Xuất hóa đơn và nộp thuế bằng ngoại tệ: Khi nào được phép?

Trong hầu hết các giao dịch tại Việt Nam, việc sử dụng Đồng Việt Nam là bắt buộc. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt được pháp luật cho phép, doanh nghiệp có thể xuất hóa đơn hoặc nộp thuế bằng ngoại tệ. Việc hiểu rõ các trường hợp này không chỉ giúp tuân thủ đúng quy định, mà còn hỗ trợ doanh nghiệp tối ưu quy trình kế toán và giao dịch quốc tế. Cùng AGS điểm lại các quy định nổi bật mà kế toán viên không nên bỏ qua.

1. Khi nào được xuất hóa đơn bằng ngoại tệ?

Theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP, nguyên tắc chung là hóa đơn phải được ghi bằng Đồng Việt Nam (ký hiệu: “đ”). Tuy nhiên, trong một số trường hợp, được phép xuất hóa đơn bằng ngoại tệ, cụ thể:

  • Nếu giao dịch kinh tế, tài chính phát sinh bằng ngoại tệ theo quy định của pháp luật về ngoại hối, các chỉ tiêu như đơn giá, thành tiền, thuế GTGT và tổng thanh toán có thể ghi bằng ngoại tệ. Hóa đơn phải kèm tỷ giá giữa ngoại tệ và VND theo quy định của Luật Quản lý thuế.

  • Trường hợp bán hàng hóa phát sinh bằng ngoại tệ và được nộp thuế bằng ngoại tệ, hóa đơn được ghi toàn bộ bằng ngoại tệ, không cần quy đổi ra VND.

2. Khi nào được sử dụng ngoại hối trong lãnh thổ Việt Nam?

Theo Thông tư 32/2013/TT-NHNN và các văn bản sửa đổi, ngoại hối được phép sử dụng trong các trường hợp như:

  • Cơ quan Nhà nước tại cửa khẩu, kho ngoại quan được niêm yết và thu phí, lệ phí bằng ngoại tệ từ người không cư trú.

  • Ngân hàng, tổ chức tín dụng, tổ chức được phép cung ứng dịch vụ ngoại hối hoạt động trong phạm vi được cấp phép.

  • Doanh nghiệp chế xuất, nhà thầu, đại lý vận tải, hãng hàng không, khách sạn, du lịch được giao dịch và thanh toán bằng ngoại tệ trong các giao dịch quốc tế hoặc đặc thù.

  • Người cư trú được chuyển ngoại tệ trong nội bộ tổ chức hoặc góp vốn vào dự án đầu tư.

  • Các trường hợp được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt bằng văn bản cho phép sử dụng ngoại hối trong hoạt động đặc biệt (an ninh, dầu khí...).

3. Trường hợp nào được khai, nộp thuế bằng ngoại tệ?

Theo Thông tư 80/2021/TT-BTC, có 04 trường hợp chính được khai, nộp thuế bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi:

  • Hoạt động tìm kiếm, khai thác dầu khí: nộp các loại thuế, phí, tiền hoa hồng, bồi thường... bằng ngoại tệ.

  • Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài: thu và nộp phí, lệ phí bằng ngoại tệ theo quy định.

  • Các cơ quan, tổ chức trong nước được thu phí, lệ phí bằng ngoại tệ theo văn bản hướng dẫn.

  • Nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở tại Việt Nam: nộp thuế cho hoạt động thương mại điện tử, dịch vụ số bằng ngoại tệ.


Công ty AGS cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc bài viết này. Hy vọng bạn đã có được những thông tin bổ ích. Hãy tiếp tục theo dõi chúng tôi để cập nhật thêm nhiều thông tin cũng như cơ hội việc làm tại AGS nhé.

Thông tin khác

Thông tin tuyển dụng và hướng dẫn

Nguồn: Tổng hợp

Next Post Previous Post