Thủ tục mở tài khoản ngân hàng của Văn phòng đại diện Thương nhân nước ngoài

2019/12/17

LuậtThươngmại



1. Quy định về quyền của Văn phòng đại diện khi mở tài khoản ngân hàng

Căn cứ tài Điều 17 Luật thương mại 2005 thì Văn phòng đại diện có quyền mở tài khoản bằng ngoại tệ, bằng đồng Việt Nam có gốc ngoại tệ tại ngân hàng được phép hoạt động tại Việt Nam và chỉ được sử dụng tài khoản này vào hoạt động của Văn phòng đại diện.

Mặc khác theo quy định tại Điều 11 Thông tư 23/2014/TT-NHNN được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 6 Điều 1 Thông tư 02/2019/TT-NHNN thì đối tượng mở tài khoản thanh toán bao gồm nhưng không hạn chế các tổ chức không có tư cách pháp nhân được thành lập, hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Như vậy, Văn phòng đại diện của Thương nhân nước ngoài được quyền mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng được phép hoạt động tại Việt Nam.

2. Hồ sơ mở tài khoản thanh toán

Căn cứ quy định tài Khoản 2 Điều 12 Thông tư 23/2014/TT-NHNN được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 7 Điều 1 Thông tư 02/2019/TT-NHNN thì Hồ sơ mở tài khoản thanh toán của Văn phòng đại diện bao gồm:

Giấy đề nghị mở tài khoản thanh toán lập theo mẫu của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nơi mở tài khoản và phải có đủ những nội dung chủ yếu sau:

  • Tên giao dịch đầy đủ và viết tắt; địa chỉ đặt trụ sở chính, địa chỉ giao dịch, số điện thoại, lĩnh vực hoạt động, kinh doanh;

  • Thông tin về người đại diện hợp pháp của tổ chức mở tài khoản thanh toán theo quy định;

  • Thông tin về kế toán trưởng hoặc người phụ trách kế toán (nếu có) của tổ chức mở tài khoản thanh toán theo quy định;

  • Mẫu chữ ký của người đại diện hợp pháp của tổ chức mở tài khoản, mẫu dấu (nếu có), mẫu chữ ký của kế toán trưởng hoặc người phụ trách kế toán (nếu có) của tổ chức mở tài khoản thanh toán.

Các giấy tờ chứng minh việc tổ chức mở tài khoản thanh toán được thành lập và hoạt động hợp pháp: Quyết định thành lập, giấy phép hoạt động giấy chứng nhận đăng ký Văn phòng đại diện hoặc các giấy tờ khác theo quy định của pháp luật;

Các giấy tờ chứng minh tư cách đại diện của người đại diện hợp pháp và quyết định bổ nhiệm kế toán trưởng hoặc người phụ trách kế toán (nếu có) của tổ chức mở tài khoản thanh toán kèm thẻ căn cước công dân hoặc giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn của những người đó.

3. Đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật về quản lý ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam

Văn phòng đại diện của Thương nhân nước ngoài thuộc đối tượng người cư trú là tổ chức (theo khoản 2 Điều 4 Pháp lệnh ngoại hối 2005 được sửa đổi bổ sung bởi Điểm I Khoản 1 Điều 1 Pháp lệnh sửa đổi Pháp lệnh ngoại hối năm 2013). Theo đó, đối với các chi phí của văn phòng đại diện chủ yếu phát sinh từ các giao dịch tại Việt Nam và/với các chủ thể là các cá nhân, tổ chức cư trú tại Việt Nam thì các giao dịch, thanh toán của người cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ trường hợp người cư trú (Văn phòng đại diện), người không cư trú (Thương nhân nước ngoài) được thỏa thuận và trả lương, thưởng, phụ cấp trong hợp đồng lao động bằng ngoại tệ chuyển khoản hoặc tiền mặt cho người không cư trú và người cư trú là người nước ngoài làm việc cho chính Văn phòng đại diện đó (Tham khảo quy định tại Điều 4 Thông tư 32/2013/TT-NHNN sửa đổi bởi Điều 1 Thông tư 03/2019/TT-NHNN và khoản 1 Điều 1 Thông tư 16/2015/TT-NHNN).

Như vậy, để việc thanh toán các chi phí hoạt động của văn phòng đại diện được thực hiện tuân thủ theo quy định pháp luật về ngoại hối và được ghi nhận hợp lệ vào chi phí của văn phòng đại diện thì văn phòng đại diện phải có một tài khoản thanh toán riêng tại Việt Nam để nhận tiền (đồng Việt hoặc ngoại hối) từ Thương nhân nước ngoài. Sau đó, khi có nhu cầu thanh toán các chi phí hoạt động của văn phòng đại diện thì sẽ sử dụng tài khoản thanh toán của văn phòng đại diện để thực hiện các thanh toán chi phí bằng đồng Việt Nam.

#Thảo Nguyễn

#INC

#HCM

Thông tin khác

Thông tin tuyển dụng và hướng dẫn

Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ