Chủ trì xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Bộ Tài chính đã bám sát 7 nhóm chính sách tại hồ sơ lập đề nghị xây dựng. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) lần này đã đưa ra những điều chỉnh quan trọng, phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội, giúp giảm thiểu tiêu thụ các mặt hàng không có lợi cho sức khỏe người dân và tăng cường bảo vệ môi trường.
Cùng AGS tìm hiểu kĩ hơn về chủ đề này qua bài viết dưới đây nhé.
1. Gia tăng chi phí giúp giảm sử dụng thuốc lá
Theo Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá, Chính phủ đặt mục tiêu giảm tỷ lệ nam giới từ 15 tuổi trở lên sử dụng thuốc lá xuống dưới 36% vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu này, tại dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đề xuất giữ nguyên mức thuế suất hiện tại là 75% và bổ sung mức thuế tuyệt đối theo lộ trình tăng dần mỗi năm từ năm 2026 đến 2030.2. Dùng công cụ thuế điều tiết hành vi
Thuế tiêu thụ đặc biệt là loại thuế gián thu được nhà nước sử dụng như một công cụ hiệu quả, điều tiết sản xuất, tiêu dùng và thu nhập của người tiêu dùng. Nhiều ý kiến cho rằng, công cụ thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ tạo ra sự thay đổi tích cực trong hành vi tiêu dùng các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe, giảm gánh nặng chi phí y tế và bảo vệ sức khỏe lâu dài cho toàn dân.Cụ thể, có hai phương án đang được đưa ra để thực hiện lộ trình này.
- Tại phương án 1, tăng mức thuế tuyệt đối đối với thuốc lá điếu từ 2.000 đồng/bao (năm 2026) lên 10.000 đồng/bao (năm 2030). Mức thuế cho xì gà sẽ tăng từ 20.000 đồng/điếu lên 80.000 đồng/điếu (năm 2030); với thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác, chế phẩm khác từ cây thuốc lá dùng để hút, hít, nhai, ngửi, ngậm sẽ tăng 20.000 đồng/100g hoặc 100ml (từ năm 2026) lên 100.000 đồng/100g hoặc 100ml (từ năm 2030).
- Tại phương án 2, mức tăng với thuốc lá sẽ tăng bắt đầu từ 5.000 đồng/bao cho thuốc lá điếu và 50.000 đồng/điếu cho xì gà vào năm 2026, đến năm 2030 đạt mức tương ứng là 10.000 đồng/bao và 100.000 đồng/điếu.
Tuy nhiên, Chính phủ nghiêng về phương án 2 vì mức tăng cao hơn này sẽ giúp giảm nhanh và mạnh hơn tỷ lệ sử dụng thuốc lá, đưa tỷ lệ này gần với khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đạt tỷ trọng thuế trên giá bán lẻ 59,38% vào năm 2030.
Nêu quan điểm tại Hội thảo “Xây dựng chiến lược điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam” được tổ chức mới đây, TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, những hệ lụy về sức khỏe và chi phí xã hội từ việc hút thuốc lá là vô cùng nghiêm trọng, với ước tính mỗi năm có khoảng 40 nghìn người tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Nếu không có biện pháp kiểm soát hiệu quả, con số này có thể lên tới 70 nghìn người vào năm 2030, theo dự báo của WHO.
Bà Minh cho biết, nhận thức được điều đó, Việt Nam đã có nhiều chính sách nhằm giảm thiểu tác hại của thuốc lá. Cùng với việc ban hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia về Phòng, chống tác hại của thuốc lá, triển khai các chương trình tuyên truyền, cũng như áp dụng biện pháp cảnh báo sức khỏe trên bao bì sản phẩm. Đặc biệt, công cụ thuế tiêu thụ đặc biệt đã được chú trọng hơn, nhằm gia tăng chi phí sử dụng thuốc lá, qua đó giảm thiểu tiêu dùng, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước cũng như tạo ra nguồn tài chính hỗ trợ các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.
3. Giảm thiểu tác động tiêu cực từ việc lạm dụng rượu, bia
Cũng tại dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), để giảm thiểu tác động tiêu cực từ việc lạm dụng rượu, bia, dự thảo đưa ra lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm này trong giai đoạn 2026 - 2030. Theo WHO, việc tăng giá các sản phẩm rượu, bia lên 10% sẽ giúp giảm tiêu thụ đáng kể.Với mỗi mặt hàng cụ thể, dự thảo đều có 2 phương án. Theo đó, đối với mặt hàng rượu từ 20 độ trở lên, phương án 1 sẽ là tăng thuế suất từ mức hiện hành 65% lên 70%, 75%, 80%, 85%, 90% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026 - 2030. Còn phương án 2 là tăng thuế suất từ mức hiện hành 65% lên 80%, 85%, 90%, 95%, 100% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026-2030.
Đối với mặt hàng rượu dưới 20 độ, phương án 1 là tăng thuế suất từ mức hiện hành 35% lên 40%, 45%, 50%, 55%, 60% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026-2030. Phương án 2 là tăng thuế suất từ mức hiện hành 35% lên 50%, 55%, 60%, 65%, 70% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026 - 2030.
Đối với mặt hàng bia, phương án 1 là tăng thuế suất từ mức hiện hành 65% lên 70%, 75%, 80%, 85%, 90% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026 - 2030. Còn phương án 2 là tăng thuế suất từ mức hiện hành 65% lên 80%, 85%, 90%, 95%, 100% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026 - 2030.
Với mỗi mặt hàng, Chính phủ đều nghiêng về phương án 2 bởi theo tính toán giá bán năm 2026 sẽ tăng khoảng 10% so với năm 2025, và các năm tiếp theo mỗi năm giá bán sẽ tăng 2 - 3% so với năm trước để đảm bảo giá sản phẩm tăng tương ứng theo mức độ lạm phát và gia tăng thu nhập của các năm tiếp theo. Với phương án 2 sẽ có tác dụng giảm khả năng chi trả đối với các sản phẩm rượu, bia mạnh hơn, tác động tốt hơn trong việc giảm tỷ lệ sử dụng rượu, bia và giảm các tác hại liên quan do việc lạm dụng rượu, bia gây ra.
Nêu quan điểm về vấn đề này, GS.TS. Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội, cho rằng mục tiêu của thuế tiêu thụ đặc biệt là hạn chế tiêu dùng những sản phẩm không thiết yếu hoặc không có lợi cho sức khỏe, đồng thời hạn chế sản xuất.
“Đối với đồ uống có cồn, nếu lạm dụng sẽ không tốt cho sức khỏe. Do vậy, việc đưa đồ uống có cồn là đối tượng của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt là rất đúng và cần thiết. WHO cũng khuyến cáo các quốc gia tăng biện pháp để hạn chế tiêu dùng sản phẩm này” - GS.TS. Hoàng Văn Cường nhấn mạnh
Công ty AGS cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc bài viết này. Hy vọng bạn đã có được những thông tin bổ ích. Hãy tiếp tục theo dõi chúng tôi để cập nhật thêm nhiều thông tin cũng như cơ hội việc làm tại AGS nhé.
Thông tin khác
Thông tin tuyển dụng và hướng dẫn
Thông tin tuyển dụng và Hướng dẫn
AGS luôn mở rộng cánh cửa cho những ứng viên muốn thử thách bản thân trong lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán - Ngôn ngữ Nhật - Pháp lý - Nhân sự. Xem chi tiết bài viết để biết thêm về Thông tin tuyển dụng tại AGS bạn nhé!
AGS luôn mở rộng cánh cửa cho những ứng viên muốn thử thách bản thân trong lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán - Ngôn ngữ Nhật - Pháp lý - Nhân sự. Xem chi tiết bài viết để biết thêm về Thông tin tuyển dụng tại AGS bạn nhé!
Nguồn: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/dieu-chinh-thue-tieu-thu-dac-biet-voi-thuoc-la-ruou-bia-bao-ve-suc-khoe-nguoi-dan-va-moi-truong-164132.html