Lễ hội Bạch Đằng - Nét truyền thống và hiện đại đan xen

2025/01/02

ViệtNam-Disản

Công ty TNHH Kế toán - Kiểm toán AGS nằm trong hàng đầu những đơn vị chuyên cung cấp các dịch vụ Kế toán, Kiểm toán, và tư vấn thuế tài chính. Cùng với chất lượng dịch vụ tốt và uy tín, Công ty đã có nhiều kinh nghiệm trong ngành nghề, để phục vụ công việc thì các kiến thức liên quan đến ngành nghề là điều vô cùng cần thiết cho mỗi cá nhân trong tập thể. Hôm nay Công ty AGS sẽ giới thiệu đến các bạn một di sản văn hóa phi vật thể đó chính là lễ hội Bạch Đằng, một trong những di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam được lưu truyền và bảo tồn qua nhiều thế hệ dân tộc, nay chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu những giá trị cốt lõi và vẻ đẹp của di sản văn hóa của Việt Nam.

Lễ hội Bạch Đằng - Nét truyền thống và hiện đại đan xen

Lễ hội Bạch Đằng là một trong những lễ hội truyền thống của người dân Quảng Ninh. Đây không chỉ là hoạt động văn hóa được tổ chức hàng năm của Di tích quốc gia đặc biệt Bạch Đằng (thuộc thị xã Quảng Yên) mà lễ hội còn là không gian lịch sử hào hùng của người dân xứ mỏ, là cơ hội để quảng bá du lịch văn hóa – du lịch tâm linh của địa phương đến du khách.

1. Sơ lược đôi nét về lễ hội Bạch Đằng

1.1 Nguồn gốc của lễ hội Bạch Đằng

Lễ hội Bạch Đằng hay còn được người dân địa phương gọi với cái tên là lễ hội Giỗ Trận, là một hoạt động văn hóa truyền thống hằng năm được tổ chức để tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn của người dân Quảng Yên nói riêng và cả dân tộc Việt Nam nói chung với những anh hùng dân tộc. Tại con sông Bạch Đằng lịch sử đã ghi nhận ba trận chiến hào hùng của nhân dân ta, chiến thắng trước quân xâm lược phương Bắc. Nơi đây là dấu son chói lói trong hơn 4000 năm lịch sử dân tộc, là nơi ghi dấu ấn của những người anh hùng đã ngã xuống để giữ yên bờ cõi nước Nam. Vì vậy dù đã trải qua hàng chục thế kỷ, người dân Quảng Yên hàng năm vẫn tổ chức lễ hội thay cho sự biết ơn gửi đến các thế hệ cha ông.

1.2 Thời gian và địa điểm diễn ra lễ hội Bạch Đằng

Lễ hội Bạch Đằng được tổ chức định kỳ vào ngày mùng 6 đến ngày mùng 9 tháng 3 Âm lịch hàng năm, cũng có năm lễ hội kéo dài hơn, tới bốn ngày đêm. Không gian lễ hội được tổ chức tại quần thể khu di tích lịch sử - nơi ghi dấu ấn chiến thắng Bạch Đằng. Các địa điểm chính diễn ra các hoạt động lễ hội bao gồm đền Trần Hưng Đạo, miếu Vua Bà, đình Trung Bản, đình Điền Công, đền Trung Cốc và trung tâm lễ hội tại đình Yên Giang.

1.3 Ý nghĩa lễ hội Bạch Đằng

Mọi hoạt động của lễ hội Bạch Đằng đều gắn liền với Bạch Đằng giang - con sông huyền thoại đã ghi nhận những chiến thắng vang đội của dân tộc ta. Theo các thư tịch cổ để lại, sông Bạch Đằng có vị trí cửa ngõ của miền Bắc, được bao quanh bởi hệ thống núi non hiểm trở và rất nhiều hang động cùng rừng rậm, vì vậy địa thế đặc biệt này vô cùng thuận lợi cho để quân ta bố trí phòng thủ. Đó cũng là lý do sông Bạch Đằng đã đi vào lịch sử với 3 chiến thắng vĩ đại trong chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta:


Năm 938, Ngô Quyền - vị vua đầu tiên của nhà Ngô đã chỉ huy quân dân ta dẹp tan quân xâm lược Nam Hán để kết thúc hơn 1000 năm bị Bắc thuộc đô hộ, khẳng định quyền độc lập của dân tộc. Lần thứ hai là vào năm 981, dưới sự chỉ huy của Tướng quân Lê Hoàn, một lần nữa quân và dân ta đã đánh bại hoàn toàn quân xâm lược nhà Tống để bảo vệ vững chắc bờ cõi nước ta.


Lần thứ ba, vào năm 1288, Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn đã với tài chiến lược của mình, đã cùng với hai vua nhà Trần và quân dân ta tiêu diệt, bắt sống toàn bộ thủy binh hùng mạnh của quân xâm lược Nguyên Mông. Ô Mã Nhi cầm đầu quân Nguyên Mông đã bành trướng lãnh thổ khắp các quốc gia châu Á lúc bấy giờ nhưng lại phải vội vã rút lui sau đại bại trên sông Bạch Đằng, còn bị quân dân ta đón đầu bắt sống. Khi nói đến lịch sử nước nhà, chúng ta có vô số niềm tự hào, trong đó những chiến thắng trên sông Bạch Đằng luôn còn mãi, khiến những thế hệ con cháu rồng tiên được tự hào vì một nước nhỏ như Việt Nam, nhưng với tinh thần đoàn kết dân tộc đã luôn chiến thắng và đánh lui những cuộc xâm lược của các đế quốc hùng mạnh nhất thời bấy giờ, giữ vững chủ quyền dân tộc.


Với người dân tại đây, những chiến thắng trên sông Bạch Đằng ấy không chỉ là công lao của những vị tướng tài mà còn là của tất cả quân dân ta, đã sẵn sàng hi sinh cho chiến thắng vẻ vang và độc lập tự do của dân tộc. Chính điều này đã làm nên sự nhân văn và giá trị độc đáo cho lễ hội truyền thống này.

2. Những hoạt động của lễ hội Bạch Đằng

Lễ giỗ Mẫu - cầu siêu cho các vong linh quân sĩ đã tử trận trong các cuộc chiến được diễn ra tại miếu Vua Bà (chỉ bà hàng nước đã có công giúp quân ta đánh giặc). Cùng với đó là hoạt động được nhiều người thích thú và mong chờ là lễ rước tượng giữa từ đền Trần Hưng Đạo đến đình Yên Giang và ngược lại. Vào ngày mùng 7 Âm lịch, tượng Đức thánh Trần sẽ được đặt lên ngai cùng sắc phong với tượng Đệ nhất, Đệ nhị Vương cô (là hai người con gái của ông) để rước từ đền về đình tổ chức tế lễ, với mong cầu của người dân nhận được sự che chở, bảo hộ của thành hoàng làng, có được sức khỏe, may mắn. Đến ngày mùng 8 thì tượng sẽ được rước trở lại về đền để thờ phụng.


Điều khá thú vị là người dân Quảng Yên có tục lệ lâu đời là để trẻ em chui qua kiệu rước thành hoàng, với ước muốn được phù hộ mạnh khỏe, học hành giỏi giang và đỗ đạt cao. Đoàn rước đi đến đâu thì người dân sẽ tụ tập và nhập hội đến đó, nhà nhà đều ra để thắp hương, thành kính vái vọng Đức ông.


Ngoài các hoạt động cúng bái, lễ hội Bạch Đằng còn tập trung tái hiện những trận chiến lịch sử thông qua các trò diễn dân gian, đây là cơ hội để du khách cùng tham gia và đắm mình trong không khí lễ hội tưng bừng. Các trò chơi được yêu thích như bơi thuyền chải, vật truyền thống, kéo co, cờ người, đánh đu, chọi gà... Giữa dòng sông Bạch Đằng êm ả, những người dân tay thoăn thoắt mái chèo, tiếng hò reo vang vọng cả một góc trời như không khí sử thi hào hùng của những chiến thắng năm xưa.

3. Lễ hội Bạch Đằng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Năm 2012, thị xã Quảng Yên đã tiến hành lập hồ sơ và được Thủ tướng Chính phê duyệt Quyết định số 1419 xếp hạng quần thể Khu di tích Chiến thắng Bạch Đằng là Di tích quốc gia đặc biệt. Đến ngày 18/2/2013, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ký quyết định số 322 để Quy hoạch tổng thể Bảo tồn và phát huy giá trị của Khu di tích lịch sử Chiến thắng Bạch Đằng. Năm 2021, để hướng tới gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống lâu đời, bảo tồn lễ hội và tập tục thể hiện tinh thần đoàn kết, uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã ký quyết định đưa lễ hội Bạch Đằng vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây chính là sự khẳng định cho vị trí, vai trò và ý nghĩa của lễ hội này, thúc đẩy địa phương có những bước bảo tồn và phát triển hơn nữa ý nghĩa lịch sử cũng như tạo nên điểm nhấn trong du lịch Hạ Long.


Lễ hội Bạch Đằng được tổ chức hàng năm chính là để tri ân những cống hiến và hy sinh của các thế hệ đi trước, đồng thời khẳng định tinh thần đoàn kết và lòng yêu nước của dân tộc ta. Chính điều này đã góp phần không nhỏ để giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống và trách nhiệm với dân tộc, để xứng đáng với lịch sử hào hùng mà cha ông đã dệt nên. Vì thế nếu có dịp đến với Quảng Ninh vào tháng 3 Âm lịch, bạn đừng bỏ lỡ cơ hội trải nghiệm lễ hội đặc sắc này cùng những lễ hội nổi tiếng khác như lễ hội Tiên Công, lễ hội chùa Long Tiên... nhé.

Công ty AGS cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết của chúng tôi. Hi vọng bài viết có thể cung cấp cho bạn sẽ có những thông tin bổ ích trong cuộc sống và công việc, và mở ra cho các bạn thêm những góc nhìn mới hơn về các vấn đề trong ngành nghề cũng như là các giá trị văn hóa của hai dân tộc Việt Nam - Nhật Bản. Hãy tiếp tục theo dõi chúng tôi đễ có thêm những thông tin bổ ích khác và cơ hội việc làm cực hấp dẫn tại Công ty AGS nữa nhé.

Thông tin khác

Thông tin tuyển dụng và hướng dẫn

Tổng hợp

Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ