Công ty Kế toán AGS Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực tư vấn và cung cấp dịch vụ Kế toán, Kiểm toán, Thuế, Tư vấn quản lý, chuyển đổi và tái cơ cấu doanh nghiệp.
Trong bài viết này công ty AGS sẽ chia sẻ về chủ đề Người khai hải quan có được yêu cầu cơ quan hải quan kiểm tra lại thực tế hàng hóa đã kiểm tra không?
Cùng tìm hiểu kĩ hơn về chủ đề này qua bài viết dưới đây nhé.
1. Người khai hải quan có được yêu cầu cơ quan hải quan kiểm tra lại thực tế hàng hóa đã kiểm tra không?
Căn cứ theo điểm d khoản 1 Điều 18 Luật Hải quan 2014 quy định như sau:
Quyền và nghĩa vụ của người khai hải quan
1. Người khai hải quan có quyền:
a) Được cơ quan hải quan cung cấp thông tin liên quan đến việc khai hải quan đối với hàng hóa, phương tiện vận tải, hướng dẫn làm thủ tục hải quan, phổ biến pháp luật về hải quan;
b) Yêu cầu cơ quan hải quan xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan đối với hàng hóa khi đã cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin cho cơ quan hải quan;
c) Xem trước hàng hóa, lấy mẫu hàng hóa dưới sự giám sát của công chức hải quan trước khi khai hải quan để bảo đảm việc khai hải quan được chính xác;
d) Yêu cầu cơ quan hải quan kiểm tra lại thực tế hàng hóa đã kiểm tra, nếu không đồng ý với quyết định của cơ quan hải quan trong trường hợp hàng hóa chưa được thông quan;
đ) Sử dụng hồ sơ hải quan để thông quan hàng hóa, vận chuyển hàng hóa, thực hiện các thủ tục có liên quan với các cơ quan khác theo quy định của pháp luật;
...
Theo đó, người khai hải quan sẽ được quyền yêu cầu cơ quan hải quan kiểm tra lại thực tế hàng hóa đã kiểm tra, nếu không đồng ý với quyết định của cơ quan hải quan trong trường hợp hàng hóa chưa được thông quan.
2. Người khai hải quan có phải thực hiện khai bổ sung đối với hàng hóa đã được thông quan khi có sai sót trong việc khai hải quan không?
Căn cứ theo điểm b khoản 4 Điều 29 Luật Hải quan 2014 quy định như sau:
Khai hải quan
1. Người khai hải quan phải khai đầy đủ, chính xác, rõ ràng các tiêu chí thông tin tờ khai hải quan.
2. Khai hải quan được thực hiện theo phương thức điện tử, trừ trường hợp người khai hải quan được khai trên tờ khai hải quan giấy theo quy định của Chính phủ.
3. Tờ khai hải quan đã đăng ký có giá trị làm thủ tục hải quan. Chính sách quản lý hàng hóa, chính sách thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được áp dụng tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan, trừ trường hợp pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu có quy định khác.
4. Người khai hải quan xác định có sai sót trong việc khai hải quan được thực hiện khai bổ sung trong các trường hợp sau đây:
a) Đối với hàng hóa đang làm thủ tục hải quan: trước thời điểm cơ quan hải quan thông báo việc kiểm tra trực tiếp hồ sơ hải quan;
b) Đối với hàng hóa đã được thông quan: trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày thông quan và trước thời điểm cơ quan hải quan quyết định kiểm tra sau thông quan, thanh tra, trừ trường hợp nội dung khai bổ sung liên quan đến giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu; kiểm tra chuyên ngành về chất lượng hàng hóa, y tế, văn hóa, kiểm dịch động vật, thực vật, an toàn thực phẩm.
Quá thời hạn quy định tại điểm a và điểm b khoản này, người khai hải quan mới phát hiện sai sót trong việc khai hải quan thì thực hiện khai bổ sung và xử lý theo quy định của pháp luật về thuế, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
...
Theo đó, người khai hải quan nếu được xác định có sai sot trong việc khai hải quan thì sẽ được thực hiện khai bổ sung đối với hàng hóa đã được thông quan trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày thông quan và trước thời điểm cơ quan hải quan quyết định kiểm tra sau thông quan, thanh tra.
Lưu ý:
Trừ trường hợp nội dung khai bổ sung liên quan đến giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu; kiểm tra chuyên ngành về chất lượng hàng hóa, y tế, văn hóa, kiểm dịch động vật, thực vật, an toàn thực phẩm.
Nếu quá thời hạn quy định trên mà người khai hải quan mới phát hiện sai sót trong việc khai hải quan thì thực hiện khai bổ sung và xử lý theo quy định của pháp luật về thuế, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
3. Hàng hóa vắng mặt của người khai hải quan được tiến hành kiểm tra thực tế dưới những hình thức nào?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 34 Luật Hải quan 2014 quy định như sau:
Kiểm tra thực tế hàng hóa trong trường hợp vắng mặt người khai hải quan
1. Việc kiểm tra thực tế hàng hóa vắng mặt người khai hải quan do thủ trưởng cơ quan hải quan nơi lưu giữ hàng hóa quyết định và chịu trách nhiệm trong các trường hợp sau đây:
a) Để bảo vệ an ninh;
b) Để bảo vệ vệ sinh, môi trường;
c) Có dấu hiệu vi phạm pháp luật;
d) Quá thời hạn 30 ngày kể từ ngày hàng hóa nhập khẩu đến cửa khẩu mà người khai hải quan không đến làm thủ tục hải quan;
đ) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
2. Việc kiểm tra thực tế hàng hóa vắng mặt người khai hải quan được tiến hành dưới các hình thức:
a) Kiểm tra không xâm nhập qua máy soi;
b) Kiểm tra bằng thiết bị kỹ thuật, các biện pháp nghiệp vụ khác của cơ quan hải quan;
c) Mở hàng hóa để kiểm tra trực tiếp với sự chứng kiến của đại diện cơ quan nhà nước tại khu vực cửa khẩu, đại diện doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi. Việc kiểm tra phải được lập thành văn bản có chữ ký của các bên liên quan.
Như vậy, việc kiểm tra thực tế hàng hóa vắng mặt người khai hải quan được tiến hành dưới các hình thức sau:
- Kiểm tra không xâm nhập qua máy soi;
- Kiểm tra bằng thiết bị kỹ thuật, các biện pháp nghiệp vụ khác của cơ quan hải quan;
- Mở hàng hóa để kiểm tra trực tiếp với sự chứng kiến của đại diện cơ quan nhà nước tại khu vực cửa khẩu, đại diện doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi. Việc kiểm tra phải được lập thành văn bản có chữ ký của các bên liên quan.
Công ty AGS cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc bài viết này. Hy vọng bạn đã có được những thông tin bổ ích. Hãy tiếp tục theo dõi chúng tôi để cập nhật thêm nhiều thông tin cũng như cơ hội việc làm tại AGS nhé.