Công chứng điện tử theo Luật Công chứng năm 2024
Luật Công chứng năm 2024 gồm 08 Chương và 76 Điều, được Quốc hội thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2024 và sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2025.
Một trong những điểm mới nổi bật của Luật này là việc bổ sung quy định về công chứng điện tử – đánh dấu bước tiến quan trọng trong quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực tư pháp. Theo đó, bên cạnh hình thức văn bản công chứng giấy như truyền thống, pháp luật lần đầu tiên ghi nhận và cho phép sử dụng hình thức văn bản công chứng điện tử, mở ra cơ hội hiện đại hóa hoạt động công chứng, đồng thời tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong thực hiện các giao dịch dân sự, kinh tế.
Trong bối cảnh đó, công ty AGS xin mời Quý độc giả cùng tìm hiểu những nội dung cơ bản, điểm mới và điều kiện triển khai công chứng điện tử theo quy định của Luật Công chứng năm 2024 – một bước chuyển mình mạnh mẽ nhằm nâng cao hiệu quả và tính minh bạch trong hoạt động công chứng hiện nay.
I. Triển khai công chứng điện tử từ 01/7/2025
Luật Công chứng năm 2024 đã quy định một số vấn đề cơ bản nhất về công chứng điện tử nhằm tạo cơ sở pháp lý cho chuyển đổi số hoạt động công chứng. Theo đó, sẽ có 02 hình thức công chứng điện tử từ 01/7/2025 gồm:
- Công chứng điện tử trực tiếp: Người yêu cầu công chứng giao kết giao dịch trước mặt công chứng viên, sau đó công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng thực hiện chứng nhận giao dịch bằng chữ ký số để tạo ra văn bản công chứng điện tử.
- Công chứng điện tử trực tuyến: Đây là hình thức được thực hiện khi các bên tham gia giao dịch yêu cầu công chứng không có mặt tại cùng 01 địa điểm và giao kết giao dịch qua phương thức trực tuyến trước sự chứng kiến trực tiếp của công chứng viên. Công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng thực hiện nhận giao dịch bằng chữ ký số để tạo ra văn bản công chứng điện tử.
(Khoản 1 Điều 65 Luật Công chứng năm 2024)
Điều này tạo nên một bước tiến quan trọng trong việc hiện đại hóa hoạt động công chứng, góp phần nâng cao tính linh hoạt, hiệu quả và khả năng tiếp cận dịch vụ công chứng của người dân và doanh nghiệp. Việc quy định rõ hai hình thức công chứng điện tử trực tiếp và trực tuyến không chỉ phù hợp với xu hướng ứng dụng công nghệ số trong quản lý nhà nước, mà còn đảm bảo tính pháp lý, tính an toàn và minh bạch cho các giao dịch dân sự và thương mại trong môi trường số. Đây cũng là nền tảng để từng bước xây dựng hệ thống công chứng thông minh, đồng bộ và hội nhập với xu hướng quốc tế.
II. Nguyên tắc và phạm vi công chứng điện tử
Căn cứ khoản 1 Điều 62 Luật Công chứng năm 2024, công chứng điện tử là việc công chứng được thực hiện bằng phương tiện điện tử để tạo lập văn bản công chứng điện tử với nguyên tắc và phạm vi công chứng được quy định như sau:
1. Nguyên tắc công chứng
- Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật.
- Khách quan, trung thực.
- Tuân thủ Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng.
- Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc hành nghề công chứng.
- Bảo đảm an ninh, an toàn, bảo vệ thông điệp dữ liệu và bảo mật thông tin theo quy định của pháp luật; thông tin trong thông điệp dữ liệu đó có thể truy cập và sử dụng được để tham chiếu.
- Công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng được cung cấp dịch vụ công chứng điện tử khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 63 Luật Công chứng năm 2024.
2. Phạm vi công chứng
Căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội, nhu cầu và khả năng cung cấp dịch vụ công chứng điện tử trong từng thời kỳ, Chính phủ quy định về phạm vi các giao dịch được công chứng điện tử.
III. Điều kiện cung cấp dịch vụ công chứng điện tử
Căn cứ theo Điều 63 Luật Công chứng năm 2024 quy định về điều kiện cung cấp dịch vụ công chứng điện tử, điều kiện cung cấp dịch vụ công chứng điện tử cần đáp ứng là:
- Công chứng viên được cung cấp dịch vụ công chứng điện tử khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
- Có tài khoản để thực hiện công chứng điện tử;
- Có chữ ký số và sử dụng dịch vụ cấp dấu thời gian theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
- Tổ chức hành nghề công chứng được cung cấp dịch vụ công chứng điện tử khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
- Có tài khoản để thực hiện công chứng điện tử;
- Có chữ ký số và sử dụng dịch vụ cấp dấu thời gian theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử;
- Có đủ trang thiết bị kỹ thuật để thực hiện công chứng điện tử.
Như vậy, có thể thấy rằng Luật Công chứng năm 2024 đặt ra các điều kiện chặt chẽ và cụ thể nhằm bảo đảm an toàn, bảo mật và tính pháp lý trong việc cung cấp dịch vụ công chứng điện tử. Cả công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng đều phải có tài khoản riêng để thực hiện công chứng điện tử, sử dụng chữ ký số hợp lệ và dịch vụ cấp dấu thời gian - hai yếu tố bắt buộc để xác thực và đảm bảo thời điểm pháp lý của văn bản điện tử.
IV. Văn bản công chứng điện tử
Căn cứ Điều 64 Luật Công chứng năm 2024, văn bản công chứng điện tử được quy định như sau:
1. Khái niệm
Văn bản công chứng điện tử là chứng thư điện tử được lập ra theo đúng nguyên tắc, phạm vi luật định, do công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng thực hiện, sử dụng chữ ký số hợp lệ.
2. Hiệu lực của văn bản công chứng điện tử
Văn bản công chứng điện tử có hiệu lực kể từ thời điểm được ký bằng chữ ký số của công chứng viên và chữ ký số của tổ chức hành nghề công chứng.
3. Chuyển đổi hình thức
Việc chuyển đổi qua lại giữa văn bản điện tử và văn bản giấy được thực hiện theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
Văn bản chuyển đổi có giá trị như bản gốc nếu đáp ứng đủ điều kiện, trừ các loại văn bản được pháp luật quy định chỉ được tồn tại dưới một hình thức duy nhất (ví dụ: văn bản về quyền sở hữu tài sản mà luật yêu cầu phải có bản gốc giấy).
V. Quy trình, thủ tục, hồ sơ công chứng điện tử
Căn cứ theo Điều 65 Luật Công chứng năm 2024 quy định về quy trình, thủ tục, hồ sơ công chứng điện tử được thực hiện như sau:
- Việc công chứng điện tử được thực hiện theo quy trình công chứng điện tử trực tiếp hoặc công chứng điện tử trực tuyến và được quy định như sau:
- Công chứng điện tử trực tiếp là việc người yêu cầu công chứng giao kết giao dịch trước sự chứng kiến trực tiếp của công chứng viên; công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận giao dịch bằng chữ ký số để tạo ra văn bản công chứng điện tử;
- Công chứng điện tử trực tuyến là việc các bên tham gia giao dịch có yêu cầu công chứng không có mặt tại cùng một địa điểm và giao kết giao dịch thông qua phương tiện trực tuyến trước sự chứng kiến trực tiếp của công chứng viên; công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận giao dịch bằng chữ ký số để tạo ra văn bản công chứng điện tử.
- Thủ tục công chứng điện tử thực hiện theo quy định tại Mục 1 và Mục 2 Chương 5 Luật Công chứng năm 2024.
Như vậy, với cái quy định trên có thể thấy, công chứng điện tử theo Luật Công chứng năm 2024 là bước tiến quan trọng trong quá trình chuyển đổi số, giúp hiện đại hóa hoạt động công chứng, tăng tính linh hoạt, tiện lợi và bảo đảm giá trị pháp lý cho các giao dịch. Việc triển khai hiệu quả mô hình này sẽ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ công chứng và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trong thời đại số.
Công ty AGS cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc bài viết này. Hy vọng bạn đã có được những thông tin bổ ích. Hãy tiếp tục theo dõi chúng tôi để cập nhật thêm nhiều thông tin cũng như cơ hội việc làm tại AGS nhé.
Thông tin khác
Thông tin tuyển dụng và hướng dẫn

AGS luôn mở rộng cánh cửa cho những ứng viên muốn thử thách bản thân trong lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán - Ngôn ngữ Nhật - Pháp lý - Nhân sự. Xem chi tiết bài viết để biết thêm về Thông tin tuyển dụng tại AGS bạn nhé!

Công ty Dịch vụ kế toán Nhật Bản. Cung cấp Dịch vụ tư vấn đầu tư, Kế toán - Thuế, Kiểm toán. Nếu bạn có bất kỳ yêu cầu nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi. Công ty chúng tôi luôn tìm kiếm cơ hội được làm việc với công ty bạn.
Nguồn:
https://vanban.chinhphu.vn/?pageid=27160&docid=212474&classid=1&orggroupid=1https://sotuphap.daklak.gov.vn/se-duoc-cong-chung-dien-tu-khi-luat-cong-chung-nam-2024-co-hieu-luc-thi-hanh-14154.htmlhttps://thuvienphapluat.vn/phap-luat-doanh-nghiep/bai-viet/bat-dau-trien-khai-cong-chung-dien-tu-tu-01-7-2025-10071.html#_3https://docluat.net/cong-chung-dien-tu-theo-luat-cong-chung-2024#google_vignette