Chi tiết 11 điều kiện của Incoterms 2020 (Phần 2)

2024/05/03

ThuếLuậtHảiquan

Incoterms là viết tắt của từ International Commercial Terms trong tiếng Anh; thường được dịch sang tiếng Việt là điều kiện thương mại quốc tế, hay là tập quán thương mại quốc tế. Như vậy, Incoterms 2020 được hiểu là điều kiện thương mại quốc tế (phiên bản năm 2020). Hiện nay, Incoterms 2020 có11 điều kiện, hãy cũng tìm hiểu qua bài tổng hợp sau nhé.

VI. Điều kiện DPU (Delivered At Place Unloaded)

1. Điều kiện DPU là gì?

DPU là viết tắt của từ Delivered At Place Unloaded trong tiếng Anh. Như vậy, điều kiện DPU được hiểu là điều kiện giao hàng tại địa điểm dỡ hàng.

Giao hàng tại địa điểm dỡ hàng có nghĩa là người bán giao hàng khi hàng hóa được đặt dưới sự định đoạt của người mua, đã dỡ xuống khỏi phương tiện vận tải tại nơi đến quy định. Người bán chịu mọi rủi ro liên quan để đưa hàng hóa đến nơi quy định và dỡ hàng xuống khỏi phương tiện vận tải.

DPU là điều kiện duy nhất mà yêu cầu người bán dỡ hàng xuống tại nơi đến. Do đó, người bán nên chắc chắn rằng mình có đủ khả năng để có thể tổ chức việc dỡ hàng tại nơi đến, hoặc nếu không thì nên cân nhắc sử dụng điều kiện DAP (Giao hàng tại nơi đến). Các bên nên quy định càng rõ ràng càng tốt về địa điểm cụ thể tại nơi đến quy định. Bởi vì:
  • Thứ nhất, rủi ro về mất mát hay hư hỏng hàng hóa chuyển sang cho người mua tại điểm giao hàng, thế nên tốt nhất là hai bên nên quy định càng rõ càng tốt địa điểm giao hàng thuộc nơi giao hàng.
  • Thứ hai, người bán chịu mọi chi phí để đưa hàng đến điểm giao hàng và dỡ hàng xuống, tức là đây cũng đồng thời là điểm chuyển giao chi phí từ người bán sang người mua.
  • Thứ ba, địa điểm này là nơi mà người bán phải ký kết hợp đồng vận tải để đưa được hàng đến đó. Nếu xảy ra vấn đề gì với hàng hóa trước khi hàng tới điểm giao hàng, mọi tổn thất sẽ do người bán chịu. Ví dụ người bán sẽ phải chịu tất cả các loại phí phát sinh mà người vận chuyển thu trong quá trình vận tải. Người bán được khuyên nên ký hợp đồng vận tải đến đúng địa điểm đó.

2. Phương thức vận tải

Điều kiện DPU sẽ được sử dụng cho mọi phương thức vận tải và có thể sử dụng khi có nhiều phương tiện vận tải tham gia.

3. Chi phí dỡ hàng tại nơi đến chỉ định

Người bán trả mọi chi phí liên quan đến việc dỡ hàng tại điểm giao hàng.

4. Nghĩa vụ thông quan xuất khẩu/nhập khẩu

Điều kiện DPU yêu cầu người bán phải thông quan xuất khẩu cho hàng hóa (nếu cần). Tuy nhiên người bán không có nghĩa vụ phải:
  • Thông quan nhập khẩu.
  • Trả thuế nhập khẩu hoặc chi phí làm thủ tục thông quan nhập khẩu.
Nếu xảy ra trường hợp người mua không thông quan được nhập khẩu, hàng hóa sẽ bị giữ lại ở cảng hoặc ở bãi tại nước nhập khẩu. Rủi ro cho việc mất mát và hư hỏng hàng hóa có thể xảy ra khi hàng hóa bị giữ lại trong trường hợp này sẽ do người mua chịu và người mua chịu cho tới khi hàng hóa được chuyển tới 1 địa điểm nằm trong nội địa nước nhập khẩu, từ đây người bán lại tiếp tục chịu rủi ro và chi phí với mất mát hoặc hư hỏng của hàng hóa cho tới khi giao hàng.

VII. Điều kiện DDP (Delivered Duty Paid)

1. Điều kiện DDP là gì?

DDP là viết tắt của từ Delivered Duty Paid trong tiếng Anh. Như vậy, điều kiện DDP được hiểu là điều kiện giao hàng đã thông quan nhập khẩu.

Giao hàng đã thông quan nhập khẩu có nghĩa là người bán giao hàng khi đã thông quan nhập khẩu cho hàng hóa, đặt hàng hóa dưới sự định đoạt của người mua trên phương tiện vận tải và sẵn sàng để đỡ tại nơi đến quy định. Người bán chịu mọi rủi ro liên quan để đưa hàng hóa đến nơi quy định.

Lưu ý khi ký kết hợp đồng mua bán: Các bên nên quy định càng rõ ràng càng tốt về địa điểm vì:
  • Thứ nhất, rủi ro về mất mát hay hư hỏng hàng hóa chuyển sang cho người mua tại điểm giao hàng, thế nên tốt nhất là hai bên nên quy định càng rõ càng tốt địa điểm giao hàng thuộc nơi giao hàng.
  • Thứ hai, người bán chịu mọi chi phí để đưa hàng đến điểm giao hàng, bao gồm cả thông quan nhập khẩu, tức là đây cũng đồng thời là điểm chuyển giao chi phí từ người bán sang người mua.
  • Thứ ba, địa điểm này là nơi mà người bán phải ký kết hợp đồng vận tải để đưa được hàng đến đó. Nếu xảy ra vấn đề gì với hàng hóa trước khi hàng tới điểm giao hàng, mọi tổn thất sẽ do người bán chịu (Ví dụ: người bán sẽ phải chịu tất cả các loại phí phát sinh mà người vận chuyển thu trong quá trình vận tải). Người bán được khuyên nên ký hợp đồng vận tải đến đúng địa điểm đó.

2. Phương thức vận tải

Điều kiện DDP sẽ được sử dụng cho mọi phương thức vận tải và có thể sử dụng khi có nhiều phương tiện vận tải tham gia.

3. Chú ý dành cho người xuất khẩu

Người xuất khẩu sẽ chịu nghĩa vụ ở mức cao nhất khi sử dụng điều kiện DDP trong giao dịch mua bán, không chỉ chịu nghĩa vụ vận chuyển hàng hóa đến địa điểm giao hàng mà người bán còn phải thông quan và nộp thuế nhập khẩu hay thuế VAT và bất kì loại thuế nào khác phải nộp khi làm thủ tục nhập khẩu trừ khi hai bên có quy định khác.

4. Chi phí dỡ hàng tại nơi đến chỉ định

Nếu trong hợp đồng chuyên chở mà người bán đã ký kết có bao gồm chi phí dỡ hàng tại nơi đến chỉ định thì người bán sẽ phải chi trả cho chi phí này, trừ trường hợp hai bên đã có thỏa thuận trước về việc người bán sẽ được người hoàn trả chi phí này.

5. Nghĩa vụ thông quan xuất khẩu/nhập khẩu

Như đã đề cập ở Mục 3 bên trên, điều kiện DDP yêu cầu người bán phải thông quan xuất khẩu (nếu cần), cũng đồng thời là phải thông quan nhập khẩu và trả bất kỳ loại phí và thuế nhập khẩu nào để hoàn tất các thủ tục hải quan tại nước nhập khẩu.

Nếu người bán cảm thấy khó khăn trong việc tổ chức thông quan nhập khẩu cho lô hàng và cảm thấy người mua có khả năng và thuận lợi hơn mình trong việc làm thủ tục hải quan nhập khẩu thì người bán nên cân nhắc sử dụng điếu kiện DAP (Giao hàng tại địa điểm đến) hoặc DPU (Giao hàng tại địa điểm dỡ hàng), theo đó thì người bán vẫn phải đưa hàng hóa đến điểm giao hàng nhưng sẽ không phải làm các thủ tục nhập khẩu.

VIII. Điều kiện FAS (Free Alongside Ship)

1. Điều kiện FAS là gì?

FAS là viết tắt của từ Free Alongside Ship trong tiếng Anh. Như vậy, điều kiện FAS được hiểu là điều kiện giao hàng dọc mạn tàu.

Giao hàng dọc mạn tàu có nghĩa là hàng hóa được giao cho người mua khi hàng hóa được đặt dọc mạn con tàu do người mua chỉ định (ví dụ đặt trên cầu cảng hoặc trên xà lan) tại cảng giao hàng chỉ định. Rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng của hàng hóa di chuyển khi hàng hóa đang ở dọc mạn tàu, và người mua chịu mọi chi phí và rủi ro kể từ thời điểm này.

Người bán, hoặc phải giao hàng dọc mạn tàu hoặc mua lại hàng hóa đã được giao như vậy. Từ “mua lại” ở đây áp dụng cho việc bán hàng nhiều lần trong quá trình vận chuyển (bán hàng theo chuỗi) rất phổ biến trong mua bán hàng nguyên liệu.

Dù cho có giao hàng ở đâu, thì địa điểm giao hàng sẽ luôn là nơi mà rủi ro được chuyển giao cho người mua và kể từ thời điểm đó mọi chi phí sẽ do người mua chịu.

2. Về phương thức vận tải

Điều kiện FAS sẽ được sử dụng cho vận tải biển và thủy nội địa khi mà các bên giao hàng bằng việc đặt chúng dọc mạn con tàu được chỉ định. FAS sẽ không phù hợp khi hàng hóa được giao cho người chuyên chở trước khi hàng được đặt dọc mạn tàu, ví dụ hàng đóng trong container, mà thường là giao tại bến bãi ở cảng. Trong trường hợp như thế nên sử dụng điều kiện FCA.

3. Xác định địa điểm giao hàng cụ thể

Theo điều kiện FAS việc xác định địa điểm giao hàng cụ thể thì các bên nên quy định càng rõ càng tốt địa điểm xếp hàng tại cảng giao hàng chỉ định nơi mà hàng hóa sẽ được chuyển bằng cầu xếp dỡ hoặc xà lan lên trên tàu chuyên chở, mọi chi phí và rủi ro để đưa được hàng tới đó sẽ do người bán chịu. Các chi phí này và các loại chi phí làm hàng ở các cảng khác nhau sẽ khác nhau tùy vào tập quán của từng cảng.

4. Nghĩa vụ vận tải đối với người mua, người bán

(i) Nghĩa vụ đối với người bán

Người bán không có nghĩa vụ với người mua về việc ký kết hợp đồng vận tải.

Tuy nhiên, người bán phải cung cấp cho người mua nếu người mua yêu cầu, với rủi ro và chi phí do người mua chịu, phải giúp đỡ người mua để lấy bất kỳ thông tin hay chứng từ cần thiết nào, kể cả thông tin an ninh mà người mua cần đề xuất khẩu hay tổ chức vận tải hàng hóa đến điểm đích.

Người bán có thể đồng ý giúp người mua hoặc không đồng ý, nhưng nếu đồng ý phải giúp người mua ký kết hợp đồng vận tải dựa trên những điều khoản thông thường phù hợp. Với loại hàng đó, mọi rủi ro và chi phí sẽ do người mua chịu.

(ii) Nghĩa vụ đối với người mua

Người mua tự ký kết hợp đồng vận tải hoặc sắp xếp việc vận tải với chi phí do mình chịu để vận chuyển hàng hóa từ khi nhận hàng, trừ khi hợp đồng vận chuyển được ký kết bởi người mua theo như khoản (i) Mục này.

IX. Điều kiện FOB (Free On Board)

1. Điều kiện FOB là gì?

FOB là viết tắt của từ Free On Board trong tiếng Anh. Như vậy, điều kiện FOB được hiểu là điều kiện giao hàng trên tàu.

Giao hàng trên tàu có nghĩa là người bán giao hàng lên con tàu do người mua chỉ định tại cảng xếp hàng chỉ định hoặc mua lại hàng hóa đã được giao như vậy. Rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng của hàng hóa di chuyển khi hàng hóa được xếp lên tàu, và người mua chịu mọi chi phí kể từ thời điểm này trở đi.

Người bán, hoặc phải giao hàng lên trên tàu hoặc mua lại hàng hóa đã được giao như vậy. Từ “mua lại” ở đây áp dụng cho việc bán hàng nhiều lần trong quá trình vận chuyển (bán hàng theo chuỗi) rất phổ biến trong mua bán hàng nguyên liệu.

2. Về phương thức vận tải

Điều kiện FOB sẽ được sử dụng cho vận tải biển và thủy nổi địa khi mà các bên giao hàng bằng việc đặt chúng lên trên con tàu được chỉ định. Điều kiện FOB sẽ không phù hợp khi hàng hóa được giao cho người chuyên chở trước khi hàng được đặt dọc mạn tàu, ví dụ hàng đóng trong container, mà thường là giao tại bên bãi ở cảng. Trong trường hợp như thể nên sử dụng điều kiện FCA (điều kiện giao hàng cho người chuyên chở).

3. Nghĩa vụ chung của người bán, người mua

(i) Nghĩa vụ chung của người bán

Người bán phải cung cấp hàng hóa và hóa đơn thương mại phù hợp với hợp đồng mua bán và bất kì bằng chứng phù hợp mà có thể được đề cập đến trong hợp đồng. Bất kỳ chứng từ nào cung cấp bởi người bán đều có thể ở dạng chứng từ giây truyền thống hoặc ở dạng điện tử nếu được các bên thỏa thuận hoặc tập quản quy định.

(ii) Nghĩa vụ chung của người mua

Người mua phải thanh toán tiền hàng như quy định trong hợp đồng mua bán. Bất kỳ chứng từ nào cung cấp bởi người mua đều có thể ở dạng chứng từ giấy truyền thống hoặc ở dạng điện tử nếu được các bên thỏa thuận hoặc tập quán quy định.

4. Nghĩa vụ giao hàng của người bán, nhận hàng của người mua

(i) Giao hàng

Người bán phải giao hàng bằng cách đặt hàng hóa lên con tàu do người mua chỉ định tại địa điểm xếp hàng, nếu có, do người mua chỉ định tại cảng xếp hàng chỉ định hoặc mua hàng hóa đã được giao như vậy. Trong cả hai trường hợp, người bán phải giao hàng vào ngày hoặc trong thời hạn đã thỏa thuận theo cách thức thông thường tại cảng.

Nếu người mua không chỉ rõ địa điểm xếp hàng cụ thể, người bán có thể lựa chọn 1 địa điểm phù hợp nhất tại cảng xếp hàng chỉ định. Nếu các bên thỏa thuận giao hàng trong một khoảng thời gian cụ thể, người mua có quyền lựa chọn ngày giao hàng trong khoảng thời gian đó.

(ii) Nhận hàng

Người mua hàng phải nhận hàng khi hàng đã được giao theo khoản (i) Mục này.

X. Điều kiện Điều kiện CFR (Cost And Freight)

1. Điều kiện CFR là gì?

CFR là viết tắt của từ Cost And Freight trong tiếng Anh. Như vậy, điều kiện CFR được hiểu là điều kiện tiền hàng và cước phí.

Tiền hàng và cước phí có nghĩa là người bán phải giao hàng lên tàu hoặc mua hàng để giao hàng như vậy. Rủi ro về mất mát hay hư hỏng hàng hóa chuyển giao khi hàng được giao lên tàu. Người bán phải ký hợp đồng và trả các chi phí và cước phí cần thiết để đưa hàng hóa tới cảng đến quy định.

Với điều kiện CFR, người bán không có nghĩa vụ gì với người mua về việc ký kết hợp đồng bảo hiểm, vậy nên nếu cần người mua nên tự mua bảo hiểm cho hàng hóa để tránh rủi ro.

Điều kiện CFR có hai cảng quan trọng: (i) cảng đi nơi hàng hóa được giao lên trên tàu chuyên chở và (ii) cảng đích. Rủi ro chuyển từ người bán sang người mua khi người bán giao hàng cho người mua bằng việc đặt chúng lên trên tàu chuyên chở tại cảng đi hoặc mua hàng để giao như vậy. Tuy nhiên, người bán sẽ còn chịu trách nhiệm ký kết hợp đồng vận tải để đưa hàng hóa từ cảng đi đến cảng đích.

Lưu ý khi thỏa thuận điều khoản trong hợp đồng mua bán:
  • Điều kiện CFR có hai điểm tới hạn, vì rủi ro di chuyển và chi phí được phân chia ở hai nơi khác nhau. Trong khi hợp đồng luôn ghi rõ cảng đến thì nó lại có thể không chỉ rõ cảng xếp hàng - là nơi mà rủi ro di chuyển sang người mua. Nếu cảng gửi hàng có ý nghĩa đặc biệt với người mua, thì các bên nên quy định trong hợp đồng càng cụ thể càng tốt.
  • Các bên nên xác định càng cụ thể càng tốt địa điểm tại cảng đến đã thỏa thuận và chi phí cho đến địa điểm đó do người bán chịu. Người bán nên ký các hợp đồng vận tải đến đúng địa điểm này. Nếu theo hợp đồng vận tải, người bán phải chịu các chi phí liên quan đến việc dỡ hàng tại địa điểm cảng đến thì người bán không có quyền đòi lại từ người mua trừ khi hai bên có thỏa thuận khác.

2. Phương thức vận tải

Điều kiện CFR sẽ được sử dụng cho vận tải biển và thủy nội địa.

CFR sẽ không phù hợp khi hàng hóa được giao cho người chuyên chở trước khi hàng được giao lên tàu, ví dụ hàng đóng trong container, mà thường là giao tại bến bãi ở cảng. Trong trường hợp như thế nên sử dụng điều kiện CPT (Cước phí trả tới).

3. Nếu có nhiều người chuyên chở tham gia

Việc có nhiều người chuyên chở tham gia vận chuyển hàng hóa qua nhiều khẩu trong suốt quá trình vận chuyển là điều thường xuyên xảy ra. Ví dụ: người chuyên chở đầu tiên sẽ điều khiển tàu trung chuyển chở hàng Hong Kong đến Thượng Hải, sau đó hàng sẽ được chuyển lên tàu chuyên chở chính chở hàng tới Southampton. Câu hỏi đặt ra ở đây là rủi ro sẽ được chuyển từ người bán sang người mua tại Hong Kong hay Thượng Hải?

Câu trả lời là các bên có thể tự đàm phán điều này và dựa vào hợp đồng. Tuy nhiên, nếu không có thỏa thuận nào được ký kết, địa điểm mặc định nơi mà rủi ro đối với hàng hóa được chuyển giao là khi hàng được giao cho người chuyên chở đầu tiên, trong trường hợp này sẽ là Hong Kong. Nếu hai bên muốn địa điểm chuyển giao là Thượng Hải hoặc địa điểm nào khác, các bên có thể bổ sung điều này vào hợp đồng.

4. Chi phí dỡ hàng tại cảng đích

Nếu trong hợp đồng chuyên chở mà người bán đã ký kết có bao gồm chi phí dỡ hàng tại cảng đích thì người bán sẽ phải chi trả cho chi phí này, trừ khi hai bên đã có thỏa thuận trước về việc người bán sẽ được người mua hoàn trả chi phí này.

5. Nghĩa vụ thông quan xuất khẩu/nhập khẩu

Điều kiện CFR yêu cầu người bán phải thông quan xuất khẩu cho hàng hóa (nếu cần). Tuy nhiên người bán không có nghĩa vụ phải thông quan nhập khẩu hoặc thông quan khi quá cảnh tại nước thứ ba mà hàng hóa phải đi qua, không phải trả thuế nhập khẩu hoặc chi phí làm thủ tục thông quan nhập khẩu.

XI. Điều kiện CIF (Cost, Insurance and Freight)

1. Điều kiện CIF là gì?

CIF là viết tắt của từ Cost, Insurance and Freight trong tiếng Anh. Như vậy, điều kiện CIF được hiểu là điều kiện tiền hàng, phí bảo hiểm và cước phí.

Tiền hàng, phí bảo hiểm và cước phí có nghĩa là người bán phải giao hàng lên tàu hoặc mua hàng để giao hàng như vậy. Rủi ro về mất mát hay hư hỏng hàng hóa chuyển giao khi hàng được giao lên tàu. Người bán phải ký hợp đồng và trả các chi phí, phí bảo hiểm và cước phí cần thiết để đưa hàng hóa tới cảng đến quy định.

Người bán có nghĩa vụ ký kết hợp đồng bảo hiểm để bảo hiểm những rủi ro của người mua nếu mất mát hư hỏng hàng hóa.

Điều kiện này có hai cảng quan trọng: (i) cảng đi nơi hàng hóa được giao lên trên tàu chuyên chở và (ii) cảng đích. Rủi ro chuyển từ người bán sang người mua khi người bán giao hàng cho người mua bằng việc đặt chúng lên trên tàu chuyên chở tại cảng đi hoặc mua hàng để giao như vậy. Tuy nhiên, người bán sẽ còn chịu trách nhiệm ký kết hợp đồng vận tải để đưa hàng hóa từ cảng đi đến cảng đích.

Lưu ý khi thỏa thuận điều khoản trong hợp đồng mua bán:
  • Điều kiện CIF có hai điểm tới hạn, vì rủi ro di chuyển và chi phí được phân chia ở hai nơi khác nhau. Trong khi hợp đồng luôn ghi rõ cảng đến thì nó lại có thể không chỉ rõ cảng xếp hàng - là nơi mà rủi ro di chuyển sang người mua. Nếu cảng gửi hàng có ý nghĩa đặc biệt với người mua, thì các bên nên quy định trong hợp đồng càng cụ thể càng tốt.
  • Các bên nên xác định càng cụ thể càng tốt địa điểm tại cảng đến đã thỏa thuận và chi phí cho đến địa điểm đó do người bán chịu. Người bán nên ký các hợp đồng vận tải đến đúng địa điểm này. Nếu theo hợp đồng vận tải, người bán phải chịu các chi phí liên quan đến việc dỡ hàng tại địa điểm cảng đến thì người bán không có quyền đòi lại từ người mua trừ khi hai bên có thỏa thuận khác.

2. Về phương thức vận tải

Điều kiện CIF sẽ được sử dụng cho vận tải biển và thủy nội địa.

CIF sẽ không phù hợp khi hàng hóa được giao cho người chuyên chở trước khi hàng được giao lên tàu, ví dụ hàng đóng trong container, mà thường là giao tại bến bãi ở cảng. Trong trường hợp như thế nên sử dụng điều kiện CPT (Cước phí trả tới).

3. Nếu có nhiều người chuyên chở tham gia

Việc có nhiều người chuyên chở tham gia vận chuyển hàng hóa qua nhiều khâu trong suốt quá trình vận chuyển là điều thường xuyên xảy ra. Ví dụ người chuyên chở đầu tiên sẽ điều khiển tàu trung chuyển chở hàng từ Hồng Kông đến Thượng Hải, sau đó hàng sẽ được chuyển lên tàu chuyên chở chính chở hàng tới Southampton. Câu hỏi đặt ra ở đây là rủi ro sẽ được chuyển từ người bán sang người mua tại Hồng Kông hay Thượng Hải?

Câu trả lời là các bên có thể tự đàm phán điều này dựa vào hợp đồng. Tuy nhiên, nếu không có thỏa thuận nào được ký kết, địa điểm mặc định nơi mà hàng rủi ro đối với hàng hóa được chuyển giao là khi hàng được giao cho người chuyên chở đầu tiên, trong trường hợp này sẽ là Hồng Kông. Nếu hai bên muốn địa điểm chuyển giao là Thượng Hải hoặc địa điểm nào khác, các bên có thể bổ sung điều này vào hợp đồng.

4. Bảo hiểm hàng hóa

Người bán có nghĩa vụ ký kết hợp đồng bảo hiểm cho những rủi ro của người mua về mất mát hoặc hư hỏng của hàng hóa trong quá trình vận tải tới địa điểm giao hàng. Điều này có thể làm phát sinh khó khăn nếu như nước nhập khẩu yêu cầu bảo hiểm phải được mua nội địa. Vậy nên nếu gặp trường hợp này các bên cần cân nhắc nếu sử dụng điều kiện CFR (Tiền hàng và cước phí) và người mua tự mua bảo hiểm.

Người mua cũng cần chú ý rằng theo như điều kiện Incoterms 2020 thì người bán chỉ bắt buộc phải mua bảo hiểm ở mức thấp nhất là bảo hiểm loại C hoặc tương đương loại C. Tuy nhiên, nếu các bên muốn thì có thể đàm phán nâng mức bảo hiểm lên và đưa việc này vào trong 1 điều khoản của hợp đồng.

5. Chi phí dỡ hàng tại cảng đích

Nếu trong hợp đồng chuyên chở mà người bán đã ký kết có bao gồm chi phí dỡ hàng tại cảng đích thì người bán sẽ phải chi trả cho chi phí này, trừ khi hai bên đã có thỏa thuận trước về việc người bán sẽ được người mua hoàn trả chi phí này.

6. Nghĩa vụ thông quan xuất khẩu/nhập khẩu

Điều kiện CIF yêu cầu người bán phải thông quan xuất khẩu cho hàng hóa (nếu cần). Tuy nhiên, người bán không có nghĩa vụ phải:
  • Thông quan nhập khẩu hoặc thông quan khi quá cảnh tại nước thứ ba mà hàng hóa phải đi qua.
  • Trả thuế nhập khẩu hoặc chi phí làm thủ tục thông quan nhập khẩu.
Nguồn: https://thuvienphapluat.vn/phap-luat-doanh-nghiep/cau-hoi-thuong-gap/dieu-kien-cif-tai-incoterms-2020-la-gi-4094.html

Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ