Đề xuất áp Thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường và cồn

2024/09/11

ThuếTTĐB


Công ty Kế toán AGS Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực tư vấn và cung cấp dịch vụ Kế toán, Kiểm toán, Thuế, Tư vấn quản lý, chuyển đổi và tái cơ cấu doanh nghiệp. Trong bài viết này, công ty Kế toán AGS sẽ chia sẻ về một trong những vấn đề "nóng" gần đây: "Đề xuất áp Thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường và cồn".

1. Các đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt tại Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)

Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) số 27/2008/QH12, có hiệu lực từ ngày 01/4/2009, thay thế các luật thuế TTĐB trước đó, đã qua bốn lần sửa đổi vào các năm 2014, 2016 và 2022. Dù đã có nhiều điều chỉnh, luật vẫn tồn tại một số bất cập cần được sửa đổi để phù hợp với thực tiễn. Hiện tại, luật quy định 10 nhóm hàng hóa và 6 nhóm dịch vụ chịu thuế TTĐB. Dự án Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính đề xuất mở rộng danh sách hàng hóa chịu thuế, bao gồm thuốc lá, rượu, và đặc biệt là các loại đồ uống có đường.

Cụ thể, tại Điều 2 dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đề xuất các đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như sau:

(1) Hàng hóa:

  • Thuốc lá theo quy định của Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012 bao gồm thuốc lá điếu; xì gà; thuốc lá sợi; thuốc lào hoặc các dạng khác; và chế phẩm khác từ cây thuốc lá dùng để hút, hít, nhai, ngửi, ngậm.

  • Rượu theo quy định của Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 bao gồm cả các loại đồ uống có cồn thực phẩm khác được lên men từ trái cây, ngũ cốc; đồ uống được pha chế từ cồn thực phẩm.

  • Bia.

  • Xe có động cơ dưới 24 chỗ, bao gồm: xe ô tô chở người; xe chở người bốn bánh có gắn động cơ; xe ô tô pick-up chở người; xe ô tô pick-up chở hàng cabin kép; xe ô tô vừa chở người, vừa chở hàng có từ hai hàng ghế trở lên, có thiết kế vách ngăn cố định giữa khoang chở người và khoang chở hàng.

  • Xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi lanh trên 125cm3.

  • Máy bay, trực thăng, tàu lượn và du thuyền sử dụng cho mục đích dân dụng.

  • Xăng các loại.

  • Điều hoà nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống trừ loại theo thiết kế của nhà sản xuất chỉ để lắp trên phương tiện vận tải bao gồm ô tô, toa xe lửa, tàu, thuyền, máy bay.
    Trường hợp tổ chức, cá nhân sản xuất bán hoặc tổ chức, cá nhân nhập khẩu nhập tách riêng từng bộ phận là cục nóng hoặc cục lạnh thì hàng hóa bán ra hoặc nhập khẩu (cục nóng, cục lạnh) vẫn thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như đối với sản phẩm hoàn chỉnh (máy điều hòa nhiệt độ hoàn chỉnh).

  • Bài lá.

  • Vàng mã, hàng mã, không bao gồm hàng mã là đồ chơi trẻ em, đồ dùng dạy học.

  • Nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN),) có hàm lượng đường trên 5g/100ml.

Lưu ý: Hàng hóa quy định nêu trên phải là sản phẩm hoàn chỉnh, không bao gồm linh kiện để lắp ráp các hàng hóa này.

(2) Dịch vụ:

  • Kinh doanh vũ trường.

  • Kinh doanh mát-xa (massage), ka-ra-ô-kê (karaoke).

  • Kinh doanh ca-si-nô (casino); trò chơi điện tử có thưởng bao gồm trò chơi bằng máy giắc-pót (jackpot), máy sờ-lot (slot) và các loại máy tương tự.

  • Kinh doanh đặt cược bao gồm đặt cược thể thao, giải trí và các hình thức đặt cược khác theo quy định của pháp luật.

  • Kinh doanh gôn (golf) bao gồm kinh doanh sân tập gôn, bán thẻ hội viên, vé chơi gôn.

  • Kinh doanh xổ số.

Trong dự án sửa đổi này, một trong những điểm đáng chú ý là việc đề xuất áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt 10% đối với nước giải khát có đường. Nước giải khát với hàm lượng đường trên 5g/100ml (theo Tiêu chuẩn Việt Nam) sẽ chịu thuế, nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, hạn chế các bệnh tật liên quan đến việc tiêu thụ đường, như theo khuyến cáo của các tổ chức y tế. Ngoài ra, các loại đồ uống có cồn thực phẩm cũng tiếp tục nằm trong danh sách chịu thuế, phù hợp với Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

2. Thực trạng về việc tiêu dùng đồ uống có đường và cồn ở Việt Nam

Dẫn thông tin của Tổ chức y tế thế giới (WHO), đồ uống có đường là tất cả các loại đồ uống có chứa đường tự do, gồm có nước ngọt không chứa cồn (solf-drink) có ga hoặc không có ga, nước ép trái cây/rau củ, đồ uống từ trái cây/rau củ, dưới dạng đồ uống, chất cô đặc dạng lỏng và bột, nước có pha chế hương liệu, nước tăng lực và đồ uống cho người chơi thể thao (sport drinks), trà pha sẵn, cà phê pha sẵn và đồ uống sữa có pha chế hương liệu (flavoured milk drinks).

Bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết tiêu thụ đồ uống có đường ở Việt Nam tăng gấp 7 lần trong 15 năm qua, từ mức trung bình 6,6 lít/người năm 2002 lên 46,5 lít/người năm 2017, và năm 2018 là 50,7 lít/người. Trung bình một người tiêu thụ khoảng 46,5g đường tự do/ngày, gần bằng mức giới hạn tối đa (50 g/ngày) và cao gần gấp đôi so với mức khuyến cáo dưới 25 g/ngày của WHO. TS.BS Nguyễn Thị Hồng Diễm, Phó trưởng Phòng kiểm soát bệnh không lây nhiễm, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, WHO khuyến cáo ở cả người lớn và trẻ em nên giảm lượng đường tự do xuống dưới 10% tổng năng lượng tiêu thụ; giảm hơn nữa mức tiêu thụ các loại đường tự do xuống dưới 5% (25g) mỗi ngày sẽ có lợi hơn cho sức khỏe.

Bên cạnh đó, theo kết quả nghiên cứu, từ 2010-2018, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia được điều chỉnh liên tục tăng nhưng tỷ lệ người lạm dụng rượu, bia vẫn tăng cao, tỷ lệ người không sử dụng giảm. Lượng đồ uống có cồn tiêu thụ ở Việt Nam trong cả khu vực chính thức lẫn phi chính thức đều có tốc độ tăng rất nhanh. Nếu như năm 2003-2005, lượng đồ uống có cồn tiêu thụ ở Việt Nam chỉ đạt trung bình 3,8 lít/người/năm thì năm 2008-2010 con số là 6,6 lít và năm 2015-2016 là 8,3 lít. Như vậy, trong khoảng 10 năm, lượng tiêu thụ rượu, bia bình quân một người trong năm đã tăng hơn gấp đôi. Tỷ lệ người lạm dụng rượu, bia trên tổng dân số cũng tăng từ 1,4% năm 2010 lên tới 14,4% năm 2016.

3. Những tác động của chính sách mới (đề xuất) đối với ngành hàng đồ uống

1. Đối với ngành sản xuất đồ uống có đường 

PGS.TS Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế), ủng hộ việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam (hàm lượng đường trên 5g/100ml). Bà cho rằng mục tiêu bảo vệ sức khỏe là dài hạn và chính sách thuế nhằm thay đổi hành vi tiêu dùng cần có tầm nhìn cho tương lai, không chỉ tác động tức thời.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Phụng, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, lại đặt ra câu hỏi liệu việc áp thuế có thực sự đạt được mục tiêu thay đổi hành vi tiêu dùng hay không. Ông trích dẫn nghiên cứu từ Decision Lab năm 2018 cho thấy, nếu áp thuế 10% với nước ngọt, 38% người thu nhập cao  (trên 14 triệu đồng/tháng) vẫn tiếp tục sử dụng nước ngọt, trong khi 49% có xu hướng chuyển sang các loại nước giải khát chế biến tại chỗ (bán ở chợ, vỉa hè). Điều này có thể không làm thay đổi hành vi tiêu dùng mà còn tiềm ẩn rủi ro về vệ sinh an toàn thực phẩm.

2. Đối với ngành sản xuất đồ uống có cồn 

Bà Chu Thị Vân Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam, nhận định rằng nếu dự án Luật sửa đổi thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) được thông qua, đây sẽ là đợt tăng thuế lớn nhất từ trước đến nay đối với ngành rượu bia. Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế để đạt mục tiêu tăng giá bán rượu, bia ít nhất 10% theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Dự kiến mức thuế sẽ tăng liên tục từ năm 2026 và có thể đạt 100% vào năm 2030, gây lo ngại cho các doanh nghiệp trong bối cảnh họ đã và đang gặp nhiều khó khăn. Bà Vân Anh bày tỏ sự bất ngờ và cho biết các doanh nghiệp chưa thể đánh giá hết tác động của đề xuất này, vì cần có số liệu và phân tích đầy đủ về phản ứng người tiêu dùng, tác động thuế và hành vi chuyển đổi sang các sản phẩm thay thế.

Bà cũng lo ngại rằng việc tăng thuế quá cao có thể thúc đẩy người tiêu dùng chuyển sang sử dụng hàng nhập lậu, hàng giả, và các sản phẩm kém chất lượng, gây rủi ro cho sức khỏe người dân và làm tăng gánh nặng cho cơ quan quản lý. Điều này có thể ảnh hưởng đến doanh nghiệp chính thống, gây thất thu ngân sách và gây ra nhiều hệ lụy liên quan đến việc làm và an sinh xã hội.

Công ty Kế toán AGS cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc bài viết này. Hy vọng bạn đã có được những thông tin bổ ích. Hãy tiếp tục theo dõi chúng tôi để cập nhật thêm nhiều thông tin cũng như cơ hội làm việc tại Công ty Kế toán AGS nhé.

Thông tin khác

Thông tin tuyển dụng và hướng dẫn

Nguồn: Tổng hợp

Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ