[KPCĐ] Chưa thành lập Công đoàn, doanh nghiệp có cần đóng kinh phí công đoàn không?

2024/04/19

KPCĐ Nhânsự_C&B

Điều 4 Nghị định 191/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định: “Đối tượng đóng kinh phí công đoàn theo quy định tại Khoản 2 Điều 26 Luật Công đoàn là cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mà không phân biệt cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó đã có hay chưa có tổ chức Công đoàn cơ sở (CĐCS)”. Như vậy, doanh nghiệp đã có hay chưa có tổ chức Công đoàn vẫn phải đóng kinh phí công đoàn

1. Doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức Công đoàn vẫn phải đóng kinh phí công đoàn

  • Theo Khoản 2 Điều 26 Luật Công đoàn năm 2012 quy định: Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động.
  • Điều 4 Nghị định 191/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định: Đối tượng đóng kinh phí công đoàn theo quy định tại Khoản 2 Điều 26 Luật công đoàn là cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mà không phân biệt cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó đã có hay chưa có tổ chức CĐCS, bao gồm:
    • Cơ quan nhà nước (kể cả UBND xã, phường, thị trấn), đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân.
    • Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.
    • Đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập.
    • Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế thành lập, hoạt động theo Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư.
    • Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập, hoạt động theo Luật hợp tác xã.
    • Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có liên quan đến tổ chức và hoạt động công đoàn, văn phòng điều hành của phía nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh tại Việt Nam có sử dụng lao động là người Việt Nam.
    • Tổ chức khác có sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động.
  • Điều 5 Nghị định 191/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định: Mức đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho người lao động. Quỹ tiền lương này là tổng mức tiền lương của những người lao động thuộc đối tượng phải đóng BHXH theo quy định của pháp luật về BHXH.
  • Riêng đối với đơn vị thuộc lực lượng vũ trang quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định này, quỹ tiền lương là tổng mức tiền lương của những cán bộ, công nhân viên chức quốc phòng, lao động làm việc hưởng lương trong các nhà máy, doanh nghiệp, đơn vị cơ sở trong Quân đội nhân dân; cán bộ, công nhân, viên chức, lao động làm việc hưởng lương trong các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị khoa học - kỹ thuật, sự nghiệp và phục vụ trong Công an nhân dân.
  • Như vậy, doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức Công đoàn vẫn phải đóng kinh phí công đoàn. Mức đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho người lao động.

2. Doanh nghiệp đóng kinh phí công đoàn vào lúc nào?

  • Theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 191/2013/NĐ-CP của Chính phủ, cơ quan, đơn vị được ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ hoặc một phần kinh phí hoạt động thường xuyên đóng kinh phí công đoàn mỗi tháng một lần cùng thời điểm đóng BHXH bắt buộc cho người lao động.
  • Kho bạc Nhà nước nơi cơ quan, đơn vị mở tài khoản giao dịch căn cứ giấy rút kinh phí công đoàn, thực hiện việc kiểm soát chi và chuyển tiền vào tài khoản tiền gửi của tổ chức công đoàn tại ngân hàng.
  • Tổ chức, doanh nghiệp đóng kinh phí công đoàn mỗi tháng một lần cùng thời điểm đóng BHXH bắt buộc cho người lao động.
  • Tổ chức, doanh nghiệp nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp trả tiền lương theo chu kỳ sản xuất, kinh doanh đóng kinh phí công đoàn theo tháng hoặc quý một lần cùng với thời điểm đóng BHXH bắt buộc cho người lao động trên cơ sở đăng ký với tổ chức công đoàn.
  • Cũng theo Điểm c, Khoản 2, Điều 12 Nghị định số 191/2013/NĐ-CP của Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức Công đoàn các cấp quản lý, sử dụng kinh phí công đoàn theo đúng quy định; chủ trì, phối hợp với cơ quan tài chính, thuế, thanh tra lao động cùng cấp kiểm tra, thanh tra việc thực hiện đóng kinh phí công đoàn của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; kiến nghị các cơ quan chức năng xử lý vi phạm pháp luật về đóng kinh phí công đoàn.

3. Vi phạm về đóng kinh phí công đoàn bị xử lý thế nào?

  • Theo quy định tại Điều 38, Nghị định số 12/2022/NĐ-CP ngày 17/01/2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, thì hành vi vi phạm quy định về đóng kinh phí công đoàn được xử lý như sau:
    • Phạt tiền với mức từ 12% đến dưới 15% tổng số tiền phải đóng kinh phí công đoàn tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
      • Chậm đóng kinh phí công đoàn.
      • Đóng kinh phí công đoàn không đúng mức quy định.
      • Đóng kinh phí công đoàn không đủ số người thuộc đối tượng phải đóng.
    • Phạt tiền với mức từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng kinh phí công đoàn tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng kinh phí công đoàn cho toàn bộ người lao động thuộc đối tượng phải đóng.
  • Biện pháp khắc phục hậu quả: Chậm nhất 30 ngày, kể từ ngày có quyết định xử phạt, người sử dụng lao động phải nộp cho tổ chức công đoàn số tiền kinh phí công đoàn chậm đóng, đóng chưa đủ hoặc chưa đóng và khoản tiền lãi của số tiền kinh phí công đoàn chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm.

Thông tin khác

Thông tin tuyển dụng và hướng dẫn

Nguồn: https://lamdong.gov.vn/sites/ldld/chuyende/chinhsachphapluat/SitePages/Doanh-nghiep-chua-thanh-lap-to-chuc-Cong-doan-co-dong-kinh-phi-cong-doan-khong.aspx

Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ