Những điều người lao động cần biết khi ký kết hợp đồng lao động

2024/08/09

LuậtLaođộng

Khi bắt đầu quan hệ lao động thì việc ký kết với nhau một hợp đồng ghi nhận sự thỏa thuận về công việc của hai bên là điều cần thiết. Dưới đây là những điều người lao động cần biết khi giao kết hợp đồng lao động.

I. Các loại hợp đồng được giao kết

Hợp đồng lao động là sự thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Người lao động và người sử dụng lao động được quyền giao kết các hợp đồng lao động sau đây:

1. Hợp đồng thử việc

Trước khi giao kết hợp đồng chính thức, người lao động và người sử dụng lao động có thể Giao kết hợp đồng thử việc.
Khi giao kết hợp đồng này, người lao động cần lưu ý, đối với một công việc thì chỉ được thử việc một lần. Với hợp đồng lao động làm theo mùa vụ thì không cần phải thử việc.
Tiền lương do hai bên thoả thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó (Mức lương theo công việc hoặc chức danh là mức lương trong thang lương, bảng lương của doanh nghiệp).
Thời gian thử việc:
  • Không quá 60 ngày đối với vị trí công việc yêu cầu trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên.
  • Không quá 30 ngày đối với vị trí công việc yêu cầu trình độ chuyên môn kỹ thuật trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ.
  • Không quá 06 ngày làm việc đối với các công việc khác.
Sau khi hết thời hạn thử việc, nếu đạt yêu cầu thì người lao động và người sử dụng lao động sẽ giao kết hợp đồng chính thức.

2. Hợp đồng lao động không xác định thời hạn

Là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng.

3. Hợp đồng lao động xác định thời hạn

Là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng.

4. Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng

Không giao kết loại hợp đồng này để làm những công việc có tính chất thường xuyên từ 12 tháng trở lên; trừ trường hợp phải tạm thời thay thế người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự, nghỉ theo chế độ thai sản, ốm đau, tai nạn lao động hoặc nghỉ việc có tính chất tạm thời khác.

II. Quyền và nghĩa vụ của người lao động

Điều 5 Bộ luật lao động 2012 đã quy định cụ thể về các quyền và nghĩa vụ của người lao động. Theo đó:

1. Người lao động có quyền:

  • Làm việc, tự do lựa chọn việc làm, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp và không bị phân biệt đối xử;
  • Hưởng lương phù hợp với trình độ kỹ năng nghề trên cơ sở thoả thuận với người sử dụng lao động; được bảo hộ lao động, làm việc trong điều kiện bảo đảm về an toàn lao động, vệ sinh lao động; nghỉ theo chế độ, nghỉ hằng năm có lương và được hưởng phúc lợi tập thể;
  • Thành lập, gia nhập, hoạt động công đoàn, tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật; yêu cầu và tham gia đối thoại với người sử dụng lao động, thực hiện quy chế dân chủ và được tham vấn tại nơi làm việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; tham gia quản lý theo nội quy của người sử dụng lao động;
  • Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật;
  • Đình công.

2. Người lao động có nghĩa vụ:

  • Thực hiện hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể;
  • Chấp hành kỷ luật lao động, nội quy lao động, tuân theo sự điều hành hợp pháp của người sử dụng lao động;
  • Thực hiện các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và pháp luật về bảo hiểm y tế.

III. Tiền lương

Tiền lương là khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận.
Tiền lương bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác và không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định.

1. Mức lương tối thiểu vùng

Hiện nay, mức lương tối thiểu vùng được quy định tại Nghị định 157/2018/NĐ-CP, cụ thể như sau:
  • Mức 4.180.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I;
  • Mức 3.710.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II;
  • Mức 3.250.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III;
  • Mức 2.920.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV.

2. Hình thức trả lương

Người sử dụng lao động có thể trả lương cho người lao động theo một trong các hình thức dưới đây:
  • Trả lương theo thời gian: Theo tháng, theo tuần, theo ngày.
  • Trà lương theo sản phẩm.
  • Trả lương khoán.
Trường hợp thay đổi hình thức trả lương, thì người sử dụng lao động phải thông báo cho người lao động biết trước ít nhất 10 ngày.
Lương được trả bằng tiền mặt hoặc trả qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng. Trường hợp trả qua tài khoản ngân hàng, thì người sử dụng lao động phải thỏa thuận với người lao động về các loại phí liên quan đến việc mở, duy trì tài khoản.

IV. Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi

Một trong những nội dung quan trọng không thể thiếu được trong hợp đồng lao động là thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của người lao động. Bộ luật lao động 2012 dành Chương VII để quy định cụ thể về vấn đề này.

1. Thời giờ làm việc

Thời giờ làm việc bình thường là không quá 8 giờ trong một ngày và không quá 48 giờ trong một tuần.
Người sử dụng lao động có quyền quy định làm việc theo giờ hoặc ngày hoặc tuần; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày, nhưng không quá 48 giờ trong 01 tuần.
Giờ làm việc ban đêm được tính từ 22 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau. Quý thành viên cần biết giờ làm ban đêm bởi vì: Thời giờ làm việc khi thoả thuận có thể không phải là hoàn toàn là ban ngày, có thể dàn trải ra ban đêm, và khi làm việc vào ban đêm thì tiền lương sẽ cao hơn làm việc vào ban ngày.

2. Thời giờ nghỉ ngơi

Ngoài nghỉ giải lao giữa giờ trong ngày làm việc bình thường và ngày nghỉ hằng tuần, thì một năm người lao động đi làm đủ 12 tháng thì sẽ có 12 ngày phép năm và nghỉ hưởng nguyên lương vào các ngày lể tết. Quý thành viên có thể xem chi tiết tại các công việc: Chế độ ngày nghỉ hàng năm của người lao động; Các chế độ ngày nghỉ cho người lao động.

V. Điều khoản bảo mật, hạn chế cạnh tranh

Theo khoản 2 Điều 23 Bộ luật Lao động 2012, khi người lao động làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ theo quy định của pháp luật, thì người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận bằng văn bản với người lao động về nội dung, thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, quyền lợi và việc bồi thường trong trường hợp người lao động vi phạm.
Đây là một điều khoản không bắt buộc trong hợp đồng lao động, những khi người lao động làm việc có liên quan đến bí mật kinh doanh thì thường trong hợp đồng lao động có điều khoản này. Thế nên, người lao động cần đọc, tìm hiểu kỹ điều khoản này khi giao kết và thực hiện hợp đồng.

VI. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

Người lao động đang làm việc theo Hợp đồng lao động xác định thời hạn và Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng (sau đây gọi chung là Hợp đồng lao động mùa vụ) có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn theo quy định của Bộ luật lao động 2012. Cụ thể bao gồm:
  • Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động.
  • Không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động.
  • Bị người sử dụng lao động đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ; hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự hoặc cưỡng bức lao động; bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
  • Bản thân hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động, như là:
    • Phải nghỉ việc để chăm sóc vợ hoặc chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố vợ, mẹ vợ hoặc bố chồng, mẹ chồng, con đẻ, con nuôi bị ốm đau, tai nạn.
    • Khi ra nước ngoài sinh sống hoặc làm việc.
    • Gia đình gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa, dịch bệnh hoặc chuyển chỗ ở mà người lao động đã tìm mọi biện pháp nhưng không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động.
  • Được bầu làm nhiệm vụ chuyên trách ở cơ quan dân cử hoặc được bổ nhiệm giữ chức vụ trong bộ máy nhà nước.
  • Lao động nữ mang thai nếu có ý kiến xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi.
  • Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 90 ngày liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và một phần tư thời hạn hợp đồng đối với người làm việc theo Hợp đồng lao động mùa vụ mà khả năng lao động vẫn chưa được hồi phục.

VII. Thông tin khác

Thông tin tuyển dụng và hướng dẫn

Nguồn: https://lawkey.vn/

Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ