Sự hòa hợp giữa chuẩn mực kế toán Việt Nam và chuẩn mực kế toán quốc tế

2024/05/14

TintứcIFRS

Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) được xây dựng dựa trên các CMKT quốc tế (IAS/IFRS) từ những năm 2000 đến 2005, theo nguyên tắc vận dụng có chọn lọc thông lệ quốc tế, phù hợp với đặc điểm nền kinh tế và trình độ quản lý của doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Đến nay, Việt Nam đã xây dựng và ban hành được 26 VAS. Việc được xây dựng, dựa trên IAS là nhằm đảm bảo hệ thống VAS góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch trong báo cáo tài chính (BCTC) của các DN, phản ánh được các giao dịch của nền kinh tế thị trường, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, VAS hiện mới chỉ là sự vận dụng đơn giản IAS/IFRS trong bối cảnh cụ thể của Việt Nam, thực tế VAS chưa hòa hợp với IAS/IFRS và chưa cập nhật theo những thay đổi của IAS/IFRS những năm gần đây.

Khác với hệ thống kế toán Việt Nam (VAS), hệ thống kế toán quốc tế (IAS) không có sự bắt buộc mang tính hình thức (như biểu mẫu báo cáo thống nhất, hệ thống tài khoản kế toán thống nhất, hình thức sổ kế toán, mẫu các chứng từ gốc thống nhất). IAS mặc dù đưa ra rất chi tiết các định nghĩa, phương pháp làm, cách trình bày và những thông tin bắt buộc phải trình bày trong các BCTC nhưng IAS không bắt buộc phải sử dụng chung các biểu mẫu BCTC, hệ thống tài khoản, các hệ thống chứng từ, sổ kế toán. IAS có bộ khung khái niệm và tính thống nhất cao giữa các chuẩn mực. VAS còn nhiều vấn đề chưa rõ ràng, thiếu nhiều vấn đề và đặc biệt là còn mâu thuẫn giữa các chuẩn mực, hoặc sự không thống nhất giữa chuẩn mực và hướng dẫn về chuẩn mực đó.

Thực trạng về sự hòa hợp giữa CMKT Việt Nam (VAS) với CMKT quốc tế (IAS/IFRS)

Khi xây dựng các các CMKT, quan điểm xuyên suốt của Việt Nam là tuân thủ hệ thống IAS. VAS cơ bản đã được xây dựng dựa trên IAS/IFRS, theo nguyên tắc vận dụng có chọn lọc thông lệ quốc tế, phù hợp với đặc điểm nền kinh tế và trình độ quản lý của DN Việt Nam. Do vậy, VAS đã cơ bản tiếp cận với IAS/IFRS, phản ánh được phần lớn các giao dịch của nền kinh tế thị trường, nâng cao tính công khai, minh bạch thông tin về BCTC của các DN. Mặc dù vậy, VAS hiện nay vẫn bộc lộ nhiều điểm khác biệt với IAS/IFRS. Điều này thể hiện qua một số biểu hiện chủ yếu sau:

Khác biệt cơ bản nhất là, VAS chưa có quy định cho phép đánh giá lại tài sản và nợ phải trả theo giá trị hợp lý tại thời điểm báo cáo. Điều này ảnh hưởng lớn đến việc kế toán các tài sản và nợ phải trả được phân loại là công cụ tài chính, làm suy giảm tính trung thực, hợp lý của BCTC và chưa phù hợp với IAS/IFRS;

VAS 21 không quy định trình bày Báo cáo biến động vốn chủ sở hữu thành một báo cáo riêng biệt như IAS 1, mà chỉ yêu cầu trình bày trong thuyết minh BCTC. Ngoài ra, chế độ kế toán Việt Nam quy định mẫu biểu báo cáo một cách cứng nhắc, làm triệt tiêu tính linh hoạt và đa dạng của hệ thống BCTC, trong khi IAS/IFRS không đưa ra mẫu biểu cụ thể của báo cáo;

Theo VAS 21, doanh thu và chi phí tài chính được tính vào lãi/lỗ hoạt động kinh doanh trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh là không phù hợp với thông lệ quốc tế, khi các khoản lãi/lỗ bán cổ phiếu vốn không phải của hoạt động mang tính thường xuyên của DN lại được hiểu là kết quả hoạt động kinh doanh chủ yếu;

VAS 3 chỉ cho phép đánh giá lại tài sản cố định là bất động sản, nhà xưởng và thiết bị trong trường hợp có quyết định của Nhà nước, đưa tài sản đi góp vốn liên doanh, liên kết, chia tách, sáp nhập DN và không được ghi nhận phần tổn thất tài sản hàng năm. Trong khi đó, theo IAS 16, DN được phép lựa chọn mô hình đánh giá lại tài sản theo giá trị hợp lý và được xác định phần tổn thất tài sản hàng năm, đồng thời được ghi nhận phần tổn thất này theo quy định tại IAS 36;

Nguyên nhân tồn tại những khác biệt giữa VAS và IAS/IFRS

Có nhiều lý do để giải thích cho sự chưa hòa hợp giữa VAS và IAS/IFRS, trong đó có những nguyên nhân trực tiếp và những nguyên nhân thuộc về môi trường kế toán.

Nguyên nhân trực tiếp

VAS về cơ bản được soạn thảo dựa trên các IAS/IFRS tương ứng được ban hành đến cuối năm 2003, nhưng sau đó không được cập nhật những sửa đổi của IAS liên quan và IFRS mới được ban hành sau năm 2003; IAS/IFRS ngày càng hướng tới đo lường tài sản dựa trên cơ sở giá trị hợp lý nhằm đảm bảo tính ‘liên quan’ của thông tin kế toán đối với các đối tượng sử dụng, trong khi đó giá gốc vẫn là cơ sở đo lường chủ yếu được qui định bởi VAS;

IAS/IFRS cho phép sử dụng xét đoánước tính nhiều hơn so với VAS, dẫn đến IAS/IFRS yêu cầu khai báo thông tin liên quan đến sử dụng xét đoán và ước tính nhiều hơn.

Nguyên nhân thuộc về môi trường kế toán

Thứ nhất, văn hoá của người Việt Nam là tránh rủi ro và sự không chắc chắn. Áp dụng IAS/IFRS, sự không chắc chắn là rất cao bởi vì BCTC theo IAS/IFRS sử dụng nhiều ước tính kế toán, ví dụ như giá trị hợp lý. VAS với các ước tính kế toán ít hơn và thận trọng hơn làm hạn chế những yếu tố không chắc chắn, tuy nhiên, điều này cũng giảm nhiều sự phù hợp của thông tin trên BCTC. Đặc điểm văn hoá này là yếu tố ảnh hưởng gián tiếp và rất quan trọng đến việc VAS chưa áp dụng hoàn toàn IAS/IFRS;

Thứ hai, nền kinh tế thị trường ở Việt Nam còn khá non trẻ, Việt Nam mới phát triển kinh tế thị trường từ những năm cuối của thế kỷ 20, thị trường vốn của Việt Nam là một trong những thị trường non trẻ nhất trên thế giới, mới được hình thành hơn mười năm nay. Đến nay, nó vẫn chưa thể hiện rõ vai trò quan trọng trong nền kinh tế, mới chỉ trong phạm vi quốc gia, chưa liên thông với thị trường vốn trên thế giới. Trong khi đó, định hướng của IAS/IFRS là xây dựng hệ thống các CMKT hoàn toàn thị trường và hỗ trợ thị trường vốn, một hệ thống CMKT phục vụ cho lợi ích chung, chất lượng cao, dễ hiểu và có thể áp dụng trên toàn thế giới, nhằm giúp những người tham gia vào các thị trường vốn khác nhau trên thế giới ra quyết định kinh tế. Do vậy, định hướng phát triển của VAS để phục vụ cho các nhà đầu tư trên thị trường vốn không mạnh như IAS/IFRS; Nhu cầu của Việt Nam về một hệ thống kế toán phức tạp và hợp lý như IAS/IFRS để phục vụ thị trường vốn là chưa cấp bách;

Thứ ba, Việt Nam là một nước theo hướng điển chế luật hay luật thành văn khác với các nước theo hướng thông luật. Trong các nước theo hướng điển chế luật, nhìn chung, sự bảo vệ quyền cổ đông và yêu cầu về tính minh bạch của thông tin thấp hơn trong các nước theo hướng thông luật. VAS được xây dựng phù hợp với đặc điểm hệ thống luật của một nước theo hướng điển chế luật, trong khi IAS/IFRS được phát triển phù hợp với hệ thống luật của các nước theo hướng thông luật. Theo đó, Nhà nước có vai trò kiểm soát kế toán về phương pháp đo lường, đánh giá, soạn thảo và trình bày báo cáo. Việc soạn thảo, ban hành các CMKT và các hướng dẫn thực hiện phải do các cơ quan Nhà nước thực hiện và được đặt trong các bộ luật hoặc các văn bản pháp lý dưới luật. Trong khi đó, tại các quốc gia phát triển IAS/IFRS, các cơ sở, nguyên tắc kế toán không quy chiếu vào chế độ kế toán quốc gia. Việc kiểm soát của Nhà nước được thực hiện, thông qua việc giải thích mục tiêu, nguyên tắc kế toán, phương pháp đo lường, đánh giá, soạn thảo và trình bày BCTC.

Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ