Các thông tin về hình thức đầu tư tại Việt Nam hiện nay được quy định như thế nào? Hãy tìm hiểu qua bài viết sau cùng Công ty Kế Toán AGS Việt Nam nhé
1. Có bao nhiêu loại hình thức đầu tư tại Việt Nam?
Căn cứ theo quy định tại Điều 21 Luật Đầu tư 2020 quy định về các hình thức đầu tư như sau:
Điều 21. Hình thức đầu tư
1. Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế.
2. Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp.
3. Thực hiện dự án đầu tư.
4. Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.
5. Các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ.
2. Hình thức đầu tư thành lập tổ chức kinh tế là gì?
Hình thức đầu tư thành lập tổ chức kinh tế được quy định tại Điều 22 Luật Đầu tư 2020 như sau.
Điều 22. Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế
1. Nhà đầu tư thành lập tổ chức kinh tế theo quy định sau đây:
a) Nhà đầu tư trong nước thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế;
b) Nhà đầu tư nước ngoài thành lập tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Điều 9 của Luật này;
c) Trước khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trừ trường hợp thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
2. Kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ khác có giá trị pháp lý tương đương, tổ chức kinh tế do nhà đầu tư nước ngoài thành lập là nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Theo đó có thể hiểu thành lập tổ chức kinh tế là một hình thức đầu tư trực tiếp, trong đó nhà đầu tư trực tiếp bỏ vốn để thành lập và tham gia hoạt động quản lý.
3. Đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế như thế nào?
Đây là hình thức nhà đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế (doanh nghiệp) đang hoạt động để thực hiện hoạt động đầu tư. Việc đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế được quy định tại Điều 24, Điều 25, Điều 26 Luật Đầu tư 2020.
Nhà đầu tư có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế và thực hiện đưới các hình thức sau:
- Mua cổ phần phát hành lần đầu hoặc cổ phần phát hành thêm của công ty cổ phần;
- Góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh;
- Góp vốn vào tổ chức kinh tế khác không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này.
- Mua cổ phần của công ty cổ phần từ công ty hoặc cổ đông;
- Mua phần vốn góp của thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn để trở thành thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn;
- Mua phần vốn góp của thành viên góp vốn trong công ty hợp danh để trở thành thành viên góp vốn của công ty hợp danh;
- Mua phần vốn góp của thành viên tổ chức kinh tế khác không thuộc trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản này.
Khi nhà đầu tư thực hiện việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế phải đáp ứng các điều kiện và thực hiện thủ tục thay đổi thành viên, cổ đông theo quy định của pháp luật tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế.
4. Hình thức đầu tư thực hiện dự án đầu tư được hiểu thế nào?
Căn cứ theo quy định tại khoản 4, khoản 5, khoản 6, khoản 7 Điều 3 Luật Đầu tư 2020 giải thích dự án đầu tư là tập hợp đề xuất bỏ vốn trung hạn hoặc dài hạn để tiến hành các hoạt động đầu tư kinh doanh trên địa bàn cụ thể, trong khoảng thời gian xác định.
Dự án đầu tư bao gồm 3 loại như sau:
- Dự án đầu tư mở rộng là dự án đầu tư phát triển dự án đầu tư đang hoạt động bằng cách mở rộng quy mô, nâng cao công suất, đổi mới công nghệ, giảm ô nhiễm hoặc cải thiện môi trường.
- Dự án đầu tư mới là dự án đầu tư thực hiện lần đầu hoặc dự án đầu tư độc lập với dự án đầu tư đang hoạt động.
- Dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo là dự án đầu tư thực hiện ý tưởng trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh.
Căn cứ quy định tại Điều 42 Luật Đầu tư 2020 về nguyên tắc thực hiện dự án đầu tư như sau:
Điều 42. Nguyên tắc thực hiện dự án đầu tư
1. Đối với dự án đầu tư thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư, việc chấp thuận chủ trương đầu tư phải được thực hiện trước khi nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư.
2. Đối với dự án đầu tư thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước khi thực hiện dự án đầu tư.
3. Nhà đầu tư có trách nhiệm tuân thủ quy định của Luật này, pháp luật về quy hoạch, đất đai, môi trường, xây dựng, lao động, phòng cháy và chữa cháy, quy định khác của pháp luật có liên quan, văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư (nếu có) và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có) trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư.
5. Hình thức đầu tư theo hợp đồng hợp tác kinh doanh BCC (Business Cooperation Contract) là gì?
Theo quy định tại khoản 14 Điều 3 Luật Đầu tư 2020 định nghĩa hợp đồng BCC như sau:
14. Hợp đồng hợp tác kinh doanh (sau đây gọi là hợp đồng BCC) là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh, phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm theo quy định của pháp luật mà không thành lập tổ chức kinh tế.
Căn cứ theo quy định tại Điều 27 Luật Đầu tư 2020 quy định về thực hiện đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC như sau:
Điều 27. Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC
1. Hợp đồng BCC được ký kết giữa các nhà đầu tư trong nước thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.
2. Hợp đồng BCC được ký kết giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài hoặc giữa các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định tại Điều 38 của Luật này.
3. Các bên tham gia hợp đồng BCC thành lập ban điều phối để thực hiện hợp đồng BCC. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ban điều phối do các bên thỏa thuận.
Tại Điều 28 Luật Đầu tư 2020 quy định về hợp đồng BCC phải bao gồm các nội dung sau:
- Tên, địa chỉ, người đại diện có thẩm quyền của các bên tham gia hợp đồng; địa chỉ giao dịch hoặc địa điểm thực hiện dự án đầu tư;
- Mục tiêu và phạm vi hoạt động đầu tư kinh doanh;
- Đóng góp của các bên tham gia hợp đồng và phân chia kết quả đầu tư kinh doanh giữa các bên;
- Tiến độ và thời hạn thực hiện hợp đồng;
- Quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng;
- Sửa đổi, chuyển nhượng, chấm dứt hợp đồng;
- Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, phương thức giải quyết tranh chấp.
Các bên tham gia hợp đồng BCC được thỏa thuận sử dụng tài sản hình thành từ việc hợp tác kinh doanh để thành lập doanh nghiệp. Ngoài ra các bên có quyền thỏa thuận những nội dung khác không trái với quy định của pháp luật.
Như vậy, đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC là hình thức đầu tư được thiết lập trên cơ sở hợp đồng ký kết giữa các nhà đầu tư nhưng không thành lập pháp nhân mới. Trong đó, quyền và nghĩa vụ của các bên không có sự ràng buộc về mặt tổ chức như ở các hình thức đầu tư thành lập pháp nhân mới mà chỉ ràng buộc với nhau bởi hợp đồng.
Về bản chất pháp lý: Pháp luật tôn trọng sự thỏa thuận của các bên trong hoạt động đầu tư. Trên nguyên tắc bảo vệ quyền lợi đôi bên và bảo đảm các bên thực hiện đúng theo quy định pháp luật.
Nguồn: http://118.69.84.238:801/phap-luat/dau-tu-tai-viet-nam-co-the-thuc-hien-duoi-bao-nhieu-hinh-thuc-moi-loai-hinh-thuc-dau-tu-duoc-quy-di-343230-15959.html