Quy định pháp luật về tranh chấp hợp đồng lao động với hợp đồng lao động nước ngoài

2024/03/29

LuậtLaođộngNướcngoài

I. Thực trạng tranh chấp hợp đồng lao động với lao động nước ngoài hiện nay


Thực trạng tranh chấp hợp đồng lao động với lao động nước ngoài không còn xa lạ ở nước ta. Thậm chí, trong khoảng 02-03 năm trở lại đây, số lượng người lao động nước ngoài làm việc và phát sinh các tranh chấp hợp đồng lao động tại Việt Nam càng trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Điều này là một quy luật tất yếu của nền kinh tế thị trường, đặt ra yêu cầu các bên trong quan hệ lao động phải tự nâng cao hiểu biết của bản thân, yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền nâng cao chuyên môn nghiệp vụ để tham gia điều chỉnh một cách hợp lý.

II. Các quy định liên quan đến tranh chấp hợp đồng lao động với lao động nước ngoài

1. Tranh chấp hợp đồng lao động với lao động nước ngoài là gì?

Khoản 1 Điều 179 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về tranh chấp lao động như sau: “Tranh chấp lao động là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ, lợi ích phát sinh giữa các bên trong quá trình xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ lao động; tranh chấp giữa các tổ chức đại diện người lao động với nhau; tranh chấp phát sinh từ quan hệ có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động”.

Như vậy, có căn cứ hiểu rằng, tranh chấp hợp đồng lao động với lao động nước ngoài là một dạng tranh chấp lao động cá nhân có liên quan đến hợp đồng lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động là người nước ngoài.

2. Phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng lao động với lao động nước ngoài

Khi nhắc đến giải quyết tranh chấp nói chung và giải quyết tranh chấp hợp đồng lao động với lao động nước ngoài nói riêng, chúng ta thường nghĩ ngay đến việc khởi kiện tới Tòa án. Tuy nhiên, trên thực tế, các bên tranh chấp có nhiều phương thức giải quyết tranh chấp, cụ thể gồm:
  • Phương thức thương lượng: Đây là phương thức mà hai bên tự làm việc, trao đổi với nhau, giải quyết tranh chấp trên tinh thần thiện chí.
  • Phương thức hòa giải: Phương thức này có sự tham giả của bên thứ bà là chủ thể tiến hành hòa giải trung gian, hỗ trợ các bên giải quyết tranh chấp không thông qua tố tụng.
  • Phương thức khởi kiện lên Tòa án nhân dân có thẩm quyền.
  • Phương thức giải quyết tại cơ quan Trọng tài lao động.
Như vậy, thực tế pháp luật cho phép các bên có nhiều phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng lao động với lao động nước ngoài, nhằm bảo đảm tối đa quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên.

3. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng lao động với lao động nước ngoài

Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 32 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, quy định về những tranh chấp về lao động và tranh chấp liên quan đến lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án như sau:

  • Tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động mà hòa giải thành nhưng các bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải theo quy định của pháp luật về lao động mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:
    • Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;...
Theo điểm a khoản 1 Điều 37 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định như sau:

  • Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc sau đây:
    • Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này, trừ những tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 35 của Bộ luật này
Căn cứ nội dung quy định tại điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau: 
  • Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này
Theo đó, tranh chấp hợp đồng lao động với lao động nước ngoài có yếu tố nước ngoài thuộc thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi bị đơn có trụ sở.

4. Trình tự giải quyết tranh chấp hợp đồng lao động với lao động nước ngoài

Việc giải quyết tranh chấp hợp đồng lao động với nước ngoài được thực hiện qua các bước như sau:
  • Bước 01: Các bên tranh chấp tiến hành hòa giải lao động. Trường hợp là tranh chấp về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì không bắt buộc phải trải qua bước này.
  • Bước 02: Một trong các bên tranh chấp gửi đơn khởi kiện lên Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định pháp luật và tiến hành đóng tạm ứng án phí (nếu có). Kèm theo đơn khởi kiện phải có các tài liệu, chứng cứ chứng minh nội dung vi phạm, quan hệ tranh chấp và chứng minh điều kiện khởi kiện của bên nộp đơn khởi kiện.
  • Bước 03: Tòa án xem xét và tiến hành thụ lý giải quyết vụ án.
  • Bước 04: Tòa án tiến hành hòa giải tố tụng, đưa vụ án ra xét xử và ban hành các bản án, quyết định có liên quan.

III. Các thắc mắc liên quan đến tranh chấp hợp đồng lao động với lao động nước ngoài

1. Giải quyết tranh chấp hợp đồng lao động với lao động nước ngoài thì có được áp dụng pháp luật Việt Nam không?

Căn cứ quy định tại Điều 664 Bộ luật Dân sự năm 2015 về “Xác định pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài” như sau:
  • Pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc luật Việt Nam.
  • Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc luật Việt Nam có quy định các bên có quyền lựa chọn thì pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo lựa chọn của các bên.
  • Trường hợp không xác định được pháp luật áp dụng theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì pháp luật áp dụng là pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài đó.”
Theo đó, pháp luật vẫn cho phép áp dụng pháp luật Việt Nam để giải quyết tranh chấp hợp đồng lao động với lao động nước ngoài.

2. Có được cho người lao động tạm dừng việc khi xảy ra tranh chấp hợp đồng lao động với lao động nước ngoài?

Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 128 về tạm đình công việc, Bộ luật Lao động năm 2019 như sau: 
  • Người sử dụng lao động có quyền tạm đình chỉ công việc của người lao động khi vụ việc vi phạm có những tình tiết phức tạp nếu xét thấy để người lao động tiếp tục làm việc sẽ gây khó khăn cho việc xác minh. Việc tạm đình chỉ công việc của người lao động chỉ được thực hiện sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động đang bị xem xét tạm đình chỉ công việc là thành viên.
Theo đó, trường hợp được tạm đình chỉ công việc của lao động nước ngoài không bao gồm việc tranh chấp hợp đồng lao động. Do đó, khi xảy ra tranh chấp hợp đồng lao động với lao động nước ngoài, người sử dụng lao động không được tạm dừng công việc của người lao động.

3. Tranh chấp hợp đồng lao động với lao động nước ngoài có được khởi kiện tại Trọng tài không?

Theo quy định tại Điều 187 Bộ luật Lao động năm 2019 về thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân, cụ thể như sau:

“Thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân bao gồm:
  • Hòa giải viên lao động;
  • Hội đồng trọng tài lao động;
  • Tòa án nhân dân”.
Theo đó, thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân, trong đó bao gồm tranh chấp hợp đồng lao động với lao động nước ngoài được quy định thuộc về Hội đồng trọng tài lao động, tùy thuộc vào sự lựa chọn của các bên.
Như vậy, các bên trong tranh chấp hợp đồng lao động với lao động nước ngoài có quyền khởi kiện tại Hội đồng Trọng tài lao động để giải quyết tranh chấp theo quy định pháp luật.

Thông tin khác

Thông tin tuyển dụng và hướng dẫn

Nguồn: https://nplaw.vn/quy-dinh-phap-luat-ve-tranh-chap-hop-dong-lao-dong-voi-lao-dong-nuoc-ngoai.html

Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ