Hai lưu ý về thuế tại Việt Nam đối với hoạt động cho thuê tài sản của cá nhân

2024/06/19

ThuếTNCN

Cho thuê tài sản là hình thức mà người có quyền đối với tài sản giao tài sản đó cho người khác sử dụng trong một thời gian nhất định và thu một khoản tiền thuê tương ứng. Tại Việt Nam, hoạt động cho thuê tài sản của cá nhân diễn ra vô cùng đa dạng, phong phú với những đối tượng tài sản khác nhau. Vậy, pháp luật về thuế của Việt Nam quy định như thế nào về hoạt động cho thuê tài sản của cá nhân? 

1. Đăng ký thuế 

Cá nhân cho thuê tài sản sẽ phải tiến hành đăng ký thuế tại cơ quan thuế có thẩm quyền khi phát sinh thu nhập từ các hoạt động cho thuê tài sản sau : 
  • Cho thuê nhà, mặt bằng, cửa hàng, nhà xưởng, kho bãi và không bao gồm dịch vụ lưu trú theo quy định; 
  • Cho thuê phương tiện vận tải, máy móc thiết bị không kèm theo người điều khiển; và 
  • Cho thuê các tài sản khác nhưng không có dịch vụ khác đi kèm với việc cho thuê. 
Cá nhân cho thuê tài sản có thể trực tiếp khai thuế hoặc thỏa thuận để bên thuê là tổ chức khai thuế thay hay ủy quyền cho cá nhân là người đại diện hợp pháp khai thuế thay tùy từng trường hợp theo quy định.

2. Kê khai và nộp thuế 

Sau khi hoàn thành thủ tục đăng ký thuế, cá nhân cho thuê tài sản có nghĩa vụ kê khai và nộp thuế theo quy định, cụ thể: 

2.1. Thuế thu nhập cá nhân (thuế TNCN) và thuế giá trị gia tăng (thuế GTGT) 

Cá nhân cho thuê tài sản có doanh thu từ việc cho thuê tài sản phải kê khai và nộp thuế TNCN và GTGT, trừ trường hợp cá nhân đó chỉ có hoạt động cho thuê tài sản và thời gian cho thuê không trọn năm, doanh thu cho thuê từ 100 triệu đồng/ năm trở xuống thì không phải nộp thuế TNCN và GTGT.
Theo đó, số thuế TNCN và GTGT sẽ được tính như sau:
  • Thuế TNCN = Doanh thu tính thuế TNCN x 5% 
  • Thuế GTGT = Doanh thu tính thuế GTGT x 5% 
Trong đó: 
  • Doanh thu tính thuế TNCN và GTGT là doanh thu bao gồm thuế của toàn bộ tiền cho thuê tài sản theo quy định; và 
  • Thuế suất là 5% trên doanh thu tính thuế ứng với từng loại thuế. 
Cá nhân có thể nộp hồ sơ khai thuế theo (i) từng lần phát sinh kỳ thanh toán, chậm nhất là ngày thứ 10 kể từ ngày bắt đầu thời hạn cho thuê của kỳ thanh toán đó hoặc (ii) theo năm dương lịch, chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu tiên của năm dương lịch tiếp theo. 

Ví dụ: Ông A cho thuê nhà với thời hạn hợp đồng là 4 năm kể từ ngày 01/01/2022 đến 01/01/2026 với kỳ thanh toán là 6 tháng/ lần. Ông A có thể chọn khai thuế theo từng kỳ thanh toán, tức mỗi 6 tháng/ lần, hoặc khai thuế mỗi năm một lần trong giai đoạn 2022-2026. 

Cá nhân cho thuê tài sản khai thuế, nộp thuế một lần đối với toàn bộ doanh thu trả trước nếu bên thuê tài sản trả tiền trước cho nhiều năm. Số thuế phải nộp một lần là tổng số thuế phải nộp của từng năm dương lịch theo quy định. 
Ví dụ: Ông C cho bà D thuê nhà với thời hạn 3 năm bắt đầu từ tháng 11 năm 2021 và bà D đã thanh toán toàn bộ tiền thuê trong 3 năm. Như vậy, trong năm 2021, ông C phải nộp thuế một lần cho cả 3 năm 2021, 2022 và 2023.

Lưu ý, khi tài sản cho thuê nằm tại địa bàn có cùng một cơ quan thuế quản lý thì cá nhân khai thuế theo từng hợp đồng hoặc khai thuế cho nhiều hợp đồng trên một tờ khai. Bên cạnh đó, khi các bên có sự thay đổi về nội dung hợp đồng thuê tài sản dẫn đến thay đổi doanh thu tính thuế, kỳ thanh toán, thời hạn thuê thì cá nhân thực hiện khai điều chỉnh, bổ sung theo quy định cho kỳ tính thuế mà thay đổi đã diễn ra.

2.2. Lệ phí môn bài 

Ngoài hai loại thuế trên thì định kỳ hằng năm cá nhân cho thuê tài sản phải nộp lệ phí môn bài, được xác định dựa trên doanh thu tính thuế TNCN của các hợp đồng cho thuê tài sản của năm tính thuế. 
Mức thu lệ phí môn bài đối với cá nhân cho thuê tài sản như sau: 
  • Doanh thu trên 100.000.000 đến 300.000.000 đồng/ năm: 300.000 đồng/ năm; 
  • Doanh thu trên 300.000.000 đến 500.000.000 đồng/ năm: 500.000 đồng/ năm; 
  • Doanh thu trên 500.000.000 đồng/năm: 1.000.000 đồng/ năm. 

Trường hợp có nhiều hợp đồng cho thuê tài sản tại một địa điểm thì doanh thu để làm căn cứ xác định mức thu lệ phí môn bài cho địa điểm đó là tổng doanh thu từ các hợp đồng cho thuê tài sản. Nếu cá nhân cho thuê tài sản tại nhiều địa điểm thì doanh thu để làm căn cứ xác định mức thu lệ phí môn bài cho từng địa điểm là tổng doanh thu từ các hợp đồng cho thuê tài sản của các địa điểm, tính cả trường hợp tại một địa điểm có phát sinh nhiều hợp đồng cho thuê tài sản. 

Ví dụ: Ông E có doanh thu lần lượt là 100.000.000 đồng và 500.000.000 đồng từ việc cho thuê căn nhà tại Quận Y và Z. Như vậy, tổng doanh thu để đóng lệ phí môn bài tại Quận Y là 600.000.000 đồng và Quận Z cũng là 600.000.000 đồng.

Ngoài ra, khi hợp đồng cho thuê tài sản kéo dài trong nhiều năm thì cá nhân nộp lệ phí môn bài theo từng năm tương ứng với số năm cá nhân khai nộp thuế GTGT, thuế TNCN. Còn nếu cá nhân khai nộp thuế GTGT, thuế TNCN một lần đối với hợp đồng cho thuê tài sản kéo dài trong nhiều năm thì chỉ nộp lệ phí môn bài của một năm.

Thông tin khác

Thông tin tuyển dụng và hướng dẫn

Nguồn: https://www.blawyersvn.com/vi/hai-luu-y-ve-thue-tai-viet-nam-doi-voi-hoat-dong-cho-thue-tai-san-cua-ca-nhan/

Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ