Ý nghĩa và điểm khác nhau giữa Shimenawa, Shimekazari và Shougatsu Kazari. Thời điểm trang trí và cách xử lý.

2024/05/20

NhậtBản-Tụcngữ NhậtBản-Vănhóa

Ở Nhật Bản, mọi người thường trang trí Shimekazari trên bàn thờ thần. Ở bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về “Shimekazari”, “Shimenawa” và “Shougatsu Kazari”, những loại đồ vật mà người Nhật thường trang trí trên bàn thờ thần và nhà cửa vào dịp Tết nhé!

1. Ý nghĩa của Shimenawa(しめ縄)

Shimenawa là từ dùng để chỉ nơi linh thiêng thờ thần linh và có vai trò là ranh giới ngăn cách giữa thế giới của thần linh và con người. Cũng có thể nói, Shimenawa là dấu hiệu chứng minh thần linh đang hiện diện ở đó. Ngoài ra, nó còn có ý nghĩa giúp xua đi những tai ương đang ập đến.
Shimenawa thường được đính kèm những băng giấy màu trắng và thông thường người dân sẽ trang trí Shimenawa trong suốt một năm.
Shimenawa bắt nguồn từ một thần thoại ở Nhật Bản về thần Mặt trời Amaterasu. Để tránh khỏi những hành động thô bạo của anh trai mình, người đã ẩn náo vào hang Amano Iwato và điều đó đã khiến thế giới chìm trong bóng tối.
Những vị thần khác vì muốn kéo nữ thần Mặt trời ra khỏi hang nên đã tổ chức một lễ hội náo nhiệt. Nữ thần Amaterasu vì tò mò không biết bên ngoài có chuyện gì nên đã quyết định ra khỏi hang động.
Sau đó, vì để Nữ thần Amaterasu không lẩn trốn đến hang Amano Iwato nữa, người ta đã che lấp hang và bao quanh hang bằng một sợi dây thừng.
Sợi dây thừng đó chính là nguồn gốc của Shimenawa.
(Trong tiếng Nhật, dây thừng là 縄: nawa)

2. Ý nghĩa của Shimekazari(しめ飾り)

Shimekazari là vật được trang trí lên Shimenawa bằng những món đồ mang biểu tượng may mắn ở Nhật.
Để tiếp đón vị thần năm mới vào mỗi dịp Tết (Toshigami-sama, vị thần đến từng nhà vào dịp tết mỗi năm để mang lại hạnh phúc và mùa màng bội thu cho người dân), mọi người thường trang trí Shimekazari ở gần thềm vào nhà hay ở trước cửa nhà và sẽ treo cao hơn tầm mắt của mình.
Những vật mang biểu tượng may mắn của Shimekazari cơ bản bao gồm: cam đắng Daidai, lá Yuzuri và lá cây dương xỉ và dây thừng Shimenawa. (từ phía trái bên trên sang)
Vậy tại sao lại là những món đồ trên?
- Cam đắng Daidai: đồng âm với từ 「代々」(nghĩa là “đời đời”), mang ý nghĩa mong cho gia đình đời đời phồn vinh, thịnh vượng.
- Lá Yuzuri: bắt nguồn từ việc khi mầm chồi mới nhú thì những lá già sẽ rơi rụng khỏi cây, dùng lá Yuzuri với ý nghĩa gia đình sẽ tồn tại từ đời này sang đời khác.
Ngoài ra còn có một số món đồ khác cũng biểu trưng cho sự may mắn như: quạt giấy, cá tráp, con tôm,...
- Lá cây dương xỉ: không giống các loại lá cây khác, cả hai mặt của lá cây dương xỉ đều có màu như nhau, không có bên đậm và bên nhạt, thế nên nó có ý nghĩa là một trái tim trong sạch, thanh liêm.

3. Ý nghĩa của Shougatsu Kazari(正月飾り)

Shougatsu (正月): Tết
Kazari (飾り): Trang trí
Đây cũng là một vật trang trí để đón thần năm mới. Shimekazari được đề cập bên trên chính là một loại trong “Shougatsu Kazari”.
Ngoài Shimekazari, còn có “Kadomatsu” và “Kagamimochi”.
- Kadomatsu là vật trang trí được làm từ thân tre và  lá cây thông, thường được để trước cửa nhà. Kadomatsu được trang trí với ý nghĩa là dấu mốc để thần năm mới đến đúng nhà mà không bị lạc đường. “Matsu” trong Kadomatsu cũng liên quan đến “Matsuru” nghĩa là thờ cúng.
 
- Kagamimochi: thường được ví là nơi trú ngụ của thần năm mới. Sau khi ngày Tết qua đi, mọi người sẽ thực hiện “lễ mở gương đầu năm”. Đây là nghi lễ mà mọi người sẽ làm canh mochi hay chè mochi đậu đỏ để dâng thần với mong muốn bình an vô sự, sau đó sẽ ăn cùng nhau.

4. Phân biệt Shimenawa, Shimekazari và Shougatsu Kazari

- Shimenawa: chỉ nơi ở linh thiêng của thần, ngăn cách thế giới của thần và con người.
- Shimekazari: đồ trang trí được tạo nên từ những vật mang biểu tượng của sự may mắn, trang trí nhằm mục đích đón thần năm mới vào ngày Tết. Là một loại trong Shougatsu kazari.
- Shougatsu Kazari: là vật trang trí với mục đích đón thần năm mới, bao gồm Shimekazari, Kadomatsu, Kagamimochi và nhiều loại khác.

5. Thời điểm trang trí

Thông thường, người ta sẽ trang trí Shimenawa suốt cả một năm và không có quy định khi nào sẽ gỡ xuống. Tuy nhiên, thường là vào cuối năm, khi mọi người tổng dọn dẹp vệ sinh thì sẽ mang xuống để thay mới. Khi đó sẽ xử lý bằng cách tập trung những món đồ trang trí đã cũ này lại để xử lý một lần. Vậy nên, nếu không muốn trang trí nữa thì đầu tiên hãy tháo rời chúng, sau đó bảo quản chờ đến ngày xử lý.
Khoảng thời gian trang trí Shougatsu Kazari và cả Shimekazari sẽ là tuần lễ đầu tiên của năm mới, gọi là “Matsu no uchi”. Tuần lễ này bắt đầu từ ngày 13/12 và thời gian kết thúc khác nhau tùy vào từng vùng, ở Kanto hầu hết các nơi sẽ kết thúc vào ngày 7/1 và ở vùng Kansai sẽ là 15/1.

6. Cách xử lý sau khi trang trí 

Đối với những Shimenawa sau khi được tháo rời vào cuối năm và Shougatsu Kazari không được trang trí nữa sau khi tuần lễ đầu tiên của năm mới trôi qua, hãy mang chúng đến các đền thờ và nhờ xử lý tại buổi lễ "Dondonyaki".
Lễ “Dondonyaki” là nghi thức đưa thần về trời và cầu mùa màng bội thu, bình an vô sự.
Khi thực hiện, mọi người sẽ gom tất cả những món đồ trang trí lại sau đó sẽ đốt chúng, những làn khói bay lên sẽ đưa thần trở về trời.
Sau khi tuần lễ đầu tiên của năm mới qua đi, mọi người sẽ tháo rời vật trang trí và tự bảo quản hoặc mang đến đền nhờ giữ hộ cho đến khi tổ chức buổi đốt tập trung.
Khi không thể mang đến xử lý tại đền, có thể xử lý tại nhà bằng cách thanh tẩy bằng muối (rắc muối lên sau khi đã tháo rời), sau đó gói lại bằng giấy trắng và mang đi vứt ở thùng rác.
Vì đây đều là những món đồ quan trọng liên quan đến thần nên hãy xử lý một cách cẩn trọng và tâm ý thành kính.
Nguồn tham khảo:
https://jpnculture.net/shimenawa-shimekazari-shougatsukazari/#google_vignette
https://www.nippon.com/en/views/b05204/
https://otsutsumi-furoshiki.com/2017/11/10/trivia-20111107/
https://gardenstory.jp/lifestyle/20517
https://www.otakiage.com/column/?id=1508811641-89116z
https://web-japan.org/kidsweb/explore/calendar/january/kagamimochi.html
https://www.fun-japan.jp/vn/articles/11953

Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ