Về khoản vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh

2022/09/30

Luậtđầutư



Q: Vay nước ngoài là gì?

A: Căn cứ theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 219/2013/NĐ-CP, vay nước ngoài là việc bên đi vay nhận khoản tín dụng từ người không cư trú thông qua việc ký kết và thực hiện các thỏa thuận vay nước ngoài dưới hình thức hợp đồng vay, hợp đồng mua bán hàng trả chậm, hợp đồng ủy thác cho vay, hợp đồng cho thuê tài chính hoặc phát hành công cụ nợ của bên đi vay.


Q: Vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh là gì?

A: Căn cứ theo khoản 2 Điều 3 Nghị định 219/2013/NĐ-CP, vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh (vay nước ngoài tự vay, tự trả) là việc Bên đi vay thực hiện vay nước ngoài theo phương thức tự vay, tự chịu trách nhiệm trả nợ với bên cho vay nước ngoài.


Q: Có các loại khoản vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh nào?

A: Căn cứ theo khoản 1 và khoản 2 Điều 2 Thông tư 12/2014/TT-NHNN có quy định về các loại khoản vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh như sau:

  • Khoản vay ngắn hạn nước ngoài tự vay, tự trả (sau đây gọi là khoản vay ngắn hạn nước ngoài) là khoản vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh có thời hạn đến một (01) năm.
  • Khoản vay trung, dài hạn nước ngoài tự vay, tự trả (sau đây gọi là khoản vay trung, dài hạn nước ngoài) là khoản vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh có thời hạn trên một (01) năm.

Q: Những đối tượng nào được thực hiện vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh?

A: Căn cứ theo khoản 2 Điều 1 Nghị định 219/2013/NĐ-CP, những đối tượng được vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh bao gồm: 

  • Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp
  • Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng
  • Hợp tác xã, liên minh hợp tác xã được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Hợp tác xã.

Q: Điều kiện để thực hiện khoản vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh là gì?

A: Để thực hiện khoản vay nước ngoài, các bên phải đáp ứng đủ các điều kiện sau: 

  • Về mục đích: Căn cứ theo Điều 5 Thông tư 12/2014/TT-NHNN, thì điều kiện để doanh nghiệp được phép vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh là để phục vụ 2 mục đích sau: thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh, dự án đầu tư và cơ cấu lại các khoản nợ nước ngoài của bên đi vay
  • Về thỏa thuận: Căn cứ theo Điều 6 Thông tư 12/2014/TT-NHNN, thỏa thuận vay nước ngoài phải được ký kết bằng văn bản trước hoặc sau khi thực hiện giải ngân khoản vay (tùy đối tượng vay) và không trái với quy định của pháp luật Việt Nam.
  • Về loại tiền tệ: Căn cứ theo Điều 7 Thông tư 12/2014/TT-NHNN, việc vay, trả nợ nước ngoài phải được thực hiện bằng ngoại tệ; vay bằng đồng Việt Nam chỉ được thực hiện trong một số trường hợp đặc biệt theo quy định của pháp luật.
  • Về giao dịch bảo đảm: Căn cứ theo Điều 8 Thông tư 12/2014/TT-NHNN, các giao dịch bảo đảm được pháp luật cho phép là cổ phần, cổ phiếu, phần vốn góp của doanh nghiệp Việt Nam hoặc trái phiếu chuyển đổi do doanh nghiệp Việt Nam phát hành.
  • Về chi phí: Căn cứ theo Điều 9 Thông tư 12/2014/TT-NHNN, chi phí vay nước ngoài do Bên đi vay và Bên cho vay thỏa thuận. Tuy nhiên, trong một số trường hợp cần thiết, Ngân hàng Nhà nước sẽ công bố và áp dụng mức trần về chi phí vay nước ngoài trong từng thời kỳ.

Q: Thủ tục đăng ký khoản vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh được thực hiện như thế nào?

A: Căn cứ theo Điều 18 Thông tư 12/2022/TT-NHNN, thủ tục đăng ký khoản vay sẽ được tiến hành như sau:

  • Bước 1: Chuẩn bị đơn đăng ký
  • Bước 2: Gửi hồ sơ đăng ký đến Cơ quan có thẩm quyền xác nhận đăng ký
  • Bước 3: Ngân hàng Nhà nước có văn bản xác nhận hoặc từ chối xác nhận đăng ký khoản vay (có nêu rõ lý do)
  • Bước 4: Cơ quan có thẩm quyền xác nhận đăng ký

Q: Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến hoạt động vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh là gì?

A: Liên quan đến hoạt động vay trả nợ nước ngoài, có thể kể đến một số hình thức xử phạt vi phạm hành chính như sau:

  • Xử phạt về việc chậm hoặc không đăng ký khoản vay: Căn cứ theo điểm d và điểm m khoản 4 Điều 23 Nghị định 88/2019/NĐ-CP, hành vi này sẽ chịu mức phạt từ 30 đến 50 triệu đồng (đối với cá nhân, và gấp 2 lần đối với tổ chức). 
  • Xử phạt khi không tổ chức Đại hội đồng cổ đông, Đại hội thành viên: Căn cứ theo điểm c khoản 1 Điều 6 Nghị định 88/2019/NĐ-CP, hành vi này sẽ chịu mức phạt từ 20 đến 30 triệu đồng (đối với cá nhân, và gấp 2 lần đối với tổ chức).
  • Xử phạt khi thực hiện rút vốn, trả nợ đối với khoản vay nước ngoài không đúng quy định: Căn cứ theo điểm g khoản 4 Điều 23 Nghị định 88/2019/NĐ-CP, hành vi này sẽ chịu mức phạt từ 30 đến 50 triệu đồng (đối với cá nhân, và gấp 2 lần đối với tổ chức).
  • Xử phạt về việc không báo cáo khoản vay với Ngân hàng nhà nước: Căn cứ theo khoản 2 Điều 47 Nghị định 88/2019/NĐ-CP, hành vi này sẽ chịu mức phạt từ 10 đến 15 triệu đồng (đối với cá nhân, và gấp 2 lần đối với tổ chức).

Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ