thuộc cả 5 cấp độ từ N5 đến N1.
Ở dạng bài này, hãy lưu ý chọn đúng thể của từ, ví dụ đối với chỗ trống cần điền trước từ ながらも, trong các phương án lựa chọn sẽ có 2 phương án là なり và なる, và phương án đúng ở đây sẽ là なり. Ngoài ra, ở những câu có nội dung về kính ngữ, các bạn hãy lưu ý xem ai là người thực hiện hành động đó để biết được trong trường hợp đó, mình sẽ sử dụng tôn kính ngữ hay khiêm nhường ngữ nhé.

Dạng 7: Chọn từ ở vị trí dấu sao

 
Dạng bài này sẽ xuất hiện ở đề thi thuộc cả 5 cấp độ từ N5 đến N1.
Ở dạng bài này, các bạn hãy thử xem phần đầu và phần cuối của câu có thể ghép với các phương án như thế nào; đồng thời xem các phương án chọn (1, 2, 3, 4) có thể ghép với nhau như thế nào. Ngoài ra, cũng hãy thử dịch nghĩa của câu, vì đôi khi việc này cũng có thể khiến việc sắp xếp trở nên dễ dàng hơn.
Trong lúc ôn tập, các bạn hãy lưu ý các kiến thức quan trọng của phần này như các mẫu câu cố định, mệnh đề bổ ngữ và cách sử dụng danh từ, thể thông thường… nhé.

Dạng 8: Điền từ vào đoạn văn

 
Dạng bài này sẽ xuất hiện ở đề thi thuộc cả 5 cấp độ từ N5 đến N1.
Trong số các câu hỏi ở dạng bài này, có lẽ câu hỏi về liên từ sẽ dễ hơn các câu khác, vì chúng ta chỉ cần đọc câu trước và sau chỗ trống, xem mối quan hệ giữa chúng là có thể chọn được đáp án.
Nếu không đủ thời gian đọc hết cả đoạn, các bạn hãy thử tìm câu về liên từ để giải quyết nhé (câu hỏi về liên từ sẽ xuất hiện các từ như ただし、要する に、または、しかも、ところが、とはいえ...).
Ngoài ra, khi ôn tập, các bạn hãy chú ý cách sử dụng của thể bị động, liên từ, てくる・ていく、こ・そ・あ、は・が...
Trong trường hợp các bạn hoàn toàn không thể suy luận được gì, thì mình nghĩ các bạn nên chọn phương án mà bản thân nghĩ tới đầu tiên, vì mọi người vẫn hay nói đó thường sẽ là phương án đúng, và mình cũng thấy vậy. Theo mình, trong trường hợp này, thì các bạn không nên dừng lại quá lâu ở một câu hay chọn rồi sau đó sửa lại.
Ngoài ra, các bạn cũng có thể đánh dấu lại câu đó và quay lại sau nếu còn thời gian, vì biết đâu ở các phần bài sau, các bạn sẽ tìm được một “manh mối” gì đó, hay cũng có thể ở lần đầu, các bạn không nhớ ra một từ vựng, mẫu câu nào đó, nhưng sau đó lại nhớ ra thì sao.
Lời cuối cùng, xin được chúc tất cả các bạn có một kỳ thi may mắn, thành công và tốt đẹp.

Những lưu ý ở các dạng bài trong đề thi JLPT (Phần 2: Đọc hiểu)
Hãy đọc tiếp phần 2 ở đây nhé.
* Các hình trong bài được cắt từ đề thi JLPT N2 T7/2017

Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ