Hát sắc bùa Phú Lễ

2024/12/18

ViệtNam-Disản

Công ty TNHH Kế toán - Kiểm toán AGS nằm trong hàng đầu những đơn vị chuyên cung cấp các dịch vụ Kế toán, Kiểm toán, và tư vấn thuế tài chính. Cùng với chất lượng dịch vụ tốt và uy tín, Công ty đã có nhiều kinh nghiệm trong ngành nghề, để phục vụ công việc thì các kiến thức liên quan đến ngành nghề là điều vô cùng cần thiết cho mỗi cá nhân trong tập thể. Hôm nay Công ty AGS sẽ giới thiệu đến các bạn văn hóa Hát sắc bùa Phú Lễ, một trong những di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam được lưu truyền và bảo tồn qua nhiều thế hệ dân tộc, nay chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu những giá trị cốt lõi và vẻ đẹp của di sản văn hóa của Việt Nam.

Hát sắc bùa Phú Lễ là loại hình diễn xướng dân gian độc đáo đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đây là hình thức hát dân ca cổ nhất tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, có nguồn gốc từ vùng Nam Trung Bộ.
Đến Bến Tre tìm hiểu về nghệ thuật hát sắc bùa, bà con lập tức chỉ dẫn về xã Phú Lễ (huyện Ba Tri) - cái nôi về hát sắc bùa Nam Bộ. Và khi đặt chân tới xã Phú Lễ vào những ngày Xuân, du khách được thưởng thức điệu hát sắc bùa độc đáo.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam, hát sắc bùa Phú Lễ ra đời khoảng giữa cuối thế kỷ 18. Hát sắc bùa Phú Lễ được ghi nhận là do ông Trần Văn Hậu (quê Bình Định) dạy cho dân Phú Lễ hát. Lúc đầu chỉ có đội hát sắc bùa xã Phú Lễ, sau đó các đội viên làm nòng cốt phát triển sang các xã lân cận như Phước Tuy, Phú Ngãi, Bảo Thạnh, An Bình Tây (Ba Tri) và Tân Thanh (huyện Giồng Trôm).
Hát sắc bùa Phú Lễ là một sinh hoạt văn nghệ dân gian có tính chất lễ nghi nông nghiệp pha tạp với pháp thuật đạo giáo, mang yếu tố tâm linh, cầu cho năm mới, mùa màng cây cối tốt tươi, tống quỷ, trừ ma, cầu cho trăm nghề tấn phát, bình an gia đạo. Nghệ thuật hát sắc bùa Phú Lễ được kết hợp nhiều nghệ thuật dân gian, gồm hát múa và diễn xướng sân khấu sơ khai, hình thức cử hành nghi lễ phù hợp với trình độ tư duy và cảm thụ nghệ thuật của cư dân nông nghiệp.
Một đội hát sắc bùa có ít nhất 4 người, có khi lên đến 8 hoặc 12 người, dưới sự điều khiển của một ông bầu. Thành viên của đội hát sắc bùa vừa là diễn viên, vừa là nhạc công. Nhạc cụ của một đội hát sắc bùa gồm: một đàn cò, một trống cơm và sanh tiền, sanh cái được chia đều cho số nghệ nhân còn lại. Lời hát sắc bùa Phú Lễ là những bài thơ dài thuộc thể thơ lục bát, thơ năm chữ hoặc bốn chữ, xuất xứ từ thơ ca trữ tình của nền văn học dân gian, có cùng một làn điệu và bố cục gần như tương tự.
Các bài hát sắc bùa có nhạc điệu giống nhau, dễ hát, dễ nhớ và gần gũi với đời sống dân dã, thường được sáng tác sẵn và học thuộc. Tuy nhiên, tùy vào hoàn cảnh, các ông bầu còn sưu tầm cả những sáng tác mới để cải biên thành lối hát sắc bùa. Theo ghi chép, thời kháng chiến chống Mỹ hát sắc bùa vẫn tồn tại, bên cạnh các bài hát truyền thống còn có các bài mang lời ca mới với ý nghĩa động viên quân dân chiến đấu và sản xuất. Ngoài hát, trong nghi lễ sắc bùa còn có phần múa, chủ yếu là nghệ nhân chơi sanh tiền đảm nhận nhưng hình thức này nay đã mai một nhiều, nhiều nơi chỉ đánh sanh tiền chứ không múa. Một thay đổi khác là các nghi thức có tính phù chú, trừ ma đuổi tà (thể hiện ngay trong tên gọi) cũng ít đi, cơ bản giản lược so với trước.


Hàng năm, cứ độ khoảng 27, 28 tháng Chạp, các thành viên của đội hát tụ tập lại để tập dợt lại cho thuần thục. Đến đêm 30 Tết thì bắt đầu lên đường đi lưu diễn. Cách thức lưu diễn của đội hát thường là hát trong đêm. Ban ngày cả nhóm tìm nơi tá túc để nghỉ ngơi cũng như tập dượt lại. Mỗi đợt đi diễn như vậy thường kéo dài từ 7 ngày hoặc đến hết tháng Giêng mới trở về nhà.
Ngoài đáp ứng nhu cầu vui xuân đón Tết, hát sắc bùa còn đáp ứng yêu cầu của nhiều gia đình trong những ngày đầu xuân năm mới là cầu bình an gia đạo, trừ đuổi tà ma và chúc xuân, chúc phúc, chúc nghề cho gia chủ, cho khách du xuân.


Theo nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Ngọc Trảng, diễn xướng sắc bùa Phú Lễ là cách chúc Tết độc đáo của người dân Bến Tre nói riêng, thể hiện khát vọng hạnh phúc, bình yên của con người trước thềm năm mới. Qua khảo sát điền dã còn cho thấy, không chỉ diễn ra vào dịp Tết cổ truyền, giờ đây Đội hát sắc bùa Phú Lễ còn thực hiện hát giúp vui trong những ngày diễn ra lễ hội đình làng theo yêu cầu của ban khánh tiết và chính quyền địa phương. Đây cũng là nét văn hóa cổ truyền đặc sắc mà tỉnh Bến Tre đã xác định cần lưu giữ và bảo tồn.
Ngày 23/1/2017, hát sắc bùa Phú Lễ chính thức được công nhận là di sản phi vật thể cấp quốc gia. Ngày 13/4/2017, tại đình Phú Lễ, xã Phú Lễ, huyện Ba Tri (Bến Tre), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre đã tổ chức lễ công bố Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia hát sắc bùa Phú Lễ. Nghệ thuật hát sắc bùa Phú Lễ được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia không chỉ là niềm tự hào của riêng người dân Phú Lễ mà còn là niềm vui của những người trực tiếp hát sắc bùa, của tập thể, cộng đồng tâm huyết với công tác bảo tồn di sản văn hóa dân tộc.
Có thể nói, từ ngày được công nhận là di sản quốc gia đến nay, phong trào hát sắc bùa ở Bến Tre đã có những chuyển biến tích cực. Hiện đã có nhiều đội hát được thành lập mới, qua đó góp phần giữ gìn, làm phong phú thêm văn hóa truyền thống đặc sắc tỉnh Bến Tre.

Công ty AGS cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết của chúng tôi. Hi vọng bài viết có thể cung cấp cho bạn sẽ có những thông tin bổ ích trong cuộc sống và công việc, và mở ra cho các bạn thêm những góc nhìn mới hơn về các vấn đề trong ngành nghề cũng như là các giá trị văn hóa của hai dân tộc Việt Nam - Nhật Bản. Hãy tiếp tục theo dõi chúng tôi đễ có thêm những thông tin bổ ích khác và cơ hội việc làm cực hấp dẫn tại Công ty AGS nữa nhé.

Thông tin khác

Thông tin tuyển dụng và hướng dẫn

Tổng hợp

Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ