Kinh nghiệm tự ôn thi TOEIC đạt 940/990

2024/05/16

Kỹnăng_Chứng chỉ NgànhNgoạingữ TiếngAnh

Công ty Kế toán AGS hoạt động trong lĩnh vực tư và cung cấp dịch vụ Kế toán, Kiểm toán, Thuế, Tư vấn quản lý, chuyển đổi và tái cơ cấu doanh nghiệp. Bài viết này chia sẻ chi tiết kinh nghiệm tự ôn thi TOEIC đạt 940/990. Cùng mình khám phá hành trình thú vị này qua bài viết dưới đây nhé!

Trong các loại chứng chỉ tiếng Anh hiện nay, TOEIC vẫn luôn là lựa chọn hàng đầu vì mức chi phí thi không quá cao cũng như được công nhận rộng rãi. Hiện nay các trường đại học/ cao đẳng chấp nhận bằng TOEIC như một chuẩn đầu ra chính thức, ngoài ra trong tuyển dụng, rất nhiều công ty cũng đưa ra yêu cầu về bằng TOEIC.
Vậy luyện thi TOEIC có khó không, có cách nào tự ôn thi vẫn đạt được mục tiêu đề ra không, hãy cùng tham khảo một số kinh nghiệm tự ôn thi và đạt 940 điểm của mình dưới đây nhé.

1. Tóm tắt về nền tảng tiếng Anh

Mình tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP.HCM chương trình đại trà, tiếng Anh chỉ học như một môn bình thường. Năm 2015 mình có tham gia 1 khoá ôn thi TOEIC tầm 2 - 3 tháng nhưng chưa đi thi chính thức và về sau cũng không đi học ôn nữa. Năm 2017 để đủ yêu cầu ra trường mình tham kỳ thi TOEIC (2 kỹ năng) và đạt 595, lúc đó đã đạt yêu cầu là 550 nên mình không có ý định thi lại.
Sau khi tốt nghiệp đi làm, công việc không đòi hỏi tiếng Anh nên mình hầu như không đụng đến. Về sau, khi có kế hoạch cải thiện tiếng Anh, mình tham gia học ở một trung tâm trong vòng 12 tháng chương trình tiếng Anh giao tiếp. Thời gian này mình chủ yếu luyện lại từ cơ bản, làm quen phản xạ nghe - nói tiếng Anh vì trước giờ mình chủ yếu tập trung nghe - đọc.
Giữa năm 2022, mình đặt mục tiêu thi TOEIC và quyết định tự ôn thi chứ không đến trung tâm. Mục tiêu là 860 điểm và thời gian ôn là 1 năm. 
Tháng 05/2023 mình tham gia kỳ thi và đạt số điểm là 940.

2. Đặt mục tiêu

Bước quan trọng nhất trước khi bạn lao vào ôn tập đó là hãy đặt ra cho mình mục tiêu thật cụ thể. Có như vậy bạn mới có động lực để ôn luyện cũng như cái đích để hướng đến.
Có nhiều phương pháp đặt mục tiêu, bạn có thể tham khảo phương pháp SMART dưới đây.

2.1. S - Specific (cụ thể)

Lựa chọn hình thức thi phù hợp (2 kỹ năng hay 4 kỹ năng), đặt ra một số điểm chính xác mà bạn muốn đạt được. Việc đưa ra số điểm phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: 
  • Trình độ hiện tại của bạn: Bạn có thể kiểm tra qua việc làm các bài mock test online. Việc kiểm tra trình độ hiện tại trước khi bắt đầu ôn thi còn giúp bạn xác định được lộ trình, tài liệu, cách ôn thi phù hợp. 
  • Yêu cầu của trường/yêu cầu công việc: Nếu bạn đi thi với mục tiêu ra trường hoặc ứng tuyển công việc, thì tất nhiên số điểm mục tiêu tối thiểu phải từ yêu cầu trở lên, nếu không thì việc đi thi của bạn cũng trở nên vô nghĩa phải không

2.2. M - Measurable (đo lường được)

Yếu tố này sẽ đảm bảo nếu ở bước trước bạn đã đặt ra được cho mình một con số cụ thể. Bạn có thể cân nhắc việc đặt mục tiêu cao hơn mức yêu cầu để bản thân có động lực phấn đấu hoặc trong trường hợp xấu nhất, không đạt được mục tiêu bản thân nhưng vẫn đảm bảo đạt được yêu cầu tối thiểu.
Ví dụ: Yêu cầu tiếng Anh đầu ra của trường là 550 điểm và bạn đặt mục tiêu là 650. Nếu kết quả thi không như mong đợi, bạn vẫn có khả năng đạt được 550 cao hơn.

2.3. A - Achievable (có khả năng đạt được)

Như đã nói ở bước đầu tiên, việc đặt mục tiêu phải dựa vào khả năng của bạn.
Ví dụ: Bạn làm bài mock test đạt mức 500, và đặt mục tiêu 900 trong thời gian 3 tháng (mỗi ngày học 1 giờ) thì mục tiêu này khó có khả năng đạt được.
Nếu như trường hợp khả năng hiện tại của bạn là khá thấp so với mục tiêu cần đạt và bạn không thể điều chỉnh số điểm mục tiêu, vậy hãy cân nhắc đến việc tăng thời gian ôn luyện, bắt đầu ngay từ sớm chứ đừng để nước đến chân mới nhảy.

2.4. R - Realistic (tính thực tế)

Tương tự như trên, mục tiêu của bạn cần có tính thực tế, tức là phải hợp lý về mặt thời gian, sức khỏe, tài chính, công cụ hỗ trợ,...
Ví dụ: Bạn làm bài mock test đạt mức 500, và đặt mục tiêu 900 trong thời gian 3 tháng (mỗi ngày học 8 giờ) có khả năng bạn sẽ đạt được mục tiêu ấy. Nhưng nếu như trường hợp bạn vẫn còn lịch học ở trường mỗi ngày 8 giờ, vậy hầu như ngoài giờ ngủ, bạn sẽ không còn thời gian để làm các công việc khác. Đây là một ví dụ về việc đặt mục tiêu không có tính thực tế.

2.5. T - Time bond (thời gian)

Cần xác định mốc thời gian rõ ràng khi nào bạn sẽ tham gia kỳ thi. Xác định "deadline" để bạn phân bổ kế hoạch học tập: giai đoạn chuẩn bị, giai đoạn ôn luyện, giai đoạn ôn thi nước rút là khi nào.
Về bản thân mình, giữa năm 2022 điểm làm thử bài test dao động trong khoảng 750 đến 820, khả năng nghe ở mức tạm ổn và khả năng đọc trên trung bình. Mình đặt mục tiêu lấy TOEIC 860 (vì sao lại là 860 thì ở AGS con số này rất có ý nghĩa đấy) trong thời gian 1 năm ôn tập. Mỗi tuần dành ít nhất 1 buổi tối trong tuần và 1 buổi cuối tuần để học, thời gian học dao động từ 1 giờ đến 2 giờ mỗi buổi. Vì dành hẳn một năm để ôn luyện nên số buổi học mỗi tuần của mình khá ít và vì vậy mà mình đỡ bị áp lực hơn.

3. Nguyên tắc luyện thi

Vì mục đích khi thi TOEIC là để kiểm tra trình độ cũng như luyện tập để nâng cao khả năng. Mình không chú trọng học nhanh mà học thật, thi thật. 

3.1. Không học mẹo, không học tủ

Đối với mình khả năng ngôn ngữ là cái phải hiểu bản chất thì mới sử dụng tốt. Không giống như các môn tính toán có mẹo, cách học tủ là làm được ngay, tiếng Anh bạn bắt buộc phải đi từ gốc lên nếu như muốn vững.

3.2. Không học dồn

Cái gì nhiều quá cũng không tốt, việc học cũng vậy. Nếu học dồn quá nhiều trong một thời gian ngắn mình cảm thấy rất áp lực cũng như không thể nhớ được hết. Vì vậy, mình chọn cách "mưa dầm thấm lâu", học chậm mà chắc. Mỗi tuần mình dành nhiều nhất 4 giờ để ngồi vào bàn học, ngoài ra thời gian rảnh chủ yếu mình luyện nghe thôi.

3.3. Không tham gia các hội nhóm dự đoán đề, ôn thi online

Hiện nay có rất nhiều hội nhóm tự ôn thi, dự đoán đề thi trên Facebook, bản thân mình không tham gia các hội nhóm này vì:
  • Thứ nhất, mình không tin. Đề thi TOEIC ở từng Part sẽ có các dạng câu hỏi, chỉ cần nắm được dạng câu hỏi này bạn đã có thể làm được bài. Việc đoán đề thì khả năng chính xác không ai xác nhận được mà lại dễ làm bạn mất tập trung.
  • Thứ hai, dễ bị rối. Trong hội nhóm sẽ có các bạn đăng câu hỏi lên nhờ mọi người trả lời giùm, và kiểu gì 4 đáp án ABCD cũng sẽ có người chọn kèm theo giải thích "rất thuyết phục", và kết quả cuối cùng là bạn không biết nghe theo ai. Thay vì vậy, bạn có thể theo dõi một vài kênh ôn tập uy tín mà bạn cảm thấy phù hợp là đủ rồi.

3.5. Không cố quá để thành "quá cố"

Học không giống như ăn, có thể cố ép là vào. Khi học tinh thần bạn cần thoải mái thì mới dễ tiếp thu. Nếu bạn cảm thấy quá căng thẳng thì nên dừng lại để thư giãn hoặc xem lại cách học đã phù hợp chưa và điều chỉnh.
Nên nhớ rằng nếu để bản thân rơi vào cảm giác mất động lực, sợ tiếng Anh, cảm thấy học bao nhiêu cũng không cải thiện được,... khi đó bạn khó mà có thể đạt được mục tiêu.

4. Các phương pháp ôn thi mà mình đã áp dụng

4.1. Listening

4.1.1. Chép chính tả (nghe chủ động)

Luyện nghe chủ động tức là mình cố gắng nghe và hiểu nhiều nhất có thể. Mình thường áp dụng phương pháp chép chính tả khi luyện tập nghe chủ động.
Kênh podcast duy nhất mình dùng khi chép chính tả là Optimal Living Daily. Bạn có thể dễ dàng tìm kiếm kênh podcast này trên Apple Podcasts hoặc Spotify. Độ dài mỗi tập khoảng 10 phút, tác giả sẽ đóng vai trò như một narrator - người kể chuyện - đọc bài viết từ các blog khác nhau, chủ đề vô cùng đa dạng để bạn có thể lựa chọn nội dung mà mình cảm thấy hứng thú. Ngoài ra, tác giả cũng sẽ dẫn link bài viết gốc nơi bạn có thể kiểm tra lại phần ghi chính tả của mình.
Mỗi tập 10 phút nhưng để chép được hoàn thiện nhiều khi mình phải mất cả giờ đồng hồ.
  • Ưu điểm:
    • Bạn phải nghe đi nghe lại rất nhiều lần để có thể viết ra trọn vẹn 1 câu nói
    • Phát hiện các lỗi nghe sai của bản thân, đôi khi một từ đơn giản nhưng bạn không nghe ra được
    • Học được cách nối âm
  • Nhược điểm: 
    • Đòi hỏi trình độ nghe từ mức trung bình trở lên mới có thể chọn kênh podcast này. Nếu bạn không nghe được, hãy lựa chọn một nguồn nghe khác đơn giản hơn nhé.

4.1.2. Nghe podcast, nghe nhạc, xem phim có phụ đề (nghe thụ động)

Tận dụng mọi thời gian rảnh khi làm việc nhà, skincare, khi di chuyển,... mình sẽ bật một cái gì đó lên để nghe, không cần chú ý vào nội dung, chỉ mở lên để cho âm thanh vào tai một cách tự nhiên. Mỗi ngày mình đều nghe theo cách này ít nhất 15 - 20 phút.
Ai học tiếng Anh chắc cũng đã từng dùng các phương pháp này nhằm cải thiện khả năng nghe. Nhưng thực sự sẽ hiệu quả tốt đối với các bạn đã có khả năng nghe trung bình trở lên, còn đối với các bạn khả năng nghe còn kiêm tốn, luyện tập theo các này các bạn sẽ khó thấy được sự tiến bộ của mình.

4.2. Reading

4.2.1. Chuyển ngôn ngữ trên điện thoại sang tiếng Anh

Một trong những nơi bạn dành thời gian nhiều nhất trong ngày chính là chiếc điện thoại, vì vậy hãy tận dụng nó để luyện tập. Bạn sẽ dần quen với một số từ khóa, câu lệnh thông dụng bằng tiếng Anh đấy.

4.2.2. Đọc báo tiếng Anh

Mình đã từng thử đọc sách tiếng Anh nhưng việc hoàn thành 1 cuốn sách đòi hỏi nhiều công sức và sự cố gắng, thay vào đó đọc 1 bài báo ngắn sẽ dễ hơn rất nhiều. Những trang tin tức của Việt Nam đều có phiên bản tiếng Anh, bạn có thể tham khảo.

4.3. Giải đề thi

Và tất nhiên, ôn thi thì không thể nào thiếu phần giải đề. Hiện nay, có rất nhiều trang web cho phép bạn làm 1 bài kiểm tra online giống như bạn đang tham gia thi thật. Có đồng hồ đếm ngược và kết quả sẽ trả về ngay sau khi bạn hoàn thành bài thi. Trong 1 năm ôn thì mình giải dưới 10 đề, nhưng có làm lại 1 đề nhiều lần.
Quan trọng khi giải đề, bạn phải hoàn toàn tập trung như đang thi thật, nếu có nhiều thời gian hãy dành hẳn 2 tiếng để làm trọn vẹn 200 câu, hoặc ít nhất cũng hoàn thiện 1 phần (Listening hoặc Reading) rồi hãy kiểm tra đáp án. Việc này giúp bạn làm quen với cường độ thi thật và luyện tập khả năng tập trung trong thời gian dài. Khi làm bài, mình sẽ note lại những câu không chắc chắn đáp án (đánh lụi) để khi kiểm tra kết quả sẽ check những câu này cùng với các câu sai.
Nếu thời gian học ít hoặc ngày hôm đó tinh thần không sẵn sàng để giải toàn bộ đề, thì tập trung làm một part nhất định cũng là 1 phương án.

5. Các lưu ý khi đi thi

5.1. Lựa chọn hình thức thi giống với hình thức bạn ôn tập

Thời điểm mình thi tháng 05/2023 có 2 hình thức thi: thi trên giấy và thi trên máy tính. Bạn ôn thi như thế nào thì hãy chọn hình thức thi đó, đừng nghe lời review là đề này dễ hơn đề kia, tin mình đi "trăm hay không bằng tay quen". 
Mình lựa chọn thi trên máy với các lý do sau:
  • Mình ôn thi trên laptop là chủ yếu
  • Mắt mình trộm vía không gặp vấn đề khi nhìn lâu vào màn hình (màn hình máy tính ở phòng thi của mình cũng là loại to chứ không bé như màn hình laptop)
  • Mỗi người được đeo 1 tai nghe riêng không ảnh hưởng bởi người xung quanh (tai nghe nếu gặp vấn đề có thể xin giám thị đổi)
  • Không phải tô đáp án vào giấy trả lời
  • Và quan trọng nhất, thi xong sẽ biết điểm ngay (thi giấy phải chờ đến khi nhận phiếu điểm mới biết kết quả)

5.2. Lựa chọn ngày thi sớm hơn deadline

Nếu bạn thi TOEIC và có deadline phải đảm bảo. Vậy thì hãy cố gắng chọn ngày thì sớm để nếu kết quả chưa như ý thì vẫn có thời gian thi lại. Sẽ là 1 điểm cộng của hình thức thi trên máy khi bạn được biết kết quả ngay và chủ động sắp xếp kế hoạch cá nhân phù hợp.

6. Lời kết

Mục đích của mình khi thi TOEIC là để kiểm tra trình độ cũng như nâng cao khả năng tiếng Anh, mình hoàn toàn chủ động khi đặt ra mục tiêu cho bản thân (số điểm, thời gian ôn luyện). Đối với những bạn đi thi với những mục đích khác nhau thì lộ trình và phương pháp cũng sẽ khác nhau. Mình hoàn toàn không có ý chỉ trích hoặc phê phán những cách ôn tập khác của mình.
Hy vọng bài viết có thể giúp ích cho bạn một lúc nào đó trên chặng hình trình chinh phục chứng chỉ TOEIC. Nếu có thắc mắc gì muốn hỏi thêm, hãy liên lạc với mình nhé.
Chúc bạn vững lòng trên chặng đường học tập và sớm đạt được mục tiêu đề ra!

Cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc bài viết này. Hy vọng bạn đã có được những thông tin bổ ích. Hãy tiếp tục theo chúng tôi để cập thêm nhiều thông tin cũng như cơ hội việc làm tại AGS nhé.

 Diệu Thảo

Thông tin khác

Thông tin tuyển dụng và hướng dẫn

Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ