1. Lãi suất tài trợ qua đêm có bảo đảm (SOFR) là gì ?
Lãi suất tài trợ qua đêm có bảo đảm SOFR (Secured Overnight Financing Rate)
là lãi suất tiêu chuẩn cho các giao dịch phát sinh bằng đồng Đô la giữa các
ngân hàng tại Hoa Kỳ. Đây là lãi suất tiêu chuẩn mới thay thế cho lãi suất
LIBOR (Lãi suất cho vay liên ngân hàng Luân Đôn), được Ngân hàng Dự trữ Liên
bang Hoa Kỳ công bố vào tháng 04/2018 và chính thức trở thành lãi suất tiêu
chuẩn chính từ năm 2021.
Lãi suất SOFR được tính dựa vào lãi suất mua lại qua đêm có đảm bảo bằng
trái phiếu Chính phủ Hoa Kỳ. Có thể nói SOFR là lãi suất cho vay tiêu chuẩn
liên kết với lãi suất mua lại. Hiện tại có khoảng 95% các khoản vay của Hoa
Kỳ sử dụng lãi suất này làm lãi suất cơ bản. Lãi suất của ngày làm việc trước đó sẽ được Ngân hàng Liên bang Hoa Kỳ công
bố vào 8 giờ sáng mỗi ngày.
2. Quá trình chuyển đổi và sự hủy bỏ lãi suất tham chiếu LIBOR
Lãi suất cho vay liên ngân hàng Luân Đôn, gọi tắt là LIBOR (London
InterBank Offered Rate) là lãi suất tiêu chuẩn cho các giao dịch tài chính
giữa các ngân hàng và là lãi suất tham chiếu sử dụng cho các khoản vay ngắn
hạn, do sàn giao dịch liên lục địa (ICE) tính toán và công bố. Lãi suất này
được công bố áp dụng cho 5 loại tiền tệ chính là Đô la Mỹ, bảng Anh, đồng
Yên, đồng Euro và đồng Franc Thụy Sĩ, bao gồm nhiều kỳ hạn khác nhau từ lãi
suất qua đêm đến lãi suất 12 tháng (qua đêm, 1 tuần, 1 tháng, 2 tháng, 3
tháng, 6 tháng, 12 tháng).
Được tính bằng cách tổng kết hàng ngày lãi suất ước tính của các khoản cho
vay giữa các ngân hàng với nhau, trước khi bị thay thế bởi lãi suất SOFR,
lãi suất LIBOR từng được coi là lãi suất đơn giản, hiệu quả, đáng tin cậy và
được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới trong suốt gần 50 năm.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của thị trường, các giao dịch để ước tính
lãi suất dần bắt đầu cạn kiệt, những cải cách trong quy định của Quỹ tiền tệ
thị trường (MMF) với ngân hàng đã làm giảm nhu cầu cho vay ngắn hạn giữa các
ngân hàng và phát hành trái phiếu. Đồng thời, từ sau cuộc khủng hoảng tài
chính toàn cầu năm 2008, danh tiếng của LIBOR đã bị tổn hại nghiêm trọng do
các vụ bê bối thao túng bất chính. Các cuộc điều tra pháp lý phát hiện ra
các ngân hàng thiết lập lãi suất tham chiếu được sử dụng trong tài sản tài
chính lên đến hàng trăm nghìn tỷ USD vốn nhận được sự tin tưởng của thị
trường đã có những thao túng lãi suất bất chính để trục lợi riêng.
Các nhà hoạch định chính sách trên khắp thế giới bắt đầu tiến hành phát
triển lãi suất tiêu chuẩn mới mong muốn có thể thay thế lãi suất LIBOR. Đến
tháng 04/2018, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ bắt đầu công bố lãi suất
SOFR như một loại lãi suất phi rủi ro, sẽ thay thế lãi suất LIBOR. SOFR được
cho là lãi suất khó phát sinh gian lận hơn LIBOR vì quy mô giao dịch cơ bản
được tính toán là khoảng 1 nghìn tỷ USD. Cuối tháng 03/2021, Cơ quan Quản lý
Tài chính (FCA) đã chính thức công bố chính sách đình chỉ vĩnh viễn lãi suất
LIBOR, một số lãi suất LIBOR đồng USD sử dụng phổ biến được hoãn đình chỉ
đến cuối tháng 06/2023. Ngày 30/06/2023, lãi suất cuối cùng dựa theo lãi suất LIBOR được công bố, chấm dứt hoàn toàn đế chế lãi suất từng được xem là quan trọng nhất
thế giới.
3. Một số điểm khác biệt của lãi suất SOFR và LIBOR
SOFR khác với LIBOR ở 3 điểm quan trọng.
- SOFR được tính dựa vào các giao dịch thực tế, không phải lãi suất do các ngân hàng đưa ra.
- LIBOR có tổng cộng 9 mức lãi suất có kỳ hạn từ qua đêm đến 1 năm, trong khi đó SOFR chỉ có lãi suất qua đêm.
- SOFR là lãi suất vay được đảm bảo an toàn bởi trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ. Vì nó không phản ánh rủi ro tín dụng nên nếu khủng hoảng tài chính hoặc suy thoái kinh tế xảy ra, Ngân hàng Dự trữ Liên Bang sẽ tiến đến cắt giảm lãi suất, SOFR cũng sẽ có khuynh hướng giảm theo. Mặt khác, LIBOR là lãi suất giao dịch không đảm bảo giữa các ngân hàng và phản ánh rủi ro tín dụng, vì vậy LIBOR sẽ có khuynh hướng tăng lên nếu căng thẳng xảy ra trên thị trường tài chính.
Nguồn: Tổng hợphttps://stock-marketdata.com/secured-overnight-financing-rate#toc8https://about.bloomberg.co.jp/blog/in-a-post-libor-world-here-are-the-benchmarks-that-will-matter/
https://jp.reuters.com/article/idUSKBN2XE092/