Công ty Kế toán AGS Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực tư vấn và cung cấp dịch vụ Kế toán, Kiểm toán, Thuế, Tư vấn quản lý, chuyển đổi và tái cơ cấu doanh nghiệp.
Trong bài viết này công ty AGS sẽ chia sẻ về chủ đề 5 Tư Duy Đúng bạn trẻ cần có trước khi đi làm. Trong quãng thời gian đi làm, mình học được không ít, từ kiến thức chuyên môn
tới các kỹ năng mềm – những điều mình tin ai làm một thời gian cũng sẽ tốt
hơn, và mình cũng không dám nhận kỹ năng nào của bản thân giỏi hơn hơn số đông
để chia sẻ. Nhưng TƯ DUY ĐÚNG thì không phải ai cũng có. Nếu quay ngược lại
thời gian khi mới bắt đầu rời giảng đường đại học để đi làm, mình ước có ai
rút ruột rút gan mà chỉ cho mình các tư duy này thì có lẽ mình đã không mất
nhiều thời gian để thử và đúc kết như thế.
Nên hôm nay, mình rất muốn ghi lại 5 TƯ DUY ĐÚNG cần có khi đi làm, như một sự
gợi ý cho các bạn trẻ chuẩn bị bước chân vào thị trường lao động và cũng lời
tự nhắc nhở bản thân.
Cùng tìm hiểu kĩ hơn về chủ đề này qua bài viết dưới đây nhé.
1. Kỹ năng viết rất quan trọng
Trong một cộng đồng mình tham gia gần đây, một thành viên chia sẻ anh đang
sống ở Pháp và đã dành được công việc mơ ước nhờ viết. Anh được người quản
lý công ty đánh giá cao ở kỹ năng viết chỉn chu dù là người nước ngoài nói
tiếng Pháp, trong khi nhiều ứng viên người bản xứ lại không tập trung khía
cạnh này.
Mình thích viết. Trong công việc, mình hay viết báo cáo bởi thích biến sự
phức tạp của vấn đề và các con số thành những điều đơn giản và dễ hiểu. Thật
vậy, cùng một tình huống, chỉ cần thay đổi cách diễn đạt và nhấn nhá một
chút là mình đã có thể chuyển đổi ý kiến từ phản đối sang ủng hộ. Mình tin
viết thực sự có sức mạnh to lớn trong việc truyền tải và “thao túng tâm lý”
người đọc, và nếu được sử dụng đúng thì ngòi bút hoàn toàn có thể thay đổi
thế giới theo hướng tích cực. Như cô Phi Vân có chia sẻ trong một podcast
“Viết là một kỹ năng hàng đầu của thế kỷ 21” cũng không phải nói quá.
2. Không có công ty nào hoàn hảo
Giống như con người, mỗi Công ty đều có điều này hợp ý bạn hoặc điều khác
chưa vừa lòng, nên nếu cứ mãi đi tìm một công việc hoàn hảo tất cả mọi mặt
thì không dễ, có lúc vào được công ty hạng A thì công việc và đồng nghiệp
khiến bản thân mông lung, lúc tìm được công ty có chế độ đãi ngộ siêu tốt
thì không hợp sếp.
Kể thật, vài công việc parttime mình làm thời sinh viên hay khi mới ra
trường đều kết thúc bằng một màn combat với sếp. Lúc đó trẻ trâu, mình nghĩ
bản thân oai lắm, cảm giác chiến thắng tức thời thật đã. Nhưng sau đó mình
hiểu khi “cảm xúc đi lên thì trí tuệ đi xuống”, mình chẳng được gì từ những
tranh luận này ngoại trừ cảm giác tức tối. Nên là, nếu không hài lòng, bạn
hoàn toàn có thể ra đi trong êm đẹp thay vì gây một cuộc chiến.
3. Luôn mỉm cười và chào hỏi mọi người
“Lúc nào cũng thấy em/chị cười” – đây là câu nói mình đã được nghe nhiều lần
từ khi đi làm. Không phải lúc nào mình cũng vui vẻ, nhưng khi gặp đồng
nghiệp, mình luôn cố gắng duy trì thái độ tích cực nhất bởi ai cũng đã có đủ
áp lực rồi, đâu cần cho thêm “đá tảng vào balo” của người khác.
Bên cạnh nụ cười, mình cũng hay tranh thủ lúc đi thang máy, gặp nhau trong
pantry lấy nước để trò chuyện dăm câu, có thể chẳng liên quan đến công việc
hay cuộc sống, đôi khi là câu nói vu vơ về thời tiết hay lời khen chiếc váy
ai đó mặc đẹp,… Nụ cười và những câu chuyện giúp chốn công sở như một ngôi
làng vui vẻ hơn là nơi của những người lạ vô tình lướt qua nhau hàng
ngày.
4. Cẩn trọng, làm hết mình cho mỗi công việc được giao
Việc làm hết mình và cẩn trọng trong mỗi công việc là một tư duy quan trọng.
Điều này thể hiện sự tôn trọng công việc của chính mình và người khác. Vài
năm gần đây, sau các bài học “mất tiền”, mình cố gắng thật cẩn thận trong
ngôn từ đến từ dấu chấm phẩy, bởi một câu viết ra có thể mang theo nhiều ý
hiểu nếu không kiểm tra kỹ.
Bên canh đó, mỗi công việc khó được giao là một lần mình đón nhận như một
thử thách để vận dụng khả năng sáng tạo, óc phán đoán và suy nghĩ của bản
thân. Sếp giao 1 thì cố gắng tối thiểu làm được 1,1 và hoàn thành đúng
deadline quy định.
Thỉnh thoảng, mình lại được nghe các anh chị than phiền rằng một số Gen Z
bây giờ làm việc nhanh nhưng hơi ẩu. Khi đó, thay vì trách nhân sự, mình sẽ
cố gắng xem lại vai trò leader của bản thân đã đưa ra hướng dẫn đúng và chi
tiết chưa, hay hiểu thế mạnh của nhân sự để phân công đúng công việc chưa.
5. Sắp xếp thời gian hợp lý và hãy học hỏi nhiều nhất có thể
“Tôi bận lắm, không có thời gian để làm XYZ đâu.” – đây là câu nói cửa miệng
của nhiều người để từ chối làm việc gì đó, có thể liên quan tới công việc
hoặc các việc liên quan tới phát triển chính bản thân họ. Nhưng vẫn là câu
nói “Muốn thì tìm cách, không muốn thì tìm lý do”, bạn luôn có đủ thời gian
để làm những điều bạn thực sự muốn.
Viết, đọc,… là cách để mình phát triển bản thân, có thể không liên quan tới
các kiến thức chuyên môn nhưng khi não bộ được kích hoạt và nạp kiến thức
mỗi ngày, tốc độ lão hóa của nó sẽ chậm lại đồng nghĩa với tốc độ xử lý công
việc sẽ tăng lên. Nên là, hãy cố gắng học hỏi nhiều nhất có thể, từ bất kỳ
nguồn nào.
Để kết thúc bài chia sẻ đã quá dài này, mình muốn gửi một thông điệp tới
những ai đã dành thời gian đọc đến đây.
Đừng tin ngay 5 tư duy này, nó có thể đúng với nhân sinh quan và trải nghiệm
của mình, nhưng với bạn thì có thể chưa phải lúc. Hãy thử và tự đúc kết,
trân quý mỗi công việc, từng mối quan hệ bởi đó chính là những bài học vũ
trụ muốn bạn hoàn thành. Bên cạnh đó, liên tục học hỏi, sáng tạo, khiêm tốn
và nghĩ cách tăng giá trị của chính bạn bằng việc tạo ra giá trị cho công ty
và đồng nghiệp. Đó chính là đích đến của người đi làm chân chính. Một khi
bạn mang lại giá trị cho người khác, bạn sẽ được yêu mến và đạt được điều
mình muốn.
Công ty AGS cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc bài viết này. Hy vọng bạn đã có được những thông tin bổ ích. Hãy tiếp tục theo dõi chúng tôi để cập nhật thêm nhiều thông tin cũng như cơ hội việc làm tại AGS nhé.
Thông tin khác
Thông tin tuyển dụng và hướng dẫn
Nguồn: https://chuyennghekekiem.com/5-tu-duy-dung-ban-tre-can-co-truoc-khi-di-lam/