Tỉnh Điện Biên

2024/11/26

ViệtNam-Tỉnhthành



Công ty TNHH Kế toán - Kiểm toán AGS nằm trong hàng đầu những đơn vị chuyên cung cấp các dịch vụ Kế toán, Kiểm toán, và tư vấn thuế tài chính. Cùng với chất lượng dịch vụ tốt và uy tín, Công ty đã có nhiều kinh nghiệm trong ngành nghề, để phục vụ công việc thì các kiến thức liên quan đến ngành nghề là điều vô cùng cần thiết cho mỗi cá nhân trong tập thể. 
Hôm nay Công ty AGS sẽ giới thiệu đến các bạn một tỉnh thành vô cùng nổi tiếng tại đất nước Việt Nam, nơi đây không chỉ có nhiều cảnh đẹp từ thiên nhiên mà còn mang đậm các dấu mốc lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam. Đó chính là tỉnh Điện Biên.

ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN - XÃ HỘI

Vị trí địa lý, diện tích tự nhiên tỉnh Điện Biên

Điện Biên là một tỉnh biên giới miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, có tọa độ địa lý 20o54’ – 22o33’ vĩ độ Bắc và 102o10’ – 103o36’ kinh độ Đông. Nằm cách Thủ đô Hà Nội 504 km về phía Tây, phía Đông và Đông Bắc giáp tỉnh Sơn La, phía Bắc giáp tỉnh Lai Châu, phía Tây Bắc giáp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), phía Tây và Tây Nam giáp CHDCND Lào.
Là tỉnh duy nhất có chung đường biên giới với 2 quốc gia Lào và Trung hơn 400 km, trong đó: Đường biên giới tiếp giáp với Lào là 360 km; với Trung Quốc là 40,86 km; có đường giao thông đi các tỉnh Bắc Lào và tỉnh Vân Nam của Trung Quốc, có đường hàng không từ Điện Biên Phủ đi Hà Nội với tần suất bay bình quân ngày 02 chuyến. Tỉnh có 10 đơn vị hành chính cấp huyện với 130 xã, phường, thị trấn (trong số đó có 29 xã biên giới); dân số gần 55 vạn người, gồm 19 dân tộc anh em.
Trên tuyến biên giới Việt – Lào, ngoài 2 cửa khẩu đã được mở là Huổi Puốc và Tây Trang, còn 3 cặp cửa khẩu phụ khác sắp tới sẽ được mở. Trên tuyến biên giới Việt - Trung có cặp cửa khẩu A Pa Chải - Long Phú. Đặc biệt, cửa khẩu Tây Trang từ lâu đã là cửa khẩu quan trọng của vùng Tây Bắc và cả nước, được Chính phủ hai nước thỏa thuận nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế và Khu kinh tế cửa khẩu đang được xây dựng. Đây là điều kiện và cơ hội rất lớn để Điện Biên đẩy mạnh thương mại quốc tế, tiến tới xây dựng khu vực này thành địa bàn trung chuyển chính trên tuyến đường xuyên Á phía Bắc, nối liền vùng Tây Bắc Việt Nam với khu vực Bắc Lào - Tây Nam Trung Quốc và Đông Bắc Mianma.

Điều kiện tự nhiên

Địa hình

Do ảnh hưởng của các hoạt động kiến tạo nên địa hình của Điện Biên rất phức tạp, chủ yếu là đồi núi dốc, hiểm trở và chia cắt mạnh. Được cấu tạo bởi những dãy núi chạy dài theo hướng Tây Bắc - Đông Nam với độ cao biến đổi từ 200m đến hơn 1.800m. Địa hình thấp dần từ Bắc xuống Nam và nghiêng dần từ Tây sang Đông. Ở phía Bắc có các điểm cao 1.085m, 1.162 m và 1.856 m (thuộc huyện Mường Nhé), cao nhất là đỉnh Pu Đen Đinh cao 1.886m. Ở phía Tây có các điểm cao 1.127m, 1.649m, 1.860m và dãy điểm cao Mường Phăng kéo xuống Tuần Giáo. Xen lẫn các dãy núi cao là các thung lũng, sông suối nhỏ hẹp và dốc. Trong đó, đáng kể có thung lũng Mường Thanh rộng hơn 150km2, là cánh đồng lớn và nổi tiếng nhất của tỉnh và toàn vùng Tây Bắc. Núi bị bào mòn mạnh tạo nên những cao nguyên khá rộng như cao nguyên A Pa Chải (huyện Mường Nhé), cao nguyên Tả Phình (huyện Tủa Chùa). Ngoài ra còn có các dạng địa hình thung lũng, sông suối, thềm bãi bồi, nón phóng vật, sườn tích, hang động castơ,... phân bố rộng khắp trên địa bàn, nhưng diện tích nhỏ.

Khí hậu

Điện Biên có khí hậu nhiệt đới gió mùa núi cao, mùa Đông tương đối lạnh và ít mưa; mùa hạ nóng, mưa nhiều với các đặc tính diễn biến thất thường, phân hoá đa dạng, chịu ảnh hưởng của gió tây khô và nóng. Nhiệt độ trung bình hàng năm từ 21o – 23oC, nhiệt độ trung bình thấp nhất thường vào tháng 12 đến tháng 2 năm sau (từ 14o – 18oC), các tháng có nhiệt độ trung bình cao nhất từ tháng 4 - 9 (25oC) - chỉ xảy ra các khu vực có độ cao thấp hơn 500m. Lượng mưa hàng năm trung bình từ 1.300 - 2.000mm, thường tập trung theo mùa, mùa khô kéo dài từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau. Độ ẩm trung bình hàng năm từ 76 - 84%. Số giờ nắng bình quân từ 158 – 187 giờ trong năm; các tháng có giờ nắng thấp là tháng 6, 7; các tháng có giờ nắng cao thường là các tháng 3, 4, 8, 9.

Tài nguyên thiên nhiên

Tài nguyên đất

Theo số liệu thống kê hiện trạng sử dụng đất tính đến 31/12 năm 2014, Điện Biên có tổng diện tích đất là 954.125,06ha. Đất sản xuất nông nghiệp chiếm chủ yếu với 75,89% tổng diện tích; Đất phi nông nghiệp (sử dụng để ở, phục vụ mục đích công cộng, trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp…) chiếm 2,54%. Đất chưa sử dụng vẫn chiếm diện tích tương đối lớn với 21,57%, chủ yếu là đất đồi núi, núi đá không có rừng cây.


Tài nguyên nước

Điện Biên nằm ở khu vực đầu nguồn 3 con sông lớn của cả nước là: Sông Đà, sông Mã và sông Mê Kông.
Trong đó:
  • Sông Đà ở phía Bắc tỉnh (giáp với tỉnh Lai Châu) bắt nguồn từ Vân Nam (Trung Quốc) qua Mường Tè (tỉnh Lai Châu) - thị xã Mường Lay - Tuần Giáo rồi chảy về tỉnh Sơn La. Sông Đà (trên địa bàn Điện Biên có các phụ lưu chính là Nậm Ma, Nậm Bum, Nậm Pụ, Nậm Mức...) với tổng diện tích lưu vực khoảng 5.300km2, chiếm 55% diện tích tự nhiên của tỉnh; chảy qua các huyện: Mường Nhé, Mường Chà, Tủa Chùa, Tuần Giáo và thị xã Mường Lay.


  • Hệ thống sông Mã có các phụ lưu chính là sông Nậm Khoai (huyện Tuần Giáo) và sông Nậm Mạ (huyện Điện Biên) với diện tích lưu vực 2.550km2. Đây là hệ thống sông lớn thứ hai của tỉnh.


  • Hệ thống sông Mê Kông có diện tích lưu vực là 1.650km2 với các nhánh chính là sông Nậm Rốm, Nậm Núa. Sông Nậm Rốm bắt nguồn từ Bắc huyện Điện Biên qua thành phố Điện Biên Phủ - Pa Thơm (huyện Điện Biên) rồi chảy sang Lào. Sông Nậm Núa bắt nguồn từ Mường Nhà chảy theo hướng Nam - Bắc sau đó chuyển sang hướng Đông - Tây và gặp sông Nậm Rốm ở lòng chảo Điện Biên rồi chảy sang Lào.


Nguồn tài nguyên nước mặt rất phong phú với hơn 10 hồ và hơn 1.000 sông, suối lớn nhỏ phân bố tương đối đồng đều. Sông suối ở Điện Biên nhiều, nguồn nước tương đối dồi dào. Đây là nguồn nước chủ yếu mà hiện nay Điện Biên đang khai thác và sử dụng. Tuy nhiên, địa hình cao, dốc; nhiều thác, ghềnh; có lượng dòng chảy lớn; lượng dòng chảy giảm dần từ phía Bắc đến phía Nam của tỉnh. Các huyện Mường Chà và phía bắc Tuần Giáo có một dòng chảy từ 30 - 40 l/s/km2; huyện Điện Biên và phía nam Tuần Giáo chỉ còn 20 l/s/km2. Vì vậy, khả năng giữ nước vào mùa khô rất khó khăn.
Nguồn nước ngầm của tỉnh Điện Biên được tập trung chủ yếu ở các thung lũng lớn như huyện Điện Biên, Tuần Giáo, Tủa Chùa. Các thung lũng này có trữ lượng nước ngầm khá lớn và hình thành túi đựng nước ở độ sâu từ 20 đến 200m. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ thực hiện một số mũi khoan thử nghiệm, chưa đi vào khai thác.

Tài nguyên rừng

Là tỉnh miền núi nên Điện Biên có tiềm năng lớn về rừng. Toàn tỉnh có 350.854,79 ha đất lâm nghiệp có rừng (chiếm 48,46% diện tích đất nông nghiệp của tỉnh). Trong đó: Rừng sản xuất chiếm 30,95%; rừng phòng hộ 55,31% và rừng đặc dụng chiếm 13,74%.

Tài nguyên khoáng sản

Tài nguyên khoáng sản ở Điện Biên chưa được thăm dò đánh giá sâu về trữ lượng và chất lượng. Tuy nhiên, qua tra cứu các tài liệu lịch sử liên quan cho thấy, Điện Biên có nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng về chủng loại, gồm các loại chính như: nước khoáng, than mỡ, đá vôi, đá đen, đá granit, quặng sắt và kim loại màu..., nằm rải rác trong tỉnh.

Dân tộc

Điện Biên là nơi hội tụ sinh sống của 19 dân tộc anh em (Thái; Mông; Kinh; Dao; Khơ Mú; Hà Nhì; Lào; Hoa (Hán); Kháng; Mường; Cống; Xi Mun; Si La; Nùng; Phù Lá; Thổ; Tày; Sán Chay và dân tộc khác). Mỗi dân tộc có những nét riêng về ngôn ngữ, phong tục tập quán, văn hóa… tạo thành bức tranh đa sắc màu cho nền văn hóa Điện Biên.

Tiềm năng du lịch

Điện Biên là tỉnh giàu tiềm năng du lịch, đặc biệt là lĩnh vực văn hoá - lịch sử. Nổi bật nhất là hệ thống di tích lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ gồm: Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ - Mường Phăng; các cứ điểm Him Lam, Bản kéo, Độc lập; Các đồi A1, C1, D1, E1 và khu trung tâm tập đoàn cứ điểm của Pháp (Khu hầm Đờ cát).
Bên cạnh đó là rất nhiều các hang động, nguồn nước khoáng và hồ nước tạo thành nguồn tài nguyên du lịch thiên nhiên phong phú, như: Rừng nguyên sinh Mường Nhé; các hang động tại Pa Thơm (Điện Biên), Thẩm Púa (Tuần Giáo); các suối khoáng nóng Hua Pe, U Va; các hồ Pá Khoang, Pe Luông...
Ngoài ra, Điện Biên còn có tiềm năng văn hóa phi vật thể, với 19 dân tộc anh em chung sống, mỗi dân tộc có sắc thái văn hóa riêng rất đa dạng, hiện nay vẫn còn giữ được các phong tục tập quán vốn có, điển hình là dân tộc Thái và H' Mông...

Đặc sản tỉnh Điện Biên

Thịt trâu gác bếp - Đặc sản Điện Biên thơm ngon nức tiếng

Nếu bạn đã từng nghe quá món Ốc gác bếp trứ danh của miền quê Đồng Tháp thì tại Điện Biên cũng có một đặc sản giống như vậy. Đứng đầu trong danh sách các món đặc sản Điện Biên ngon nức tiếng chắc chắn không thể không kể đến thịt trâu gác bếp. Đây là một món ăn đặc trưng của người dân vùng núi Tây Bắc. Sau khi tẩm ướp gia vị kỹ càng, từng miếng thịt tươi sống được hun trên gác bếp. Dần dần, thịt trâu săn lại và có thể để dành ăn từ từ. Khi muốn thưởng thức, người ta sẽ lấy thịt trâu nướng sơ qua trên bếp than hồng. Cách chế biến tuy dễ dàng nhưng lại khá đặc biệt khiến cho hương vị của thịt trâu gác bếp thêm mới lạ, độc đáo.

Sâu chít Điện Biên Phủ

Món ăn tiếp theo mà bạn không thể bỏ qua chính là sâu chít Điện Biên Phủ. Ngay từ cái tên, món ăn này đã gây ấn tượng sâu sắc đến hội đam mê ăn uống và khiến bao người phải e ngại khi thưởng thức. Có thể nói, món ăn độc lạ này chính là thách thức đối với các thực khách khi tới Điện Biên. Không chỉ là một món đặc sản Điện Biên độc đáo, sâu chít còn được ví như thần dược trong y học cổ truyền vì chứa dược tính và hàm lượng dinh dưỡng khá cao, có lợi cho sức khỏe.
Có khá nhiều cách thưởng thức hương vị của sâu chít Điện Biên. Trong đó, ngâm rượu, sao khô hay nấu cháo là các cách phổ biến nhất được người dân vùng cao áp dụng. Bạn có thể tìm kiếm và mua sâu chít Điện Biên tại cửa hàng Ẩm thực xanh.

Chẩm chéo

Từ lâu, chẩm chéo đã trở thành một đặc sản trứ danh chỉ có ở vùng cao và xuất hiện trong bữa ăn hàng ngày của người dân miền núi phía Tây Bắc. Đây là một loại gia vị đặc trưng được chế biến từ quả của cây mắc khén. Sau khi thu hoạch, chúng được rang giòn, giã mịn. Tiếp đó trộn cùng ớt khô, rau mùi, muối rang, sả... Tất cả được hòa quyện vào nhau tạo thành một món chấm ngon ngất ngây. Ăn kèm cùng thịt trâu gác bếp, bắp cải cuốn nhót xanh hay bất cứ món nào khác cũng đủ khiến vị giác của bạn bùng nổ.

Bắp cải cuốn nhót xanh

Ăn kèm với chẩm chéo chắc chắn không thể nào thiếu bắp cải cuốn nhót xanh. Chỉ cần thưởng thức ngay từ miếng đầu tiên, bạn sẽ hoàn toàn ngỡ ngàng và mê mẩn trước hương vị chua, cay, mặn, ngọt được hòa quyện vào nhau của món đặc sản này. Cách chế biến món đặc sản Điện Biên này khá đơn giản nhưng lại đủ sức gây thương nhớ đối với bất kỳ ai. Khi ăn cùng với chẩm chéo sẽ lại càng làm tăng sức hấp dẫn của món ăn, đưa bạn đi đến một trải nghiệm ẩm thực tuyệt vời.
Theo những chia sẻ của người đi trước được MIA.vn tìm hiểu, bạn có thể dễ dàng tìm kiếm món ăn này tại các khu chợ vùng cao ở Điện Biên. Ngoài ra, bạn cũng có thể cùng với người dân đi hái bắp cải và tự chế biến để ăn cùng với chẩm chéo thơm ngon mà không phải tốn bất kỳ chi phí nào.

Pa Pỉnh Tộp

Độc đáo ngay từ tên gọi, Pa Pỉnh Tộp là một trong những đặc sản Điện Biên khiến nhiều người tò mò và mong muốn được thưởng thức. Tuy nhiên, tên gọi Pa Pỉnh Tộp thực chất chỉ món cá nướng. Để làm nên món ăn này, người dân Điện Biên sẽ dùng cá chép, cá trôi hoặc cá trắm. Sau công đoạn sơ chế, người chế biến sẽ cho hỗn hợp gia vị đã trộn sẵn bao gồm hạt mắc khén, rau mùi, rau thơm, hành lá... Cuối cùng là đem nướng lên bếp than để cá vàng đều, giòn rụm và có hương vị thơm ngon khó cưỡng.

Nộm hoa ban

Mỗi khi đến mùa hoa ban nở, mọi người từ khắp nơi không chỉ đổ về Điện Biên để check-in với cảnh quan thiên nhiên thơ mộng mà còn trải nghiệm thưởng thức một trong những đặc sản trứ danh ở vùng Tây Bắc. Đó chính là nộm hoa ban. Món ăn này khá đơn giản, bình dị và được chế biến từ loài hoa có sẵn ở địa phương. Tuy nhiên, không vì vậy mà hương vị nộm hoa ban thua kém bất cứ món ăn nào khác. Món ăn đặc biệt này mang hương vị chỉ có tại Điện Biên mới có thể đem đến cho bạn.


Công ty AGS cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết của chúng tôi. Hi vọng bài viết có thể cung cấp cho bạn sẽ có những thông tin bổ ích trong cuộc sống và công việc, và mở ra cho các bạn thêm những góc nhìn mới hơn về các vấn đề trong ngành nghề cũng như là các giá trị văn hóa của hai dân tộc Việt Nam - Nhật Bản. Hãy tiếp tục theo dõi chúng tôi đễ có thêm những thông tin bổ ích khác và cơ hội việc làm cực hấp dẫn tại Công ty AGS nữa nhé.

Thông tin khác

Thông tin tuyển dụng và hướng dẫn

Tổng hợp 












Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ