Nhận diện rủi ro trên bảng cân đối kế toán, cân đối số phát sinh (Phần 1)

2024/03/09

TintứcKếtoán

Rà soát và nhận diện được các rủi ro trên bảng cân đối kế toán, cân đối số phát sinh đặc biệt quan trọng với các kế toán viên, nhằm đảm bảo uy tín và tránh trường hợp bị phạt khi thanh, kiểm tra thuế. AGS đã tổng hợp chi tiết 25 rủi ro thường gặp trong bài viết dưới đây:

1. Thanh toán với người mua

  • Trường hợp TK 131 có Số Dư Có thì kiểm tra Thuyết minh BCTC => Để xác định cụ thể khách hàng nào đã ứng trước tiền và có thể trao đổi với người nộp thuế (NNT) để làm rõ nội dung ứng trước tiền hàng và đã phát sinh doanh thu vào thời điểm nào.
  • Trường hợp TK 131 có Số Dư Nợ thì kiểm tra thời điểm phát sinh doanh thu => Xác nhận nợ, hợp đồng quy định thời hạn chậm trả và khoản phạt vi phạm hợp đồng.

=> Một số rủi ro:

  • Khai thiếu doanh thu tính thuế (Thường là hoạt động dịch vụ (Trước năm 2015)).
  • Khai thiếu thu nhập (Nợ phải trả không xác định chủ nợ, khoản tiền người mua ứng trước => Sau đó không mua hàng => Vi phạm hợp đồng).
  • Ghi nhận doanh thu không đúng kỳ tính thuế.
  • Khai thiếu thuế GTGT hàng bán ra.

2. Dự phòng tổn thất các khoản đầu tư ngắn hạn (Dư Có TK 129 (Thông tư 200/2014/TT-BTC); TK 229 (Thông tư 133/2016/TT-BTC))

Phân tích hồ sơ, nếu TK 129 (TK 229) phát sinh Số Dư Có => Thuế kiểm tra Thuyết minh BCTC và có thể trao đổi với NNT để làm rõ một số nội dung sau:

  • Xác định Số Dư Đầu/Cuối kỳ, Số Dư đã trích thêm hoặc Số đã hoàn nhập giảm chi phí.
  • Số lượng chứng khoán cho từng loại chứng khoán đầu tư (Đầu tư theo đúng pháp luật và được tự do mua bán trên thị trường); Giá chứng khoán đang hạch toán trên sổ kế toán; Giá chứng khoán thực tế trên thị trường.
  • Trên cơ sở đó, đánh giá việc NNT trích hoặc đã hoàn nhập phù hợp với quy định.

=> Một số rủi ro:

  • NNT trích dự phòng không phù hợp, không hoàn nhập.
  • Khi tổn thất xảy ra, đơn vị tiếp tục ghi nhận chi phí mà không sử dụng khoản dự phòng.
  • Không đủ chứng từ chứng minh việc lập dự phòng tổn thất theo đúng quy định.

Để phòng ngừa phần giá trị bị tổn thất nếu chứng khoán của doanh nghiệp (DN) bị giảm giá hoặc các khoản đầu tư vào DN khác đang bị thua lỗ thì DN nên lập Dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính.

3. Các khoản phải thu khác (Dư Nợ TK 138)

Phân tích hồ sơ, nếu TK 138 phát sinh Số Dư Nợ => Thuế kiểm tra Thuyết minh BCTC và có thể trao đổi với NNT để làm rõ một số nội dung sau:

  • DN có phát sinh nghiệp vụ cho mượn tiền không lãi suất để nhận dạng dấu hiệu không khai báo thu nhập tài chính vào thu nhập chịu thuế TNDN (Trước ngày 02/08/2014) hoặc chi phí lãi vay không phục vụ cho hoạt động kinh doanh của DN.
  • Tài sản thiếu, mất chờ xử lý để xác định nguyên nhân và nhận dạng dấu hiệu rủi ro về thuế GTGT.

4. Dự phòng nợ phải thu khó đòi (Dư Có TK 139 (Thông tư 200/2014/TT-BTC); TK 229 (Thông tư 133/2016/TT-BTC))

Phân tích hồ sơ, nếu TK 139 (TK 229) phát sinh Số Dư Có => Thuế kiểm tra Thuyết minh BCTC và có thể trao đổi với NNT để làm rõ một số nội dung sau:

  • Xác định Số Dư Đầu/Cuối kỳ, Số đã trích thêm hoặc Số đã hoàn nhập giảm chi phí.
  • Các khoản nợ khó thu theo từng tuổi nợ, kèm theo khế ước vay tiền, hợp đồng kinh tế, thanh lý hợp đồng, đối chiếu xác nhận nợ, hoặc bằng chứng NNT lâm vào tình trạng phá sản, đang làm thủ tục giải thể, mất tích, bỏ trốn.
  • Trên cơ sở đó, đánh giá việc NNT trích hoặc đã hoàn nhập phù hợp với quy định.

=> Rủi ro sau: NNT trích không phù hợp, không hoàn nhập (Trừ trường hợp NNT đã khai điều chỉnh, bổ sung theo quy định); hoặc không đủ điều kiện theo quy định.

5. Dự phòng giảm giá hàng tồn kho (Dư Có TK 159 (Thông tư 200/2014/TT-BTC); TK 259 (Thông tư 133/2016/TT-BTC))

Phân tích hồ sơ, nếu TK 159 (TK 259) phát sinh Số Dư Có => Thuế kiểm tra Thuyết minh BCTC và có thể trao đổi với NNT để làm rõ một số nội dung sau:

  • Giá trị trên sổ kế toán đối với từng loại hàng tồn kho, căn cứ để xác định giá trị thuần có thể thực hiện được.
  • Trên cơ sở đó, đánh giá việc NNT trích hoặc đã hoàn nhập phù hợp với quy định.
  • Xem xét trường hợp đã ký hợp đồng tiêu thụ nhưng chưa giao hàng.

=> Rủi ro: NNT trích không phù hợp, không hoàn nhập; hoặc không đủ điều kiện theo quy định.

6. Tăng, giảm tài sản cố định trong Bảng cân đối kế toán (TSCĐ) (Dư Nợ TK 211 tăng, giảm)

(a) Trường hợp phát sinh tăng, giảm TSCĐ trên BCĐKT

Trong trường hợp này, Thuế kiểm tra Thuyết minh BCTC và có thể trao đổi với NNT để làm rõ một số nội dung sau:

  • Xác định nguyên giá có phù hợp hay không và TSCĐ tăng có hóa đơn, chứng từ đúng quy định hay không.
  • Nếu TSCĐ tăng do đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) hoàn thành, bàn giao thì căn cứ vào kết quả thanh, kiểm tra hoặc kiểm toán các năm trước và năm nay có liên quan đến chi phí XDCB để nhận dạng dấu hiệu rủi ro.
(b) Trường hợp phát sinh giảm nguyên giá trên BCĐKT

Trong trường hợp này, Thuế kiểm tra Thuyết minh BCTC và có thể trao đổi với NNT để làm rõ nội dung sau: Giảm TSCĐ do nguyên nhân, việc thanh lý, chuyển nhượng có hạch toán đúng quy định không (Ghi giảm nguyên giá đồng thời với ghi giảm hao mòn, hạch toán vào thu nhập khác (Nếu có) và chi phí khác).

Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ