1. Giới thiệu:
- Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng (BCBS) là tổ chức được thành lập vào năm 1974 bởi một nhóm các ngân hàng trung ương và cơ quan giám sát của 10 nước phát triển (G10) tại thành phố Basel, Thụy Sĩ nhằm tìm cách ngăn chặn sự sụp đổ hàng loạt của các ngân hàng vào thập kỉ 80. Ủy ban Basel và các tiểu ban sẵn sàng đưa ra những lời tư vấn cho các cơ quan giám sát hoạt động ngân hàng ở tất cả các nước.
- Nếu mục tiêu chủ yếu của Basel I, Basel II là nâng cao chất lượng, sự ổn định hệ thống của ngân hàng và đẩy mạnh áp dụng thông lệ quốc tế thì Basel III hướng đến khắc phục những hạn chế về quy định vốn, nâng cao và siết chặt quản trị rủi ro. Nhờ đó, các ngân hàng thương mại (NHTM) có thể cải thiện khả năng ứng phó, tự giải thoát trước khủng hoảng tài chính.
- Một trong những thay đổi chủ yếu của Basel III là nâng tỉ trọng và chất lượng vốn. Khuôn khổ Basel III yêu cầu các ngân hàng nắm giữ lượng vốn cao hơn với chất lượng cao hơn nhằm bù đắp những thiệt hại không kì vọng.
- Thay đổi chính trong Basel III đầu tiên là nâng tỉ trọng và chất lượng vốn. Cụ thể, tỉ lệ vốn cấp 1 tăng từ 4% trong Basel II lên 6% trong Basel III. Bên cạnh đó, Basel III cũng đã yêu cầu bổ sung phần vốn đệm dự phòng tài chính.
- Ngoài ra, Basel III nâng cao khả năng nắm bắt rủi ro, trong đó, tăng đáng kể yêu cầu về vốn để đối phó với rủi ro thị trường, được tính toán đề phòng áp lực thị trường trong 12 tháng. Theo quy định của Basel III, các ngân hàng cũng được yêu cầu cải thiện thanh khoản.
- Tại Việt Nam, hiện tại đã có trên 20 NHTM triển khai Basel II theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tại Thông tư số 41/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định tỉ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Thực tế, khung pháp lí của Việt Nam mới chỉ khuyến khích Basel II, vì Basel III có những yêu cầu cao hơn và khắt khe hơn. Cụ thể, Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025 định hướng năm 2030 nêu rõ, đến năm 2020 các NHTM cơ bản có mức vốn tự có theo chuẩn mực Basel II. Đến 2025, tất cả NHTM áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn, triển khai thí điểm Basel II theo phương pháp nâng cao (Quỳnh Trang, 2022).
- Đối với Basel III, hiện chưa có bất kì quy định nào bắt buộc phải áp dụng toàn bộ tiêu chuẩn này cho các ngân hàng ở Việt Nam.
2. Tổng quan về Basel III và quá trình thực hiện tại Việt Nam
2.1. Tổng quan về Basel III
- Vào tháng 11/2010, các quốc gia thành viên của Nhóm 20 (G20) đã chính thức thông qua Basel III, thể hiện sự khác biệt rõ rệt so với triết lí và nội dung của Basel I và Basel II nhằm giúp cho các ngân hàng đáp ứng tất cả các yêu cầu về quản trị rủi ro. Basel III ra đời ngay sau khi xảy ra sự kiện khủng hoảng tài chính những năm 2007 - 2009 và được quốc tế khuyến nghị nên áp dụng từ ngày 01/01/2023 nhằm duy trì tỉ lệ đòn bẩy thích hợp và đáp ứng các yêu cầu về vốn nhất định.
- Basel III là một tập hợp các biện pháp cải cách toàn diện được thiết kế để cải thiện quy định, giám sát và quản lí rủi ro trong lĩnh vực ngân hàng. Hiệp ước Basel III được dựa trên các tài liệu về Basel I và Basel II nhằm tìm cách cải thiện năng lực của ngành Ngân hàng để đối phó với căng thẳng tài chính và kinh tế, cải thiện quản lí rủi ro và tăng cường tính minh bạch của ngân hàng.
- Trọng tâm của Basel III là thúc đẩy khả năng phục hồi cao hơn ở cấp ngân hàng riêng lẻ để giảm nguy cơ các cú sốc trên toàn hệ thống và ngăn chặn các cuộc khủng hoảng kinh tế trong tương lai.
- Basel III là chuẩn mực quản trị rủi ro uy tín được áp dụng rộng rãi trên quốc tế và đang được hệ thống ngân hàng Việt Nam hướng đến, thông qua việc nâng cao chất lượng về vốn và năng lực thanh khoản theo yêu cầu của chuẩn mực, giúp các NHTM trang bị khả năng chống đỡ tốt hơn trước những căng thẳng thanh khoản; đồng thời tạo nền tảng cho một hệ thống ngân hàng bền vững có sức chống chịu biến cố, khả năng phục hồi sau biến cố và góp phần ngăn ngừa những tổn thất hệ thống có thể xảy ra.
- Những thay đổi chủ yếu của Hiệp ước Basel III:
- Một là, nâng tỉ trọng và chất lượng vốn
- Hai là, nâng cao khả năng nắm bắt rủi ro
- Ba là, điều chỉnh tỉ lệ đòn bẩy bắt buộc
- Bốn là, cải thiện thanh khoản ngân hàng
- Năm là, hạn chế tính chu kì
- Sáu là, tập trung vào tài sản rủi ro
- Bảy là, nâng cao khả năng xử lí rủi ro tín dụng
- Tám là, đơn giản hóa cách thức xử lí rủi ro hoạt động
- Chín là, nâng tỉ trọng đòn bẩy đối với những ngân hàng lớn
- Mười là, hình thành sàn thu nhập lành mạnh hơn và nhạy cảm với rủi ro
2.2. Việc triển khai và thực hiện Basel III tại các NHTM Việt Nam
- Đối với Basel III, hiện chưa có bất kì quy định nào bắt buộc phải áp dụng toàn bộ tiêu chuẩn này cho các ngân hàng Việt Nam. Tuy nhiên, một số ngân hàng đã tiên phong trong việc triển khai Basel III. Chẳng hạn như NHTM cổ phần (NHTMCP) Quốc tế (VIB) đã triển khai áp dụng các chỉ số quản trị rủi ro theo chuẩn mực Basel III từ năm 2020.
- Basel III là chuẩn mực quản trị rủi ro đang được nhiều ngân hàng Việt Nam hướng đến, giúp các ngân hàng nâng cao năng lực vốn, kiểm tra sức chịu đựng của ngân hàng trong những tình huống xấu nhất và quản lí rủi ro thanh khoản. Trong khi đó, IFRS 9 là chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế quan trọng đối với ngân hàng. IFRS 9 mang lại những lợi ích lớn cho các tổ chức tài chính như tăng cường tính minh bạch, tăng khả năng so sánh, gia tăng chất lượng thông tin công bố, từ đó mở rộng cánh cửa hội nhập vào thị trường vốn quốc tế.
- Những chuẩn mực quốc tế này giúp ngân hàng đối phó với các tình huống rủi ro về tài chính, kinh tế và mở ra cơ hội tiếp cận với thị trường tài chính quốc tế. Không thể chối cãi những lợi ích to lớn từ việc áp dụng IFRS hay Basel III, nhưng việc thực hiện các tiêu chuẩn khắt khe lại không dễ dàng với phần lớn các ngân hàng. Thực tế cho thấy, sau hơn 12 năm ban hành Hiệp ước Basel III, chỉ một số ít NHTM đã triển khai và áp dụng thành công một hoặc cả hai tiêu chuẩn này hoặc đang trong quá trình áp dụng.
- Nhờ vào chú trọng quản trị rủi ro mà những ngân hàng đi đầu về Basel II, Basel III, IFRS đang là những ngân hàng thuộc top đầu khả năng sinh lời, top đầu chất lượng tài sản tốt và được xếp hạng cao không chỉ trong nước mà quốc tế. Từ đó, các ngân hàng có cơ hội thu hút dòng vốn từ nước ngoài, nâng cao uy tín đối với khách hàng và các nhà đầu tư.
2.3. Một số rào cản đối với NHTM Việt Nam khi triển khai thực hiện Basel III
Nhằm nâng cao khả năng đảm bảo thanh khoản và chống chịu trước các tình huống khủng hoảng, đã có một số ngân hàng chủ động áp dụng sớm chuẩn mực an toàn quốc tế Basel III. Tuy nhiên, ở Việt Nam, quá trình triển khai và thực hiện Basel III tại các NHTM còn gặp không ít rào cản, cụ thể:
- Một là, thách thức về nguồn vốn. Để áp dụng Basel III, các ngân hàng phải chuẩn bị một lượng vốn dồi dào, chấp nhận mức đệm dự phòng lớn hơn để giảm rủi ro trong hoạt động. Ngoài ra, các NHTM phải đáp ứng được những tiêu chuẩn, chuẩn mực nhằm đảm bảo khả năng nắm bắt rủi ro. Đây là những thách thức lớn, phải là những ngân hàng có tiềm lực tài chính mạnh mới có thể đáp ứng.
- Hai là, Việt Nam đang thiếu một trung tâm dữ liệu ngân hàng chính xác, đáng tin cậy và được cập nhật thường xuyên. Để áp dụng thành công các trụ cột của Basel III đòi hỏi hệ thống ngân hàng phải có số liệu chính xác, đáng tin cậy và kịp thời. Nếu rủi ro không được tính toán chính xác, bị phóng đại hoặc ước lượng thấp đi có thể làm vô hiệu hóa tác dụng tích cực của Basel III. Đặc biệt, các dữ liệu hiện có tại các NHTM Việt Nam chủ yếu được quản lí trên hệ thống ngân hàng lõi (Core Banking) và trên các file excel mà chưa có một kho dữ liệu hợp nhất như yêu cầu của Hiệp ước Basel.
- Ba là, thiếu cơ sở xếp hạng tín dụng thống nhất cho cả hệ thống ngân hàng. Hiện tại, NHNN chưa đưa ra một hệ thống quy chuẩn cho việc xây dựng hệ thống tại các NHTM, do đó việc xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ tại mỗi ngân hàng được theo quy định riêng của mỗi ngân hàng. Điều này dẫn đến một số bất cập trong việc so sánh, đánh giá cùng một đối tượng khách hàng nhưng lại có kết quả khác nhau. Mặt khác, để đáp ứng yêu cầu về đánh giá rủi ro tín dụng, đòi hỏi các ngân hàng phải chủ động trong khâu quản lí rủi ro, có hệ thống xếp hạng tín nhiệm nội bộ, đảm bảo chính xác cao, đồng thời phù hợp với chuẩn mực hiện nhiều ngân hàng đang sử dụng.
- Bốn là, rào cản về chất lượng nguồn nhân lực. Một trong những yếu tố quan trọng để áp dụng thành công Basel III là công tác đào tạo nguồn nhân lực nhằm trang bị những kiến thức tổng quát và các kĩ năng cần thiết. Hiện nay, năng lực giám sát, quản trị ngân hàng ở Việt Nam còn bất cập, chưa theo kịp nhịp độ phát triển, sự đa dạng hóa loại hình, công cụ tài chính cũng như sự phát triển năng động của thị trường. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, giám sát (cả vi mô, lẫn vĩ mô) chưa đáp ứng được yêu cầu của bối cảnh mới.
- Năm là, NHTM Việt Nam chưa đáp ứng đủ điều kiện của Basel III, đặc biệt là yêu cầu cao về vốn. Việc ứng dụng đại trà chuẩn mực quản trị rủi ro nguyên mẫu theo Basel cho các NHTM Việt Nam cần một lộ trình để thích nghi do sự chênh lệch hiện tại về mức độ phát triển kinh tế và về trình độ công nghệ ngân hàng giữa Việt Nam với các quốc gia khác.
- Sáu là, chi phí để áp dụng Basel III cao và khả năng tài chính của các NHTM Việt Nam còn có hạn. Việc triển khai và thực hiện các trụ cột theo Basel III đòi hỏi nhiều chi phí. Với gánh nặng phải tuân thủ các chuẩn mực Basel III, các ngân hàng ở châu Âu đã được ước tính phải bỏ ra hàng chục triệu USD để thực thi Basel III. Như vậy, thường chỉ có các ngân hàng lớn ở Việt Nam mới có đủ khả năng theo đuổi cuộc chơi tốn kém này.
3. Một số khuyến nghị
- Thứ nhất, nâng cao chất lượng dữ liệu của Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC). Việc phát triển cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia là nhiệm vụ cốt lõi, thường xuyên và liên tục. Vì vậy, CIC cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm phát triển cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng cả về chiều rộng và chiều sâu.
- Thứ hai, hoàn thiện phương pháp xếp hạng tín dụng. Hiện nay, theo hướng dẫn của Hiệp ước an toàn vốn Basel III, hệ thống xếp hạng tín nhiệm nội bộ phải được xây dựng cho từng nhóm khách hàng với những tính chất rủi ro đặc thù khác nhau. Bên cạnh đó, hệ thống xếp hạng tín nhiệm nội bộ phải định lượng được xác suất vỡ nợ của khách hàng trong một khoảng thời gian nhất định ứng với từng hạng tín nhiệm cụ thể.
- Mặt khác, NHNN cần đưa ra một hệ thống quy chuẩn cho việc xây dựng hệ thống tại các NHTM, nhằm khắc phục tình trạng mỗi NHTM xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ tại mỗi ngân hàng theo cách riêng, dẫn đến tốn kém chi phí và gây ra những bất cập, bất tương xứng trong việc so sánh, đánh giá cùng một đối tượng khách hàng.
- Thứ ba, nâng cao hiệu quả hệ thống kiểm toán nội bộ và năng lực giám sát. Các NHTM cần nâng cao hiệu quả hệ thống kiểm toán nội bộ. Định kì, kiểm toán nội bộ đánh giá hoạt động kinh doanh, tập trung vào các rủi ro chiến lược và rủi ro tác nghiệp, từ đó đưa ra các khuyến nghị để cấp quản lí rà soát, xác định và giải quyết. Yêu cầu bộ phận kiểm toán nội bộ phải có hiểu biết toàn diện về toàn bộ hoạt động ngân hàng, các vấn đề pháp lí và quy định.
- Thứ tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Xây dựng chiến lược đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực trung và dài hạn có đủ khả năng đón đầu phát triển hệ thống NHTM Việt Nam trong thời gian tới. Chế độ ưu đãi cần thiết đối với những chuyên viên, cán bộ trong lĩnh vực ngân hàng cũng cần được quan tâm. Tránh để xảy ra tình trạng chảy máu chất xám trong điều kiện Việt Nam hiện nay, đồng thời, nâng cao đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm của cán bộ ngân hàng.
- Thứ năm, nâng cao nguồn vốn theo yêu cầu của Basel III. Các ngân hàng có quy mô vốn trung bình và nhỏ đang chật vật trong việc đáp ứng và giữ các tiêu chí của Basel II, do đó rất khó để tiến đến các quy định của Basel III. Vì thế, các NHTM cần quan tâm cải thiện hiệu suất kinh doanh, tăng lợi nhuận sau thuế, tăng vốn đệm, đặc biệt chú trọng hệ số an toàn vốn. Bên cạnh đó, quan tâm hơn đến việc xử lí rủi ro tín dụng; tính thị trường của các rủi ro liên quan đến tài sản ngân hàng đang nắm giữ, sau đó tiến đến một lộ trình phù hợp để triển khai thực hiện Basel III.
Tài liệu tham khảo:
1. Basel Committee on Banking Supervision (2010). Countercyclical capital buffer proposal, Bank for International Settlements.
2. Phan Thị Hoàng Yến (2019). Thực trạng áp dụng Basel tại Việt Nam, truy cập từ https://thitruongtaichinhtiente.vn/thuc-trang-ap-dung-basel-tai-viet-nam-22800.html
3. Quỳnh Trang (2022). Chủ động tiến tới Basel III, truy cập từ https://thoibaonganhang.vn/chu-dong-tien-toi-basel-iii-134586.html
4. Thủy Tiên (2020). Đi trước làm việc khó, một ngân hàng thí điểm chuẩn mực Basel III tại Việt Nam, truy cập từ https://tapchitaichinh.vn/di-truoc-lam-viec-kho-mot-ngan-hang-thi-diem-chuan-muc-basel-iii-tai-viet-nam.html
5. Thanh Anh (2022). Nhiều ngân hàng chuẩn bị hoàn thành Basel III, truy cập từ https://cafef.vn/nhieu-ngan-hang-chuan-bi-hoan-thanh-basel-iii-20220822165102483.chn
ThS. Nguyễn Thị Ánh Ngọc,ThS. Nguyễn Thị Diễm
Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh - Phân hiệu Vĩnh Long
https://tapchinganhang.gov.vn/basel-iii-qua-trinh-thuc-hien-tai-viet-nam-va-mot-so-khuyen-nghi.htm