Lễ hội bơi trải đền, chùa Ngọ Dương

2025/01/02

ViệtNam-Disản

Công ty TNHH Kế toán - Kiểm toán AGS nằm trong hàng đầu những đơn vị chuyên cung cấp các dịch vụ Kế toán, Kiểm toán, và tư vấn thuế tài chính. Cùng với chất lượng dịch vụ tốt và uy tín, Công ty đã có nhiều kinh nghiệm trong ngành nghề, để phục vụ công việc thì các kiến thức liên quan đến ngành nghề là điều vô cùng cần thiết cho mỗi cá nhân trong tập thể. Hôm nay Công ty AGS sẽ giới thiệu đến các bạn một di sản văn hóa phi vật thể đó chính là lễ hội bơi trải đền, chùa Ngọ Dương, một trong những di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam được lưu truyền và bảo tồn qua nhiều thế hệ dân tộc, nay chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu những giá trị cốt lõi và vẻ đẹp của di sản văn hóa của Việt Nam.


Lễ hội bơi trải đền, chùa Ngọ Dương

Lễ hội Bơi trải đền, chùa Ngọ Dương (xã An Hoà, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng), được tổ chức gắn liền với sự tích thờ vị Thành hoàng làng Ngọ Dương là Hoàng Độ cư sĩ (quê ở xã Nại Thượng, nay thuộc huyện Kim Thành, Hải Dương). Để tưởng nhớ ngày mất (25 tháng Chạp) của vị Hoàng Độ cư sĩ và báo đáp công ơn công lao to lớn của Ông với đất nước, nhân dân, nên người dân Ngọ Dương tổ chức, trình diễn lễ hội Bơi trải hàng năm để báo đáp công ơn to lớn của ngài. Theo các tư liệu lịch sử, hương ước, thần tích - thần sắc làng Ngọ Dương (năm 1934), cũng như truyền thuyết dân gian địa phương, lễ hội được cộng đồng địa phương tổ chức, thực hành từ lâu đời; đến thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVIII) đứng trước nguy cơ bị loại bỏ nhưng được cộng đồng gìn giữ và duy trì đến trước năm 1947. Năm 1954, lễ hội Bơi trải Ngọ Dương được tổ chức lại và duy trì đến nay tại đền, chùa Ngọ Dương và sông Cổ Bồng trước cửa đền. Theo truyền thuyết dân gian tại địa phương, Thành hoàng Hoàng độ cư sĩ và 6 người anh em đang qua sông làng Ngọ Dương thì trời nổi trận phong ba, các ngài đều hóa tại đây và hiển linh báo mộng cho dân làng. Thi thể các ngài được dân làng an táng chu đáo và lập miếu thờ. Để giữ lễ phép, gia phong, làng Ngọ Dương đã cử 2 bô lão chỉnh tề nghi lễ, cờ lọng, lễ vật lên thuyền qua sông làm lễ bái yết trước lô hương, rước về miếu thờ an vị. Khi hai chiếc thuyền cùng đua bơi hành lễ thì bỗng dưng lô hương bốc cháy, báo hiệu Ngài đã linh ứng. Cũng từ đó, nghi lễ hàng năm, đều tổ chức thi bơi thuyền (đấu trạo) và hành lễ dâng hương duy nhất chỉ có trai nghi (đồ chay). Hương ước làng Ngọ Dương cũng nhấn mạnh về việc dùng lễ chay trong các sự lệ tế Thánh. Lễ hội được cộng đồng tổ chức vào ngày 24, 25 tháng Chạp và các ngày 2, 3, 5 tháng Giêng, trong đó ngày 24 làm lễ tế cáo yết (nhập tịch); ngày 25 hạ thủy các trải, làm lễ rước nước; ngày 2, 3, 5 thi đấu tranh giải bơi trải và kết thúc lễ hội vào mùng 5 (tống tịch). Sau khi làm lễ nhập tịch (ngày 25), các dòng họ, các đoàn rước lễ ra đền với các lễ vật do cộng đồng tự làm như: bánh dày, bánh đường, bánh xu xê, bánh khảo, bánh gai, bánh gấc, xôi trắng, trầu cau, các loại hoa quả và hương hoa. Mỗi thứ bánh dâng cúng Thành hoàng, phải làm đủ 1 vành (mâm vuông), cứ 2 cái (một cặp) xếp chạy vòng quanh mâm cho đến vành thứ 10, xen kẽ giữa các vành được lót tấm ván gỗ mỏng. Mỗi mâm bánh của một dòng họ khoảng 100 cái, mỗi suất đinh 1 cặp bánh. Bánh tròn đặt trên mâm vuông thể hiện triết lý âm dương của người Việt cổ - “âm dương tương hỗ, vạn vật sinh sôi”, qua đó gửi gắm mong ước, khát vọng cầu sinh sôi và phát triển của người dân địa phương. Sau đó, cộng đồng thực hành nghi lễ, nghi thức rước nước tế Thần. Đội tế nam quan cùng thủy thủ các đội trải là các nam giới tuổi dưới 18. Trước đây, khi làng Ngọ Dương còn phân chia theo 7 giáp thì thực hiện diễn trình rước nước do 7 giáp tiến hành. Nhưng hiện nay, chỉ còn 5 thôn (đại diện cho 5 đội bơi trải) cùng đội tế nam quan tiến hành. Tham gia đội rước nước, các thành viên trên trải đều phải ăn mặc chỉnh tề, trang phục theo lối cổ truyền, màu sắc theo ngũ hành. Trên mỗi thuyền đều có lọng che màu vàng. Lễ vật rước nước gồm có lá trầu, quả cau, đinh tiền, giấy vàng và hương.


Nghi thức rước nước được tiến hành từ đền Ngọ Dương qua nghi môn, ra bến sông Cổ Bồng trước cửa đền, rồi xuống trải, bơi trải ra chỗ nước trong giữa sông lấy nước vào bát được đặt trên mâm bồng phủ tấm vải vuông màu đỏ. Khi ra đến đoạn giữa sông, chủ tế cùng tế đám của 5 trải làm lễ thỉnh cầu thần linh, đồng thời tiến hành lấy nước. Sau đó, rước nước về đền làm lễ tế ngoại tán trước cửa đền Ngọ Dương và thờ trong đền suốt dịp lễ hội. Sau lễ hội, nước được ban lộc cho dân làng và khách thập phương để cầu may mắn, xua tan bệnh tật, cuộc sống no đủ. Khác với rước nước trong lễ hội truyền thống ở các địa phương trong vùng và cả nước, rước nước ở Ngọ Dương không mang ý nghĩa cầu nước, chỉ để tưởng nhớ ngày mất/hoá của vị Thành hoàng làng Hoàng Độ cư sỹ đại vương cùng 6 người anh em của ngài. Sau lễ rước nước, đại diện của 5 đội trải bắt thăm chọn vị trí đường đua. Trên từng lá thăm có ghi sẵn vị trí xuất phát. Theo quy định của làng, người tham gia bơi trải phải trong sạch, trong năm đó không có tang trở, trong những ngày thi đấu phải ở tập trung, tuyệt đối không được dùng rượu và đồ mặn (chỉ được ăn đồ chay). Tiếp theo đó là nghi thức khai hội và dâng hương, tế thần của đội tế nam quan và đội tế nữ quan. Ngày mùng 2 tháng Giêng (theo lệ cổ là ngày mùng 1 nhưng sau này cộng đồng đã xin phép Thành hoàng chuyển cuộc thi bơi trải sang ngày mồng 2 Tết). Buổi sáng, dân làng và khách thập phương ra đền lễ Thánh. Buổi chiều, từ 13 giờ 30 phút đến 15 giờ, 5 đội bơi trải (tương ứng với 5 thôn của làng, gồm thôn 1, 2, 3, 4 và thôn 5) tham gia thi đấu tranh giải trên sông.
Tham gia bơi trải là những nam giới từ 18 đến 45 tuổi, có sức khỏe, hiểu biết về bơi trải. Trang phục của các thành viên mỗi trải theo 5 màu ngũ hành: đỏ, vàng, xanh nõn chuối, xanh lam và màu hồng; lưng và đầu thắt dải lụa đỏ. Mỗi trải có 16 người, gồm: 1 lái, 1 dậm cốc và 14 tuyển thủ (trước đây, có những năm mỗi trải có thể lên đến 17 người gồm: 1 lái, 1 dậm cốc, 1 tát nước và 14 tuyển thủ). Xưa, các trải tham gia thi đấu, tranh giải được đóng bằng gỗ dẻ (nhẹ, không thấm nước). Nay, các trải được làm bằng chất liệu composite (nhẹ và bền). Trải có đầu và đuôi hình rồng, thân vẽ vẩy. Các trải đều được sơn vẽ mầu vàng. Trước khi các đội tham gia bơi trải đều phải vào đền lễ Thành hoàng làng. Sau đó ra bến tập kết các trải, mỗi đội lên trải của đội mình. Khi có hiệu lệnh 3 hồi trống, phất cờ, các trải dàn hàng ngang và bắt đầu cuộc bơi trải.
Bơi trải Ngọ Dương được trình diễn trên sông Cổ Bồng trước cửa đền Ngọ Dương, đoạn sông dài 1000m, chia làm 3 vòng (2 vòng đơn và 1 vòng kép). Con sông bắt nguồn từ sông Lạch Tray chảy qua cửa đền, chùa Ngọ Dương và tiếp tục chảy qua địa phận huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Trên đoạn sông Cổ Bổng được cắm các cột mốc, bao gồm: 1 cột mốc cắm giữa sông và ở giữa quãng đường bơi, vị trí nhìn về trước cửa đền, trên cột có buộc cờ thần, tại cột mốc này, các trải về đích phải bơi 1 vòng kép (bơi trải quanh cột 2 vòng); 12 cột mốc khác được cắm ở hai điểm đầu đường bơi và cọc được buộc cờ chuối ngũ sắc, tạo thành các đường đua của 5 trải theo màu sắc quần áo thuỷ thủ các trải và theo thứ tự đã bắt thăm. Bên cạnh đó còn có hai cọc nhỏ buộc cờ chuối màu đỏ, ở vị trí phía ngoài các cờ chuối làm mốc quay đầu đánh lái cho các trải tham gia thi đấu. Tại vị trí các cột mốc này, khi bơi hết một lượt, các trải phải bơi quanh cột 1 vòng. Các đội trải thi đấu trong khoảng 1 tiếng rưỡi, đội thắng cuộc là đội về đích sớm nhất và không vi phạm các quy định đã nêu ra trong suốt quá trình diễn ra lễ hội.
Lễ hội Bơi trải Ngọ Dương khác với các lễ hội bơi trải trong vùng và địa phương khác ở quá trình thực hành bơi ở hình thức và kỹ thuật chơi. Lễ hội Bơi trải Ngọ Dương kết hợp cả về tốc độ và kỹ thuật bơi cao bởi nó đòi hỏi phải bơi các “vòng đơn và vòng kép”. Nếu không có kỹ thuật bơi tốt, các trải rất dễ bị lật thuyền và bơi vòng rộng hoặc các trải có thể va chạm nhau trong quá trình bơi. Chiều mùng 3 và mùng 5, 5 đội trải lại tiếp tục đua tranh giải với thể lệ và cách thức bơi như ngày mùng 2, trong đó mùng 5 các đội trải thi chung kết. Điểm thi đấu sẽ được cộng tổng điểm (trung bình cộng) của các ngày thi đấu lại với nhau. Trải đoạt giải Nhất phải được 100 điểm, giải Nhì 80 điểm, giải Ba 60 điểm, giải Tư 40 điểm. Các trải thi đấu không đúng quy chế sẽ không có điểm. Trước năm 1945, làng tổ chức trao giải thưởng cho trải chiến thắng bằng các giải lụa đã thờ thần để được lấy may, phát tài, phát lộc. Hiện nay, trao thưởng có sự thay đổi, Ban tổ chức cộng điểm của các ngày thi và trao các giải từ Nhất đến giải Tư, phần thưởng là các vật phẩm bánh chay từ chính cộng đồng làm ra để kính dâng đức thánh như bánh dày, bánh khảo, bánh đường… và cũng có năm dùng tiền mặt để trao thưởng, khuyến khích các đội tham gia bơi trải.

Chiểu tối mùng 5, đoàn tế nữ quan tế tạ, kết thúc lễ hội.

Bên cạnh các nghi lễ cúng Thánh, giải đua trải, cộng đồng còn tổ chức các hoạt động văn nghệ, các trò chơi như: cầu thùm, đập niêu... trong không gian đền Ngọ Dương và trên sông Cổ Bồng. Lễ hội Bơi trải đền, chùa Ngọ Dương được tổ chức nhằm tưởng nhớ ngày hoá của vị thành hoàng làng, tưởng nhớ vị tướng thời Hai Bà Trưng có công đánh giặc bảo vệ đất nước, thể hiện ý thức “uống nước nhớ nguồn” của cộng đồng đối với các bậc tiền nhân có công với dân với nước. Lễ hội Bơi trải đền, chùa Ngọ Dương thể hiện bản sắc văn truyền thống riêng của làng Ngọ Dương với hình thức bơi trải đòi hỏi kĩ thuật bơi cao, điêu luyện khác với các hình thức bơi trải khác trong vùng và cả nước; tự làm cỗ chay để tế lễ... Bơi trải, ngoài ý nghĩa gắn với ngày hoá của vị thần còn thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc, sự gắn kết cộng đồng hết sức rõ nét. Lễ hội bơi trải đền, chùa Ngọ Dương là dịp biểu dương sức mạnh của cộng đồng và là chất kết dính tạo nên sự cố kết cộng đồng. Lễ hội nhằm giáo dục truyền thống, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, truyền thống “ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc đến các thế hế hậu sinh.

Công ty AGS cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết của chúng tôi. Hi vọng bài viết có thể cung cấp cho bạn sẽ có những thông tin bổ ích trong cuộc sống và công việc, và mở ra cho các bạn thêm những góc nhìn mới hơn về các vấn đề trong ngành nghề cũng như là các giá trị văn hóa của hai dân tộc Việt Nam - Nhật Bản. Hãy tiếp tục theo dõi chúng tôi đễ có thêm những thông tin bổ ích khác và cơ hội việc làm cực hấp dẫn tại Công ty AGS nữa nhé.

Thông tin khác

Thông tin tuyển dụng và hướng dẫn

Tổng hợp

Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ