Công ty Kế toán AGS Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực tư vấn và cung cấp dịch
vụ Kế toán, Kiểm toán, Thuế, Tư vấn quản lý, chuyển đổi và tái cơ cấu doanh
nghiệp.
Trong bài viết này công ty AGS sẽ chia sẻ về chủ đề Tiền lương có phải là chi
phí được trừ khi tính Thuế Thu nhập Doanh nghiệp không? Bài viết dành cho các
kế toán viên đang phụ trách về phần thuế, người lao động đang muốn tìm hiểu về
cách tính thuế. AGS muốn chia sẻ về chủ đề này bởi vì thuế thu nhập doanh
nghiệp là một loại thuế mà bất kỳ doanh nghiệp nào trong quá làm việc đều
sẽ gặp phải.
Bài viết có các từ viết tắt như sau: thuế thu nhập Doanh nghiệp (thuế TNDN);
người lao động (NLĐ); người sử dụng lao động (NSDLĐ), hợp đồng lao động
(HĐLĐ), Ủy nhiệm chi (UNC), Giấy báo nợ (GBN).
Cùng tìm hiểu kĩ hơn về chủ đề này qua bài viết dưới đây nhé.
1. Chi phí tiền lương được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp
Chi phí tiền lương sẽ được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN nếu
khoản tiền lương, tiền thưởng cho người lao động được ghi cụ thể về điều kiện
được hưởng và mức hưởng ở 1 trong các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động, Quy chế
tài chính, quy chế lương thưởng, quy chế chi tiêu nội...
Hồ sơ chi phí tiền lương gồm:
- Hợp đồng lao động
- Quy chế lương thưởng...
- Bảng chấm công
- Bảng tính lương
- Chứng từ thanh toán tiền lương cho NLĐ
Ngoài ra còn có các hồ sơ chứng từ khác liên quan đến chi phí tiền lương
như:
- Hồ sơ tham gia đóng bảo hiểm bắt buộc cho NLĐ (Liên quan đến phần trích bảo hiểm tính vào chi phi của doanh nghiệp theo tỷ lệ trích nộp của người sử dụng lao động)
- Hồ sơ chứng từ nộp thuế thu nhập cá nhân (nếu doanh nghiệp trả lương Net thì số thuế TNCN doanh nghiệp nộp thay cho NLĐ sẽ được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN)
Căn cứ để hạch toán ghi nhận chi phí tiền lương: Bảng tính lương hoặc
phiếu tính lương
Lưu ý: Nếu người lao động thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm
bắt buộc nhưng không tham gia đóng bảo hiểm theo đúng quy định của Luật
bảo hiểm thì chi phí tiền lương của người lao động này vẫn được tính vào
làm chi phí được trừ khi tính thuế TNDN
Theo điều 4 của Thông tư số 96/2015/TT-BTC thì còn 1 vài khoản liên quan
đến tiền lương tiền công của NLĐ được tính vào chi phí được trừ khi tính
thuế TNDN như sau:
- Trường hợp doanh nghiệp ký hợp đồng lao động với người nước ngoài trong đó có ghi khoản chi về tiền học cho con của người nước ngoài học tại Việt Nam theo bậc học từ mầm non đến trung học phổ thông được doanh nghiệp trả có tính chất tiền lương, tiền công và có đầy đủ hoá đơn, chứng từ theo quy định thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
- Trường hợp doanh nghiệp ký hợp đồng lao động với người lao động trong đó có ghi khoản chi về tiền nhà do doanh nghiệp trả cho người lao động, khoản chi trả này có tính chất tiền lương, tiền công và có đầy đủ hoá đơn, chứng từ theo quy định thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
- Trường hợp doanh nghiệp Việt Nam ký hợp đồng với doanh nghiệp nước ngoài trong đó nêu rõ doanh nghiệp Việt Nam phải chịu các chi phí về chỗ ở cho các chuyên gia nước ngoài trong thời gian công tác ở Việt Nam thì tiền thuê nhà cho các chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam do doanh nghiệp Việt Nam chi trả được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
2. Chi phí tiền lương không được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp
Chi phí tiền lương sẽ bị loại khỏi chi phí được trừ khi tính thuế TNDN trong các trường hợp sau:Theo quy định tại khoản 2.6 điều 4 của Thông tư số 96/2015/TT-BTC thì:
- Các khoản tiền lương, tiền thưởng cho người lao động không được ghi cụ thể Điều kiện được hưởng và mức được hưởng tại một trong các hồ sơ như: Hợp đồng lao động; Thoả ước lao động tập thể; Quy chế tài chính; Quy chế thưởng... sẽ bị loại khỏi chi phí được trừ khi tính thuế TNDN
- Chi phí tiền lương, tiền công và các khoản phải trả khác cho người lao động mà doanh nghiệp đã hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ nhưng thực tế không chi trả hoặc không có chứng từ thanh toán theo quy định của pháp luật thì sẽ bị loại khỏi chi phí được trừ khi tính thuế TNDN
- Chi phí tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp phải trả cho người lao động nhưng hết thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế năm mà thực tế chưa chi trả sẽ bị loại khỏi chi phí được trừ khi tính thuế TNDN, trừ trường hợp doanh nghiệp có trích lập quỹ dự phòng để bổ sung vào quỹ tiền lương của năm sau liền kề. Mức dự phòng hàng năm do doanh nghiệp quyết định nhưng không quá 17% quỹ tiền lương thực hiện.
-
Tiền lương, tiền công của chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ công ty trách
nhiệm hữu hạn một thành viên (do một cá nhân làm chủ); thù lao trả cho
các sáng lập viên, thành viên của hội đồng thành viên, hội đồng quản trị
mà những người này không trực tiếp tham gia điều hành sản xuất, kinh
doanh
3. Mức chi phí tiền lương, thưởng, phụ cấp tối thiểu hay tối đa là bao nhiêu?
Tiền lương bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung
khác
Đối với “Mức Lương”:
- Mức lương phải được ghi cụ thể trong hợp đồng lao động để làm căn cứ tính lương, xác định chi phí khi tính thuế TNDN
- Mức lương theo công việc hoặc chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu
Đối với “Các khoản phụ cấp”:
- Phụ cấp lương là khoản tiền bù đắp các yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ trong mức lương theo công việc hoặc chức danh
- Các khoản phụ cấp, trợ cấp không có quy định khống chế về mức chi như: phụ cấp chức vụ, chức danh, nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; thâm niên, thu hút... hay các khoản phụ cấp gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc như: Tiền ăn trữa/ăn giữa ca, Tiền điện thoại, Xăng xe, Đi lại, Nhà ở, Nuôi con nhỏ, Trách nhiệm, Năng lực, Chuyên cần...
Công ty AGS cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc bài viết này. Hy vọng bạn
đã có được những thông tin bổ ích. Hãy tiếp tục theo dõi chúng tôi để cập
nhật thêm nhiều thông tin cũng như cơ hội việc làm tại AGS nhé.
Thông tin khác
Thông tin tuyển dụng và hướng dẫn
Thông tin tuyển dụng và Hướng dẫn
AGS luôn mở rộng cánh cửa cho những ứng viên muốn thử thách bản thân trong lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán - Ngôn ngữ Nhật - Pháp lý - Nhân sự. Xem chi tiết bài viết để biết thêm về Thông tin tuyển dụng tại AGS bạn nhé!
AGS luôn mở rộng cánh cửa cho những ứng viên muốn thử thách bản thân trong lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán - Ngôn ngữ Nhật - Pháp lý - Nhân sự. Xem chi tiết bài viết để biết thêm về Thông tin tuyển dụng tại AGS bạn nhé!
Nguồn: https://ketoanthienung.net/chi-phi-tien-luong-hop-ly-thi-phai-gom-nhung-giay-to-gi.htm