Vi phạm hành chính nào về thuế chỉ bị phạt cảnh cáo?

2024/08/30

ThuếQuảnlý

Công ty Kế toán AGS Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực tư vấn và cung cấp dịch vụ Kế toán, Kiểm toán, Thuế, Tư vấn quản lý, chuyển đổi và tái cơ cấu doanh nghiệp.

Trong bài viết này công ty AGS sẽ chia sẻ về chủ đề Vi phạm hành chính nào về thuế chỉ bị phạt cảnh cáo. Bài viết dành cho các kế toán viên đang phụ trách về phần thuế đang muốn tìm hiểu thêm về những quy định của thuế. AGS muốn chia sẽ về chủ đề này bởi vì các chính sách ngày càng được cập nhật và đổi mới, các kế toán viên nên nhanh chóng nắm bắt được điều này.
Cùng tìm hiểu kĩ hơn về chủ đề này qua bài viết dưới đây nhé.

1. Vi phạm nào về thuế chỉ bị phạt cảnh cáo?

Căn cứ Nghị định 125/2020/NĐ-CP, các vi phạm hành chính về thuế chỉ bị phạt cảnh cáo gồm có các vi phạm sau:
  • Đăng ký thuế; thông báo tạm ngừng kinh doanh; thông báo tiếp tục kinh doanh trước thời hạn thông báo quá thời hạn theo quy định từ 01 - 10 ngày và có tình tiết được giảm nhẹ (căn cứ tại khoản 1 Điều 10).
  • Thông báo thay đổi nội dung đăng ký thuế đã quá thời hạn theo quy định từ 01 - 30 ngày mà không làm thay đổi giấy chứng nhận đăng ký thuế/thông báo mã số thuế và có tình tiết được giảm nhẹ trách nhiệm (căn cứ tại khoản 1 Điều 11).
  • Thông báo về việc thay đổi nội dung đăng ký thuế đã quá thời hạn theo quy định từ 01 - 10 ngày làm thay đổi giấy chứng nhận đăng ký thuế/thông báo mã số thuế và có tình tiết được giảm nhẹ trách nhiệm (căn cứ tại khoản 1 Điều 11).
  • Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn theo quy định từ 01 - 05 ngày mà có tình tiết được giảm nhẹ (căn cứ tại khoản 1 Điều 13).
  • Báo cáo nhận in hoá đơn quá hạn quy định từ 01 - 05 ngày, tính từ ngày hết thời hạn (căn cứ tại khoản 1 Điều 21).
  • Báo cáo nhận in hóa đơn quá thời hạn quy định từ 06 - 10 ngày, tính từ ngày hết thời hạn và có tình tiết giảm nhẹ (căn cứ tại khoản 1 Điều 21).
  • Lập hóa đơn không đúng thời điểm quy định nhưng không dẫn đến chậm thực hiện nghĩa vụ thuế, đồng thời có tình tiết giảm nhẹ (căn cứ tại khoản 1 Điều 24).
  • Lập hóa đơn liên tục từ số nhỏ đến lớn mà khác quyển (dùng quyển có số thứ tự lớn hơn trong khi chưa dùng quyển có số thứ tự nhỏ hơn) và tổ chức/cá nhân sau khi phát hiện đã hủy các quyển có số thứ tự nhỏ hơn (căn cứ tại khoản 1 Điều 24).
  • Lập sai loại hóa đơn đã giao cho người mua/đã kê khai thuế, bên bán và bên mua phát hiện đã lập sai loại hóa đơn và lập lại loại hóa đơn theo đúng quy định trước khi cơ quan thẩm quyền có quyết định về việc thanh tra, kiểm tra tại trụ sở của người nộp thuế và không làm ảnh hưởng đến việc xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế (căn cứ tại khoản 1 Điều 24).
  • Khai báo mất, cháy, hỏng hóa đơn quá hạn từ 01 - 05 ngày, tính từ khi hết thời hạn khai báo theo quy định pháp luật mà có tình tiết được giảm nhẹ trách nhiệm (căn cứ tại khoản 1 Điều 25).
  • Làm mất/cháy/hỏng hóa đơn đã lập (trừ liên được giao cho khách hàng) trong quá trình sử dụng, đã kê khai, nộp thuế hoặc có hồ sơ chứng từ chứng minh về việc mua bán hàng hóa, dịch vụ, đồng thời có tình tiết được giảm nhẹ trách nhiệm (căn cứ tại khoản 1 Điều 26).
  • Làm mất/cháy/hỏng hóa đơn đã lập sai hoặc đã xóa bỏ và người bán đã lập hóa đơn khác thay thế hóa đơn lập sai hoặc bị xóa bỏ này (căn cứ tại khoản 1 Điều 26).
  • Hủy/tiêu hủy hóa đơn quá hạn từ 01 - 05 ngày làm việc, tính từ ngày hết thời hạn phải hủy/tiêu hủy hóa đơn và có tình tiết được giảm nhẹ trách nhiệm (căn cứ tại khoản 1 Điều 27).
  • Nộp thông báo/báo cáo về hóa đơn quá hạn từ 01 - 05 ngày, tính từ khi hết thời hạn quy định mà có tình tiết được giảm nhẹ trách nhiệm (căn cứ tại khoản 1 Điều 29).

2. Đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế gồm những ai?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định, các đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế gồm có:
  • Người nộp thuế mà có hành vi vi phạm hành chính về thuế;
Trường hợp người nộp thuế đã uỷ quyền cho tổ chức/cá nhân khác thực hiện nghĩa vụ thuế mà pháp luật về thuế hoặc quản lý thuế quy định nghĩa vụ của bên được uỷ quyền phải thực hiện thay cho người nộp thuế, nếu bên được uỷ quyền có hành vi vi phạm thì bên được uỷ quyền là đối tượng bị xử phạt.
Trường hợp theo quy định về thuế, quản lý thuế tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ đăng ký thuế, khai và nộp thuế thay cho người nộp thuế mà những người nay có hành vi vi phạm thì cá nhân, tổ chức đó là đối tượng bị xử phạt.
  • Tổ chức/cá nhân liên quan đến vi phạm hành chính về thuế.

3. Có bị xử phạt vi phạm khi được gia hạn nộp hồ sơ khai thuế không?

Theo quy định tại khoản 5 Điều 9 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định về trường hợp không xử phạt vi phạm về thuế như sau:

“5. Không xử phạt hành vi vi phạm về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế trong thời gian người nộp thuế được gia hạn nộp hồ sơ khai thuế đó.”

Như vậy, theo quy định trên thì trong thời gian cá nhân, tổ chức được gia hạn nộp hồ sơ khai thuế thì sẽ không bị xử phạt vi phạm liên quan đến thời hạn nộp hồ sơ khai thuế.

4. Tổng hợp các mức phạt vi phạm hành chính về thuế

Theo quy định tại khoản 2 Điều 138 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, các mức xử phạt vi phạm hành chính về thuế được quy định cụ thể như sau:
Mức phạt tiền tối đa cho hành vi vi phạm thủ tục thuế tại Điều 141 Luật Quản lý thuế 2019 thì thực hiện theo quy định pháp luật liên quan đến xử lý vi phạm hành chính.
Phạt 10% trên số tiền thuế khai thiếu số tiền phải nộp hoặc số tiền thuế khai tăng thuộc trường hợp được miễn, giảm, hoàn, không thu thuế đối với các hành vi sau đây: Khai sai căn cứ để tính tiền thuế/tiền thuế được phép khấu trừ/xác định sai trường hợp được miễn, giảm hay hoàn thuế dẫn đến hậu quả thiếu tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng tiền thuế được miễn, giảm, hoàn.
Phạt 20% trên số tiền thuế khai thiếu số tiền phải nộp hoặc số tiền thuế mà người nộp thuế khai tăng thuộc trường hợp được miễn, giảm, hoàn hay không thu thuế đối với các hành vi quy định tại khoản 1 và điểm b, c khoản 2 Điều 142 Luật Quản lý thuế 2019.
Phạt từ 01 - 03 lần tiền thuế trốn đối với hành vi tại Điều 143 Luật Quản lý thuế 2019, như: Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan để xác định tiền thuế phải nộp; không xuất hoá đơn hàng hoá, dịch vụ theo quy định; cố ý không kê khai/kê khai sai thuế đối với hàng xuất, nhập khẩu;...

5. Vi phạm về thuế đến mức nào thì phải đi tù?

Căn cứ khoản 1 Điều 200 Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, được sửa đổi, bổ sung tại điểm a khoản 47 Điều 1 Luật số 12/2017/QH14.
Theo đó, người nào có hành vi trốn thuế từ 100 triệu đồng trở lên hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã từng bị xử phạt vi phạm hành chính thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.
Người có hành vi trốn thuế có thể bị phạt tiền từ 100 - 500 triệu đồng hoặc phạt từ từ 03 tháng - 01 năm.
Công ty AGS cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc bài viết này. Hy vọng bạn đã có được những thông tin bổ ích. 
Hãy tiếp tục theo dõi chúng tôi để cập nhật thêm nhiều thông tin cũng như cơ hội việc làm tại AGS nhé.

Thông tin khác

Thông tin tuyển dụng và hướng dẫn

Nguồn: https://luatvietnam.vn/thue-phi-le-phi/vi-pham-nao-ve-thue-chi-bi-phat-canh-cao-565-97945-article.html

Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ