Nghi lễ Não Lũng (Cúng rừng) của người Mông

2024/12/30

ViệtNam-Disản

Công ty TNHH Kế toán - Kiểm toán AGS nằm trong hàng đầu những đơn vị chuyên cung cấp các dịch vụ Kế toán, Kiểm toán, và tư vấn thuế tài chính. Cùng với chất lượng dịch vụ tốt và uy tín, Công ty đã có nhiều kinh nghiệm trong ngành nghề, để phục vụ công việc thì các kiến thức liên quan đến ngành nghề là điều vô cùng cần thiết cho mỗi cá nhân trong tập thể. Hôm nay Công ty AGS sẽ giới thiệu đến các bạn một di sản văn hóa phi vật thể đó chính là nghi lễ Não Lũng (Cúng rừng) của người Mông, một trong những di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam được lưu truyền và bảo tồn qua nhiều thế hệ dân tộc, nay chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu những giá trị cốt lõi và vẻ đẹp của di sản văn hóa của Việt Nam.


Nghi lễ cúng rừng được mọi người biết đến như là dịp bà con thôn bản cầu nguyện, mong muốn về cuộc sống ấm no, đồng thời quy ước bảo vệ những cánh rừng nguyên sinh. Theo các già làng, nghi lễ này có nguồn gốc từ hàng trăm năm trước, Lễ cúng rừng còn có ý nghĩa đoàn kết trong cộng đồng các thôn bản người Mông ở khu vực biên giới, nhằm giữ gìn bình yên cho bản làng, tương trợ lẫn nhau trước thế lực của kẻ thù ngoại bang.


Rừng thiêng tiếng Mông gọi là “Lùng sán”. Theo các già làng và Người có uy tín trong cộng đồng, nghi lễ cúng rừng trên địa bàn bắt đầu được tổ chức từ thời vua Tự Đức (1848-1883). Khi đó, Nhân dân cùng 2 vị tộc trưởng là Giàng Chẩn Mìn và Giàng Chẩn Hùng đã chọn khu rừng thôn Lùng Sán (xã Lùng Thẩn) làm lễ ăn thề, nguyện chung sức cùng Nhân dân các dân tộc đứng lên khởi nghĩa chống lại quân giặc Cờ Vàng do Hoàng Sùng Anh (đóng đại bản doanh bên đất Hà Giang) cầm đầu đi cướp bóc dân làng. Không chịu khuất phục trước nạn thổ phỉ nhũng nhiễu, dưới sự chỉ huy của 2 tộc trưởng, đồng bào các dân tộc Si Ma Cai cùng Nhân dân ở các xã trong huyện đoàn kết chống lại giặc Cờ Vàng, nhanh chóng giành thắng lợi, đem lại sự bình yên cho Nhân dân.


Ông Cư Seo Sùng, Người có uy tín của Si Ma Cai cho biết, để tưởng nhớ công lao của hai vị tộc trưởng, Nhân dân các dân tộc Si Ma Cai đã chọn ngày Thìn tháng 2 và tháng 6 âm lịch hằng năm làm lễ dâng hương, cảm tạ công đức; đồng thời “cầu cho những cánh rừng sinh sôi, phát triển, nuôi sống con người, mùa màng bội thu, nhà nhà no ấm, hòa thuận, bình an, hạnh phúc”.
Theo ông Vù Seo Phần (xã Si Ma Cai), do đặc thù ở vị trí giáp biên, dân cư thưa thớt nên tình trạng giặc phỉ quấy nhiễu, cướp của cải của bà con diễn ra thường xuyên. Vì vậy, việc tổ chức nghi lễ ăn thề bảo vệ rừng là dịp để đại diện các thôn bản trên địa bàn các xã (nơi tổ chức nghi lễ cúng rừng của huyện Si Ma Cai và các xã lân cận) cùng giao ước với nhau thông qua việc đồng lòng tương trợ khi giặc giã đến, ôn lại lịch sử đoàn kết chống giặc giã, giữ yên bờ cõi. Do vậy, nghi lễ cúng rừng gắn với tục ăn thề bảo vệ rừng của người Mông Si Ma Cai còn có ý nghĩa quan trọng, đó là tinh thần đoàn kết, cùng nhau đấu tranh chống các nạn giặc giã, thổ phỉ nơi biên viễn.
Đối với đồng bào Mông, rừng thiêng có nghĩa rất quan trọng trong cộng đồng làng bản. Rừng thiêng trong làng thường được giao cho một hoặc hai người quản lý phụ trách giải quyết mọi hoạt động liên quan đến cộng đồng và nghi lễ tâm linh trong một năm. Ngay từ xa xưa, đồng bào Mông nơi đây đã linh thiêng hóa khu rừng với ý thức tự nguyện bảo vệ các vị thần phụ trợ cho thôn bản. Ông Trần Hoài Long, Phó Trưởng phòng Văn hóa huyện Si Ma Cai cho biết, nghi lễ cúng rừng ở thôn Phố Cũ (xã Si Ma Cai) và thôn Lùng Sán (xã Lùng Thẩn) là những nơi tổ chức nghi lễ to nhất vùng, bài bản nhất.
Khu rừng cúng của xã Lùng Thẩn là rừng già nguyên sinh, trong rừng có nhiều cây cổ thụ, có cây to đến 6-8 người ôm không xuể. Khu rừng cúng ở xã Si Ma Cai nằm ngay tại đầu thôn Phố Cũ là nơi bảo vệ toàn bộ Nhân dân vùng Si Ma Cai bình an, làm ăn phát triển. Trong khu rừng có nhiều cây quý hiếm, nhưng có một cây cổ thụ to nhất được coi là cây thiêng, không ai dám chặt phá, đó là cây đa cổ thụ. Dưới gốc cây thiêng là nơi để tổ chức các nghi lễ cầu cúng, mọi người đều tự nguyện bảo vệ không một ai dám vi phạm các điều quy định tại rừng hay làm những việc không được phép diễn ra trong khu rừng.
Nghi lễ cúng rừng của người Mông ở Si Ma Cai diễn ra gồm hai phần chính là phần lễ và phần hội. Người Mông quy định, lễ vật dâng cúng các vị thần trong nghi lễ cúng rừng phải thực hiện vào giờ Thìn. Buổi sáng, thầy cúng dẫn đầu đoàn người đi lên rừng cấm. Đi đầu là thầy cúng chính, sau đó là Người có uy tín trong thôn bản, trưởng thôn, người được bầu chủ rừng, tiếp theo đến thầy cúng phụ (nếu có), đi sau là các thành viên đại diện cho các gia đình trong thôn bản. Đến nơi, mọi người tập trung dưới gốc cây cổ thụ, thầy cúng thực hiện nghi lễ cúng lần thứ nhất dâng đồ sống, nghi lễ lần thứ hai cúng đồ chín.
Trong không gian thiêng, thời gian thiêng, địa điểm thiêng, nghi lễ ăn thề bảo vệ rừng của người Mông ở Si Ma Cai diễn ra từ sáng sớm đến xế chiều. Thời gian, cách thức tổ chức cúng theo một tiến trình đan xen giữa các nghi lễ và hội, sau nghi thức cúng sống thì mọi người lại nghỉ ngơi tại rừng cùng hưởng thụ rượu lộc, trò chuyện, tâm tình. Sau đó tiến hành nghi lễ cúng chín xong, mọi người tiếp tục ăn uống ngay tại rừng. Dưới tiết trời se lạnh của mùa xuân, cộng thêm không khí tĩnh lặng của núi rừng thiêng, con người và thiên nhiên như hòa vào một, gắn bó với nhau khó tách rời.
Trong ngày hội, các lễ vật sau khi dâng cúng sẽ được chia đều cho từng người. Ai cũng được ăn một miếng thịt nhỏ, uống chén rượu lộc... Mọi người cùng quây quần nghe các già làng, trưởng bản hoặc thầy cúng phổ biến các quy ước, hương ước bảo vệ rừng thiêng, rừng đầu nguồn... bảo đảm không ai trong thôn bản vi phạm quy ước đặt ra.


Nghi lễ cúng rừng của người Mông ở Si Ma Cai tồn tại qua nhiều thế kỷ từ thời phong kiến đến nay, liên tục bồi đắp thêm những nét phong tục đặc sắc, phù hợp, làm dày thêm giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Thông qua nghi lễ, giữa con người và thiên nhiên có lời cam kết sống hòa hợp, hòa thuận với tự nhiên, thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, các nghi thức ăn thề, quy ước cùng cam kết trong cộng đồng các thôn bản trên địa bàn khi nghe tiếng súng báo hiệu giặc giã đến phải đồng lòng, dốc sức cùng nhau chống lại kẻ thù, bảo vệ bình yên cho thôn bản vẫn được duy trì cho đến ngày nay.
Mang đậm ý nghĩa tâm linh và nhân văn, ngày 15/3 vừa qua, Lễ cúng rừng của người Mông ở Si Ma Cai đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Sự ghi nhận này càng khắc sâu lòng tự hào của mỗi người dân Si Ma Cai về nghi lễ độc đáo của mình trong sự đa dạng và thống nhất, góp phần vào việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Lào Cai.

Công ty AGS cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết của chúng tôi. Hi vọng bài viết có thể cung cấp cho bạn sẽ có những thông tin bổ ích trong cuộc sống và công việc, và mở ra cho các bạn thêm những góc nhìn mới hơn về các vấn đề trong ngành nghề cũng như là các giá trị văn hóa của hai dân tộc Việt Nam - Nhật Bản. Hãy tiếp tục theo dõi chúng tôi đễ có thêm những thông tin bổ ích khác và cơ hội việc làm cực hấp dẫn tại Công ty AGS nữa nhé.

Thông tin khác

Thông tin tuyển dụng và hướng dẫn

Tổng hợp


Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ