Giải thể là việc chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp không còn hoặc không đủ điều kiện để tồn tại như một chỉnh thể nữa. Theo đó chủ doanh nghiệp phải tiến hành thực hiện các thủ tục pháp lý để chấm dứt tư cách pháp nhân các quyền và nghĩa vụ liên quan của doanh nghiệp với Cơ quan đăng ký doanh nghiệp.
CĂN CỨ PHÁP LÝ:
Luật Doanh nghiệp 2020.
Các trường hợp giải thể doanh nghiệp
Căn cứ tại khoản 1 Điều 207 Luật Doanh nghiệp 2020 có các trường hợp như: doanh nghiệp không có nhu cầu tiếp tục gia hạn thời hạn hoạt động được ghi trong điều lệ công ty; theo quyết định của chủ sở hữu; không đảm bảo được yêu cầu tối thiểu theo quy định pháp luật; và theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Như vậy cơ bản có thể chia ra hai trường hợp chính sau:
Thứ nhất, trường hợp doanh nghiệp giải thể tự nguyện. Tức là việc giải thể doanh nghiệp xuất phát từ quyết định của chủ sở hữu doanh nghiệp mà không bị tác động bởi tác nhân bên ngoài.
Tại điểm a khoản 1 Điều 207 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định “Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn”. Trường hợp Điều lệ công ty có quy định về thời hạn hoạt động, khi hết thời hạn hoạt động được ghi trong Điều lệ công ty, nếu các thành viên không muốn xin gia hạn hoạt động, thì công ty phải tiến hành giải thể. Việc quy định thời hạn hoạt động của doanh nghiệp có thể do thỏa thuận của các thành viên, cổ đông sáng lập, hoặc do sự cấp phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Tại điểm b khoản 1 Điều 207 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định “Theo nghị quyết, quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân, của Hội đồng thành viên đối với công ty hợp danh, của Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần”. Quyết định giải thể này thể hiện sự tự nguyện của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp của mình vì những lý do khác nhau, không còn phù hợp với mục đích kinh doanh đề ra ban đầu, chẳng hạn như thua lỗ kéo dài, lợi nhuận thấp, có mâu thuẫn nội bộ,… và nhiều yếu tố khác thì họ hoàn toàn có quyền quyết định việc giải thể doanh nghiệp theo quyết định của chủ doanh nghiệp với doanh nghiệp tư nhân; của thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh, của Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, của Đại hội đồng cổ đông với công ty cổ phần.
Thứ hai, trường hợp doanh nghiệp bị buộc phải giải thể. Đây là trường hợp doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện tối thiểu của pháp luật để duy trì hoạt động hoặc hành vi vi phạm của doanh nghiệp dẫn đến chế tài doanh nghiệp không thể tiếp tục hoạt động.
Tại điểm c khoản 1 Điều 207 Luật Doanh nghiệp 2020, khi không có đủ số lượng thành viên tối thiểu để tiếp tục tồn tại, công ty phải kết nạp thêm thành viên cho đủ số lượng thành viên tối thiểu. Nếu trong thời hạn 6 tháng liên tục mà công ty không tiến hành kết nạp thêm thành viên khi số lượng thành viên không đủ hoặc không chuyển đổi sang loại hình doanh nghiệp phù hợp thì công ty phải tiến hành thủ tục giải thể doanh nghiệp.
Tại điểm d khoản 1 Điều 207 Luật Doanh nghiệp 2020, trường hợp công ty bị thu hồi Giấy chứng nhận doanh nghiệp thì trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc quyết định của Tòa án có hiệu lực, doanh nghiệp phải triệu tập họp để quyết định giải thể doanh nghiệp.
Điều kiện giải thể doanh nghiệp
Căn cứ tại khoản 2 Điều 207 Luật Doanh nghiệp 2020, khi chấm dứt hoạt động, doanh nghiệp cần đảm bảo quyền lợi đối với những người có liên quan tại công ty như: người lao động, chủ nợ, đối tác kinh doanh, cơ quan nhà nước…
Giải thể doanh nghiệp chỉ được tiến hành khi có quyết định của chủ sở hữu Công ty hoặc của Cơ quan đăng ký doanh nghiệp.
Giải thể doanh nghiệp chỉ được tiến hành khi doanh nghiệp hoàn thành mọi nghĩa vụ tài sản và thanh toán hết các khoản nợ.
Doanh nghiệp đó không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại các cơ quan trọng tài hoặc Tòa án.