Trong xu thế hội nhập và phát triển nền kinh tế toàn cầu, các doanh nghiệp nước ngoài bị thu hút bởi những lợi ích khi đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Ở giai đoạn đầu, các pháp nhân nước ngoài sẽ cố gắng nghiên cứu thị trường, tiến hành tìm kiếm khách hàng hoặc các đối tác kinh doanh, do đó nhiều doanh nghiệp sẽ quan tâm đến việc thành lập văn phòng đại diện thay vì thành lập công ty, mua cổ phần doanh nghiệp Việt Nam (M&A).
Luật điều chỉnh:
Luật Thương mại Việt Nam 2005; và
Nghị định 07/2016/NĐ-CP.
1. Ưu điểm của việc thành lập văn phòng đại diện
1.1 Mục đích
Văn phòng đại diện được thành lập như một công cụ để nghiên cứu thị trường. Đối với các doanh nghiệp nước ngoài lần đầu vào thị trường Việt Nam, mục đích chính của họ là tìm hiểu, nghiên cứu khách hàng, thẩm định các đối tác kinh doanh, nhà phân phối, cũng như theo dõi tình hình hoạt động để gia tăng cơ hội mở rộng thị trường kinh doanh Việt Nam. Việc thành lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam sẽ là một phương án hiệu quả cả về chi phí và thời gian để các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện được mục tiêu trên.
1.2 Quyền của Văn phòng đại diện
Khi được cấp phép, Văn phòng đại diện sẽ được phép tuyển dụng lao động Việt Nam, lao động nước ngoài làm việc tại văn phòng thông qua việc xin giấy phép lao động, cấp thẻ tạm trú. Văn phòng đại diện cũng có thể được phép mở tài khoản ngân hàng bằng ngoại tệ hoặc đồng Việt Nam tại ngân hàng thương mại nếu họ có nhu cầu theo quy định của pháp luật.
1.3 Thủ tục thành lập
Căn cứ quy định của pháp luật Việt Nam, việc thành lập văn phòng đại diện không yêu cầu vốn của nhà đầu tư như khi thành lập một công ty, theo đó để thành lập hoặc thực hiện một dự án đầu tư tại Việt Nam thì một tổ chức kinh tế nước ngoài phải góp từ 50 nghìn USD đến hàng triệu USD. Đôi khi, nếu khoản đầu tư thuộc lĩnh vực có điều kiện, việc thành lập công ty có vẻ khó khăn hơn. Như vậy, việc thành lập Văn phòng đại diện giúp Doanh nghiệp lường trước được kế hoạch kinh doanh trong tương lai tại Việt Nam mà không phải bỏ ra nhiều nguồn lực để đạt được mục đích mở rộng thị trường một cách không cần thiết.
Hơn nữa, quá trình thành lập Văn phòng đại diện được thực hiện đơn giản hơn so với việc thành lập một pháp nhân trên lãnh thổ Việt Nam, giúp cho doanh nghiệp nước ngoài tiết kiệm thời gian và chi phí hơn.
2. Thách thức khi thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam
Pháp luật Việt Nam quy định rằng để thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam, thương nhân nước ngoài phải chứng minh việc hoàn thành trách nhiệm tài chính tại nước mình. Trên thực tế, một trong những tài liệu mà pháp nhân nước ngoài phải cung cấp đó là báo cáo tài chính đã được kiểm toán khi muốn thành lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam. Tuy nhiên, ở một số quốc gia, báo cáo kiểm toán tài chính không có sẵn theo pháp luật. Theo đó để thuận lợi hơn cho Thương nhân nước ngoài thì cơ quan cấp giấy chứng nhận hoạt động Văn phòng đại diện sẽ yêu cầu các tài liệu chứng minh việc hoàn thành nghĩa vụ thuế hoặc nghĩa vụ tài chính của năm tài chính vừa qua hoặc các tài liệu tương đương làm bằng chứng về sự tồn tại và hoạt động của thương nhân nước ngoài được xác nhận bởi cơ quan nước ngoài. Quy định này ban đầu có thể gặp khó khăn, tuy nhiên, nếu thương nhân nước ngoài đã được thành lập và hoạt động hợp pháp tại nước họ thì việc thực hiện quy định này không phải là trở ngại quá lớn.
#Thảo Nguyễn
#INC
#HCMC