Áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế tại Việt Nam

2024/06/28

TintứcIFRS

Phương pháp áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) tại các quốc gia rất đa dạng, có quốc gia cho phép áp dụng cho cả báo cáo tài chính (BCTC) riêng của doanh nghiệp và BCTC hợp nhất của tập đoàn, nhưng có quốc gia chỉ áp dụng IFRS cho BCTC hợp nhất. Các nước chưa cho phép doanh nghiệp áp dụng IFRS cũng đang trong xu thế điều chỉnh hệ thống chuẩn mực BCTC quốc gia để phù hợp và tiệm cận gần hơn với IFRS. Việc cho phép áp dụng IFRS hay không tùy thuộc vào điều kiện phát triển và tình hình thực tế của từng quốc gia. Bài viết đưa ra chuẩn mực BCTC đang áp dụng tại Việt Nam, so sánh với cách thức các quốc gia đang thực hiện, từ đó đưa ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam nhằm tiệm cận với chuẩn mực quốc tế IFRS.

1. Chuẩn mực báo cáo tài chính đang áp dụng tại Việt Nam hiện nay

Về chuẩn mực kế toán, hiện tại, Việt Nam vẫn ưu tiên áp dụng các quyết định, hướng dẫn theo Chuẩn mực Kế toán Việt Nam (VAS), điều này phần nào làm ảnh hưởng đến tính tin cậy và khả năng so sánh của các thông tin tài chính được trình bày trong BCTC theo Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS). Đến nay, phần lớn DN đang áp dụng VAS trong việc lập BCTC theo luật định. Gần đây, Việt Nam cũng đã cho phép (không bắt buộc) các công ty niêm yết trên thị truờng chứng khoán sử dụng IFRS khi lập và trình bày BCTC theo giá thị trường. Như vậy, thực tế chỉ có một số DN lập BCTC theo IFRS nếu có vốn đầu tư nước ngoài hoặc niêm yết trên thị trường quốc tế. Việc áp dụng VAS gây ra sự thiếu minh bạch, đặc biệt trong khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN), đã khiến việc tiếp cận của công chúng đối với các BCTC được kiểm toán rất hạn chế. Trong khi đó, việc sử dụng IFRS mang lại nhiều lợi ích, như: Tiết kiệm chi phí soạn thảo chuẩn mực và nhanh chóng hòa nhập vào chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS) được chấp nhận; Sự hội nhập về kế toán giúp cho các công ty huy động vốn trên thị trường quốc tế.

2. Cách thức áp dụng IFRS của một số quốc gia trên thế giới

Để phù hợp với yêu cầu đa dạng của bản thân các doanh nghiệp cũng như các nhà đầu tư nước ngoài, các quốc gia thường cho phép các doanh nghiệp lựa chọn Chuẩn mực BCTC quốc gia hoặc IFRS khi lập và trình bày BCTC. Theo tài liệu của IASB, trong số 131 quốc gia và vùng lãnh thổ đã tuyên bố về việc cho phép áp dụng IFRS dưới các hình thức khác nhau thì có 119 quốc gia và vùng lãnh thổ đã yêu cầu bắt buộc sử dụng IFRS khi lập và trình bày BCTC đối với tất cả hoặc hầu hết các đơn vị lợi ích công chúng trong nước. Ở châu Âu, có 31 nước thành viên và 5 vùng lãnh thổ đã áp dụng toàn bộ IFRS. Ngay cả Hoa Kỳ, quốc gia có truyền thống áp dụng riêng các nguyên tắc kế toán được chấp nhận (US GAAP) cũng đang trong quá trình hợp nhất US GAAP và IFRS.

Phương pháp áp dụng IFRS tại các quốc gia rất đa dạng. Có quốc gia cho phép áp dụng IFRS cho cả BCTC riêng của doanh nghiệp và BCTC hợp nhất của tập đoàn nhưng có quốc gia chỉ áp dụng IFRS cho BCTC hợp nhất. Hiện nay, các quốc gia trên thế giới vận dụng IFRS theo 1 trong 4 mô hình sau:
  1. Vận dụng 100% IAS/IFRS, không sửa đổi và bổ sung, nếu có chuẩn mực nào không thể áp dụng thì quốc gia sẽ xây dựng chuẩn mực riêng (Nam Phi, Thụy Sỹ, Mông Cổ,…);
  2. Vận dụng 100% IAS/IFRS, nhưng có thể có phần phụ lục để có thể thêm hoặc bớt vào mỗi chuẩn mực một số phần liên quan muốn sửa đổi (Singapore, Malayxia,…);
  3. Vận dụng có chọn lọc các nội dung của chuẩn mức kế toán (CMKT), có sửa đổi, bổ sung một số điểm cho phù hợp với đặc điểm của nền kinh tế quốc gia, đồng thời ban hành thêm hệ thống CMKT quốc gia (Pháp, Đức, Bỉ, Anh,…);
  4. Không vận dụng CMKT quốc tế (Thái Lan, Trung Quốc, Bolivia,…).
Quan điểm của Ngân hàng Thế giới là, các quốc gia nên ưu tiên chấp nhận IFRS hơn là xây dựng các thông lệ kế toán theo điều kiện của từng nước, bởi các chuẩn mực này được quốc tế chấp nhận rộng rãi và có sự linh hoạt trong việc hợp nhất những thông lệ tốt nhất trên thế giới. Nhiều năm qua, Ngân hàng Thế giới cũng chấp nhận IFRS làm cơ sở cho việc trình bày các BCTC được đệ trình của những khách hàng sử dụng các khoản vay và tín dụng của Ngân hàng này.
Với các nước chưa cho phép doanh nghiệp áp dụng IFRS cũng đang trong xu thế điều chỉnh hệ thống chuẩn mực BCTC quốc gia để phù hợp và tiệm cận gần hơn với IFRS. Việc cho phép áp dụng IFRS hay không tùy thuộc vào điều kiện phát triển và tình hình thực tế của từng quốc gia. Tuy nhiên định hướng chung là áp dụng IFRS cho các đơn vị có lợi ích công chúng, còn đối với các đơn vị không có lợi ích công chúng thì thường áp dụng chuẩn mực BCTC quốc gia hoặc có thể tự nguyện áp dụng IFRS.

3. Bài học rút ra cho Việt Nam

3.1 Đối tượng áp dụng IFRS

Trong phần kinh nghiệm quốc tế có thể thấy, hầu hết quốc gia ở châu Á thừa nhận nhưng không bắt buộc áp dụng chuẩn mực quốc tế mà cho phép doanh nghiệp được lựa chọn giữa chuẩn mực quốc gia hoặc chuẩn mực quốc tế. Còn các quốc gia ở châu Âu, châu Mỹ, Úcquy định cụ thể về một số đối tượng bắt buộc phải áp dụng IFRS, còn các đối tượng khác thì được khuyến khích áp dụng. Như vậy, Việt Nam nên có qui định cụ thể đối tượng áp dụng IFRS, trong đó cần có sự phân biệt rõ giữa doanh nghiệp lớn và những doanh nghiệp vừa và nhỏ.

3.2 Phạm vi áp dụng IFRS

Trong những quốc gia đã thừa nhận Chuẩn mực quốc tế, đa số lựa chọn cách áp dụng toàn bộ hệ thống IFRS tại cùng một thời điểm để đảm bảo BCTC được trình bày một cách đồng bộ và nhất quán. Một số ít các nước lựa chọn phương pháp áp dụng IFRS theo từng đợt, mỗi đợt áp dụng một số chuẩn mực theo khả năng của các doanh nghiệp. Tại Việt Nam, tác giả đề cập rằng Việt Nam nên xây dựng chuẩn mực tiệm cận với IFRS. Việc áp dụng cần có lộ trình, theo từng đợt tùy theo khả năng của doanh nghiệp và có sự phân biệt dựa trên qui mô các doanh nghiệp.

3.3 Về tổ chức thực hiện

Các quốc gia đều thành lập Ủy ban soạn thảo chuẩn mực BCTC quốc gia hoạt động độc lập, chuyên trách, bao gồm thành viên từ nhiều đơn vị khác nhau, như các công ty kiểm toán, các trường đại học, các doanh nghiệp niêm yết,... có hiểu biết chuyên sâu về IFRS, có nhiệm vụ soạn thảo hệ thống chuẩn mực BCTC áp dụng tại quốc gia cũng như cập nhật thường xuyên hệ thống chuẩn mực theo sự thay đổi của quốc tế. Ngoài ra, do mức độ phức tạp của hệ thống chuẩn mực IFRS nên Ủy ban soạn thảo chuẩn mực BCTC tại các quốc gia thường thành lập một bộ phận/đơn vị chuyên trách có nhiệm vụ hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình áp dụng IFRS. Kinh phí hoạt động của Ủy ban này đến từ một số nguồn chủ yếu, như: Ngân sách Nhà nước cấp, đóng góp của các thành viên thị trường chứng khoán, tài trợ bởi một số tổ chức, hội nghề nghiệp. Như vậy, tại Việt Nam, việc huy động các chuyên gia từ các đơn vị để hỗ trợ việc thực hiện IFRS và xây dựng, tổ chức triển khai chuẩn mực báo cáo tài chính của Việt Nam theo thông lệ quốc tế là rất cần thiết, đảm bảo phát huy tối đa nguồn nhân lực, trí tuệ của xã hội đối với việc triển khai các hoạt động.

3.4 Về quy trình công bố và chuẩn bị áp dụng IFRS

Do việc áp dụng IFRS là một công việc tương đối phức tạp nên thông thường các quốc gia (ngay cả Mỹ, Nhật Bản,…) đều xây dựng kế hoạch và lộ trình áp dụng IFRS và công bố cho doanh nghiệp biết để có đủ thời gian chuẩn bị cơ sở vật chất, hệ thống công nghệ thông tin, nhân lực (tối thiểu 3 năm kể từ ngày công bố chủ trương) khi triển khai áp dụng. Các công việc cần thiết phải thực hiện bao gồm: Công bố bản dịch chuẩn mực (nếu cần thiết) từ tiếng Anh sang tiếng bản ngữ, ban hành các quy định về đối tượng áp dụng bắt buộc hoặc tự nguyện, phạm vi áp dụng là chỉ cho BCTC hợp nhất, BCTC riêng hay cả hai.

Ngoài ra, một số quốc gia thường cho phép các doanh nghiệp áp dụng thí điểm IFRS trước khi áp dụng chính thức. Trong thời gian áp dụng thí điểm, BCTC lập theo IFRS được công nhận là báo cáo pháp lý và được thay thế cho BCTC lập theo chuẩn mực của quốc gia. Sau một thời gian thực hiện thí điểm, các quốc gia sẽ tổng kết, đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm rồi mới triển khai trên phạm vi toàn quốc. Về nội dung này, Việt Nam cần xây dựng lộ trình có tính thận trọng khả thi, với mục tiêu đảm bảo ổn định hệ thống tài chính, tiền tệ; đảm bảo tính khả thi trong công tác quản lý, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước và khả năng thực hiện của doanh nghiệp, mang lại hiệu quả thiết thực.

3.5 Xử lý sự khác biệt giữa chuẩn mực BCTC và chính sách thuế, cơ chế tài chính

Ở hầu hết các quốc gia (kể cả các quốc gia phát triển) đều có sự khác nhau giữa chuẩn mực BCTC và chính sách thuế do mục tiêu của từng nhóm chính sách là khác nhau và không nhất thiết phải thống nhất giữa các chính sách này. Chuẩn mực BCTC về thuế thu nhập doanh nghiệp ra đời cũng nhằm giải quyết sự khác nhau giữa chuẩn mực BCTC và chính sách thuế. Hầu hết các quốc gia không có cơ chế tài chính hoặc nếu có cơ chế tài chính cho các doanh nghiệp nhà nước thì các cơ chế tài chính này không được áp dụng cho việc lập và trình bày BCTC vì mục đích chung của doanh nghiệp. Do đó, Việt Nam cần rà soát, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tài chính theo các mục tiêu cải cách; tạo sự bình đẳng trong việc áp dụng và thực thi pháp luật giữa các thành phần kinh tế; xác định và phân biệt rõ phạm vi áp dụng của chuẩn mực báo cáo tài chính và cơ chế tài chính, hạn chế vướng mắc trong việc lập và trình bày báo cáo tài chính và thực hiện các nghĩa vụ của doanh nghiệp.

*Thông tin khác 

Nếu bạn muốn tìm thêm thông tin liên quan đến bài đăng này hoặc thông tin công ty chúng tôi, vui lòng xem các bài đăng và trang bên dưới. Công ty Kế toán AGS Việt Nam hy vọng bạn có thể dành nhiều thời gian hơn trên trang web của chúng tôi và có thêm nhiều thông tin hữu ích.
Nguồn: https://tapchicongthuong.vn/ap-dung-chuan-muc-bao-cao-tai-chinh-quoc-te-tai-viet-nam-87517.htm

Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ