I. Lý do nhà tuyển dụng hỏi bạn mong muốn mức lương bao nhiêu?
1. Đánh giá xem bạn hiểu giá trị bản thân như thế nào
Nếu bạn tự tin về năng lực, kinh nghiệm cũng như kỹ năng làm việc của bản
thân, bạn hoàn toàn có thể đề xuất mức lương xứng đáng. Nếu bạn đề xuất mức
lương thấp hơn mặt bằng chung, điều đó có thể cho thấy là bạn đang không tự
tin về bản thân.
2. Đo lường mức độ phù hợp giữa chuyên môn của bạn với vị trí đang tuyển dụng
Trong buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng đánh giá năng lực chuyên môn bạn đưa ra
có phù hợp với mức lương mà bạn đang mong muốn không. Sẽ có trường hợp ứng
viên đưa ra mức lương quá cao so với kỹ năng, kinh nghiệm mà doanh nghiệp đang
cần. Hay nếu con số mà bạn đưa ra quá thấp thì nhà tuyển dụng cũng đánh giá
chuyên môn của bạn không đáp ứng yêu cầu đề ra.
3. Xác định xem mức lương bạn đề xuất có phù hợp với chính sách và quỹ lương
của công ty hay không
Thông thường, các công ty có quyết định ngân sách dự trù cho vị trí đang cần
tuyển dụng. Thông qua câu hỏi và cách trả lời thông minh cho câu hỏi “Bạn mong
muốn mức lương bao nhiêu?”, nhà tuyển dụng muốn đảm bảo con số đưa ra thích
hợp với ngân sách dự trù của họ.
II. Gợi ý trả lời khi được hỏi “Bạn mong muốn mức lương bao nhiêu”
1. Đưa ra khoảng lương thay vì một con số cụ thể
Việc đưa ra khoảng lương thay vì một con số cụ thể là một cách trả lời phỏng
vấn an toàn, đảm bảo mức lương mà bạn đề xuất không bị quá cao hoặc quá thấp.
Bằng cách này, bạn cũng cho thấy sự linh hoạt trong việc đàm phán mức lương và
khả năng đáp ứng yêu cầu của công việc.
Nếu công ty đàm phán một con số dưới khoảng lương bạn đưa ra, bạn có thể đồng
ý với mức lương đó nếu nhận được các lợi ích khác như chế độ phúc lợi tốt.
Ngoài ra, bạn cũng nên đề xuất lộ trình tăng lương rõ ràng và phù hợp với năng
lực cũng như kinh nghiệm của bản thân.
Mẫu câu trả lời gợi ý: “Với những kinh nghiệm và năng lực hiện tại trong nghề,
tôi mong muốn mức lương từ 20 đến 25 triệu đồng một tháng. Tôi hiểu rằng mức
lương sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng tôi tin rằng quý công ty sẽ có sự
đánh giá hợp lý và có chính sách lương phù hợp với những gì mà tôi sẽ đóng góp
trong thời gian tới nếu có cơ hội hợp tác”.
2. Khéo léo chuyển câu hỏi sang cho nhà tuyển dụng
Như đã trình bày trên, việc đặt câu hỏi liên quan về lương nhằm kiểm tra khả
năng ứng xử của bạn. Để xử lý đẹp câu hỏi này, bạn có thể “thực hiện một cú
chuyền bóng” sang cho nhà tuyển dụng bằng cách sau:
Ví dụ: Qua quá trình trao đổi công việc với anh/chị, tôi thật sự rất thích
công việc này. Tôi tin bằng những kinh nghiệm sẵn có và sự nhiệt huyết của bản
thân sẽ đáp ứng được yêu cầu của quý công ty. Ngoài ra, tôi mong muốn được
cống hiến lâu dài và góp phần vào việc xây dựng sự phát triển lâu dài của công
ty. Nếu có thể, anh/chị cho tôi biết ngân sách ở vị trí này là bao nhiêu được
không ?
Với cách trả lời này nhằm cho nhà tuyển dụng thấy được sự tâm huyết cho vị trí
này và tinh thần cầu việc ở bạn. Đồng thời sẽ giúp bạn tránh được câu trả lời
trực tiếp về mức lương.
3. Đưa ra mức lương trên cơ sở có khảo sát
Thực tế, nhiều ứng viên thường mắc phải sai lầm khi đưa ra con số lương theo ý
kiến chủ quan của mình. Điều này sẽ khiến nhà tuyển dụng trao cơ hội cho ứng
viên khác khi không thể đáp ứng yêu cầu lương từ bạn. Đây chính là lý do vì
sao tôi khuyên bạn nên khảo sát thị trường lương trước khi bước vào phỏng vấn.
Việc chuẩn bị trước sẽ giúp bạn đưa ra được mức phương phù hợp trên cơ sở có
căn cứ rõ ràng. Đây còn là một điểm cộng cho thấy bạn có khả năng tự tìm hiểu
và sắc sảo khi đưa ra luận điểm của mình.
4. Đưa ra các yếu tố khác ngoài mức lương
Việc đưa ra các yếu tố khác ngoài mức lương khi trả lời câu hỏi này cho thấy
bạn không chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân mà còn quan tâm đến một môi trường
làm việc tốt cho sự phát triển của bản thân và công ty. Tuy nhiên, việc đưa ra
các yếu tố khác ngoài mức lương cũng nên khéo léo vì có thể nhà tuyển dụng sẽ
cho rằng bạn trả lời không đúng trọng tâm, né tránh câu hỏi nhạy cảm.
Ví dụ, bạn có thể nói: “Đối với tôi, mức lương chỉ là một phần của quyết
định ứng tuyển vào vị trí… của quý công ty. Điều tôi quan tâm và kỳ vọng hơn
cả là cơ hội phát triển, môi trường làm việc và các chế độ phúc lợi của công
ty. Vì vậy, nếu công ty có cơ hội phát triển và môi trường làm việc tốt, tôi
sẽ cân nhắc với mức lương thấp hơn so với mong đợi của mình.”
5. Nhấn mạnh năng lực cá nhân
Thông thường, mục đích của nhà tuyển dụng khi nghe câu trả lời mức lương
mong muốn từ ứng viên là muốn ứng viên tự đánh giá năng lực của mình.
Với ứng viên đã có kinh nghiệm làm việc thì nên đi thẳng vào mức lương mong
muốn dựa trên kỹ năng chuyên môn, kinh nghiệm đã tích lũy, thành tích đạt đã
đạt được trong quá trình làm việc trước đó. Đồng thời, bạn nên trình bày với
nhà tuyển dụng về các điểm mạnh sẽ mang tới giá trị cho công ty.
Còn với sinh viên mới ra trường thì có thể công ty có thể không yêu cầu
trình độ học vấn nhưng các ưu điểm về thành tích học tập tốt, điểm tốt
nghiệp cao, từng tham gia hoạt động ngoại khóa,… sẽ mang lại ấn tượng tốt
trong mắt nhà tuyển dụng. Bạn có thể chủ động chia sẻ điểm mạnh về kiến thức
chuyên môn, kỹ năng mềm mà bạn đang sở hữu. Đồng thời, đừng quên cho nhà
tuyển dụng thấy bạn rất mong muốn được làm công việc đó để đem lại giá trị
công ty và đạt được mục tiêu nghề nghiệp của bản thân.
6. Thay đổi mức lương với những quyền lợi phù hợp
Thay vì đâm đầu vào trả lời mức lương mong muốn, bạn nên dành thời gian đàm
phán với nhà tuyển dụng về các khoản đãi ngộ như thời gian nghỉ phép, hỗ trợ
ăn trưa, hỗ trợ ăn trưa và gửi xe, chương trình đào tạo, quà tặng nhân dịp
lễ Tết,… Mỗi đơn vị sẽ có chế độ đãi ngộ dành riêng dành cho các vị trí,
chức danh. Điều bạn phải quan tâm là trao đổi với họ về quyền lợi mà bạn
xứng đáng nhận được.
III. Những lưu ý khi trả lời câu hỏi về mức lương của nhà tuyển dụng
1. Đừng quá cứng nhắc
Bạn có thể đưa ra một khoảng lương cụ thể hoặc lời đề nghị lương tương đối,
nhưng không nên quá cứng nhắc vì điều này có thể khiến nhà tuyển dụng có ấn
tượng không tốt về bạn. Thay vào đó, bạn có thể nói rằng bạn mong muốn được
hưởng một khoản lương phù hợp với kinh nghiệm và kỹ năng của mình.
2. Không nên nói về mức lương trước khi nhà tuyển dụng hỏi đến vấn đề
đó.
Bởi, điều này có thể khiến họ nghĩ rằng bạn đang đánh giá quá cao bản thân,
gây mất thiện cảm ngay lần đầu gặp gỡ. Khi nhà tuyển dụng đưa ra vấn đề lương
bổng, đó là dấu hiệu cho thấy họ đang quan tâm đến bạn và muốn thảo luận về
mức lương mong muốn của bạn. Khi đó, hãy cho người phỏng vấn biết rằng bạn đã
chuẩn bị kỹ lưỡng và sẵn sàng đàm phán.
3. Không từ chối trả lời câu hỏi
Với những hướng dẫn về cách trả lời câu hỏi bạn mong muốn mức lương bao
nhiêu trên, bạn có thể linh hoạt chọn câu trả lời phù hợp với tình huống xảy
ra. Tuyệt đối không được ngập ngừng hoặc từ chối trả lời câu hỏi từ nhà
tuyển dụng. Hành động này vô tình khiến bạn đánh mất cơ hội làm việc từ công
ty này.
4. Dành thời gian để suy nghĩ
Lời khuyên của những người đi làm lâu năm là hãy yêu cầu với nhà tuyển dụng
là có ít nhất 24h để phản hồi lại lời đề nghị của họ qua email bởi vì điều
này cho bạn thời gian thoát ra khỏi niềm vui lúc đầu khi trúng tuyển. Hãy
tỉnh táo suy nghĩ, xem xét lại cách bạn trả lời mức lương mong muốn, mức
lương đó có thỏa đáng với năng lực, tính chất công việc đó không rồi mới đưa
ra quyết định cuối cùng.
5. Phong cách trả lời
Khi trả lời câu hỏi về mức lương, bạn cần giữ phong cách chuyên nghiệp và trả
lời một cách tự tin và chính xác. Bạn không nên nói quá nhiều hoặc không nên
trả lời quá ngắn gọn, hãy lựa chọn từ ngữ phù hợp và đảm bảo rằng câu trả lời
của bạn được trình bày rõ ràng và dễ hiểu.
Nguồn:
https://vieclamketoan.vn/blog/ban-mong-muon-muc-luong-bao-nhieu/#Nhung_luu_y_khi_tra_loi_cau_hoi_ve_muc_luong_cua_nha_tuyen_dung
https://www.vietnamworks.com/hrinsider/bat-mi-cach-tra-loi-muc-luong-mong-muon-kheo-leo-va-khon-ngoan.html