Những điểm mới quan trọng cần chú ý về Luật Đất đai 2024

2024/04/17

LuậtBấtđộngsản-Đấtđai

I. Luật đất đai 2024: Những điểm mới quan trọng cần chú ý?

Tại kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa 15 đã thông qua Luật Đất đai sửa đổi (Luật Đất đai 2024) với 06 điểm mới quan trọng:

1. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

Toàn văn Luật Đất đai 2024 bổ sung nội dung quy hoạch thể hiện được chỉ tiêu, không gian sử dụng đất; xác định khu vực sử dụng đất cần bảo vệ nghiêm ngặt, khu vực cần giữ ổn định, khu vực phát triển; định hướng phát triển các khu đô thị, khu công nghiệp, khu thương mại dịch vụ; đổi mới về phương pháp lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Hoàn thiện các quy định về sự tham gia của người dân trong lập, giám sát thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quyền của người sử dụng đất trong khu vực quy hoạch; trách nhiệm công khai thông tin; quy định về rà soát, điều chỉnh hoặc hủy bỏ dự án không có khả năng thực hiện.

2. Thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư

Toàn văn Luật Đất đai 2024 đã quy định cụ thể điều kiện, tiêu chí, các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bảo đảm công khai, minh bạch trong thực thi và giám sát.
Đa dạng các hình thức bồi thường bằng đất hoặc bằng tiền, bằng nhà ở; giá đất bồi thường theo giá thị trường; công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải thực hiện trước khi thu hồi đất.
Mở rộng thành phần Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; quy định trách nhiệm, cách thức lấy ý kiến đối tượng bị thu hồi đất; tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án riêng để thực hiện trước nhằm rút ngắn tiến độ thực hiện dự án.

3. Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất

Toàn văn Luật Đất đai 2024 đã quy định cụ thể về các trường hợp, điều kiện, tiêu chí giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu các dự án có sử dụng đất.
Quy định cụ thể các trường hợp thuê đất trả tiền một lần, thuê đất trả tiền hàng năm.
Phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất có rừng phòng hộ, đặc dụng. Hoàn thiện quy định về việc giao đất, cho thuê đất đối với tổ chức tôn giáo. Bổ sung quy định để doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận đất đai.

4. Phân cấp, phân quyền

Phân cấp, phân quyền: Đẩy mạnh phân cấp phân quyền trong thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai, thống nhất quản lý theo hướng nâng cao trách nhiệm của địa phương và kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ của Trung ương; giảm đầu mối, giảm trung gian, gắn với cải cách hành chính, giảm phiền hà, tiêu cực.
Cải cách hành chính: Phân cấp trong chuyển mục đích sử dụng đất, trong quyết định giá đất cụ thể, thu hồi đất... giảm đầu mối trung gian trong giao đất, cho thuê đất tại khu kinh tế, khu công nghệ cao, cảng hàng không sân bay,...Tập trung cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa, minh bạch thủ tục hành chính để người dân thuận tiện trong quá trình thực hiện thủ tục.

5. Đất cho đồng bào thiểu sốQuy định các chính sách đảm bảo đất sinh hoạt cộng đồng; giao đất, cho thuê đất đối với đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất ở, đất sản xuất.

Quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong xây dựng và thực hiện chính sách hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; nguồn lực để thực hiện chính sách.
Đảm bảo quỹ đất để thực hiện chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Quy định han chế một số quyền của người sử dụng đất đối với các trường hợp được giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo chính sách hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

6. Điều tra cơ bản

Toàn văn Luật Đất đai 2024 quy định việc điều tra cơ bản đất đai, đánh giá tiềm năng đất đai, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tập trung thống nhất.

II. Việc thông qua Luật Đất đai 2024 là nhiệm vụ lập pháp quan trọng hàng đầu của Quốc hội khóa 15?

Theo Chủ tịch Quốc hội, với việc thông qua Luật Đất đai sửa đổi, Quốc hội đã hoàn thành một trong những nhiệm vụ lập pháp quan trọng hàng đầu của nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15 theo đúng Hiến pháp 2013, đúng chủ trương, đường lối của Đảng, mà trực tiếp là Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng và Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2022.
Việc thông qua Luật Đất đai sửa đổi tại Kỳ họp này, cùng với Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 tại Kỳ họp thứ 6 và có hiệu lực đồng thời từ 01/01/2025 đã đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, để nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

III. Luật Đất đai đang có hiệu lực thi hành là luật nào?

Hiện nay Nhà nước đang thi hành Luật Đất đai 2013 do Quốc hội ban hành ngày 29/11/2013 và có hiệu lực từ ngày 01/07/2014 (thay thế cho Luật Đất đai 2003)
Luật Đất đai 2013 gồm có 14 chương với 212 điều khoản quy định về chế độ sở hữu đất đai, quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai, chế độ quản lý và sử dụng đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất đối với đất đai thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và áp dụng đối với các đối tượng sau:
  • Cơ quan nhà nước thực hiện quyền hạn và trách nhiệm đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai, thực hiện nhiệm vụ thống nhất quản lý nhà nước về đất đai.
  • Người sử dụng đất.
  • Các đối tượng khác có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất.
Nguồn: https://thuvienphapluat.vn/hoi-dap-phap-luat/839FE4F-hd-toan-van-luat-dat-dai-2024-nhung-diem-moi-quan-trong-can-chu-y.html

Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ