Học hỏi chính sách hỗ trợ kinh tế tư nhân từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản

Kinh tế tư nhân đang ngày càng khẳng định vai trò là động lực tăng trưởng bền vững và cạnh tranh toàn cầu. Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kế toán và tư vấn doanh nghiệp, Công ty Kế toán AGS Việt Nam nhận thấy việc nghiên cứu chính sách hỗ trợ khu vực tư nhân tại các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản là cần thiết để đưa ra chiến lược phù hợp cho doanh nghiệp trong nước.
Thông qua bài viết này, AGS mời bạn cùng tìm hiểu các chính sách nổi bật mà ba nền kinh tế lớn tại châu Á đang triển khai để thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của khu vực tư nhân.

1. Trung Quốc thừa nhận khu vực tư nhân đóng vai trò quan trọng

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gần đây đã triệu tập các nhà sáng lập của các tập đoàn lớn như BYD, Huawei, Alibaba, Tencent, Xiaomi và DeepSeek AI, thể hiện sự thay đổi trong chính sách phát triển kinh tế. Danh sách này cho thấy sự ưu tiên của ông Tập đối với khu vực tư nhân, trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc gặp nhiều thử thách. Mặc dù vẫn ưu tiên nền kinh tế Nhà nước, nhưng Trung Quốc nhận thấy rằng khu vực tư nhân đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy công nghệ, cải thiện chuỗi cung ứng và phục hồi nền kinh tế.
Các chuyên gia như Alfredo Montufar-Helu nhận định rằng, Trung Quốc đang nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài và phát triển khả năng tự chủ về công nghệ. Tuy nhiên, khu vực tư nhân đã bị ảnh hưởng bởi chính sách quản lý nghiêm ngặt trong những năm qua, dẫn đến sự tăng trưởng chậm lại và tỷ lệ thất nghiệp cao, đặc biệt trong giới trẻ. Vì vậy, Trung Quốc cần triển khai các chính sách minh bạch, giảm rào cản hành chính và bảo vệ môi trường cạnh tranh để khôi phục niềm tin và thúc đẩy sự sáng tạo.

2. Nhật Bản chú trọng hỗ trợ tài chính và tín dụng

Chính phủ Nhật Bản đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ tài chính nhằm giúp doanh nghiệp tư nhân dễ dàng tiếp cận vốn và duy trì hoạt động sản xuất. Các chương trình bảo lãnh tín dụng giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn vay từ ngân hàng nhanh chóng, ngay cả khi không có tài sản bảo đảm lớn. Chính phủ Nhật Bản cũng có các quỹ tài chính nhà nước hỗ trợ tăng trưởng khu vực tư nhân, đồng thời điều chỉnh các chính sách bảo lãnh tín dụng để thúc đẩy nền kinh tế.
Chương trình "J-startup" là một sáng kiến giúp các công ty khởi nghiệp dễ dàng tham gia vào thị trường và nhận đầu tư mạo hiểm. Nhờ đó, Nhật Bản đã đạt giá trị kinh doanh mạo hiểm lên đến 1 tỷ USD vào năm 2023. Các chính sách này giúp tạo ra một môi trường kinh doanh ổn định, khuyến khích đầu tư và sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp tư nhân.

3. Hàn Quốc hỗ trợ mạnh các chaebol

Hàn Quốc là một ví dụ điển hình về sự phát triển kinh tế nhanh chóng nhờ vào khu vực tư nhân, đặc biệt là các tập đoàn lớn (chaebol) như Samsung, Hyundai, và LG. Chính phủ Hàn Quốc đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ các chaebol thông qua các khoản vay ưu đãi, trợ cấp và các ưu đãi thuế, giúp họ mở rộng quy mô và nâng cao sức cạnh tranh quốc tế. Những tập đoàn này không chỉ là động lực phát triển nền kinh tế mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra chuỗi cung ứng, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ hơn.
Hàn Quốc còn phát triển các ngân hàng do Nhà nước kiểm soát hoàn toàn, giúp phân phối tín dụng linh hoạt và có lợi cho các doanh nghiệp tư nhân. Các cuộc đối thoại giữa chính phủ và lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân cũng được tổ chức thường xuyên để giải quyết các khó khăn và rủi ro tín dụng, từ đó duy trì sự ổn định trong nền kinh tế và tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.


Công ty AGS cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc bài viết này. Hy vọng bạn đã có được những thông tin bô ích. Hãy tiếp tục theo dõi chúng tôi để cập nhật thêm nhiều thông tin cũng như cơ hội việc làm tại AGS nhé.

Thông tin khác

Thông tin tuyển dụng và hướng dẫn

Nguồn: https://dantri.com.vn/kinh-doanh/trung-quoc-han-quoc-nhat-ban-lam-gi-de-kinh-te-tu-nhan-but-pha-20250322110828142.htm
Next Post Previous Post