Hệ lụy nào khi áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên đồ uống có đường?

2024/09/11

ThuếTTĐB

Công ty Kế toán AGS Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực tư vấn và cung cấp dịch vụ Kế toán, Kiểm toán, Thuế, Tư vấn quản lý, chuyển đổi và tái cơ cấu doanh nghiệp.
Trong bài viết này công ty AGS sẽ chia sẻ về chủ đề Nên hay không nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường.
Cùng tìm hiểu kĩ hơn về chủ đề này qua bài viết dưới đây nhé.

1. Tổng quan về thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường

a. Thuế tiêu thụ đặc biệt là gì?

Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) là một loại thuế gián thu áp dụng cho các hàng hóa và dịch vụ nhất định nhằm điều tiết tiêu dùng và sản xuất, đặc biệt là đối với các sản phẩm cao cấp như rượu bia, thuốc lá, và đồ uống có đường. Do đó, vai trò của thuế TTĐB là để hạn chế tiêu dùng các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe, môi trường, hoặc gây lãng phí, đồng thời góp phần tạo nguồn thu ngân sách quan trọng cho chính phủ. Thuế TTĐB không phân biệt hàng hóa nội địa hay nhập khẩu, và thường được coi là sắc thuế bổ trợ cho thuế tiêu dùng và thuế thu nhập cá nhân.

b. Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường

Các quốc gia áp dụng thuế đối với đồ uống có đường dưới các tên gọi khác nhau như thuế đường, "sugar tax" (Đan Mạch), thuế soda, hoặc thuế TTĐB (Thái Lan). Mục đích của thuế này là nhằm giảm tiêu thụ các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe, như nước ngọt, do chúng cung cấp năng lượng calo cao nhưng ít giá trị dinh dưỡng. Lượng đường dư thừa không tiêu hao qua hoạt động thể lực sẽ chuyển hóa thành chất béo, dẫn đến béo phì và các bệnh liên quan như tiểu đường và bệnh tim mạch. Đường fructose, thường có trong đồ uống có đường, làm giảm cảm giác no và khuyến khích tiêu thụ quá mức. Nhiều nghiên cứu thực nghiệm đã chỉ ra mối liên hệ giữa tiêu thụ đồ uống có đường và tăng cân, cũng như nguy cơ mắc bệnh. Do đó, thuế được áp dụng để điều chỉnh hành vi của nhà sản xuất, hướng dẫn tiêu dùng.

2. Nên hay không nên áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt lên đồ uống có đường

a. Cân đong giữa lợi ích và thiệt hại kinh tế khi đánh thuế TTĐB lên đồ uống có đường

Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt 10% đối với nước giải khát có đường có thể tăng thu ngân sách thêm 2.279 tỷ đồng. Tuy nhiên, sự sụt giảm sản lượng từ chính sách này có thể gây thiệt hại khoảng 3.159 tỷ đồng, dẫn đến tổng thiệt hại khoảng 880,4 tỷ đồng. Nghiên cứu nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện tại, việc mở rộng đối tượng chịu thuế và tăng thuế có thể làm tăng gánh nặng cho doanh nghiệp, ảnh hưởng tiêu cực đến các chỉ số kinh tế như tổng giá trị tăng thêm, thu nhập người lao động và số lượng lao động.

b. Tăng thuế có đủ bảo vệ sức khỏe toàn dân

Bộ Tài chính khi đề xuất việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường đã cho rằng, việc này sẽ góp phần giảm béo phì, tiểu đường và tỷ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm khác trong tương lai, đặc biệt là thế hệ trẻ. Từ đó, hệ thống y tế, bệnh viện cũng được giảm áp lực, quá tải. Tuy nhiên, ý kiến phản đối cho rằng việc này chưa đủ thuyết phục, vì không có đủ bằng chứng khoa học chứng minh nước giải khát là nguyên nhân chính gây thừa cân.
Một báo cáo của Viện Dinh dưỡng cũng đã chỉ ra rằng, tại Việt Nam, tỷ lệ thừa cân béo phì ở học sinh khu vực thành thị cao hơn nhiều so với học sinh ở khu vực nông thôn (lần lượt là 41,9% và 17,8%), nhưng tỷ lệ tiêu thụ nước ngọt ở mức độ thường xuyên của trẻ em khu vực thành thị lại thấp hơn mức tiêu thụ của trẻ em ở khu vực nông thôn (lần lượt là 16,1% và 21,6%). CIEM cũng chỉ rõ, thừa cân, béo phì do nhiều yếu tố khác nhau như khẩu phần ăn, lối sống ít vận động, gene, khí hậu... Bởi thế, thực tế, nước giải khát chỉ là một thành phần chứ không phải là yếu tố chính hay duy nhất gây nên thừa cân, béo phì, nên việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát không đảm bảo giải quyết được các bệnh không lây nhiễm, bao gồm thừa cân béo phì.
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên đồ uống có đường cần được xem xét kỹ lưỡng để tránh những hệ lụy không mong muốn, gây thiệt hại cho nền kinh tế.
Công ty AGS cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc bài viết này. Hy vọng bạn đã có được những thông tin bổ ích.
Hãy tiếp tục theo dõi chúng tôi để cập nhật thêm nhiều thông tin cũng như cơ hội việc làm tại AGS nhé.

Thông tin khác

Thông tin tuyển dụng và hướng dẫn

Nguồn: https://baodautu.vn/he-luy-nao-khi-ap-thue-tieu-thu-dac-biet-do-uong-co-duong-d219634.html

Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ