Đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Kế toán 2015

2024/06/10

TintứcKếtoán

Luật Kế toán 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016 và sau hơn 7 năm áp dụng, nền kinh tế và các công nghệ kế toán đã có nhiều sự thay đổi. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật Kế toán 2015 là điều cần thiết để phù hợp với điều kiện, yêu cầu mới của nền kinh tế và cuộc cách mạng 4.0 cũng như chuyển đổi số quốc gia.

1. Nhiều vấn đề cần được quy định theo hướng kế toán điện tử

Chuyển đổi số hướng tới chứng từ kế toán điện tử và ký bằng chữ ký số để tăng tính tiện lợi, giảm tối đa tình trạng mất mát, thiếu sót hoặc giả mạo chứng từ kế toán nên các quy định hiện hành không còn phù hợp. Vì vậy, cần bổ sung quy định cụ thể hơn về việc quản lý, sử dụng chứng từ điện tử, chữ ký số, hóa đơn điện tử; điều chỉnh quy định về hình thức lưu trữ chứng từ kế toán. Có thể nghiên cứu, bổ sung quy định về chứng từ kế toán đối với các loại tài sản mới (trí tuệ nhân tạo, blockchain, dữ liệu lớn), các loại chi phí mới (chi phí nghiên cứu và phát triển) giúp kế toán ghi nhận và báo cáo tài chính cho các tài sản, chi phí này chính xác, minh bạch và phù hợp với thực tế sử dụng công nghệ thông tin trong kế toán.

Luật Kế toán 2015 cần nghiên cứu cập nhật, bổ sung các quy định về tài khoản kế toán để theo dõi, phản ánh các đối tượng kế toán mới phát sinh do nhu cầu công nghệ 4.0, các tài sản mới như: Trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, tiền điện tử…; các loại chi phí mới như chi phí nghiên cứu và phát triển…; các hoạt động mới như: Kinh doanh trực tuyến, kinh doanh qua mạng… để đảm bảo tính chính xác và minh bạch trong báo cáo tài chính. Cần bổ sung và cập nhật các quy định về tài khoản kế toán điện tử; nghiên cứu xu hướng tài khoản kế toán thông minh (smart accounting) - một trong những xu hướng mới của kế toán trong cách mạng 4.0.
Cần nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung quy định về sổ kế toán như quy định về hình thức sổ kế toán, các loại sổ kế toán (tài chính, kế toán quản trị), sổ kế toán điện tử, sổ kế toán thông minh (smart accounting) để tự động hóa các hoạt động kế toán. Sửa đổi quy định về áp dụng công nghệ 4.0 (trí tuệ nhân tạo, big data và blockchain…) vào việc phát hiện và sửa chữa các lỗi sai trong sổ kế toán một cách tự động; cần có các quy định cụ thể về các trường hợp được phép sửa chữa sổ kế toán để tránh việc lạm dụng và gian lận trong quá trình sửa chữa.
Các vấn đề về báo cáo kế toán như: Nội dung, hình thức, thời hạn lập, công khai báo cáo kế toán, tính minh bạch thông tin báo cáo, phạm vi và thời hạn công khai cần được quy định cụ thể và rõ ràng; nên quy định công khai cả báo cáo tài chính chứ không chỉ công khai một số nội dung. Việc áp dụng công nghệ 4.0 vào lập báo cáo tài chính, báo cáo kế toán quản trị cũng cần quy định cụ thể hơn trách nhiệm lập báo cáo kế toán và bảo đảm tính minh bạch của thông tin kế toán... Cần áp dụng những quy định mới có tính nguyên tắc, đồng thời quản lý và kiểm soát các công cụ công nghệ, các phần mềm kế toán, các ứng dụng trong công tác kế toán, công tác quản lý đơn vị.

"Luật Kế toán 2015 cần được sửa đổi theo hướng nghiên cứu, bổ sung quy định về kiểm toán nội bộ trong kế toán điện tử cho phù hợp với thực tế sử dụng công nghệ 4.0 trong kế toán, đưa ra các dự báo về sai sót trong thông tin kế toán giúp cho kiểm toán nội bộ chính xác và minh bạch hơn; bổ sung quy định về bảo đảm tính độc lập của kiếm toán nội bộ cũng như tăng cường tính chuyên nghiệp, nâng cao năng lực của đội ngũ kiểm toán nội bộ". (GS.TS Đoàn Xuân Tiên)

2. Sửa đổi, bổ sung nguyên tắc hạch toán theo giá gốc đối với tài sản, công nợ

Các quy định trong Luật Kế toán 2015 hiện nay về nguyên tắc hạch toán theo giá gốc đối với tài sản, công nợ không phù hợp với nguyên tắc, chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Do đó, cần sửa đổi, bổ sung quy định về nguyên tắc đánh giá và ghi nhận theo giá trị hợp lý (có thể có tình huống sử dụng công nghệ 4.0 như: Trí tuệ nhân tạo, big data và blockchain để phân tích dữ liệu và đưa ra các dự báo về giá trị tài sản cho việc đánh giá và ghi nhận theo giá trị hợp lý); bổ sung các quy định về đánh giá, ghi nhận tài sản vô hình và dữ liệu trong báo cáo tài chính để đảm bảo tính chính xác và minh bạch của thông tin kế toán; quy định cụ thể hơn về việc áp dụng Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế đối với các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức.
Về tổ chức bộ máy kế toán, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định để giải quyết những vướng mắc hiện nay như: Việc bố trí bộ phận kế toán riêng/hoặc trực thuộc các phòng, ban; tiêu chuẩn, điều kiện của người làm kế toán, kế toán trưởng; bổ sung và cập nhật các quy định để tăng cường trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán trong việc đảm bảo tính chính xác và minh bạch của thông tin kế toán...
Luật cần bổ sung quy định về kiểm tra kế toán trong kế toán điện tử để phù hợp với thực tế sử dụng công nghệ thông tin trong kế toán; quy định về bảo đảm tính minh bạch và độc lập của công tác kiểm tra kế toán.

Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung điều kiện bổ nhiệm kế toán trưởng theo hướng nên có chứng chỉ kế toán trưởng hoặc chứng chỉ kế toán viên, kiểm toán viên. Bổ sung các quy định về việc kế toán trưởng phải chịu trách nhiệm đối với báo cáo tài chính thời kỳ/thời gian là kế toán trưởng; trách nhiệm của kế toán trưởng trong việc sử dụng công nghệ thông tin và kế toán 4.0; trách nhiệm pháp lý đối với kế toán trưởng trong trường hợp xảy ra sai sót hoặc vi phạm trong hoạt động kế toán…
Để tạo điều kiện về cơ sở pháp lý cho tổ chức nghề nghiệp kế toán phát triển thành tổ chức tự quản và hoạt động nghề nghiệp kế toán như ở các nước trên thế giới, cần sửa đổi, bổ sung quy định pháp lý liên quan đến trách nhiệm hoạt động của các tổ chức nghề nghiệp về kế toán. Đồng thời, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định trong việc phân cấp công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn chế độ kế toán đối với các lĩnh vực đặc thù như ngân hàng và các tổ chức tín dụng.
Nguồn: https://trungtamdaotaovaa.vn/blog/nghien-cuu-trao-doi-5/mot-so-e-xuat-sua-oi-bo-sung-luat-ke-toan-2015-6

Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ