1. Thực trạng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kiểm toán
Triển khai Luật Kiểm toán độc lập, Nghị định số 17/2012/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 202/2012/TT-BTC về hướng dẫn về đăng ký, quản lý và công khai danh sách kiểm toán viên hành nghề kiểm toán, Thông tư số 203/2012/TT-BTC về trình tự, thủ tục cấp, quản lý sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán...
Việc thẩm định và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm
toán và Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán được Bộ Tài chính thực
hiện theo 2 thông tư nêu trên.
Điều kiện cấp các loại giấy chứng nhận đối
với dịch vụ kiểm toán độc lập cũng đã được quy định cụ thể trong Luật, nghị
định.
Số lượng doanh nghiệp kiểm toán được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán và số lượng kiểm toán viên được Bộ Tài chính cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán trong 5 năm gần đây về cơ bản ổn định hàng năm với hơn 2 nghìn kiểm toán viên hành nghề.
Cụ thể như: Năm 2018 có 194 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kiểm toán và 2.037 kiểm toán viên hành nghề. Năm 2019 có 191 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kiểm toán và 2.250 kiểm toán viên hành nghề. Năm 2020 có 215 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kiểm toán và 2.311 kiểm toán viên hành nghề.
Năm 2021 có 209 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kiểm toán và 2.308 kiểm toán viên hành nghề. Năm 2022 có 215 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kiểm toán và 2.181 kiểm toán viên hành nghề. Năm 2023 có 221 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kiểm toán và 2.292 kiểm toán viên hành nghề.
Tính đến ngày 29/02/2024, trên cả nước có 221 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kiểm toán và 2.343 kiểm toán viên hành nghề.
Các doanh nghiệp kiểm toán, kiểm toán viên có thể nộp hồ sơ qua cổng dịch vụ công trực tuyến hoặc nộp hồ sơ qua bộ phận một cửa Bộ Tài chính. Bộ Tài chính đã hoàn thành việc triển khai, xây dựng, cài đặt hệ thống ứng dụng dịch vụ công của cơ quan Bộ Tài chính trong công tác thẩm định cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán và Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán.
Mặc dù vậy, hiện nay các kiểm toán viên, doanh nghiệp kiểm toán vẫn nộp qua bộ
phận một cửa. Việc tiếp nhận thẩm định hồ sơ được thực hiện đúng quy trình,
đảm bảo thời hạn thời hạn quy định.
2. Đình chỉ, thu hồi giấy chứng nhận hành nghề nếu vi phạm
Thời gian qua, đã ban hành đầy đủ các quy định đối với hành vi vi phạm hành chính, cũng như bị đình chỉ hành nghề, bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kiểm toán, bị đình chỉ kinh doanh dịch vụ kiểm toán, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kiểm toán nếu vi phạm quy định.Trong năm 2022, Bộ Tài chính đã thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính (trực tiếp tại Bộ Tài chính và tại doanh nghiệp kiểm toán) đối với 22 doanh nghiệp kiểm toán và 5 kiểm toán viên hành nghề. Đình chỉ có thời hạn 20 kiểm toán viên do hồ sơ kiểm toán có chất lượng yếu kém, kiểm toán viên vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực và có công văn nhắc nhở 27 kiểm toán viên do hồ sơ kiểm toán có chất lượng chưa đạt yêu cầu.
Năm 2023, Bộ Tài chính đã thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính (trực tiếp tại Bộ Tài chính và tại doanh nghiệp kiểm toán) đối với 21 doanh nghiệp kiểm toán và 3 kiểm toán viên hành nghề. Đình chỉ có thời hạn 17 kiểm toán viên do hồ sơ kiểm toán có chất lượng yếu kém, kiểm toán viên vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực và có công văn nhắc nhở 21 kiểm toán viên do hồ sơ kiểm toán có chất lượng chưa đạt yêu cầu.
Một số hành vi vi phạm chủ yếu như:
- Không làm thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận khi có thay đổi phải điều chỉnh theo quy định (tăng giảm thành viên góp vốn, thay đổi về tỷ lệ vốn góp của các thành viên…);
- Thực hiện kiểm toán khi thuộc một trong các trường hợp không được thực hiện kiểm toán theo quy định của pháp luật;
- Bố trí kiểm toán viên hành nghề ký báo cáo kiểm toán quá 3 năm liên tục cho một đơn vị được kiểm toán...
Mặc dù đã được hướng dẫn và phổ biến nhưng nhiều doanh nghiệp kiểm toán và kiểm toán viên chưa tuân thủ đầy đủ theo quy định của Thông tư số 202/2012/TT-BTC và Thông tư số 203/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính nên chưa nộp đủ thành phần hồ sơ hoặc kê khai chưa đầy đủ thông tin theo yêu cầu. Ngoài ra, có tình trạng doanh nghiệp chưa làm đúng mẫu theo quy định nên dẫn đến doanh nghiệp kiểm toán phải nộp bổ sung hồ sơ nhiều lần. Nhiều doanh nghiệp kiểm toán và kiểm toán viên kê khai thông tin chưa đúng thực tế, chưa thống nhất giữa các tài liệu, hồ sơ…
Việc kiểm tra xem kiểm toán viên có thực tế hành nghề tại doanh nghiệp kiểm toán hay không được thực hiện bằng nhiều biện pháp việc kiểm tra qua hồ sơ đóng bảo hiểm xã hội là hiệu quả nhất. Tuy nhiên, việc tra cứu bảo hiểm xã hội để đối chiếu quá trình công tác của kiểm toán viên chủ yếu vẫn do các kiểm toán viên vẫn tự kê khai, sao chụp và nộp trong hồ sơ. Không có quy định để các cán bộ thẩm định hồ sơ có thể chủ động truy cập vào hệ thống bảo hiểm xã hội để khai thác, kiểm tra thông tin.
3. Biện pháp khắc phục các vi phạm
Để khắc phục những hạn chế này, Bộ Tài chính cho biết sẽ nghiên cứu hoàn thiện Luật Kiểm toán độc lập và các văn bản dưới Luật để xử lý các vướng mắc, bất cập, cụ thể một số nội dung như bổ sung các chế tài xử lý vi phạm, quy định việc phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam để các cán bộ thẩm định hồ sơ có thể chủ động truy cập vào hệ thống bảo hiểm xã hội để khai thác, kiểm tra thông tin...
Đồng thời, tăng cường phổ biến để các doanh nghiệp kiểm toán nắm rõ các quy định về đăng ký hành nghề để thực hiện cho đúng và khuyến khích các doanh nghiệp kiểm toán nộp hồ sơ theo hình thức trực tuyến giảm bớt thời gian và tiết kiệm chi phí.
Nguồn: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/kiem-soat-chat-chat-luong-dich-vu-kiem-toan-146954.html