Những lưu ý trong đề thi tiếng Nhật JLPT (Phần 2: Đọc hiểu)

2015/06/19

NgànhNgoạingữ TiếngNhật


Sau khi đã tìm hiểu về những lưu ý trong các dạng bài của phần “Kiến thức ngôn ngữ” ở bài viết tuần trước, thì tuần này, chúng mình sẽ cùng tiếp tục đi vào phần “Đọc hiểu” nhé. Ở phần này, chúng ta sẽ có các dạng bài như sau.

1. Dạng bài đọc đoạn văn ngắn/trung/dài và trả lời câu hỏi.

Các dạng câu hỏi thường xuất hiện trong bài là:

a) Câu hỏi về ý nghĩa một từ, một câu (thường có phần gạch chân)/ý kiến của tác giả về một điều xuất hiện trong văn bản


Bước 1: Đọc sơ toàn bộ văn bản, nắm ý chính và các từ khóa, đoán chủ đề bài viết.

Bước 2: Đọc câu hỏi, tìm đáp án từ văn bản. Ở bước này, cần lưu ý:
  • Xem thật kĩ câu, từ, ý được hỏi và nắm chắc nội dung.
  • Xem câu trước và câu sau, trong đó đặc biệt là câu phía trước.
  • Tìm các cách diễn đạt khác của phần được gạch chân.
Bước 3: So sánh các phương án lựa chọn để chọn ra câu trả lời chính xác.

b) Câu hỏi về nội dung tổng thể của văn bản (thường là điều tác giả muốn truyền tải nhất)


Bước 1: Đọc sơ toàn bộ văn bản, nắm ý chính và các từ khóa, đoán chủ đề bài viết.

Bước 2: Đọc câu hỏi, tìm đáp án từ văn bản. Ở bước này, cần lưu ý các điểm như:

Các biểu hiện thể hiện quan điểm tác giả (主張表現).
  • Biểu hiện thể hiện sự phán đoán, đánh giá:「~でしょう。」「~だろう。」「~かもしれない」「はずだ。」「~のです。」「~ではないか」「~のではないか」「~のではないだろうか」「~と思う」「~と考える」「~と言える」...
  • Biểu hiện thể hiện điều cần làm, điều không nên làm: 「~べきだ」「~べきではない」「~たほうがいい」「~なければならない」...
  • Biểu hiện thể hiện thứ quan trọng, cần thiết: 「~には...ことだ」「~には...が必要だ」「~が大事だ」「~が重要だ」...
Từ đồng nghĩa và cách nói tương đương (言い換え). Thông thường, nội dung các câu trả lời của câu hỏi thường được viết “khác đi” một chút so với nội dung trong bài đọc bằng cách sử dụng các từ đồng nghĩa, các cách nói mang tính tương đương. Đây được gọi là biện pháp 言い換え. Nếu biện pháp này được sử dụng trong câu trả lời thì khả năng câu đó là đáp án đúng rất cao.

Liên từ, biểu hiện kết nối (接続表現). Trong số nhiều biểu hiện kết nối, có thể nói quan trọng nhất gồm 3 nhóm sau:
  • Nhóm biểu hiện quan hệ đối nghịch: しかし、ところが、それなのに... Và đáp án nhiều khi sẽ nằm ở phần sau các từ này.
  • Nhóm biểu hiện quan hệ nguyên nhân - kết quả: そのために、そこで、それで、だから...
  • Nhóm biểu hiện cách diễn đạt khác: つまり、要するに...
Khả năng cao đáp án sẽ nằm sau những từ này.

Bước 3: So sánh các phương án lựa chọn để chọn ra câu trả lời chính xác.

c) Câu hỏi hỏi về nguyên nhân, lý do


Bước 1: Đọc sơ toàn bộ văn bản, nắm ý chính và các từ khóa, đoán chủ đề bài viết.

Bước 2: Đọc câu hỏi, tìm đáp án từ văn bản.
  • Xem thật kĩ câu, từ được hỏi (thường có phần gạch chân) và nắm chắc nội dung.
  • Tìm các biểu hiện diễn tả quan hệ nguyên nhân - kết quả trong câu được gạch chân hoặc từ các câu trước sau (「~から」「~ので」「~によって・~により」「~のことで」「~したがって」「~ゆえに」「なぜなら~からだ」「~ことから~ことになる・ようになる」...)
  • Tìm các biểu hiện ẩn dụ, các cách diễn đạt khác liên quan đến câu hỏi nếu xung quanh đó không có biểu hiện diễn tả quan hệ nguyên nhân - kết quả.
Bước 3: So sánh các phương án lựa chọn để chọn ra câu trả lời chính xác.

d) Câu hỏi về từ chỉ thị (これ、それ...) (thường có phần gạch chân)


Bước 1: Đọc sơ toàn bộ văn bản, nắm ý chính và các từ khóa, đoán chủ đề bài viết.

Bước 2: Đọc câu hỏi, tìm đáp án từ văn bản.

Nhìn kĩ câu chứa từ chỉ thị, nắm chắc nội dung câu đó.

Nhìn các câu trước và câu sau của câu đó (hoặc vế trước và sau trong chính câu đó nếu đó là câu dài được tách thành nhiều vế), tìm các từ mà từ chỉ thị đang biểu thị (Đặc biệt chú ý vào câu ngay trước, hoặc vế ngay trước câu chứa từ chỉ thị).

Bước 3: So sánh các phương án lựa chọn để chọn ra câu trả lời chính xác.

Ngoài ra, các bạn cũng có thể thay các đáp án vào dưới phần gạch chân, kiểm tra lại xem ý nghĩa của đoạn có được kết nối trơn tru không.

2. Dạng bài đọc đoạn văn trình bày ý kiến của 2 bên A và B


Với dạng bài này, các bạn có thể đọc đoạn viết bởi người A, sau đó xuống câu hỏi để loại trừ dần đáp án có được từ đoạn của người A, sau đó đọc tiếp đoạn của người B và chọn ra đáp án phù hợp. Trong các dạng bài trong phần đọc hiểu, đây có lẽ là dạng bài có phần dễ đọc hơn dạng bài đọc đoạn văn ngắn/trung/dài, vì vậy nếu không kịp làm hết tất cả các bài trong phần đọc hiểu, hãy dành thời gian để làm bài này nhé.

3. Dạng bài đọc lấy thông tin


Dạng bài này sẽ gồm 1 đoạn thông tin với 2 câu hỏi. Các bạn nên đọc câu hỏi trước và xem kỹ thông tin được hỏi ở đây là gì, sau đó dò tìm chúng ở phần bài đọc, và theo mình, các bạn chỉ nên đọc phần dữ kiện có chứa thông tin ở câu hỏi thôi. Đồng thời, đây cũng là dạng bài đỡ khó nhất, đồng thời cũng chiếm điểm cao nhất.

Ngoài ra, khi làm phần đọc hiểu, các bạn cũng nên tránh việc dùng những kiến thức, cách lý giải thường được mọi người công nhận ở đời sống thực tế để chọn đáp án cho những câu hỏi về ý kiến của tác giả. Ngoài ra, việc suy luận ra một ý kiến khác từ ý kiến của tác giả được nêu trong bài cũng có thể là một hướng đi mà một số người mắc phải. Đây đồng thời cũng là những đáp án “mồi nhử” trong đề thi. Vậy nên, các bạn hãy bám sát vào ý kiến của tác giả được đề cập trong bài viết để tránh việc làm sai nhé.

Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ