Một Số Chính Sách Quản Lý Hàng Xuất Nhập Khẩu Tại Việt Nam

2024/08/30

ThuếLuậtHảiquan

Công ty Kế toán AGS Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực tư vấn và cung cấp dịch vụ Kế toán, Kiểm toán, Thuế, Tư vấn quản lý, chuyển đổi và tái cơ cấu doanh nghiệp.
Trong bài viết này công ty AGS sẽ chia sẻ về chủ đề Một số chính sách quản lý hàng xuất nhập khẩu tại Việt Nam. Bài viết dành cho các tổ chức, cá nhân thực hiện xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa. AGS muốn chia sẻ về chủ đề này bởi vì các doanh nghiệp cần nắm vững và hiểu rõ chính sách quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu của Nhà nước để thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Cùng tìm hiểu kĩ hơn về chủ đề này qua bài viết dưới đây nhé.

I. Chính sách quản lý xuất khẩu hàng hóa

1. Chính sách khuyến khích đầu tư, thu hút FDI cho xuất khẩu

Môi trường đầu tư, kinh doanh luôn được cải thiện, hoàn thiện hệ thống pháp lý, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện cơ sở hạ tầng, danh nhiều ưu đãi về thuế, giá thuê đất, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tạo nhiều thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài và cam kết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nhà đầu tư trong và ngoài nước. Điều chỉnh hoạt động đầu tư trước tiên và quan trọng nhất là Luật đầu tư số 61/2020/QH14 ngày 17/6/2020, trong đó quy định về hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và hoạt động đầu tư kinh doanh từ Việt Nam ra nước ngoài thay thế Luật Đầu tư số 59/2005/QH11 ngày 29/11/2005 và Luật đầu tư sửa đổi số 67/2014/QH13 ngày 26/11/2014.
Bên cạnh đó, Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 đã đưa ra mục tiêu cụ thể là hoàn thiện thể chế, chính sách hợp tác đầu tư nước ngoài có tính cạnh tranh cao, hội nhập quốc tế; đáp ứng yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, bảo vệ môi trường, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. 
Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 trong đó nêu rõ cần tiếp tục thúc đẩy cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

2. Chính sách thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa

Luật Quản lý ngoại thương số 05/2017/QH14 ngày 12/6/2017, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2018 thay thế Luật thương mại 2005. Những quy định trong Luật tạo cơ chế chặt chẽ khuyến khích xuất khẩu như: Khuyến khích, ưu đãi thuế; Tài trợ xuất khẩu thông qua cơ chế hỗ trợ tài chính mạnh mẽ cho xuất khẩu; Hỗ trợ và trợ cấp xuất khẩu; Tỷ giá hối đoái, thực hiện tự do hóa cơ chế quản lý ngoại hối và chính sách tỷ giá thả nổi linh hoạt hơn nhằm tạo thuận lợi và khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu.
Quyết định số 493/QĐ-TTg ngày 19 tháng 4 năm 2022 phê duyệt chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 với những mục tiêu cụ thể như sau:
(1) Xuất khẩu, nhập khẩu tăng trưởng ổn định, cán cân thương mại lành mạnh, hợp lý:
  • Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 6 - 7%/năm trong thời kỳ 2021 - 2030, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 tăng trưởng xuất khẩu bình quân 8 - 9%/năm; giai đoạn 2026 - 2030 tăng trưởng bình quân 5 - 6%/năm.
  • Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa bình quân 5 - 6%/năm trong thời kỳ 2021 - 2030, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 tăng trưởng nhập khẩu bình quân 7 - 8%/năm; giai đoạn 2026 - 2030 tăng trưởng bình quân 4 - 5%/năm.
  • Cân bằng cán cân thương mại trong giai đoạn 2021 - 2025, tiến tới duy trì thặng dư thương mại bền vững giai đoạn 2026 - 2030; hướng đến cán cân thương mại lành mạnh, hợp lý với các đối tác thương mại chủ chốt.
(2) Xuất nhập khẩu phát triển bền vững với cơ cấu mặt hàng, cơ cấu thị trường cân đối, hài hoà
  • Tăng tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến, chế tạo xuất khẩu lên 88% tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2025 và 90% vào năm 2030; trong đó, tỷ trọng xuất khẩu hàng công nghệ trung bình và cao đạt khoảng 65% vào năm 2025 và 70% vào năm 2030.
  • Tăng tỷ trọng thị trường xuất khẩu khu vực châu Âu lên 16-17% tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2025 và 18 - 19% vào năm 2030; khu vực châu Mỹ lên 32 - 33% tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2025 và 33 - 34% vào năm 2030; tỷ trọng thị trường xuất khẩu khu vực châu Á vào khoảng 49 - 50% vào năm 2025 và 46 - 47% vào năm 2030.
  • Tăng tỷ trọng thị trường nhập khẩu từ khu vực châu Âu lên 8 - 9% tổng kim ngạch nhập khẩu vào năm 2025 và 10 - 11% vào năm 2030; khu vực châu Mỹ lên 8 - 9% tổng kim ngạch nhập khẩu vào năm 2025 và 10 - 11% vào năm 2030; giảm tỷ trọng thị trường nhập khẩu từ khu vực châu Á xuống khoảng 78% tổng kim ngạch nhập khẩu vào năm 2025 và 75% vào năm 2030.

3. Chính sách về xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu

Chính phủ, các Bộ, ngành đã ban hành một số quy định đối với hoạt động xúc tiến thương mại trong đó có phát triển và quảng bá thương hiệu hàng xuất khẩu Việt Nam. Quyết định số 1320/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 8/10/2019 phê duyệt Chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam từ năm 2020 đến năm 2030, trong đó mục tiêu tổng quát nhằm xây dựng hình ảnh Việt Nam là một quốc gia có uy tín về hàng hóa và dịch vụ với chất lượng cao, góp phần thúc đẩy xuất khẩu và nâng cao năng lực cạnh tranh trong xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Quyết định số 12/2019/QĐ-TTg ngày 26 tháng 02 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia ban hành kèm theo Quyết định số 72/2010/QĐ-TTg ngày 15 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 2924/QĐ-BCT ngày 28 tháng 12 năm 2022 về việc phê duyệt chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2023.
Thông tư số 40/TT-BCT ngày 30/11/2020 của Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung Thông tư số 11/2019/TT-BCT ngày 30/7/2019 hướng dẫn thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển ngoại thương thuộc Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại nhằm tạo cơ sở pháp lý rõ ràng hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại trên môi trường số, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan xúc tiến thương mại, doanh nghiệp trong việc đa dạng hóa các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm khai thác tối ưu các công cụ xúc tiến thương mại để phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu.

4. Chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ

Phát triển công nghiệp hỗ trợ sẽ giúp thúc đẩy sản xuất các mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03/11/2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ và các văn bản chính sách liên quan, hệ thống pháp luật, chính sách về công nghiệp hỗ trợ ngày càng được hoàn thiện thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ nói riêng và ngành công nghiệp nói chung ngày càng phát triển.
Nghị quyết 115/NQ-CP của Chính phủ ngày 6/8/2020 về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, với quan điểm chỉ đạo phát triển công nghiệp hỗ trợ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và xu hướng phát triển của thế giới, nhằm đáp ứng nhu cầu nội địa của các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển theo Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 22/3/2018 về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, bao gồm điện tử, cơ khí trọng điểm, sản xuất lắp ráp ô tô, dệt may, da giầy, công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp quốc phòng.

5. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật trong xuất khẩu và phòng vệ thương mại

Việt Nam đã hội nhập quốc tế sâu rộng với việc tham gia rất nhiều các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA…Để tăng cường quản lý Nhà nước và nâng cao năng lực dự báo về khả năng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa và chuyển tải bất hợp pháp, bảo vệ quyền và lợi ích của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính. Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện khung khổ pháp luật, ban hành các văn bản pháp lý về các biện pháp tự vệ thương mại, chống bán phá giá, chống trợ cấp…
Bộ Công Thương từ năm 2021 đã xây dựng và đưa ra Hệ thống cảnh báo sớm về chống bán phá giá nhằm cung cấp cho các doanh nghiệp một bộ công cụ tra cứu thông tin hữu ích để có thể dự báo trước nguy cơ xảy ra các vụ kiện chống bán phá giá, chủ động ứng phó với các vụ kiện, giảm thiểu thiệt hại do các vụ kiện chống bán phá giá gây ra cũng như cập nhật thông tin về các thị trường xuất khẩu mục tiêu.
Ngoài ra, Chính phủ và các Bộ, ngành thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu chủ động đáp ứng và vượt qua hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) trên các thị trường xuất khẩu.

II. Một số hạn chế, tồn tại trong quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa

Trong việc xây dựng chính sách, bố trí nguồn lực để phát triển xuất khẩu còn chưa xứng với tiềm năng và đạt được hiệu quả tối ưu trong phát triển kinh tế.
  • Việc cải cách thể chế kinh tế thị trường theo yêu cầu của quá trình hội nhập còn chậm. Ngoài ra, mức độ chủ động hội nhập của các doanh nghiệp chưa cao. Dẫn đến Việt Nam có những bất lợi so với nhiều quốc gia trong khu vực và quốc tế, Việt Nam luôn đứng trước nguy cơ rơi vào “bẫy tự do hóa thương mại”.
  • Việc tận dụng các ưu đãi về thuế trong các FTA và chuẩn bị cho việc đáp ứng quy tắc xuất xứ và khai thác các lợi ích khác từ các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường còn hạn chế.
  • Trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách đã xuất hiện một số vướng mắc cần tháo gỡ như ròa cản về đất đai, quy mô, cách thức tổ chức sản xuất, việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để nâng cao trình độ khoa học - công nghệ, ứng dụng công nghệ hiện đại còn khó khăn.
  • Chính sách thu hút FDI mới chú trọng đến số lượng mà chưa quan tâm đến hiệu quả tổng thể về mặt kinh tế, xã hội, môi trường, chưa tạo dựng được mối liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, xuất khẩu lệ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp và nguồn vốn FDI nên dễ dẫn đến những rủi ro đối với xuất khẩu bền vững.
  • Thiếu các chính sách khuyến khích, tăng cường hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI để nâng cao nguồn lực về vốn, công nghệ, trình độ quản lý dẫn đến hạn chế đối với các doanh nghiệp xuất khẩu khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
  • Chính sách hỗ trợ xuất khẩu, xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu còn những hạn chế như chưa bảo vệ được quyền lợi của các nhà xuất khẩu và hiệu quả xúc tiến thương mại, xuất khẩu, mở rộng thị trường chưa cao, quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản chưa đảm bảo được chất lượng sản phẩm xuất khẩu đáp ứng các quy định và nhu cầu tiêu dùng của thị trường xuất khẩu.
  • Quản lý nhà nước đối với hoạt động nhập khẩu còn phân tán, số lượng văn bản nhiều nhưng chưa hoàn chỉnh, thiếu tính đồng bộ, nhất quán, thiếu các quy định quan trọng mang tính chuyên sâu đối với từng mặt hàng, thị trường và phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội hiện nay.
  • Nhiều vấn đề phát sinh và thường xảy ra vi phạm trong hoạt động xuất nhập khẩu thuộc lĩnh vực thuế chưa được xử lý nghiêm minh, mặc dù chế tài xử phạt hành chính về thuế hiện khá đầy đủ xong từ thực tiễn áp dụng vẫn bộc lộ nhiều hạn chế cần phải bổ sung, hoàn thiện để đảm bảo tính hiệu quả, đồng bộ và chống thất thoát thuế trong hoạt động xuất nhập khẩu.

III. Một số nguyên nhân

  • Chưa nhận thức được đầy đủ về tầm quan trọng của phát triển xuất khẩu bền vững và chất lượng tăng trưởng xuất khẩu khi hoạch định và thực thi các chính sách phát triển xuất nhập khẩu, ảnh hưởng đến hiệu quả của việc ban hành và thực thi các chính sách quản lý xuất nhập khẩu.
  • Nguồn lực để xây dựng và thực thi các chính sách quản lý xuất nhập khẩu còn hạn chế, trước hết là nguồn lực về con người, sau đó là vốn, công nghệ để đáp ứng các mục tiêu phát triển xuất khẩu bền vững.
  • Quá trình giám sát việc thực thi pháp luật trong lĩnh vực xuất nhập khẩu còn yếu, chưa đáp ứng tốt các yêu cầu quy định, trang thiết bị kỹ thuật, đầu tư cho công tác quản lý nhập khẩu còn thiếu tập trung, nhất là khâu giám định hàng nhập khẩu, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.
  • Việc ứng dụng công nghệ thông tin, trao đổi dữ liêu điện tử, ứng dụng công nghệ số trong các kiểm tra chuyên ngành còn hạn chế. Chưa có sự phối hợp trao đổi thông tin kịp thời giữa các cơ quan quản lý nhà nước về kiểm tra chuyên ngành với cơ quan hải quan trong việc quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu.
  • Năng lực thực thi chính sách quản lý xuất nhập khẩu từ phía các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Việc nắm bắt thông tin, các chính sách vào hoạt động kinh doanh còn chưa kịp thời, nhanh nhạy để thích ứng với bối cảnh mới của thị trường quốc tế.
Công ty AGS cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc bài viết này. Hy vọng bạn đã có được những thông tin bổ ích. Hãy tiếp tục theo dõi chúng tôi để cập nhật thêm nhiều thông tin cũng như cơ hội việc làm tại AGS nhé.

Thông tin khác

Thông tin tuyển dụng và hướng dẫn

Nguồn: https://vioit.org.vn/vn/chien-luoc-chinh-sach/mo-t-so--chi-nh-sa-ch-qua-n-ly--xua-t-nha-p-kha-u-cu-a-vie-t-nam-hie-n-nay-5724.4050.html

Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ