Khi nào được công khai thông tin của người nộp thuế?

2024/08/29

ThuếQuảnlý

Công ty Kế toán AGS Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực tư vấn và cung cấp dịch vụ Kế toán, Kiểm toán, Thuế, Tư vấn quản lý, chuyển đổi và tái cơ cấu doanh nghiệp.

Trong bài viết này công ty AGS sẽ chia sẻ về chủ đề Khi nào được công khai thông tin của người nộp thuế. Bài viết dành cho các kế toán viên đang phụ trách về phần thuế đang muốn tìm hiểu thêm về những quy định của thuế. AGS muốn chia sẽ về chủ đề này bởi vì các chính sách ngày càng được cập nhật và đổi mới, các kế toán viên nên nhanh chóng nắm bắt được điều này.
Cùng tìm hiểu kĩ hơn về chủ đề này qua bài viết dưới đây nhé.

1. Khi nào được công khai thông tin người nộp thuế?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 29 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP, nếu thuộc một trong các trường hợp dưới đây thì cơ quan quản lý thuế có thể công khai thông tin của người nộp thuế, cụ thể bao gồm:
  • Có hành vi trốn thuế hoặc tiếp tay cho hành vi trốn thuế, chiếm đoạt tiền thuế hay vi phạm pháp luật về thuế rồi bỏ trốn khỏi trụ sở chính; phát hành hoặc sử dụng bất hợp pháp hoá đơn.
  • Không nộp hồ sơ khai thuế quá 90 ngày, tính từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định pháp luật.
  • Ngừng hoạt động hoặc chưa hoàn thành thủ tục để chấm dứt hiệu lực của mã số thuế, không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký với cơ quan thuế.
  • Các hành vi vi phạm pháp luật về thuế của người nộp thuế, gây ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ thuế đối với tổ chức và cá nhân khác.
  • Không thực hiện đúng các yêu cầu của cơ quan quản lý thuế theo quy định pháp luật, cụ thể như: Từ chối không cung cấp thông tin và tài liệu cho cơ quan quản lý thuế, không chấp hành theo quyết định về việc thanh tra, kiểm tra và các yêu cầu khác của cơ quan thuế theo quy định pháp luật.
  • Có hành vi chống, cản trở công chức thuế/công chức hải quan thi hành công vụ.
  • Quá 90 ngày tính từ ngày hết thời hạn nộp thuế và các khoản thu khác thuộc Ngân sách của Nhà nước hoặc đã hết thời hạn chấp hành quyết định hành chính về quản lý thuế mà người nộp thuế/người bảo lãnh vẫn không tự nguyện chấp hành nghĩa vụ này.
  • Cá nhân/tổ chức không chấp hành theo các quyết định hành chính về quản lý thuế mà có các hành vi phát tán tài sản hoặc bỏ trốn.
  • Các thông tin khác được công khai theo quy định pháp luật.
Như vậy, từ quy định trên có thể thấy rằng cơ quan thuế chỉ được công khai thông tin của người nộp thuế nếu thuộc một trong các trường hợp nêu trên.

2. Nội dung, hình thức công khai thông tin của người nộp thuế thế nào?

Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 29 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP, nội dung, hình thức công khai thông tin của người nộp thuế được quy định cụ thể như sau:

2.1 Về nội dung công khai thông tin người nộp thuế

Thông tin công khai bao gồm: Mã số thuế, tên của người nộp thuế, địa chỉ người nộp thuế, lý do công khai thông tin. Tùy theo mỗi trường hợp cụ thể mà cơ quan quản lý thuế sẽ công khai chi tiết thêm một số thông tin khác liên quan đến người nộp thuế.

2.2 Về hình thức công khai thông tin người nộp thuế: Có thể theo một trong các hình thức sau

  • Đăng tải thông tin trên cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế, trang thông tin điện tử của cơ quan thuế các cấp.
  • Công khai thông tin người nộp thuế trên phương tiện thông tin đại chúng.
  • Niêm yết thông tin ở trụ sở của cơ quan quản lý về thuế.
  • Công khai thông tin người nộp thuế thông qua việc tiếp công dân hoặc họp báo, thông cáo báo chí hoặc hoạt động của người phát ngôn cơ quan thuế các cấp theo quy định pháp luật.
  • Các hình thức công khai thông tin khác theo quy định của pháp luật có liên quan.

3. Cơ quan nào có thẩm quyền công khai thông tin của người nộp thuế?

Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 29 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP, cơ quan có thẩm quyền công khai thông tin của người nộp thuế là:
  • Thủ trưởng của cơ quan quản lý về thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế/cơ quan quản lý thuế nơi mà quản lý khoản thu ngân sách nhà nước căn cứ dựa trên tình hình thực tế và công tác quản lý thuế trên địa bàn để đưa ra quyết định về việc lựa chọn các trường hợp công khai thông tin của người nộp thuế có vi phạm theo quy định tại mục 1 của bài viết này.
  • Trước khi công khai thông tin của người nộp thuế, cơ quan quản lý về thuế có trách nhiệm phải thực hiện việc rà soát và đối chiếu để đảm bảo tính chính xác của thông tin công khai. Thủ trưởng của cơ quan quản lý về thuế chịu trách nhiệm đối với tính chính xác của thông tin công khai.
Trong trường hợp thông tin công khai không chính xác thì Thủ trưởng cơ quan quản lý về thuế có trách nhiệm phải thực hiện việc đính chính thông tin và phải công khai nội dung đã đính chính theo hình thức công khai được quy định tại mục 2 của bài viết này.
Như vậy, Thủ trưởng của cơ quan quản lý về thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế/cơ quan quản lý thuế nơi mà quản lý khoản thu ngân sách nhà nước là cơ quan có thẩm quyền công khai thông tin của người nộp thuế.
Các thông tin công khai của người nộp thuế phải đảm bảo tính chính xác.

Công ty AGS cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc bài viết này. Hy vọng bạn đã có được những thông tin bổ ích. 
Hãy tiếp tục theo dõi chúng tôi để cập nhật thêm nhiều thông tin cũng như cơ hội việc làm tại AGS nhé.

Thông tin khác

Thông tin tuyển dụng và hướng dẫn

Nguồn: https://luatvietnam.vn/thue-phi-le-phi/cong-khai-thong-tin-nguoi-nop-thue-565-97946-article.html

Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ