Trường hợp công ty tôi lập hóa đơn có sai sót sau đó đã lập hóa đơn điều chỉnh
tuy nhiên sau khi lập hóa đơn điều chỉnh thì phát hiện hóa đơn điều chỉnh đã
lập vẫn có sai sót vậy trường hợp này chúng tôi có được hủy hóa đơn điều chỉnh
đã lập và lập lại hóa đơn điều chỉnh cho hóa đơn gốc hay không? Hay phải xử lý
như thế nào?
1. Xử lý hóa đơn điện tử điều chỉnh đã lập có sai sót được quy định như thế nào?
Căn cứ vào Điều 19 Nghị định 123/2020/NĐ-CP có quy định như sau:
Xử lý hóa đơn có sai sót
1. Trường hợp người bán phát hiện hóa đơn điện tử đã được cấp mã của cơ quan
thuế chưa gửi cho người mua có sai sót thì người bán thực hiện thông báo với
cơ quan thuế theo Mẫu số 04/SS-HĐĐT Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định này
về việc hủy hóa đơn điện tử có mã đã lập có sai sót và lập hóa đơn điện tử
mới, ký số gửi cơ quan thuế để cấp mã hóa đơn mới thay thế hóa đơn đã lập để
gửi cho người mua. Cơ quan thuế thực hiện hủy hóa đơn điện tử đã được cấp mã
có sai sót lưu trên hệ thống của cơ quan thuế.
2. Trường hợp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử
không có mã của cơ quan thuế đã gửi cho người mua mà người mua hoặc người bán
phát hiện có sai sót thì xử lý như sau:
a) Trường hợp có sai sót về tên, địa chỉ của người mua nhưng không sai mã số
thuế, các nội dung khác không sai sót thì người bán thông báo cho người mua về
việc hóa đơn có sai sót và không phải lập lại hóa đơn. Người bán thực hiện
thông báo với cơ quan thuế về hóa đơn điện tử có sai sót theo Mẫu số
04/SS-HĐĐT Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định này, trừ trường hợp hóa đơn
điện tử không có mã của cơ quan thuế có sai sót nêu trên chưa gửi dữ liệu hóa
đơn cho cơ quan thuế.
b) Trường hợp có sai: mã số thuế; sai sót về số tiền ghi trên hóa đơn, sai về
thuế suất, tiền thuế hoặc hàng hóa ghi trên hóa đơn không đúng quy cách, chất
lượng thì có thể lựa chọn một trong hai cách sử dụng hóa đơn điện tử như sau:
b1) Người bán lập hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn đã lập có sai sót. Trường
hợp người bán và người mua có thỏa thuận về việc lập văn bản thỏa thuận trước
khi lập hóa đơn điều chỉnh cho hóa đơn đã lập có sai sót thì người bán và
người mua lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót, sau đó người bán lập hóa đơn
điện tử điều chỉnh hóa đơn đã lập có sai sót.
Hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn điện tử đã lập có sai sót phải có dòng chữ
“Điều chỉnh cho hóa đơn Mẫu số... ký hiệu... số... ngày... tháng... năm”.
b2) Người bán lập hóa đơn điện tử mới thay thế cho hóa đơn điện tử có sai sót
trừ trường hợp người bán và người mua có thỏa thuận về việc lập văn bản thỏa
thuận trước khi lập hóa đơn thay thế cho hóa đơn đã lập có sai sót thì người
bán và người mua lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót, sau đó người bán lập
hóa đơn điện tử thay thế hóa đơn đã lập có sai sót.
Hóa đơn điện tử mới thay thế hóa đơn điện tử đã lập có sai sót phải có dòng
chữ “Thay thế cho hóa đơn Mẫu số... ký hiệu... số... ngày... tháng... năm”.
Người bán ký số trên hóa đơn điện tử mới điều chỉnh hoặc thay thế cho hóa đơn
điện tử đã lập có sai sót sau đó người bán gửi cho người mua (đối với trường
hợp sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế) hoặc gửi cơ quan
thuế để cơ quan thuế cấp mã cho hóa đơn điện tử mới để gửi cho người mua (đối
với trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế).
Ngoài ra tại Điều 7 Thông tư 78/2021/TT-BTC có quy định như sau:
“Điều 7. Xử lý hóa đơn điện tử, bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử đã gửi
cơ quan thuế có sai sót trong một số trường hợp
1. Đối với hóa đơn điện tử:
...
c) Trường hợp hóa đơn điện tử đã lập có sai sót và người bán đã xử lý theo
hình thức điều chỉnh hoặc thay thế theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 19
Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, sau đó lại phát hiện hóa đơn tiếp tục có sai sót
thì các lần xử lý tiếp theo người bán sẽ thực hiện theo hình thức đã áp dụng
khi xử lý sai sót lần đầu;”
Như vậy, trong trường hợp hóa đơn điện tử đã lập có sai sót sau đó lập
hóa đơn điều chỉnh tuy nhiên hóa đơn điều chỉnh sau khi lập vẫn có sai sót thì
trường hợp này
tiếp tục lập hóa đơn điều chỉnh cho hóa đơn điều chỉnh đã lập lần đầu
không thực hiện hủy hóa điều chỉnh đã lập và lập lại hóa đơn điều chỉnh cho
hóa đơn gốc.
Đồng thời khi lập hóa đơn điều chỉnh lần hai hình thức điều chỉnh phải thực
hiện đúng theo hình thức đã áp dụng khi xử lý sai sót lần đầu.
2. Chuyển đổi hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử thành hóa đơn, chứng từ giấy được quy định như thế nào?
Chuyển đổi hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử thành hóa đơn, chứng từ giấy được
quy định tại Điều 7 Nghị định 123/2020/NĐ-CP như sau:
Chuyển đổi hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử thành hóa đơn, chứng từ giấy
1. Hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử hợp pháp được chuyển đổi thành hóa đơn,
chứng từ giấy khi có yêu cầu nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh hoặc theo
yêu cầu của cơ quan quản lý thuế, cơ quan kiểm toán, thanh tra, kiểm tra, điều
tra và theo quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm tra và điều tra.
2. Việc chuyển đổi hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử thành hóa đơn, chứng từ
giấy phải bảo đảm sự khớp đúng giữa nội dung của hóa đơn điện tử, chứng từ
điện tử và hóa đơn, chứng từ giấy sau khi chuyển đổi.
3. Hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử được chuyển đổi thành hóa đơn, chứng từ
giấy thì hóa đơn, chứng từ giấy chỉ có giá trị lưu giữ để ghi sổ, theo dõi
theo quy định của pháp luật về kế toán, pháp luật về giao dịch điện tử, không
có hiệu lực để giao dịch, thanh toán, trừ trường hợp hóa đơn được khởi tạo từ
máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế theo quy định
tại Nghị định này.
Như vậy, việc chuyển đổi hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử thành hóa đơn,
chứng từ giấy được quy định như trên để bạn tham khảo thêm.
Nguồn: https://thuvienphapluat.vn/phap-luat/xu-ly-hoa-don-dien-tu-dieu-chinh-da-lap-co-sai-sot-duoc-quy-dinh-nhu-the-nao-cac-hanh-vi-nao-bi-cam-30583.html