Lời chào trong văn hóa Nhật

2014/07/17

NhậtBản-Vănhóa

Ở Nhật cũng như các quốc gia khác trên thế giới, việc chào hỏi có thể được sử dụng ở nhiều bối cảnh khác nhau như khi gặp gỡ và chia tay, trước và sau khi ăn, trước khi ra khỏi nhà… Tại nơi làm việc, thì đó sẽ là những lời chào lúc đến và về, lúc gặp nhau trên hành lang, lúc gặp và tiễn khách hàng… Lời chào được xem như một hình thức để công nhận sự tồn tại của đối phương. So với các quốc gia khác, lời chào của người Nhật thường thể hiện rõ hơn tinh thần coi trọng lễ nghĩa và sự biết ơn, tôn trọng đối phương.
Khi chào, chúng ta nên chào bằng giọng nói đầy năng lượng cùng khuôn mặt tươi cười, sáng sủa chứ không nên chỉ chào một cách hời hợt, bằng một giọng nói nhỏ và khuôn mặt thiếu sức sống.
Một trong những hình thức chào hỏi thể hiện rõ nhất tinh thần của người Nhật là Cúi chào (お辞儀- Ojigi). Khi chào hỏi, khi nhờ, khi xin lỗi cũng như cảm ơn, họ đều cúi người. Thậm chí, khi nói chuyện điện thoại, dù không nhìn thấy nhau, song nhiều người vẫn bất giác cúi người để biểu thị sự tôn trọng hoặc biết ơn người nghe. Căn cứ vào mức độ quan hệ giữa người chào và người đối diện, vào địa điểm, thời gian và hoàn cảnh, có 3 kiểu cúi chào sau:

1. Chào bình thường (会釈- Eshaku): 

Kiểu cúi chào này thường được áp dụng trong những trường hợp chào hỏi thông thường, ví dụ khi gặp đồng nghiệp hay cấp trên ở hành lang. Khi chào sẽ cúi người xuống 15 độ (lưu ý giữ lưng thẳng và gập ở ngang hông).

2. Chào lễ độ (敬礼 - Keirei): 

Đây là kiểu chào được áp dụng khi trong những trường hợp trang trọng hơn, như khi chào cấp trên (lúc đến và rời công ty) hay khách hàng. Khi chào sẽ cúi người xuống 30 độ, mắt nhìn về phía trước khoảng 50-60cm.

3. Chào tôn kính (最敬礼 - Saikeirei): 

Đây là kiểu chào trang trọng nhất, dùng để thể hiện sự cảm kích hoặc lời xin lỗi sâu sắc đối với một người nào đó, hoặc khi tiễn khách ra về từ công ty. Khi chào sẽ cúi người xuống khoảng 45 độ, mắt nhìn xuống mũi bàn chân của mình.
Về cách thức chào lúc tiễn khách ra về sau khi đến công ty (ở đây em sẽ lấy ví dụ trong trường hợp khách ra về sau khi kết thúc cuộc họp), đầu tiên, sếp hoặc trợ lý của sếp sẽ đến mở cửa phòng họp và mời khách ra và đưa khách đến thang máy. Tại thang máy, sếp hoặc trợ lý sẽ bấm thang máy và đứng chờ cùng khách đến khi cửa thang máy mở ra. Khi thang máy đến, cả 2 người sẽ mời khách vào và cùng cúi chào khách (theo kiểu saikeirei) cho đến khi cửa thang máy đóng lại.
Và trên đây là một số những điều cơ bản trong cách thức chào hỏi của người Nhật nói chung và trong doanh nghiệp Nhật nói riêng.

Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ